Thursday, August 8, 2013

Khảo lược Bộ luật Hammurabi Của nhà nước Lưỡng Hà cổ đại(phần 3)

3. Các quy định điều chỉnh quan hệ dân sự, lao động, thương mại trong bộ luật Hammurabi 1. Cùng với các quy định điều chỉnh quan hệ hình sự, các quy định điều chỉnh quan hệ dân sự cũng chiếm một tỷ lệ rất lớn trong bộ luật Hammurabi. Các quy định này chủ yếu tập trung xử lý những vấn đề phát sinh từ quan hệ tài sản giữa cá nhân với cá nhân trong xã hội Lưỡng Hà cổ đại. Bộ luật Hammurabi ít có các quy định điều chỉnh quan hệ nhân thân, nếu có cũng chỉ trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình. Các quyền về nhân thân hầu như vắng bóng trong bộ luật. Điều này có thể được giải thích bởi hai lý do:
          - Một là, bản thân bộ luật Hammurabi cũng chỉ là sự hệ thống hoá một loạt các tập quán dân sự được lưu truyền trong xã hội Lưỡng Hà cổ đại; mà các tập quán thường có tính ứng dụng cao, tập trung vào giải quyết những vấn đề cụ thể trong giao dịch dân sự hàng ngày. Các tập quán thường không đề cập đến quyền nhân thân của con người.
          - Hai là, do sự phát triển ở trình độ thấp của xã hội dân sự thời bấy giờ. Xã hội Lưỡng Hà cổ đại mới thoát thai từ chế độ cộng sản nguyên thuỷ, mọi mặt đời sống xã hội, từ sinh hoạt vật chất đến đời sống tinh thần còn chưa phát triển. Con người lúc đó vẫn chưa có ý thức một cách rõ rệt về “quyền”. Trong điều kiện này, các quyền dân sự chưa thể có điều kiện xuất hiện để được ghi nhận vào luật pháp.
 
          2. Về vấn đề chủ thể các quan hệ pháp luật dân sự, bộ luật Hammurabi chỉ thừa nhận một chủ thể duy nhất là cá nhân. Trong bộ luật, không thấy có điều luật nào nhắc đến pháp nhân hay các tổ chức khác như là chủ thể của các quan hệ pháp luật.
          Để có thể trở thành chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, các cá nhân phải có năng lực chủ thể. Theo lý thuyết pháp luật hiện đại, năng lực chủ thể là khả năng của chủ thể có thể tham gia vào các quan hệ pháp luật. Năng lực chủ thể gồm hai yếu tố là năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Năng lực pháp luật của cá nhân là khả năng của cá nhân được nhà nước thừa nhận có thể mang quyền và gánh vác nghĩa vụ pháp lý. Năng lực hành vi của cá nhân là khả năng của cá nhân đó bằng hành vi thực tế của mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ cụ thể.
          Trong bộ luật Hammurabi, năng lực chủ thể của cá nhân phụ thuộc vào độ tuổi và địa vị pháp lý của cá nhân đó. Bộ luật không quy định rõ người bao nhiêu tuổi thì được coi là người “trưởng thành”, bao nhiêu tuổi thì có thể độc lập tham gia vào các quan hệ dân sự nhưng có nhiều điều luật quy định “người chưa trưởng thành” không được quyền trực tiếp quản lý tài sản thuộc sở hữu của mình, không được thay mặt cha để quản lý tài sản chung của gia đình trong trường hợp người cha bị bắt làm tù binh, không được tuỳ ý tham gia các giao dịch dân sự thông dụng.
          Chẳng hạn, Điều 29 bộ luật quy định:
Nếu con của người chỉ huy hay chiến sỹ trong một đơn vị quân đội còn nhỏ;
         Và nếu đứa bé đó chưa thể tự mình quản lý ruộng vườn của cha nó;
         Thì một phần ba (1/3) diện tích ruộng vườn của anh ta sẽ được giao cho mẹ của đứa bé quản lý;
         Người mẹ đứa bé có trách nhiệm nuôi dưỡng đứa bé này”.
          Điều 7 bộ luật quy định:
         “Nếu kẻ nào mua hoặc nhận giữ hộ, không nhân chứng cũng không có hợp đồng bằng văn bản, vàng, bạc, nô lệ nam hoặc nữ, bò, cừu, lừa hay bất cứ thứ gì khác từ tay con trai của một người khác hoặc nô lệ của người đó, sẽ bị coi như một kẻ trộm cắp và sẽ phải bị xử tử hình.
          Như thế, mặc dù chưa biết đến khái niệm năng lực pháp luật dân sự song quan niệm của người Lưỡng Hà cổ đại về vấn đề tư cách chủ thể của cá nhân là tương đối rõ ràng. Theo ý kiến cá nhân tôi, để xác định tư cách chủ thể của cá nhân thời kỳ này, cần phải dựa vào đặc điểm chế độ gia đình ở Lưỡng Hà. Gia đình Lưỡng Hà cổ đại được xây dựng theo mô hình gia trưởng. Người cha có quyền hành tuyệt đối trong gia đình. Vợ và các con, cho dù là con trai hay con gái đều ở địa vị phụ thuộc người cha. Nếu người cha mất tích (bị bắt làm tù binh), vợ ông ta sẽ thay mặt làm đại diện cho ông ta quản lý tài sản và các công  việc trong gia đình (Điều 177 bộ luật). Các con gái của ông ta, khi đến tuổi sẽ được gả chồng. Điều này có nghĩa là, người phụ nữ sẽ luôn ở địa vị phụ thuộc, “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu”. Chỉ có người con trai của gia chủ, khi đến tuổi được cha gả vợ, anh ta sẽ trở thành chủ của bản thân cái gia đình nhỏ của anh ta. Từ đây, tôi suy nghĩ rằng năng lực hành vi của cá nhân có lẽ sẽ được coi là đầy đủ khi cá nhân đó trở thành người gia chủ của gia đình, tức là sẽ được tính kể từ thời điểm anh ta lấy vợ.
          Yếu tố năng lực chủ thể của cá nhân được đề cập ở trên là năng lực chủ thể của người tự do, không phải của nô lệ. Trong xã hội Lưỡng Hà, địa vị pháp lý của nô lệ không quá thấp kém như trong chế độ nô lệ điển hình ở Hy Lạp và La mã cổ đại. Người nô lệ ở Lưỡng Hà không đến nỗi bị coi là “công cụ biết nói”, không có “nhân tính” của con người. Theo quy định của bộ luật Hammurabi, người nô lệ cũng có quyền được chữa bệnh khi bị ốm và phần nào cũng được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khoẻ.
          Tuy vậy, địa vị của nô lệ, so với người tự do, còn thua kém hơn rất nhiều. Về mặt pháp lý, họ mang 2 tư cách:
          - Tư cách là tài sản thuộc sở hữu của chủ nô, do chủ nô bỏ tiền mua về.
          - Tư cách là một chủ thể hạn chế của pháp luật.
            ở tư cách thứ nhất, tức là trong mối quan hệ với chủ nô,  người nô lệ ở địa vị phụ thuộc. Nô lệ có nghĩa vụ phục tùng chủ nô. Mọi hành vi phản kháng của nô lệ đối với chủ nô đều bị trừng phạt nghiêm khắc (Điều 282 bộ luật). Nô lệ bỏ trốn bị bắt quay trở lại (Điều 18 bộ luật). Chủ nô mua nô lệ về làm việc thì cũng có quyền bán nô lệ cho chủ nô khác (Điều 147 bộ luật). Chủ nô có quyền đem nô lệ đi gán nợ (Điều 118 bộ luật). Nói tóm lại, pháp luật Lưỡng Hà cổ đại, cũng như tất cả những nền pháp luật thuộc kiểu pháp luật chiếm hữu nô lệ luôn coi nô lệ như một loại tài sản của chủ nô. Trong chế độ chiếm hữu nô lệ nào cũng vậy, người nô lệ có đủ mọi đặc tính của một loại tài sản, nghĩa là có giá và có thể chuyển nhượng được trong các giao dịch dân sự.
            Trong tư cách thứ hai, pháp luật Lưỡng Hà cổ đại xem nô lệ như một chủ thể pháp luật hạn chế. Đây là điểm khác so với pháp luật phương Tây cổ đại vì người nô lệ trong pháp luật phương Tây cổ đại chỉ là khách thể của pháp luật mà thôi.
            Người nô lệ trong pháp luật Lưỡng Hà là chủ thể pháp luật hạn chế bởi những lý do sau:
            - Họ được tham gia vào quan hệ hôn nhân gia đình với người tự do. Người đàn ông tự do có quyền lấy một nữ nô lệ làm vợ (Điều 144 bộ luật) và ngược lại người đàn bà tự do cũng có quyền lấy một nam nô lệ làm chồng (Điều 175 bộ luật). Con cái sinh ra trong cuộc hôn nhân giữa những người khác nhau về địa vị xã hội này là những người tự do. Các cuộc hôn nhân này được pháp luật thừa nhận và bảo hộ.
            - Họ có quyền có tài sản riêng và là chủ sở hữu của tài sản đó. Quy chế tài sản riêng của người nô lệ rất phức tạp, bởi khối tài sản này là tài sản của “tài sản” (nô lệ) của chủ nô. Điều 176 bộ luật Hammurabi quy định:
         “Nếu một nô lệ của cung đình hay một nô lệ của mouchkinou lấy con gái của người dân tự do
         Con gái của người dân tự do khi về nhà tên nô lệ kia có đem theo của hồi môn (cheriqtou) của cha mẹ đẻ
         Và trong quá trình sống với tên nô lệ này, hai vợ chồng (con gái người dân tự do và tên nô lệ) cùng nhau tạo dựng được một khối tài sản
         Thì đến khi tên nô lệ chết, con gái của người dân tự do sẽ lấy lại của hồi môn của mình
         Còn khối tài sản chung của vợ chồng (con gái người dân tự do và tên nô lệ) được chia làm hai: chủ của tên nô lệ lấy một nửa, con gái người dân tự do lấy một nửa cho các con.
         Nếu con gái người dân tự do khi lấy tên nô lệ không đem của hồi môn về nhà chồng thì khối tài sản chung của vợ chồng (con gái người dân tự do và tên nô lệ) cũng vẫn được chia làm đôi: chủ của tên nô lệ một nửa và con gái người dân tự do một nửa”.
         Theo điều luật nói trên, về nguyên tắc, tài sản của người nô lệ vẫn thuộc chủ của anh ta. Vấn đề là ở chỗ, người nô lệ cũng không phải là sở hữu chủ toàn bộ khối tài sản mà anh ta nắm giữ; một phần khối tài sản đó thuộc về người vợ anh ta. Khi người nô lệ còn sống, vấn đề phân định đâu là tài sản của chủ nô, đâu là tài sản riêng của vợ người nô lệ không đặt ra. Khi người nô lệ chết, vợ người nô lệ được chia một nửa khối tài sản chung, nửa kia thuộc về chủ nô. Như thế, quyền sở hữu tài sản của người nô lệ rất hạn chế; tài sản riêng của nô lệ, về thực chất, vẫn thuộc về khối tài sản chung của chủ nô như bản thân người nô lệ nằm trong khối tài sản chung đó.
         - Bởi bộ luật Hammurabi thừa nhận nô lệ có tài sản riêng nên tất yếu phải cho phép họ tham gia vào các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, đó luôn là các giao dịch dân sự có điều kiện. Theo Điều 7 bộ luật đã nói ở trên, điều kiện đó là: phải có người làm chứng và giao dịch phải được lập thành văn bản. Sở dĩ nhà làm luật quy định hai điều kiện này là nhằm đề phòng người thứ ba lợi dụng giao dịch với người nô lệ để trục lợi, mượn cách giao dịch để chiếm đoạt tài sản của chủ nô.
 
