Monday, August 12, 2013

LUẬT BIỂU TÌNH

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu về
căn cứ đề nghị Quốc hội xây dựng
Luật Biểu tình tại QH hôm 25/11
TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Nguồn: Tạp chí Tia sáng, 
đăng ngày 30/11/2011, truy cập đường link gốc tại đây
 
Sự chậm trễ trong việc ban hành Luật biểu tình là một điều không may. Bởi vì rằng điều này có thể gây ra rất nhiều rắc rối cho chúng ta trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước. Thật khó lý giải việc người dân Thái Lan, người dân Myanmar… có thể thực thi được quyền biểu tình của mình, còn người dân Việt Nam thì lại chưa thể làm được như vậy. 
Quyền biểu tình là một quyền hiến định. Quyền này được ghi nhận tại Điều 69 của Hiến pháp năm 1992 như sau: “Công dân có quyền… biểu tình theo quy định của pháp luật”. Như vậy, Hiến pháp ghi nhận quyền, nhưng không quy định thủ tục để thực thi quyền. Hiến pháp giao việc này lại cho hoạt động lập pháp. Theo đó, thủ tục thực thi quyền biểu tình phải được bảo đảm bằng một đạo luật.
Hiến pháp đã được ban hành đã gần 20 năm nay. Tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn chưa có Luật biểu tình. Có vẻ như, theo lô-gíc luật phải chờ nghị định, nghị định phải chờ thông tư, thì Hiến pháp cũng phải chờ thôi. Và không khéo phải chờ lâu hơn cả.
Sự chậm trễ trong việc ban hành Luật biểu tình là một điều không may. Bởi vì rằng điều này có thể gây ra rất nhiều rắc rối cho chúng ta trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước ta. Chúng ta đang sống trong một thế giới đã thay đổi. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và truyền thông, với việc hàng chục triệu người Việt có thể tiếp cận Internet (và con số nay đang tăng lên với tốc độ nhanh nhất nhì thế giới), với các mạng xã hội ngày càng mở ra vô tận, chúng ta đang hội nhập sâu rộng vào thế giới hiện đại, đang sống cùng nhịp với nó, đang chia sẻ những giá trị phổ quát nhất của nó và chịu tác động nhiều mặt từ những ảnh hưởng của nó. Trong một bối cảnh như vậy, thì áp lực bị so sánh với thế giới xung quanh là rất lớn. Thật khó lý giải việc người dân Thái Lan, người dân Myanmar… có thể thực thi được quyền biểu tình của mình, còn người dân Việt Nam thì lại chưa thể làm được như vậy. Và nếu có điều gì đáng phải quan ngại, thì đây là một điều như thế. Rõ ràng, các thế lực thù địch sẽ rất dễ lợi dụng điều này để truyên truyền, chống phá chúng ta.
Quyền biểu tình là một quyền tự do. Quyền tự do là một quyền lựa chọn. Anh có quyền tự do đi biểu tình, thì tôi cũng có quyền tự do không đi biểu tình. Điều kiện tiên quyết để thực thi một quyền tự do là việc thực thi quyền đó phải không được ảnh hưởng đến quyền tự do của những người khác. Việc tự do đi biểu tình không thể được ảnh hưởng đến việc tự do đi vui chơi, giải trí, tự do đi làm ăn, đi mưu cầu hạnh phúc. Những quy định rõ ràng và hợp lý của pháp luật là không thể thiếu để chúng ta bảo đảm rằng việc người dân thực thi các quyền tự do của mình là không xung đột với nhau.
Nói đến biểu tình, chúng ta cần phải quan tâm tới vấn đề về tâm lý của đám đông. Như từng cá nhân, về cơ bản, chúng ta hành xử hợp lý, nhưng như một đám đông chúng ta rất dễ bị kích động. Chuyện đập phá, đốt xe, ném đá… là những chuyện rất dễ xảy ra khi tâm lý đám đông bị kích động. Và điều này chứa đựng những rủi ro rất lớn đối với trật tự-pháp luật và ổn định xã hội. Làm sao chúng ta có thể tránh được những phản ứng phụ bất lợi này nếu không có các quy định về trình tự, thủ tục và cách thức tiến hành biểu tình?!
Cuối cùng, Dự án Luật biểu tình do Thủ tướng Chính phủ đề xuất và bảo trợ đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của mình. Hy vọng dự luật rất cần thiết cho giai đoạn phát triển mới của đất nước này sẽ sớm được thông qua.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code