Tuesday, August 13, 2013

Phân loại hiến pháp - Trịnh Thị Bích Diệp

Tính đến nay, hầu hết các nước trên thế giới đều có hiến pháp. Theo các nguyên tắc khác nhau, hiến pháp có thể chia thành nhiều loại.

Trước hết, căn cứ vào mặt hình thức của Hiến pháp, người ta phân chia Hiến pháp thành 2 loại là Hiến pháp thành văn và Hiến pháp bất thành văn.

Hiến pháp thành văn tức là các quy định của Hiến pháp được viết thành một văn bản nhất định, và được Nhà nước tuyên bố hoặc ghi nhận là đạo luật cơ bản của Nhà nước. Chính việc thừa nhận những đạo luật quy định về cơ cấu tổ chức nhà nước là đạo luật cơ bản của quốc gia, thì những đạo luật ấy gọi là Hiến pháp. Hiến pháp có hiệu lực pháp lý tối cao được thông qua và sửa đổi theo một trình tự đặc biệt. Hiện nay, trên thế giới, Hiến pháp thành văn có khoảng 130 bản. Việc quy định thành văn cũng có ý nghĩa là việc công khai tuyên bố quyền lực Nhà nước thuộc về tay nhân dân.

Hiến pháp không thành văn là tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật, các quy phạm pháp luật được hình thành theo tập tục truyền thống, các án lệ của Toà án tối cao liên quan đến việc tổ chức quyền lực nhà nước, nhưng không được nhà nước công bố hoặc ghi nhận là đạo luật cơ bản của nhà nước. Hiện nay chỉ có 3 nước trên thế giới có Hiến pháp không thành văn là Anh, Niu Dilân, Ixraen. Ở các quốc gia này không có sự phân biệt giữa đạo luật cơ bản và đạo luật thường nhằm mục đích đề cao quyền lực của Nghị viện. Nghị viện có thể làm tất cả mọi việc mà không ai, không một thế lực nào có thể ngăn cản.

Căn cứ vào nội dung, Hiến pháp được chia thành Hiến pháp cổ điển và Hiến pháp hiện đại. Hiến pháp cổ điển là Hiến pháp được thông qua từ đời xa xưa nhưng vẫn có hiệu lực đến ngày nay bằng những chỉnh sửa, chuyển đổi, bổ sung. Đặc điểm cơ bản của chúng là chứa rất ít quy định về quyền dân chủ của nhân dân lao động, chỉ tập trung vào việc phân chia quyền lực Nhà nước. Khuôn mẫu điển hình của Hiến pháp này là Hiến pháp Mỹ với sức sống trên 200 năm, vương quốc Bỉ 1831, ...

Hiến pháp hiện đại là Hiến pháp được thông qua sau chiến tranh thế giới lần 1 và lần 2 ; có quy định về quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Chức năng chính trị chủ yếu của Hiến pháp này là củng cố địa vị thống trị của giai cấp tư sản. Ví dụ như Hiến pháp Nam Tư, Ba Lan, Tiệp Khắc, Bỉ, ...

Căn cứ vào thủ tục thông qua, thay đổi Hiến pháp thì Hiến pháp còn được chia thành Hiến pháp nhu tính và Hiến pháp cương tính. Hiến pháp nhu tính là Hiến pháp có thể sửa đổi hay được sửa đổi bởi chính cơ quan lập pháp, theo thủ tục thông qua các đạo luật bình thường.

Hiến pháp cương tính là Hiến pháp có ưu thế đặc biệt được phân biệt với các luật thường khác, tức là có sự phân biệt giữa quyền lập hiến, quyền nguyên thuỷ, với quyền lập pháp, quyền được thiết lập từ quyền nguyên thuỷ. Hiến pháp với ưu thế của mình phải được một cơ quan đặc biệt thông qua, thường được gọi là quốc hội lập hiến. Các văn bản luật pháp khác được một quốc hội khác - quốc hội lập pháp thông qua. Quốc hội lập pháp chỉ tuân thủ theo những quy định của Hiến pháp đã được quốc hội lập hiến ban hành.

Căn cứ theo bản chất, Hiến pháp còn được chia thành Hiến pháp tư bản chủ nghĩa và Hiến pháp xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp tư bản chủ nghĩa là Hiến pháp của các nước tư bản hay Hiến pháp của các nước pháp triển theo chế độ tư bản chủ nghĩa. Nó thể hiện ý chí của giai cấp tư sản và củng cố nền chuyên chính tư sản. Đặc điểm của Hiến pháp này là tuyên bố bảo vệ quyền tư hữu về tư liệu sản xuất, quyền sở hữu tư nhân là thiêng liêng bất khả xâm phạm. Hiến pháp tư sản thường tập trung nói về 3 cơ quan quyền lực nhà nước trung ương - quốc hội, chính phủ và toà án theo xu hướng công nhận việc áp dụng học thuyết “Tam quyền phân lập”.

Hiến pháp xã hội chủ nghĩa ra đời muộn hơn Hiến pháp tư sản nên đã tiếp thu những hạt nhân dân chủ của hiến pháp tư sản. Nó thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, củng cố nền chuyên chính vô sản. Hiến pháp xã hội chủ nghĩa có những đặc điểm khác hiến pháp tư sản : áp dụng nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa, tất cả quyền lực nhà nước tập trung thống nhất vào tay Quốc hội ; ghi nhận vai trò lãnh đạo của nhà nước, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản ; đối tượng điều chỉnh rộng hơn và còn quy định các mối quan hệ khác liên quan đến việc tổ chức xã hội : chế độ kinh tế, văn hoá, an ninh quốc phòng, ... đồng thời quy định nhiều mục tiêu phấn đấu của xã hội làm cho hiến pháp mang tính cương lĩnh ...

Trịnh Thị Bích Diệp – DS32D028 – Nhóm 3 D1

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code