         3.Về chế định sở hữu tài sản
            3.1.Đối tượng của quyền sở hữu
            Phần trên tôi đã trình bày chế độ sở hữu tài sản của người nô lệ. Tài sản của người nô lệ cũng như bản thân nô lệ là tài sản của chủ nô. Như thế, có thể xem rằng, tài sản của chủ nô, và nói chung là của mọi người tự do, bao gồm có người nô lệ và các loại tài sản khác. Mặt khác, nếu căn cứ vào giá trị và khả năng di dời của tài sản, có thể chia tài sản của người Lưỡng Hà cổ đại thành hai loại: động sản và bất động sản. Nhìn chung, những người xây dựng bộ luật Hammurabi đặt rất nhiều mối quan tâm của họ vào loại tài sản là bất động sản. Điều này là có thể giải thích được bởi trong xã hội cổ đại, bất động sản, chủ yếu là đất đai, là loại tư liệu sản xuất quan trọng nhất và cũng là loại tài sản có giá trị lớn nhất.
            Trong phần cơ sở kinh tế cho sự ra đời của bộ luật Hammurabi, tôi đã trình bày việc người ta chia đất đai thành hai loại : đất công và đất tư. Đất công do nhà vua là đại diện chủ sở hữu giao về cho các công xã quản lý. Công xã chia đất cho nông dân là thành viên công xã. Như thế, tất cả các thành viên nam giới của công xã đều được nhận một phần đất công để lao động, sản xuất trên đó. Và vì họ có quyền được nhận đất công nên họ cũng phải gánh vác những nghĩa vụ tương ứng: nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước, nghĩa vụ lao dịch và đi lính. Trong bộ luật Hammurabi, những người nhận đất công đều được gọi là “chiến sỹ” hoặc người chỉ huy trong các đơn vị quân đội. Ngoài số đất công được chia, các thành viên công xã còn có thể có đất riêng của mình. Đất đó gọi là đất tư.
            Quy chế đất công và đất tư được quy định rất cụ thể trong bộ luật Hammurabi. Về đất công, Điều 36 bộ luật quy định:
Nghiêm cấm việc bán: ruộng, vườn, nhà cửa của người chỉ huy hay chiến sỹ trong các đơn vị quân đội; đất đã tiến cống cho nhà vua hay cho đền thờ thần”.
Điều 37 bộ luật quy định:
Kẻ nào mua từ tay người chỉ huy hay chiến sỹ trong các đơn vị quân đội ruộng, vườn, nhà cửa của họ;
         Việc mua bán này sẽ bị huỷ bỏ;
         Kẻ mua sẽ bị phạt tiền.
         Ruộng, vườn, nhà cửa sẽ được đem trả về cho chủ cũ của nó”.
Điều 38 bộ luật quy định:
Người chỉ huy hay chiến sỹ trong các đơn vị quân đội không được đem ruộng, vườn hay nhà cửa tặng cho vợ, con gái của anh ta; cũng không được đem những tài sản này đi gán nợ”.
Các điều luật trên đã khẳng định rõ ràng: người được chia đất công chỉ có quyền chiếm hữu và sử dụng mảnh đất đó; không được đem bán đất công; không được đem đất công đi tăng cho, gán nợ hay chuộc nợ. Mọi hợp đồng chuyển nhượng đất công đều vô hiệu tuyệt đối. Người mua đất công của nhà nước bị trừng phạt.
Ngay cả quyền chiếm hữu, sử dụng đất công của người được chia đất cũng không phải là vô hạn. Điều 30 bộ luật quy định:
Nếu người chỉ huy hoặc chiến sỹ trong một đơn vị quân đội, mặc dù đã được chia ruộng, vườn, nhà cửa nhưng lại không chịu khai thác, sử dụng số điền sản ấy;
         Và số điền sản này đã được một kẻ khác khai thác, sử dụng trong một thời hạn là 3 năm;
         Sau 3 năm, người chỉ huy hoặc chiến sỹ trong đơn vị quân đội kia trở về và đòi lại số điền sản cũ của mình;
         Thì  y cũng không thể đòi lại số điền sản ấy được nữa.
         Kẻ đang khai thác, sử dụng điền sản sẽ được quyền tiếp tục khai thác, sử dụng số điền sản này”.
         Theo quy định của điều luật trên, người được chia đất công phải có trách nhiệm sử dụng đất đó liên tục. Nếu để hoang hoá trong ba năm, và kẻ khác đã đến khai thác đất đó thì sang năm thứ tư, người được chia đất sẽ mất mảnh đất mà anh ta được chia.
         Trong trường hợp người được chia đất vắng nhà, đất của anh ta sẽ được giao lại cho con trai quản lý. Điều 28 bộ luật quy định:
Nếu người chỉ huy hoặc chiến sỹ trong một đơn vị quân đội bị bắt trong chiến tranh mà có con trai đang ở nhà;
         Thì ruộng vườn của anh ta sẽ được giao cho người con trai này thay mặt quản lý”.
         Nếu như người con trai chưa đến tuổi trưởng thành, nghĩa là chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thì đất được chia của người vắng mặt sẽ phải trả về cho công xã. Công xã chỉ để lại một phần đất đó cho vợ của người vắng mặt canh tác để nuôi con. Điều 29 bộ luật quy định:
Nếu con của người chỉ huy hay chiến sỹ trong một đơn vị quân đội còn nhỏ;
         Và nếu đứa bé đó chưa thể tự mình quản lý ruộng vườn của cha nó;
         Thì một phần ba (1/3) diện tích ruộng vườn của anh ta sẽ được giao cho mẹ của đứa bé quản lý;
         Người mẹ đứa bé có trách nhiệm nuôi dưỡng đứa bé này”.
         Bằng những quy định trên, nhà nước muốn bảo tồn quyền sở hữu đất công của công xã. Trong mọi trường hợp, người được chia đất cũng chỉ có quyền sử dụng đất tạm thời; nếu không có nhu cầu sử dụng hoặc không có điều kiện sử dụng phải trả đất về cho công xã để chia cho người khác.
         Cùng với đất công, pháp luật Lưỡng Hà cổ đại còn thừa nhận có đất tư. Theo quy định của bộ luật Hammurabi, người chủ của đất tư có toàn quyền hành xử trên đất đó, kể cả việc bỏ hoang đất không trồng trọt gì. Tuy nhiên, do không phải gánh chịu nghĩa vụ đối với nhà nước trên mảnh đất tư nên không có chuyện tư nhân bỏ hoang hoá đất. Họ luôn tìm cách buộc đất phải sinh lợi, hoặc bằng cách tự mình trồng trọt trên đất, hoặc đem đất đó giao cho người không có đất lĩnh canh để thu tô.
         Tính toàn quyền của chủ sở hữu đất tư được khẳng định trong nhiều điều luật của bộ luật Hammurabi. Điều 39 bộ luật quy định:
Đối với ruộng, vườn, nhà cửa mà người chỉ huy hoặc chiến sỹ trong các đơn vị quân đội đã mua được từ tài sản riêng của anh ta, anh ta có quyền tặng cho vợ, con gái; có quyền dùng nó để thanh toán các khoản nợ”.
         Điều 40 bộ luật cũng quy định:
Đối với các khoản vay nợ của dân tự do với người khác (các thương gia) hoặc các khoản nợ ở nước ngoài, dân tự do có quyền đem bán ruộng, vườn, nhà cửa thuộc sở hữu riêng của mình (điền sản tư) để trả các khoản nợ đó.
         Người mua các điền sản tư có toàn quyền khai thác, sử dụng điền sản mà y đã mua.
 
