Trước
một vấn đề khó khăn nào đó cần giải quyết, thông thường "người Phương Đông" thường tìm
cách né tránh, tránh đối diện với nó và tự cho rằng khó khăn đã qua hoặc đã được giải quyết. "Người Phương Tây" thì khác, không rõ từ bao giờ, họ luôn có thói quen đi trực
diện, đi thẳng vào giải quyết những khó khăn một cách không né tránh.
Vấn đề càng khó, họ càng thấy thú vị, càng muốn dấn thân để giải quyết.
Tôi luôn có suy nghĩ không biết có đúng không rằng, phải chăng vì cách
nghĩ, cách làm như thế mà hầu hết các phát minh quan trọng
và tiến bộ mà con người ngày nay đạt được về khoa học - kỹ thuật phần lớn đều khởi nguồn từ các nước
Phương Tây.
Tôi
xin phép không
bàn đến những lĩnh vực khác, mà chỉ hầu chuyện vài lời về mảng khoa học
pháp lý liên quan đến việc giải quyết thế nào khi có tranh chấp, mâu
thuẫn.
Người ta nói rằng người Việt nói chung
là chưa có thói quen sử dụng pháp luật, nhiều người thường rất ngại tiếp xúc với Tòa án. Khi tranh chấp phát sinh, người
Việt thích "hòa giải", thích "chín bỏ làm mười" hơn là kiện tụng, vì "một bồ cái lý
không bằng một tý cái tình".
Hòa giải tôi nghĩ là tốt, nhưng đi vào thực chất chẳng hạn trong một vụ chồng bạo hành thường xuyên đánh vợ thì "cái vỗ vai của ông tổ trưởng tổ dân phố" hay lời nhắc nhở của "hội phụ nữ phường"... có thể có tác dụng
làm người chồng nát rượu, thường xuyên đánh vợ tạm nguôi giận lúc đó, nhưng bản chất thì mâu thuẫn đâu đã được hóa
giải, xung đột quyền lợi và nghĩa vụ của các bên vẫn còn đó.
Vài ngày hôm sau, người vợ lại tiếp tục bị chồng đánh sau khi uống rượu
say. Nhiều người phụ nữ vẫn cứ phải cam chịu như vậy hết ngày này qua
ngày khác.
Điều
này ở Phương Tây (lấy ví dụ ở Đức) là hoàn toàn khác, khi có tranh chấp
phát sinh, người ta tìm đến Tòa án để giải quyết. Mọi người đều bình
đẳng trước pháp luật, mọi việc ai sai, ai đúng thì sẽ được giải quyết ở
Tòa. Họ coi đây là
một việc làm rất bình thường, vì họ hiểu rằng Tòa án mới là nơi mà tranh chấp sẽ được giải quyết một cách tốt nhất, là nơi mọi người có thể hiểu nhau hơn.
Trong cuộc sống, công việc hàng ngày cũng vậy, người
Việt thường có tâm lý nếu như có ai đó phê phán, góp ý cho mình thì
thường tỏ ra không vui, tiêu cực hơn có người còn tỏ ra căm ghét luôn cả
người đã phê phán, phản biện lại mình, bất luận là lời góp ý đấy xuất
phát từ động cơ nào.
Ở Đức theo như tôi thấy thì khi có một vấn đề xung đột, thay vì phải "nhẫn nhịn", phải mang
những bực tức trong người, họ thường tìm
cách đối thoại trực tiếp. Đối thoại trực tiếp, đi thẳng trực diện vào vấn đề để tìm ra giải pháp chung là cách giúp họ thấy rằng "mâu thuẫn đã thực sự được giải quyết".
Người Đức là những người nổi tiếng làm việc rất kỷ luật, rành mạch. Tôi
đã từng thấy giữa các đồng
nghiệp của tôi ở Đức khi có mâu thuẫn phát sinh trong công việc, họ đã
ngồi lại đối thoại,
trực tiếp tìm ra ai đúng, ai sai, sai ở
điểm nào, trách nhiệm thuộc về ai, để lần sau biết mà sửa chữa, mà thận
trọng hơn trong công
việc. Họ không có kiểu "giận dỗi" hay "bằng mặt mà không bằng lòng". Ai
cũng bình đẳng, được tôn trọng như nhau, những vấn đề gì cần phải nói,
cần phải giải quyết thì phải giải quyết, giải quyết xong là xong. Qua
cách đối thoại như thế, mọi người hiểu nhau hơn, hợp tác trong công việc
sau đó cũng vì thế mà tốt hơn. Ở Đức họ thường hiểu rằng nếu bạn có sai
sót, người ta "lờ đi" sai sót đó của bạn, đó mới là điều bất hạnh cho bạn, vì đơn giản bạn sẽ vẫn mãi như thế.
Ngược lại, khi có người khác góp ý riêng một cách tế nhị, họ chỉ ra cái
sai cho mình để rồi biết mà sửa chữa, lần sau không lặp lại, đó mới
thực sự là điều hạnh phúc dành cho bạn.
Không
dám kết luận hồ đồ rằng ở đâu hay hơn, ở đâu tốt hơn. Ở đâu cũng đều có những mặt trái, những điểm
tích cực cần kế thừa. Tôi nghĩ rằng, không tự nhiên mà sự "an lạc" sẽ đến, không chỉ "tự tu" mà có, không chỉ "nín nhịn", "mỉm cười", "hỷ xả" thì mâu thuẫn sẽ tự khắc được giải quyết (THEO TÔI HIỂU ĐÓ LÀ Ở TRẠNG THÁI TĨNH). Nếu đã xác định nhà nước ta đang
tiến tới xây dựng một nhà nước pháp quyền, thì ở một chừng mực nhất định, ta cũng nên học tập những điểm tích cực trong cách xử trí vấn đề của người Phương Tây: cần phải hành động trên cơ sở thượng tôn luật pháp, tăng cường đàm phán, tăng cường làm việc một cách có kỉ luật, hành xử vấn đề một cách có lý trí và bớt dần cảm tính (THEO TÔI HIỂU ĐÓ LÀ CÁCH GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TRONG TRẠNG THÁI ĐỘNG).
0 comments:
Post a Comment