Thursday, August 15, 2013

Thực tập,


Image
“Không bao giờ nhìn sư kiện một cách hời hợt. Đừng biến mình thành người lưu trữ sự kiện. Hãy đi sâu vào dự kiện…”

Thực tập là hình thức học tập không thể thiếu ở các trường, nhất là ở trường đại học. Thực tập có thể tiến hành ở phòng thí nghiệm, trên thực địa, hay ở các cơ sở nghiên cứu, sản xuất…

Thực tập nhằm mục đích rèn luyện thao tác kỹ thuật nhằm củng cố và kiểm tra kiến thức lý thuyết đã học và để tập dượt ứng dụng kiến thức khoa học trong thực tế. Ở trường đại học tổng hợp, người ta thường chia ba loại thực tập để kiểm nghiệm kiến thức và thực tập sản xuất là để thử ứng dụng kiến thức trong thực tế.

Những tựu trung, loại thực tập nào cũng gồm hai quá trình, quan sát và thí nghiệm, quan sát là nhìn một cách chú ý và hơn nữa chú ý có định hướng. Nhìn thật dễ mà quan sát thật khó vì phải tập luyện. Có nhà khoa học đã nói: muốn học “nhìn” một sự vật phải tập luyện hàng năm.

Trước hết, quan sát phải biết chọn lọc theo yêu cầu của chủ đề. Đối với cùng sự vật, nếu yêu cầu chủ đề khác nhau thì mặt quan sát cũng khác. Thí dụ, trong thực tập về sinh thái học thực vật, ta phải “nhìn” khu rừng là một quần xã thực vật, chứ không “nhìn” rừng là một tập hợp 10.000 loại cây khác nhau, như trong thực tập về phân loại thực vật.

Hơn nữa quan sát thực hiện bằng giác quan của con người, nên có phần hạn chế nhất định, độ phân tích của giác quan mỗi người mỗi khác. Vì thế, phải quan sát nhiều lần và mỗi đối tượng phải được quan sát bởi nhiều người. Có như vậy, nhận xét về sự vật mới tăng phần chính xác.

Thí dụ, trong thực tập về động vật học, khi giải phẫu con vật, ta phải tham khảo thêm mẫu vật của người bên cạnh và tự mình cũng phải giải phẫu nhiều mẫu vật để so sánh. Những chi tiết giải phẫu lặp lại nhiều lần mới có độ tin cậy đáng kể.

Thí nghiệm là tác động vào sự vật hiện tượng và theo dõi sự biến đổi tương ứng của chúng. Thí dụ, bỏ giấy quì xanh vào dung dịch axít thấy giấy biến màu đỏ.

Nhưng thí nghiệm nào cũng không dừng ở chỗ định tính mà đều tiến tới chỗ định lượng. Người ta không bằng lòng với việc kiểm tra dung dịch xem có axit hay không, mà còn ước lượng độ axít của nó bằng khái niệm PH. Như vậy, kết quả thí nghiệm mới có ý nghĩa. Nói tới độ axit của dung dịch, phải làm thí nghiệm để xác định PH của nó là 6,5 hay 4,…

Vì thế, thực chất nội dung của thí nghiệm là cân, đo, đong, đếm, tức là ước tính đại lượng của tính chất đối tượng nghiên cứu.

Làm thí nghiệm cũng phải lập lại nhiều lần và bởi nhiều người. Tuy nhiên cùng đối tượng nhưng điều kiện thí nghiệm trong thời gian và không gian không phải hoàn toàn in nhau.

Thí dụ, trong thực tập sinh lý học động vật, xác định thành phần huyết cầu của máu cũng phải tiến hành vài lần. Nhìn sai ống chia độ, đếm sai trong kinh hiển vi không phải hiếm. Tăng số lần thí nghiệm sẽ làm giảm sai số trong việc này.

Ngoài ra, thao tác thi nghiệm phải cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác. Sự vật, hiện tượng trong tự nhiên không phải bền vững mà biến đổi tính chất từng giờ từng phút. Có biến đổi ta nhận thấy bằng giác quan thường, có biến đổi tế nhị tới mức giác quan bình thường không cảm thấy. Thí dụ, ta có thể nhận biết thay đổi nhiệt độ và độ ẩm không khí, từ mùa này sang mùa khác, nhưng không dễ dàng nhận biết biến đổi trong một ngày, nếu không có nhiệt kế và ẩm kế.

Trong thực tập giải phẫu động vật, chỉ một nhát dao hay nhát kéo đưa quá tay cũng có thể làm đứt dây thần kinh hay huỷ hạch thần kinh của con vật.

Có những phản ứng hoá học, chỉ cần tăng thêm vài giọt thuốc thử là đã biến đổi tính chất.

Vì vậy, khi làm thí nghiệm phải theo đúng lời chỉ dẫn. Trong khi đó đếm phải rất cẩn thận, tỉ mỉ để có thể tin chắc rằng mình đã không đếm sai, đo sai và phải ghi số liệu vào sổ một cách trung thực không thể bớt. Có nhà khoc học đã nói: Tính chính xác của con số là linh hồn thực sự của khoa học.