3.2. Về phương diện nội dung của quyền sở hữu, quan điểm của nhà lập pháp Lưỡng Hà cổ đại là đề cao các quyền năng của sở hữu chủ.
- Chủ sở hữu tài sản vẫn có quyền chiếm hữu và định đoạt tài sản ngay cả khi thực tế không còn chi phối được tài sản của mình nữa. Khi tài sản của chủ sở hữu nằm trong tay người khác một cách trái pháp luật, chủ sở hữu có quyền truy đòi tài sản. Điều này được khẳng định trong Điều 9 bộ luật:
         “Trường hợp một người mất một vật nào đó, sau đó anh ta lại thấy vật này trong tay của một người khác;
         Người đang giữ tài sản của anh ta nói với anh ta rằng: “[Đây là tài sản của tôi.]Một người bán hàng đã bán nó cho tôi và tôi đã mua nó trước sự chứng kiến của một người làm chứng;
         Người chủ cũ của vật bị tranh chấp nói: “[Đây là tài sản của tôi.]Tôi sẽ đưa đến đây các nhân chứng để chứng minh điều đó.
         Và cả hai bên đều dẫn đến trước mặt thẩm phán những người làm chứng của mình.
         Thẩm phán sẽ buộc những những người làm chứng thề trước thần linh lời chứng của họ là trung thực và họ đã khai hết tất cả những gì họ biết.
         [Nếu tất cả xảy ra đúng như thế], người bán hàng đã bán vật tranh chấp cho người đang chiếm hữu nó sẽ bị coi là kẻ trộm cắp. Hắn sẽ bị xử tử hình.
         Chủ sở hữu cũ của vật sẽ nhận lại vật đã mất của anh ta.
         Người mua vật gian [nhưng ngay tình] sẽ nhận lại tiền của y trên cơ sở trừ vào tài sản [ngôi nhà] của kẻ bán.
- Chủ sở hữu được toàn quyền định đoạt số phận thực tế cũng như số phận pháp lý tài sản của mình, khi ông ta còn sống cũng như khi ông ta đã chết. Về vấn đề này, có thể so sánh quy định của Điều 178 và Điều 179 bộ luật.
            Điều 178 bộ luật quy định:
         “Nếu người cha của một nữ tu hoặc một phụ nữ phục vụ thần linh trao cho vị nữ tu hoặc người phụ nữ phục vụ thần linh này một khối tài sản làm của hồi môn (cheriqtou)
         Việc trao của hồi môn nói trên được lập thành văn bản
         Và nếu như trong văn bản đó không nói rõ việc vị nữ tu hoặc người phụ nữ phục vụ thần linh có thể trao khối tài sản này cho ai, cũng như không nói rõ việc vị nữ tu hoặc người phụ nữ phục vụ thần linh này có thể tuỳ ý định đoạt tài sản theo ý chí của bản thân mình
         Thì khi người cha của vị nữ tu hoặc người phụ nữ phục vụ thần linh chết
         Những người anh em trai của vị nữ tu hoặc người phụ nữ phục vụ thần linh sẽ có quyền khai thác và sử dụng cánh đồng lúa và vườn cây ăn quả của cha họ.
         Những người này phải trả cho vị nữ tu hoặc người phụ nữ phục vụ thần linh lúa mì, dầu ăn, len dạ tương ứng với giá trị phần được chia của bà và số lúa mì, dầu ăn, len dạ này phải làm cho bà vừa lòng.
         Nếu như những người anh em trai không trả cho vị nữ tu hoặc người phụ nữ phục vụ thần linh số lúa mì, dầu ăn, len dạ tương ứng với giá trị phần được chia của bà và bà không hài lòng với số lúa mì, dầu ăn, len dạ đó, bà sẽ thu lại cánh đồng lúa và vườn cây ăn quả từ những người anh em trai và trao nó cho một người lĩnh canh để thu lợi.
         Bà có quyền hưởng tất cả những gì mà người cha quá cố đã trao cho bà đến khi bà lìa đời.
         Tuy vậy, bà không có quyền bán hay trao đổi những tài sản là của hồi môn (cheriqtou) của người cha. Những tài sản này, sau khi bà chết sẽ được chuyển về tay những người anh em trai của bà”.
            Điều 179 bộ luật quy định:
         “Nếu người cha của một nữ tu hoặc người phụ nữ phục vụ thần linh trao cho vị nữ tu hoặc người phụ nữ phục vụ thần linh này một khối tài sản làm của hồi môn (cheriqtou)       
         Việc trao của hồi môn nói trên được lập thành văn bản
         Và nếu như trong văn bản đó nói rõ rằng, vị nữ tu hoặc người phụ nữ phục vị thần linh có thể trao khối tài sản là của hồi môn (cheriqtou) cho bất cứ ai và có thể tuỳ ý định đoạt khối tài sản này theo ý chí của mình
         Thì sau khi người cha của vị nữ tu hoặc người phụ nữ phục vụ thần linh chết
         Vị nữ tu hoặc người phụ nữ phục vụ thần linh có quyền đem tài sản là của hồi môn đi cho người mà bà (cô) ta muốn.
         Những người anh em trai của vị nữ tu hoặc người phụ nữ phục vụ thần linh không có quyền tranh đoạt gì khối tài sản này”.
          Trong hai điều luật trên, khả năng định đoạt tài sản của người nữ tu hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chuyển giao tài sản đó của người chủ sở hữu ban đầu, tức là người cha của bà ta. Nếu như người cha không thể hiện ý chí một cách rõ ràng trao chủ quyền tài sản của ông ta cho con gái thì con gái ông ta chỉ có quyền hưởng lợi từ tài sản. Nếu như điều ngược lại xảy ra, con gái ông ta sẽ có mọi quyền hành trên khối tài sản này. Điều này cho thấy, trong quan niệm của người Lưỡng Hà, quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu là tuyệt đối, không bị hạn chế bởi bất cứ điều gì ngoài ý chí của ông ta.
         - Bộ luật Hammurabi cũng có những quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản của những người không phải là chủ sở hữu. Đó là trường hợp chủ tài sản vắng nhà (bị bắt làm tù binh). Trong trường hợp này, tài sản của người vắng nhà sẽ do vợ của anh ta quản lý. Nếu như người vợ đi lấy chồng mới, thì người chồng mới phải có trách nhiệm quản lý tài sản của người chồng cũ. Việc quản lý tài sản này phải theo nguyên tắc thiện trí, trung thực và vì quyền lợi của chủ sở hữu. Điều 177 bộ luật cũng quy định:
         “Trường hợp một người đàn bà goá chồng có con nhỏ tuổi muốn bước vào nhà người đàn ông khác (muốn tái hôn)
         Bà (cô ta) sẽ không thể     bước vào nhà người đàn ông đó nếu không được phép của thẩm phán.
         Nếu người thẩm phán cho phép người đàn bà này bước vào nhà người đàn ông khác, ông ta phải điều tra tỷ mỷ về những tài sản còn lại trong nhà người chồng trước của người đàn bà (xin tái hôn).
         Những tài sản này phải được giao cho người đàn bà (xin tái hôn) và chồng sau của bà ta quản lý. Việc giao tài sản phải được lập thành văn bản.
         Người đàn bà (tái hôn) và chồng sau của bà (cô) ta có trách nhiệm quản lý tài sản và nuôi nấng những đứa con người chồng trước.
         Người đàn bà (tái hôn) và chồng sau của bà (cô) ta không được phép bán hay chuyển nhượng bất cứ một tài sản nào mà người chồng trước để lại (bởi chúng thuộc về các con của ông ta).
          Kẻ nào mua những tài sản do người chồng trước (của người đàn bà tái hôn) để lại đều phải trả lại cho chủ sở hữu của chúng và chịu mất khoản tiền đã bỏ ra mua những tài sản đó”.  
          Theo quy định của điều luật trên, mọi giao dịch chuyển nhượng tài sản của người vắng mặt đều vô hiệu. Tài sản phải được trả về cho chủ sở hữu. Người mua tài sản đó bị mất khoản tiền đã mua tài sản. Như thế, quyền sở hữu của chủ tài sản đã được bảo vệ ngay cả trong trường hợp chủ sở hữu không trực tiếp nắm giữ, quản lý tài sản đó.
4. Về chế định nghĩa vụ trong bộ luật Hammurabi, nhà làm luật quy định rõ các căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ sau đây:
- Hợp đồng dân sự.
- Hành vi pháp lý đơn phương.
- Thực hiện công việc không có uỷ quyền.
- Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật; vấn đề nguồn nguy hiểm cao độ.
- Căn cứ khác được quy định bởi luật.
 
