Thursday, August 8, 2013

Chuyện đánh nhau và Cổ luật

CỔ LUẬT XỬ LÝ HÀNH VI “ĐÁNH NHAU” NHƯ THẾ NÀO? Thời gian vừa qua trên mạng xuất hiện nhiều video clip quay cảnh đánh lộn nhau của mấy cô cậu học trò. Bạo lực học đường có lẽ đã trở thành vấn nạn xã hội gây lo lắng không ít cho các bậc phụ huynh. Người thì lo lắng cho sự an toàn của con cái mình, người khác lại băn khoăn không biết pháp luật sẽ xử trí chuyện đó ra sao.
 
                    Pháp luật luôn đặt vấn đề trách nhiệm đối với hành vi của con người hành động trong tình trạng tự do ý chí. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, đối với hành vi đánh lộn nhau kể trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xử phạt hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi xâm phạm đến sức khỏe và quyền tự do thân thể của người khác. Trong trường hợp xử lý hình sự, tội danh được vận dụng có thể là gây rối trật tự công cộng hoặc cố ý gây thương tích, tùy từng trường hợp cụ thể. Nếu thương tật nạn nhân từ 11 % trở lên, theo kết luận giám định pháp y, sẽ xử lý về tội cố ý gây thương tích quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự.
                    Luật nay là như vậy, còn luật xưa giải quyết vấn đề này như thế nào? Trước hết, phải nói rằng, các nhà viết luật trung - cận đại Việt Nam đặt khá nhiều sự quan tâm của họ vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người và trật tự an toàn xã hội. Điều này có thể thấy rõ qua quy định của Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức nhà Lê) và Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long nhà Nguyễn). Gần như toàn bộ chương Đấu tụng (với 50 điều luật) của Quốc triều hình luật và hai chương Đấu ẩu ( Đấu ẩu tập thượng và Đấu ẩu tập hạ) của Hoàng Việt luật lệ điều chỉnh vấn đề trách nhiệm hình sự của người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác. Đáng lưu ý là, cổ luật Việt Nam đã phân hóa hành vi cố ý gây thương tích ra thành rất nhiều các trường hợp khác nhau để có các hình thức, biện pháp và mức độ xử lý khác nhau: gây thương tích trong gia đình, nội tộc; gây thương tích cho thầy dạy học, quan lại, sứ giả, người thuộc tầng lớp trên; gây thương tích trong cung cấm.v.v…
                    Liên quan đến vụ việc mà chúng ta đang bàn, tức là trường hợp mấy cô cậu học trò đánh nhau, xem lại luật xưa, có thể xác định đây là loại vụ việc đánh nhau “không có những tình tiết đặc biệt”, tức là giữa những người tham gia đánh nhau không có quan hệ hôn nhân - gia đình, huyết thống hoặc quan hệ đẳng cấp trên dưới. Về loại vụ việc này, cả Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ đều đưa ra những cách giải quyết tương tự nhau căn cứ vào mức độ hậu quả thương tật gây ra cho người khác và lỗi của các bên, tuy rằng quy định của Hoàng Việt luật lệ có phần cụ thể hơn.
                    Hoàng Việt luật lệ phân biệt:
                    - Đánh người có để lại thương tật và và đánh người không để lại thương tật.
                    - Đánh người có sử dụng hung khi và đánh người không sử dụng hung khí (đánh người bằng tay chân).
                    - Đánh người dùng hung khí sắc bén và đánh người bằng hung khí khác.
                    - Đánh người có đồng phạm với đánh người không có đồng phạm.
                    - Trường hợp đánh nhau hai bên cùng có lỗi, trong đó có bên lỗi ít, có bên lỗi nhiều hơn.
                    Căn cứ vào mức độ thương tật gây ra cho nạn nhân, Hoàng Việt luật lệ quy định:
                   - Phàm đấu ẩu, dùng chân tay đánh người không gây thương tích, thì xử phạt 20 roi; Nếu bạt mất tóc trên đầu chừng 1 tấc vuông, thì phạt 50 roi. Nếu đánh người chảy máu tai, máu mắt và đánh người bị thương trong phủ tạng đến bị thổ huyết, thì phạt 80 trượng.
                   - Làm gãy một chiệc rằng, đứt một ngón chân ngón tay của người khác và làm mờ một con mắt của người khác, khoét mũi, tai người khác, nếu làm tổn thương đến xương cốt người ta hoặc dùng nước sôi, đồng sắt nóng chảy làm tổn thương người khác, thì xử phạt 100 trượng.
                   - Làm gãy 2 chiếc răng, đứt 2 ngón tay (hoặc chân) trở lên và làm trọc (hết) cả tóc của người khác, thì xử phạt 60 trượng, đồ 1 năm.
                   - Làm gãy xương sườn, làm mờ 2 mắt, làm trụy thai thì xử phạt 60 trượng, đồ 2 năm.
                   - Làm đứt gãy sai khớp chân tay người khác và làm mù 1 mắt của người khác, thì xử phạt 100 trượng, đồ 3 năm. Làm mù 2 mắt người khác, làm gãy 2 tay (hoặc chân) của người khác, làm tổn hại thân thể người khác từ 2 bộ phận trở lên và làm hủy hoại âm hô, dương vật của người khác đến mức mất khả năng sinh sản, thì đều bị xử phạt 100 trượng, lưu đày 3000 dặm. Đem một nửa số tài sản của phạm nhận chia cho người bị thương đến đốc tật (tức là thương tật vĩnh viễn) để chu cấp đời sống.
                   Không chỉ căn cứ vào mức độ thương tật, Hoàng Việt luật lệ cũng căn cứ vào lỗi của các bên để đưa ra mức xử lý phù hợp. Đối với vấn đề này, cái hay của cổ luật Việt Nam là ngoài quy định thành văn (nguồn luật thành văn), nhà làm luật đồng thời còn đưa ra án lệ (nguồn luật bất thành văn) để hướng dẫn hoạt động xét xử của quan xử án. Nội dung của án lệ về lỗi của hai bên đánh nhau được nêu ra cụ thể như sau:
                   “Tên Giáp tên Ất đánh nhau. Tên Giáp bị mù một mắt, tên Ất bị gãy một rằng. Như thế tức là tên Giáp bị thương nặng hơn, do vậy xử tên Ất 100 trượng, đồ 3 năm. Tên Ất bị thương nhẹ hơn, nên xử tên Giáp 100 trượng. Nếu như tên Giáp hạ thủ sau mà có lẽ phải, thì giảm 2 mức so với mức phạt 100 trượng, tức là chỉ phạt 80 trượng. Nếu tên Ất hạ thủ sau mà có lẽ phải thì giảm 2 mức so với phạt 100 trượng, đồ 2 năm. Nếu đến mức đốc tật thì bắt chia gia tài cho để nuôi dưỡng. Nếu đánh người đến chết, thì phải đền mạng”.
                   Thế mới biết, luật xưa cũng công minh và hoàn thiện không kém gì luật nay. Ở một số điểm nào đó, thậm chí có thể nói luật xưa còn cụ thể hơn, phân hóa hành vi phạm tội rõ rệt hơn và sử dụng nhiều hình thức luật hơn so với luật nay trong việc điều chỉnh loại vụ việc đánh nhau gây thương tích này./.
           

Nguồn tin: Nguyễn Đức

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code