Monday, August 12, 2013

SUY NGHĨ VỀ HỌC THUYẾT PHÁP LÝ VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY



TS.Trần Thái Dương,
Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 1/2006, 
truy cập tại đây 
Là hệ thống các quan điểm lí luận khoa học hoàn chỉnh về những vấn đề nhà nước và pháp luật, học thuyết pháp lí biểu hiện ở cấp độ cao của ý thức pháp luật, tức là những ý niệm của con người về hệ thống các thể chế và thiết chế nhà nước.
Về mặt cấu trúc, học thuyết pháp lí gồm các khái niệm, phạm trù, quy luật vận động khách quan, những mối liên hệ phổ biến về các hiện tượng nhà nước và pháp luật. Học thuyết pháp lí có thể luận giải về nhà nước và pháp luật đã qua, nhà nước và pháp luật đang tồn tại hay chủ trương, kiến giải về mô hình nhà nước và pháp luật trong tương lai.

Tùy theo mỗi cách phân chia với mục tiêu nhất định, học thuyết pháp lí có các loại khác nhau. Ở mức độ khái quát, qua tiến trình lịch sử phát triển của các chế độ xã hội có giai cấp, có nhà nước và pháp luật, khi khoa học hình thành, các quan điểm của các nhà triết học về đời sống chính trị, về nhà nước và pháp luật đã xuất hiện. Đến khi các quan điểm, tư tưởng đó chín muồi thì hình thành nên các học thuyết chính trị - pháp lí. Sau này, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học, luật học (khoa học pháp lí) đã tách thành ngành khoa học độc lập, học thuyết pháp lí giữ vai trò trung tâm, quyết định sự tồn tại và phát triển của luật học với tư cách là ngành khoa học trong hệ thống các khoa học xã hội và nhân văn. Bên cạnh các học thuyết chính trị - pháp lí, về nhà nước và pháp luật nói chung, lúc này những học thuyết về các vấn đề cụ thể như tổ chức bộ máy nhà nước về điều chỉnh pháp luật, các mô hình pháp luật đã được hình thành và phát triển.

Sự phân chia các học thuyết pháp lí thành các học thuyết chung gắn liền với các vấn đề chính trị và các học thuyết về từng lĩnh vực pháp luật chỉ có tính tương đối vì giữa chúng có mối liên hệ chặt chẽ hữu cơ không thể tách rời. Trên thực tế, chính trị và pháp luật là những hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng; chính trị là linh hồn của pháp luật, không có pháp luật nào phi chính trị hay chỉ là những vấn đề chuyên môn kĩ thuật thuần tuý. Ngược lại không có nền chính trị hay xu hướng chính trị nào lại không hướng tới vấn đề chính quyền và luật pháp. Nói như vậy cũng để thấy rằng các học thuyết pháp lí không đơn thuần là những lí thuyết về kĩ thuật pháp luật mà chúng luôn luôn thể hiện những vấn đề lợi ích giai cấp; thể hiện lập trường, thế giới quan và nhân sinh quan chính trị sâu sắc.

Học thuyết pháp lí với ý nghĩa là hệ thống các quan điểm, các phạm trù, khái niệm, các nguyên tắc, các quy luật và mối liên hệ có tính phổ biến giữa các hiện tượng nhà nước và pháp luật chỉ được hình thành và phát triển trên cơ sở hoạt động có tính đặc thù là hoạt động nhận thức tư duy khoa học. Hoạt động thực tiễn về nhà nước và pháp luật đã có từ trước đó, các quan điểm nhận thức có tính đơn lẻ về nhà nước và pháp luật cũng đã xuất hiện nhưng chỉ đến khi hoạt động tư duy lí luận có tính chuyên nghiệp xuất hiện thì mới xuất hiện các học thuyết khoa học nói chung và học thuyết pháp lí nói riêng.

Từ thời Cổ đại, trên thế giới đã hình thành những học thuyết chính trị - pháp lí nổi tiếng, xuất hiện những trường phái khoa học khác nhau về cùng vấn đề của hiện thực khách quan trong xã hội, đó là nhà nước và pháp luật. Những học thuyết nổi tiếng mà cho đến nay người ta vẫn còn suy ngẫm và kiểm nghiệm như thuyết pháp trị và thuyết đức trị ở Trung Quốc thời cổ.

Nhìn chung, các học thuyết pháp lí Cổ đại đã có nhiều đóng góp quan trọng, đặt nền móng cho sự tiếp tục phát triển của luật học thế giới sau này. Có những tư tưởng, quan điểm của các học giả thời đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Vượt qua đêm trường Trung cổ, chuẩn bị cho cuộc cách mạng dân chủ tư sản lật đổ chế độ phong kiến thiết lập kiểu nhà nước tư sản, nhiều học thuyết chính trị - pháp lí ra đời với những nội dung rất phong phú đã mang lại cho nền luật học thế giới những bước tiến vượt bậc. Chẳng hạn: thuyết pháp quyền tự nhiên, thuyết khế ước xã hội, thuyết phân quyền...