4.1.Các hợp đồng dân sự thông dụng.
* Hợp đồng mua bán tài sản.
          Hợp đồng mua bán tài sản là loại giao dịch dân sự phổ biến trong xã hội Lưỡng Hà cổ đại. Các quy định về hợp đồng mua bán hàng hoá được quy định rải rác trong bộ luật Hammurabi.
          Bộ luật Hammurabi trước tiên quy định điều kiện để hợp đồng mua bán có hiệu lực. Các điều kiện đó là:
          - Đối tượng của hợp đồng mua bán phải là tài sản hợp pháp. Nếu tài sản được đem ra mua bán là của ăn cắp thì hợp đồng mua bán vô hiệu (Điều 9, Điều 10 bộ luật).
          - Người tham gia mua bán phải có năng lực chủ thể và phải là chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu uỷ quyền. (Điều 7, Điều 177 bộ luật).
          - Hợp đồng phải được thể hiện dưới hình thức thích hợp. Thông thường, việc giao kết hợp đồng phải được lập thành văn bản và có người làm chứng. Nếu không có người làm chứng mà về sau này tranh chấp xảy ra thì các bên tham gia quan hệ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm (Điều 9 bộ luât).
          Ngoài việc quy định điều kiện chung để hợp đồng mua bán hàng hoá có hiệu lực như trên, bộ luật còn có những quy định riêng đối với trường hợp mua bán nô lệ.
Nô lệ là loại “tài sản” có tính chất đặc biệt; giá trị của nô lệ thường được thể hiện ở sức lao động họ. Nếu nô lệ khoẻ mạnh, chủ nô sẽ làm giàu nhanh chóng, nếu nô lệ ốm đau, chủ nô chẳng thu được lợi ích gì. Việc mua bán nô lệ, do đó mang tính rủi ro cao. Vì lý do này, nhà lập pháp có xu hướng bảo vệ quyền lợi của người mua hơn là người bán. Trong việc mua bán, người bán phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về đối tượng được đem ra giao dịch.
Điều 278 bộ luật Hammurabi quy định:          
         “Kẻ nào mua một nam hay nữ nô lệ
         Mà trong vòng một tháng, đứa nô lệ đó đổ bệnh (bị liệt)
         Có quyền đem trả nó về cho chủ cũ
         Người chủ cũ phải hoàn lại tiền cho người mua.
         Theo quy định của điều luật nói trên, mặc dù hợp đồng mua bán đã có hiệu lực pháp luật, bên bán đã giao hàng, bên mua đã trả tiền nhưng trong thời hạn một tháng, bên mua vẫn có quyền phá bỏ giao kết nếu đối tượng hợp đồng là người nô lệ bị ốm. Trong trường hợp này, hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, khôi phục lại tình trạng ban đầu.
                   Điều 279 bộ luật quy định:
         “Kẻ nào mua một nam nô lệ hoặc nữ nô lệ từ người khác
         Mà có người thứ ba tranh chấp đứa nô lệ này
         Thì người bán đứa nô lệ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”.
            Tuy vậy, nếu như giao dịch mua bán nô lệ được thực hiện ở nước ngoài thì người mua phải chịu rủi ro. Điều 280 bộ luật quy định:
         “Trường hợp một người mua nam hay nữ nô lệ ở nước ngoài
         Đến khi dẫn nô lệ về nước thì có người (khác) đến nhận (số nô lệ đã mua ở nước ngoài) là của hắn ta
         Nếu việc đó là sự thật (và những người nô lệ mua ở nước ngoài vốn là người địa phương)
         Thì người mua nô lệ ở nước ngoài phải hoàn lại toàn bộ số nô lệ đó cho người chủ cũ.
         Bộ luật Hammurabi cũng điều chỉnh cả quan hệ bán hàng chậm trả (bán chịu). Điều 111 bộ luật quy định:
         “Nếu mụ bán rượu bán chịu (cho khách hàng) 60 qa rượu vào đầu vụ;
         Thì đến mùa gặt, mụ sẽ nhận được 50 qa lúa.
 