Trong cả quan sát và thí nghiệm phải tập trung chú ý vào sự vật và hiện tượng. Sự vật và hiện tượng trong tự nhiên không phải bất biến mà thay đổi rất nhanh. Nhiều mặt của hiện tượng chỉ thoáng qua, nếu khong tập trung chú ý, ta sẽ không nhận biết. Tập trung chú ý sẽ giúp ta ghi được những mặt của sự vật không thấy rõ, những mặt của hiện tượng gần như không đáng kể đối với con người bình thường nhưng lại có ý nghĩa quan trọng đối với khoa học.

Từ xưa tới nay, đã biết bao người làm thịt ếch để ăn nhưng không phát hiện được điều gì lạ. Phải đợi tới nhà sinh lý học Ganvani. Vì quan tâm tới sức khoẻ của bà vợ ốm, ông tự làm thịt ếch để lấy đùi nấu cháo cho người bệnh. Với thao tác cẩn thận của nhà giải phẫu học, với sự tập trung chú ý vào công việc, ông đã phát hiện ra hiện tượng điện sinh học (hiện tượng Ganvani) nổi tiếng trong sinh lý học.

Công việc chuẩn bị tiêu bản thực tập phải được chú ý đặc biệt, theo đúng quy trình kỹ thuật. Không coi trọng điều này, tiêu chuẩn sẽ không phản ánh đúng trạng thể khách quan, dẫn tới sai lầm trong quan sát. Thí dụ, nhiều tiêu bản hiển vi có hình giả tạo, do cách thức nhuộm tiêu bản không chu đáo, làm ngườu nghiên cứu có nhận xét sai lệch về cấu tạo đối tượng.

Khi vẽ các tiêu bản thực tập vào giấy, phải trung thực, phản ánh đúng tình trạng tiêu bản. Tiêu bản mẫu và hình vẽ mẫu chỉ có tính chất tham khảo. Chủ yếu phải so sánh tiêu bản mình làm với tiêu bản mẫu và hình vẽ mẫu, tìm điểm giống nhau và điểm sai khác nhau, suy nghĩ tìm nguyên nhân của sự sau khác do kỹ thuật hay do đặc trưng của tiêu bản…

Chính bằng cách này, đôi khi ta sẽ phát hiện những chi tiết bất ngờ, những kiến thức mới, nhưng ít nhất cũng rút kinh nghiệm được về kỹ thuật chuẩn bị tiêu bản của bản thân. Chuẩn bị tốt, theo đúng quy trình, tiêu bản sẽ rõ ràng, dễ quan sát.

Khi làm thực tập, dụng cụ, hoá chất phải sắp xếp có thư tự nhất định, để khi cần tới thứ gì, không mất thì giờ tìm kiếm.

Góc làm thực tập phải sạch sẽ, vệ sinh. Điều này sẽ góp phần bồi dưỡng đầu óc minh bạch của người trẻ tuổi. Không thể nào sàng tạo với một bộ não lôn xộn, luộm thuộm.

Hiện nay, trong thực tập ở phòng thí nghiệm hay trên thực địa, nhiều sinh viên còn có tính qua loa, đại khái, không tập trung chú ý vào công việc, từ khâu chuẩn bị đối tượng quan sát, thí nghiệm tới khâu viết thu hoạch.

Không ít người ngại việc, hoặc quá chủ quan, không muốn lặp lại quan sát và thí nghiệm nhiều lần.

Kết quả là số liệu thu được không có độ tin cậy đáng kể. Giá trị của các kiến thức đó giảm hẳn. Chúng không những không cho ta những hiểu biết chắc chắn, không giúp ta phát hiện những kiến thức mới, mà còn dẫn tới tác phong tuỳ tiện, làm ẩu, hoàn toàn xa lạ với người lao động có trách nhiệm.

Tính cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác, khả năng tập trung chú ý không phải bẩm sinh mà phải được rèn luyện từ tuổi thơ ấu. Cha mẹ và thầy giáo có tác dụng quan trọng trong việc rèn luyện này. Giao cho các cháu việc gì, phải hướng dẫn thao tác tỉ mỉ và theo dõi sát việc thực hiện.

Nếu gọt bút chì, hãy chú ý gọt cẩn thận như người hoạ công lành nghề. Nếu đóng vở, hãy chú ý đóng buộc như một thợ đóng sách chuyên nghiệp.

Một nhà giáo dục học, có nêu một phương pháp rèn luyện khả năng tập trung chú ý như sau:

Hãy cầm một bông hoa, quan sát khoảng 5 phút rồi mô tả nó một cách đầy đủ, không nhìn lại nó. Muốn thế, ta cầm bông hoa, ngắm nó và tập trung chú ý vào các chi tiết.

Ta chú ý tới hình dạng cánh hoa, đài hoa, nhụy hoa, màu sắc, hương thơm… trong khi tập trung quan sát các bộ phận của hoa, không ai có thể làm phân tán sự chú ý này. Như vậy, chỉ trong 5 phút, ta đã tập trung toàn bộ trí tuệ vào đối tượng quan sát.

Cách thức tập trung vào một ý niệm, một quyết định, một phán đoán, một công thức cũng như vậy. Ta sẽ suy nghĩ về mỗi vấn đề dưới tất cả phương diện. Ý nghĩ nào hiện ra trong óc mà không liên can trực tiếp tới ý niệm chính, sẽ được gạt bỏ tức khắc.

Theo GS.Đào Minh Tiến, Sách: "Khoa học hóa cách suy nghĩ, làm việc , học tập" 

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code