Trên cơ sở tổng kết những thành tựu khoa học của thế giới, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã đưa ra học thưyết khoa học, cách mạng nhất về nhà nước và pháp luật. Học thuyết Mác - Lênin về nhà nước và pháp luật đem lại một cách nhìn toàn diện, khách quan, biện chứng và duy vật về những vấn đề chung như nguồn gốc, bản chất, vai trò, chức năng của các kiểu nhà nước trong lịch sử và đặc biệt là đối với nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa - kiểu nhà nước và pháp luật tiến bộ nhất và là cuối cùng trong lịch sử loài người. Học thuyết Mác - Lênin về nhà nước và pháp luật là cơ sở phương pháp luận cho việc hình thành các học thuyết pháp lí xã hội chủ nghĩa.

Trên cơ sở học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam, các học thuyết pháp lí ở nước ta cũng được hình thành. So với các lĩnh vực khoa học khác, luật học là một ngành khoa học còn rất non trẻ đối với Việt Nam. Ngoại trừ một số ít các nhà luật học được đào tạo dưới chế độ thực dân Pháp, đa số các nhà khoa học pháp lí nước ta được đào tạo ở Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa khác như Cộng hoà dân chủ Đức, Ba Lan... Bước vào thời kì đổi mới với chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, nước ta đã cử hàng loạt sinh viên và nghiên cứu sinh đi đào tạo nghiên cứu, học tập ở nhiều nước trên thế giới về các lĩnh vực khoa học, trong đó có lĩnh vực luật học. Đến nay, đội ngũ các nhà khoa học pháp lí của Việt Nam tương đối đa dạng và đang trưởng thành nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Nhìn chung nền khoa học pháp lí Việt Nam trong mấy chục năm qua có đặc điểm nổi bật nhất là chịu ảnh hưởng sâu sắc của khoa học pháp lí nước ngoài: Trước đó thì chịu ảnh hưởng của hệ thống khoa học pháp lí Pháp và châu Âu lục địa, về sau chịu ảnh hưởng của hệ thống khoa học pháp lí Liên Xô. Xu hướng hiện nay của khoa học pháp lí Việt Nam là vận dụng học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, tiếp thu các giá trị chung của nền văn minh nhân loại đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.

Học thuyết pháp lí không phải là các quan điểm, tư tưởng đơn lẻ hay các chủ trương, chính sách của lực lượng cầm quyền về nhà nước và pháp luật, nó chỉ được hình thành trên cơ sở hoạt động tư duy lí luận một cách có hệ thống do các nhà khoa học thực hiện. Nói cách khác, học thuyết pháp lí là sản phẩm của quá trình nhận thức khoa học sáng tạo về hiện thực xã hội, nó không phải đơn thuần là sản phẩm của ý chí hay lòng mong muốn. Do vậy, không có hoạt động khoa học một cách tự do, dân chủ thì cũng không có sự tồn tại của các học thuyết pháp lí.

Học thuyết pháp lí không phải là sản phẩm chỉ có ý nghĩa kinh viện, nó có ảnh hưởng rất lớn đến thực tiễn nhà nước và pháp luật. Giới quyền lực bao giờ cũng chịu ảnh hưởng của những quan niệm học thuyết pháp lí nhất định và từ đó hình thành trước những ý niệm về một nhà nước và hệ thống pháp luật cần phải có. Thực tế cũng đã chứng minh rằng không có hệ thống pháp luật nước nào có thể đầy đủ hoàn toàn để điều chỉnh mọi quan hệ xã hội cần được điều chỉnh. Học thuyết pháp lí không chỉ ảnh hưởng đến việc hình thành một hệ thống pháp luật cụ thể về cơ cấu, về mục đích, nguyên tắc, phương thức điều chỉnh... mà còn đem lại những hiểu biết chung, những quan niệm về các giá trị của công bằng, dân chủ, tiến bộ... từ đó mà ảnh hưởng đến các quyết định lập pháp, những phán quyết của cơ quan nhà nước trong quá trình áp dụng pháp luật.

Học thuyết pháp lí cũng có vai trò to lớn đối với công tác giáo dục nâng cao ý thức pháp luật trong các tầng lớp nhân dân. Các vấn đề nhà nước và pháp luật được trình bày dưới dạng hệ thống tri thức khoa học có tính thuyết phục cao, qua đó thấm sâu vào suy nghĩ, biến thành nếp tư duy và hành động của người dân.

Với vai trò và giá trị như vậy, học thuyết pháp lí không chỉ có ý nghĩa học thuật, nó còn góp phần bổ sung và hỗ trợ tích cực cho hệ thống các quy phạm pháp luật. Ngày nay, nếu quan niệm đầy đủ và thực tế về nguồn luật thì cần phải thừa nhận vai trò không nhỏ của các học thuyết pháp lí.