         * Hợp đồng lĩnh canh ruộng đất
         Trong bộ luật Hammurabi, quan hệ lĩnh canh ruộng đất được điều chỉnh khá chi tiết. Nhà làm luật phân biệt hai loại hợp đồng lĩnh canh:
  • Lĩnh canh thu tô trước;
  • Và lĩnh canh thu tô sau.
         Căn cứ để phân biệt hai loại hợp đồng lĩnh canh nói trên là thời điểm thu tô diễn ra trước hay sau vụ mùa. Nếu như người có đất thu tô trước, thì tô đất sẽ là một khoản tiền cố định và chủ đất sẽ không phải chịu rủi ro nếu có thiên tai, mất mùa xảy ra.
          Điều  45 bộ luật quy định:
Trường hợp người chủ đất đem đất của mình phát canh cho tá điền;
         Và đã thu trước tiền tô của tá điền đó.
         Nếu như xảy ra thiên tai lụt lội gây mất mùa;
         Thì thiệt hại ấy tá điền phải tự gánh chịu.
         ưu điểm của loại hợp đồng lĩnh canh thu tô trước là luôn tạo ra lợi nhuận ổn định từ đất cho người có ruộng. Tuy nhiên, với loại hợp đồng này, mức lợi nuận rõ ràng sẽ thấp hơn so với trường hợp thu tô sau.
         Điều 46 bộ luật điều chỉnh trường hợp thu tô sau với nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp chủ đất không thu tiền tô trước mà thoả thuận sẽ thu 1/2 hay 1/3 tổng số thóc sẽ có được trên mảnh đất lĩnh canh.
Nếu thiên tai xảy ra dẫn đến mất mùa
Thì chủ đất và người lĩnh canh (tá điền) sẽ chia nhau theo tỷ lệ đã thoả thuận trước số thóc thu được còn lại trên mảnh đất đó”.
         Theo quy định của điều luật nói trên, mức tô được quy định khá cao, từ một phần ba (1/3) đến một phần hai (1/2) sản lượng thu hoạch. Tương ứng với mức tô này, người có ruộng thu phải chịu rủi ro cùng với người lĩnh canh.
         Bộ luật Hammurabi còn phân loại hợp đồng lĩnh canh căn cứ vào đối tượng của hợp đồng là đất trồng trọt thường niên hay đất hoang hoá. Đối với đất trồng trọt thường niên, Điều 42 bộ luật quy định:
Kẻ nào đã nhận lĩnh canh ruộng của người khác để trồng trọt;
         Và trên mảnh ruộng đó, nếu hạt lúa không lên bông;
         Thì kẻ lĩnh canh sẽ bị xem là lười biếng;
         Y sẽ vẫn phải giao nộp chủ ruộng phần hoa lợi tương đương với phần hoa lợi của mảnh ruộng liền kề”.
         Điều 43 bộ luật quy định:
Kẻ nào nhận lĩnh canh ruộng của người khác để trồng trọt;
         Mà không chịu trồng trọt;
         Và bỏ hoang mảnh đất đó;
         Kẻ đó sẽ vẫn phải giao nộp cho chủ ruộng phần hoa lợi tương đương với phần hoa lợi của mảnh đất liền kề”.
         Đối với đất hoang hoá, Điều 44 bộ luật quy định:
Nếu kẻ nào nhận lĩnh canh đất đã bỏ hoang hoá của người khác để cải tạo và trồng trọt trong thời hạn là ba năm;
         Nhưng trên thực tế y lại không làm gì để cải tạo mảnh đất đó.
         Thì sang năm thứ tư, y bắt buộc phải cải tạo mảnh đất đã lĩnh canh.
         Sau đó phải trả lại đất cho chủ ruộng;
         Và giao nộp cho ông ta hoa lợi thu từ mảnh đất theo theo tỷ lệ là 10 gour thóc trên 10 gan đất.
         Như thế, theo quy định của điều luật nói trên, thời hạn lĩnh canh đất tối thiểu phải là ba năm. Ba năm chính là khoảng thời gian cần thiết cải tạo đất để thu hoạch sản phẩm.
         Ngoài ra, bộ luật Hammurabi còn mở rộng quan hệ lĩnh canh ruộng đất qua việc ghi nhận quyền được cho thuê lại đất của người lĩnh canh. Điều 47 bộ luật quy định:
Nếu trong năm đầu tiên chưa thu được hoa lợi, người lĩnh canh có quyền thuê hoặc nhờ người khác cày đất cho mình;
         Chủ đất không được hạch hỏi người lĩnh canh về việc này;
         Khi đất đã dược cày ải và đến khi thu hoạch
         Chủ đất sẽ thu phần tô tức của mình theo đúng tỷ lệ đã thoả thuận với người lĩnh canh.
 
         * Hợp đồng cho vay tài sản
         Cùng với hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng lĩnh canh ruộng đất, hợp đồng cho vay tài sản cũng là loại hợp đồng rất phổ biến trong xã hội Lưỡng Hà cổ đại. Đối với loại hợp đồng này, nhà làm luật Lưỡng Hà tập trung bảo vệ quyền lợi của hai bên vay nợ, trước hết là quyền lợi của chủ nợ.
         Trong thực tế, để bảo đảm cho khoản vay, chủ nợ thường buộc con nợ phải cầm cố ruộng đất. Ruộng đất là tài sản quan trọng nhất của con nợ, đặc tính của nó là sinh lợi thường xuyên. Vấn đề cần phải giải quyết là hoa lợi thu được từ mảnh đất cầm cố. Xử lý vấn đề này, Điều 49 bộ luật Hammurabi quy định:
Trường hợp một kẻ đi vay bạc của thương gia; cầm cố đất trồng lúa hay trồng vừng cho người thương gia này.
         Y nói với người thương gia: Xin hãy trồng trọt trên mảnh đất của tôi, và đến mùa vụ, hãy thu hoạch những hoa lợi từu đất đó;
         Và những người nông dân đã trồng lúa (hoặc vừng) trên mảnh đất được cầm cố.
         [Đối với trường hợp này], đến mùa gặt, số lúa (hoặc vừng) thu được trên mảnh đất cầm cố vẫn thuộc về chủ sở hữu của nó.
         Người chủ sở hữu của mảnh đất phải trả món nợ của y cho người thương gia kia, cộng với phần lợi tức của khoản vay cũng như những phí tổn mà người thương gia đã bỏ ra khi thuê người khác cày ruộng”.
         Bảo vệ quyền lợi cho chủ nợ, Điều 52 bộ luật quy định:
         “Trong trường hợp mảnh đất cầm cố bị mất mùa, kẻ vay nợ cũng không thể lấy việc mất mùa này làm nguyên cớ để trốn tránh khoản vay của  y.
         Để bảo vệ quyền lợi cho con nợ, bộ luật có những quy định sau đây:
Nếu kẻ nào phải đi vay nợ một người khác;
         Mà năm đó, ruộng nhà y (hoặc y đi thuê) bị mất mùa do lũ lụt hoặc hạn hán;
         Thì y sẽ không phải hoàn lại nợ gốc và phần lãi trong năm.
                                                                             (Điều 48 bộ luật).
         “Nếu kẻ đi vay không có bạc, y có thể lấy thóc (hoặc vừng) để thay thế, theo tỷ giá do nhà vua quy định để trả nợ gốc và lãi cho th­ương gia.
                                                                             (Điều 51 bộ luật).
         “Trường hợp một người cam kết trả khoản nợ của anh ta với người khác bằng lúa mì hoặc bạc;
         Và vì anh ta không còn lúa mì hay bạc nữa;
         Anh ta sẽ phải trao cho chủ nợ tất cả những gì mà anh ta có, trước mặt những người làm chứng.
         Người chủ nợ không được phép gây khó dễ cho anh ta;
         Y phải chấp nhận điều đó.
                                                                             (Điều ....[$c]
 
         Trong trường hợp thấy con nợ không có khả năng trả được khoản nợ, chủ nợ thường có biện pháp xiết nợ. Biện pháp xiết nợ chủ yếu là bắt nô lệ hoặc thậm trí là vợ, con của của con nợ làm con tin. Để bảo vệ quyền lợi cho các con tin, bộ luật Hammurabi có các quy định sau đây:
Nếu con tin bị chết trong nhà chủ nợ do đói khổ hoặc do bị đánh đập, gia chủ của con tin có quyền kiện chủ nợ ra Toà       
Nếu con tin bị chết là con trai của một người dân tự do, thì con của chủ nợ sẽ bị giết.
Nếu con tin bị chết là nô lệ của một người dân tự do, chủ nợ sẽ phải trả cho người dân tự do đó một phần ba (1/3) mine bạc;
         Khoản nợ trước đây giữa chủ nợ và con nợ phải bị huỷ bỏ.
                                                                             (Điều 116 bộ luật).
 
         “Nếu người nào vì nợ mà phải gán vợ, con gái, con trai cho người khác,
         Thì những kẻ bị gán nợ phải phục dịch trong nhà người mua hoặc chủ nợ trong vòng ba năm.
         Đến năm thứ tư, chúng được trả tự do”.
                                                                             (Điều 117 bộ luật).
 