Ở Việt Nam, từ trước, chúng ta không thừa nhận học thuyết pháp lí có giá trị bổ sung trực tiếp cho hệ thống các quy định pháp luật thực định, thường chúng chỉ được sử dụng có tính chất tham khảo trong giảng dạy, nghiên cứu ở các trường đại học, viện khoa học và nhiều khi mang tính kinh viện, ít được coi trọng đúng mức. Tuy nhiên, trên thực tế ở Việt Nam, học thuyết pháp lí có ảnh hưởng một cách gián tiếp theo cả hai chiều (tích cực và tiêu cực) đến quá trình hình thành, phát triển của hệ thống pháp luật và hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước (cũng trên cơ sở các quy định của pháp luật). Chẳng hạn, do ảnh hưởng của nhận thức cứng nhắc đối với quan điểm học thuyết về bản chất, phương thức tổ chức bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa theo kiểu “nửa nhà nước”, trong thời kì kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp, hệ thống các cơ quan nhà nước đã được tổ chức triển khai sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, thậm chí bao trùm và che lấp hầu hết các thiết chế của đời sống xã hội dân sự.

Trong tổ chức quản lí nền kinh tế trước đây, với ảnh hưởng của thuyết “quản lí theo chức năng” (tức là nền kinh tế càng được phân chia thành nhiều ngành thì số cơ quan nhà nước cũng phải phình to ra, nếu không thì quản lí không xuể),[1] bộ máy nhà nước cũng được tổ chức một cách cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian. Đối với hệ thống pháp luật, do ảnh hưởng của quan điểm học thuyết pháp lí của các nước xã hội chủ nghĩa nên hệ thống pháp luật Việt Nam cũng mang những điểm riêng. Chẳng hạn, sự không tồn tại của Luật Lao động với tư cách là ngành luật độc lập (thực chất là một bộ phận trong ngành luật hành chính) do không tồn tại các quan hệ trao đổi hàng hóa sức lao động.

Học thuyết pháp lí có vai trò tích cực trong định hướng hành động khi áp dụng pháp luật, chẳng hạn lí thuyết về cấu thành tội phạm có ý nghĩa thực tiễn rất to lớn đối với các cơ quan tư pháp nước ta, nhất là trong thời kì nước ta chưa có Bộ luật Hình sự.

Nhũng thời đại kinh tế đã qua cũng chấm dứt vai trò của một số loại học thuyết pháp lí nhất định. Chẳng hạn, học thuyết của Laptev ở Liên Xô trước đây về mô hình ngành luật kinh tế điều chỉnh các quan hệ kinh tế kế hoạch hóa, về hợp đồng kinh tế, về quyền quản lí nghiệp vụ của các xí nghiệp, về hạch toán kinh tế trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung ở nước ta... Những học thuyết về vai trò, chức năng kinh tế của nhà nước xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế kế hoạch hóa, trong đó biến nhà nước trở thành kiểu nhà nước “toàn trị”[2] như thuyết “về tính cần thiết”, “thuyết phân công chức năng”.[3]

Chuyển sang nền kinh tế thị trường, chúng ta phải chuyển đổi tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của nhà nước và xây dựng hệ thống pháp luật với những nội dung và vai trò khác so với thời kì kế hoạch hóa tập trung bao cấp. Hoạt động xây dựng nhà nước và hệ thống pháp luật ở nước ta hiện nay cần dựa trên những quan niệm mới theo hướng hội nhập quốc tế. Nền học lí pháp luật Việt Nam hiện nay cần phải được hình thành, thậm chí phải đi trước một bước để định hướng về lí luận khoa học cho việc triển khai các quan điểm đường lối chính trị của Đảng. Có thể nói, đây là điểm yếu cần phải khắc phục của khoa học pháp lí Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, có thể nói rằng trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta cũng cần tránh xu hướng du nhập một cách rập khuôn máy móc các học lí pháp luật nước ngoài vì điều đó không phải lúc nào cũng đem lại sự tương thích với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống văn hoá Việt Nam. Việc tiếp thu và giao thoa giữa các nền văn hóa trên thế giới là điều khách quan nhưng nền học lí pháp luật Việt Nam ngày nay vẫn cần phải căn bản dựa trên nền tảng truyền thống dân tộc Việt. Mặc dù vậy, cần phải chú ý một thực tế lịch sử rằng Việt Nam không phải là cái nôi sản sinh hay khởi phát ra các học thuyết nói chung mà chỉ tiếp thu, chọn lọc và phát triển nó trong quá trình ứng dụng cho phù hợp với hoàn cảnh của đất nước và con người Việt Nam. Theo tôi, làm tốt được điều đó cũng đã có tác dụng to lớn và rất đáng tự hào rồi. 
-----------------------------

[1] Trương Văn Bân (chủ biên), Bàn về cải cách toàn diện doanh nghiệp nhà nước, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996; tr. 457.

2 PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, Từ nhà nước toàn trị tới thời đại dân doanh , Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 8/2005; tr. 3.

3 Trương Văn Bân (chủ biên), Sđd; tr. 457.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code