         Bộ luật cũng quy định cho con nợ quyền chuộc lại nô lệ đã có con với mình bị bán đi để trả nợ.
         “Trường hợp con nợ bán nữ nô đã có con với mình để lấy tiền trả nợ,
         Thì đối với nữ nô này, y có quyền mua lại nó”.
                                                                             (Điều 119 bộ luật)
 
         * Hợp đồng cho thuê tài sản
         Nhà làm luật Lưỡng Hà phân biệt hai loại hợp đồng cho thuê tài sản là:
         - Hợp đồng cho thuê động sản.
         - Hợp đồng cho thuê bất động sản.
         Hợp đồng cho thuê bất động sản quan trọng nhất chính là hợp đồng lĩnh canh ruông đất. Ngoài hợp đồng lĩnh canh ruộng đất, bộ luật Hammurabi còn có quy định điều chỉnh hợp đồng thuê nhà.
         “Trường hợp người thuê nhà đã trả trước tiền thuê nhà cho chủ trong cả năm;
         Mà chủ nhà lại yêu cầu y phải ra khỏi nhà trước thời hạn [kết thúc hợp đồng];
         Thì chủ nhà phải hoàn lại một phần tiền thuê nhà tương ứng với những ngày còn lại [trong hợp đồng].
                                                                             (Điều ....[$ b] )
         Tinh thần quy định trên là bảo vệ quyền lợi của bên có nhà cho thuê. Khi cần đòi nhà, chủ nhà chỉ việc trả lại cho người thuê nhà khoản tiền tương ứng với những ngày thuê nhà còn lại theo hợp đồng thuê.
         Về vấn đề hợp đồng cho thuê động sản, loại động sản cho thuê chủ yếu là xe cộ, tàu thuyền và gia súc. Nhà làm luật thường quy định cụ thể giá tiền thuê động sản ngay trong luật. Chẳng hạn, Điều 272 bộ luật Hammurabi quy định:
         “Giá tiền thuê cho một ngày một cỗ xe bò (không có bò và người đánh xe bò) là 40 qua lúa”.
 
         * Hợp đồng gửi giữ tài sản
         Đối với hợp đồng gửi giữ tài sản, nhà làm luật đặc biệt quan tâm đến vấn đề hình thức hợp đồng. Bộ luật Hammurabi chia hợp đồng gửi giữ tài sản thành hai loại:
         - Hợp đồng gửi giữ tài sản thông thường.
         - Hợp đồng gửi giữ tài sản có giá trị.
         Trong hai loại hợp đồng trên, hợp đồng gửi giữ tài sản có giá trị bắt buộc phải được lập thành văn bản và có người làm chứng. Nếu các bên bỏ qua hình thức hợp đồng này, pháp luật sẽ không bảo vệ quyền lợi cho người có tài sản gửi giữ. Điều 123 bộ luật Hammurabi quy định rõ:
         “Nếu việc gửi giữ tài sản có giá trị không được lập thành văn bản, cũng không có người làm chứng, thì khi có tranh chấp xảy ra, người có tài sản gửi giữ sẽ mất số tài sản đó”.
 
4.2.Hành vi pháp lý đơn phương
         “Hành vi pháp lý đơn phương là hành vi thể hiện ý chí của một bên chủ thể nhằm qua đó làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự[1]. Trong bộ luật Hammurabi, nhà làm luật đặc biệt quan tâm đến các hành vi pháp lý đơn phương của chủ tài sản trong việc để lại di sản thừa kế hoặc các hành vi tặng cho mà bên nhận là một thành viên trong gia đình. Vấn đề này sẽ được trình bày rõ hơn trong các mục sau.
 
         4.3.Thực hiện công việc không có uỷ quyền.
         Thực hiện công việc không có uỷ quyền là một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự. Về thực chất, người thực hiện công có uỷ quyền hoàn toàn xuất phát từ lý do đạo đức. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công việc, họ đã bỏ ra những chi phí nhất định và do có chi phí này nên nhà nước phải có sự can thiệp bằng biện pháp pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho các bên.
         Điều 41 bộ luật Hammurabi quy định:
Nếu kẻ nào giúp người chỉ huy hay quân nhân trong các đơn vị quân đội rào giậu lại ruộng, vườn, nhà cửa của họ, sau đó gia cố thêm sự rào giậu đó bằng những hàng cọc;
         Thì sau khi trở về, những quân nhân này phải trả những chi phí mà kẻ kia đã bỏ ra để dựng lên hàng rào đó”.
         Điều luật trên cho thấy, người Lưỡng Hà cổ đại đã biết đến và điều chỉnh vấn đề thực hiện công việc không có uỷ quyền. Tuy nhiên, vấn đề này cũng chỉ giới hạn trong một trường hợp cụ thể đã nêu trong điều luật; cách quy định của điều luật khá đơn giản, chỉ xác định nghĩa vụ của bên được hưởng lợi phải thanh toán chi phí đã bỏ ra cho bên thực hiện công việc không có uỷ quyền mà không tính đến điều kiện của thực hiện công việc không có uỷ quyền. Dù sao, Điều 41 nêu trên cũng có ý nghĩa rất tiến bộ và là một bước phát triển vượt bậc của dân luật Lưỡng Hà cổ đại cách chúng ta ngày nay đến gần 4000 năm.
 
4.4.Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật; vấn đề nguồn nguy hiểm cao độ.
         - Hành vi trái pháp luật phải bị trừng phạt; gây thiệt hại do thực hiện hành vi trái pháp luật phải bồi thường, đây là nguyên lý chung của dân luật trong mọi quốc gia.
         Bộ luật Hammurabi quy định rất nhiều các trường hợp cụ thể người  thực hiện hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác phải bồi thường. Như đã trình bày trong Mục “Các quy định điều chỉnh quan hệ hình sự trong bộ luật Hammurabi”, chúng ta rất khó xác định một cách rạch ròi bồi thường thiệt hại là chế tài dân sự hay chế tài hình sự trong bộ luật này. Có trường hợp đền bù thiệt hại mang tính cách là chế tài dân sự, bởi bản chất của việc bồi thường đó là khôi phục lại tình trạng ban đầu của đối tượng bị gây thiệt hại, khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm. Chẳng hạn Điều 55 bộ luật quy định:
         “Kẻ nào do bất cẩn, trong khi mở cống nước để tưới tiêu cho ruộng của mình, đã gây úng lụt cho ruộng bên cạnh;
         Kẻ đó sẽ phải bồi thường cho người có ruộng bị ngập lụt số thóc lúa tương đương với số thóc lúa thu được từ một ruộng liền kề khác”.
         Trong những trường hợp khác, bồi thường thiệt hại mang ý nghĩa chế tài hình sự nhiều hơn, bởi nó hàm nghĩa trong đó sự trừng phạt người có hành vi phạm tội. Chẳng hạn, Điều 124 bộ luật quy định:
         “Trường hợp kẻ gửi giữ vàng, bạc và các của cải khác cho kẻ khác trước mặt người làm chứng;
         Mà kẻ này dám chối bỏ việc đó
         Thì y sẽ bị đưa ra Toà và phải đền gấp đôi số tài sản nhận gửi giữ.
 
         - Những người xây dựng bộ luật Hammurabi cũng đã biết đến vấn đề nguồn nguy hiểm cao độ và xử lý khá tinh  tế quan hệ bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
         Điều 250 bộ luật quy định:
         “Trường hợp con bò bị lồng lên khi đang đi trên đường húc vào một người
         Và làm người này chết
         Thì gia đình người chết không thể kiện chủ của con bò”.
         Điều 251 bộ luật quy định:
         “Nếu như con bò thường xuyên húc sừng của nó về phía người khác
         Người chủ bò đã biết tật xấu này của con bò mà không cưa bớt sừng bò hay buộc nó lại cẩn thận
         Dẫn đến việc con bò húc chết con trai người dân tự do
         Người chủ bò sẽ phải bồi thường (cho gia đình người bị hại) một phần hai (1/2) mine bạc”.
          Trong hai điều luật nói trên, gia súc (con bò) được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Quan điểm của nhà làm luật Lưỡng Hà là: nếu như việc gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ là do sự kiện bất ngờ (Điều 250 bộ luật) thì chủ bò không phải bồi thường cho người bị hại; trường hợp ngược lại, trách nhiệm dân sự sẽ phát sinh.
 
            4.5.Căn cứ khác làm phát sinh nghĩa vụ dân sự
            Bộ luật Hammurabi quy định hai trường hợp phát sinh nghĩa vụ dân sự chung của cộng đồng. Cụ thể là:
            - Nghĩa vụ trả tiền chuộc thành viên công xã bị bắt làm tù binh.
            - Nghĩa vụ trả tiền bồi thường cho người bị cướp mà không bắt được thủ phạm.
Điều 32 bộ luật quy định:
Trường hợp người chỉ huy hay chiến sỹ trong một đơn vị quân đội bị bắt làm tù binh ở nước ngoài;
         Một thương gia đã trả tiền chuộc anh ta và đưa anh ta về quê cũ;
         Nếu trong nhà anh ta còn tài sản, anh ta sẽ dùng tài sản đó trả lại khoản tiền chuộc cho nhà thương gia;
         Nếu trong nhà anh ta không còn tài sản, đền thờ nơi quê nhà anh ta sẽ có trách nhiệm trả món nợ đó;
         Nếu đền thờ không trả được thì nhà vua sẽ trả món tiền này.
         Nghiêm cấm việc dùng ruộng vườn đã chia cấp cho quân nhân làm tài sản để chuộc lại tự do cho anh ta”.
            Điều 23 bộ luật quy định:
Trong trường hợp người ta không bắt được tên cướp;
Người bị cướp có nghĩa vụ khai báo trung thực trước thần linh những gì anh ta bị cướp;
Thành phố nơi anh ta bị cướp và người đứng đầu thành phố đó (le cheikh - tù trưởng) sẽ bồi thường những tài sản bị mất cho anh ta”.
 
5. Vấn đề đại diện thương mại trong bộ luật Hammurabi
Vào thời đại Hammurabi, ở Lưỡng Hà cổ đại, hoạt động thương mại của các thương nhân, ở trong nước cũng như ở nước ngoài đều được mở rộng. Thương nhân có thể trực tiếp bỏ tiền ra kinh doanh, dùng tiền cho cho vay nặng lãi hoặc uỷ quyền cho người khác làm đại diện đem hàng hoá đi bán ở những nơi xa. Các hoạt này đều cần đến sự điều chỉnh của pháp luật với tư cách là sự bảo hộ cần thiết từ phía nhà nước cho các thương nhân và người đại diện của họ.
Điều 104 bộ luật Hammurabi quy định:
         “Nếu người thương nhân giao cho gia nhân của ông ta thóc lúa, dầu, len hay bất cứ thứ gì khác (để gia nhân này đem bán);
         Thì người gia nhân, (sau khi bán xong số hàng hoá nói trên) phải ghi lại cẩn thận số tiền y đã thu được;
         Và giao lại cho chủ nhân của y.
         (Sau khi giao tiền), người gia nhân phải xin được chứng từ, có đóng dấu của thương nhân về số tiền mà y đã giao cho ông ta”.
         Theo nội dung của điều luật trên, việc buôn bán ở nước ngoài của thương nhân được uỷ quyền cho người đại diện là những người gia nhân của họ. Người gia nhân có trách nhiệm :
         - Vận chuyển hàng hoá mà thương nhân giao cho ra nước ngoài.
         - Bán số hàng đó.
         - Ghi chép cẩn thận việc mua bán hàng hoá cũng như số tiền thu được từ việc bán hàng.
         - Đem số tiền thu được về nộp cho thương nhân.
         Như thế, thương nhân thực chất chỉ là người bỏ vốn ra kinh doanh, còn các hoạt động kinh doanh cụ thể là do gia nhân của ông ta đảm nhiệm. Để ràng buộc trách nhiệm của những người gia nhân này, Điều 101 bộ luật quy định:
         “Nếu người gia nhân chẳng thu được lợi nhuận từ nơi (anh ta) đến (buôn bán);
         Anh ta sẽ phải trả gấp đôi số tiền đã nhận từ thương nhân”.
         Tuy nhiên, Điều 102 bộ luật cũng quy định:
         “Nếu người thương gia, khi giao tiền cho gia nhân của mình (để buôn bán) mà không đặt ra một nghĩa vụ nào cả;
         Và người gia nhân này, khi buôn bán ở nơi xa, đã làm ăn thua lỗ;
         Thì người gia nhân chỉ phải hoàn trả cho ông ta số vốn gốc mà thôi”.
         Từ các điều luật trên, có thể thấy rằng lợi ích của thương nhân luôn được bảo vệ. Trong mọi trường hợp, vốn của thương nhân đều được bảo tồn. Người gia nhân chỉ được miễn trách nhiệm trong trường hợp làm thất thoát số vốn đó nếu thiệt hại xảy ra có nguyên nhân từ sự kiện bất khả kháng.
         Điều 103 bộ luật quy định:
         “Nếu trên đường đi, người gia nhân bị bọn cướp cướp mất số hàng hoá mang theo;
         Thì y sẽ phải thề trước thần linh về việc này;
         Và người ta sẽ miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho y”.
         Bộ luật Hammurabi có nhiều điều luật quy định cụ thể mối quan hệ trách nhiệm giữa thương nhân và người gia nhân trong việc giao nhận tiền vốn cũng như tiền thu được từ kết quả hoạt động kinh doanh. Người nào có hành vi gian dối gây thiệt hại cho người kia đều bị trừng phạt.
         Đối với người gia nhân, Điều 106 bộ luật quy định:
         “Nếu người gia nhân đã nhận tiền của thương gia (để đi buôn bán) mà chối rằng chưa nhận;
         Thì người thưưong gia phải đưa y ra trước thần linh với người làm chứng của mình.
         Người gia nhân sẽ phải trả cho thương gia gấp 3 lần số tiền mà  y đã nhận được.
         Đối với thương nhân, Điều 107 quy định:
         “Nếu người thương nhân cố ý làm hại gia nhân của hắn ta bằng cách chối bỏ tất cả những gì mà hắn đã nhận được từ người gia nhân này;
         Người gia nhân có quyền đưa ông chủ của mình ra trước thần linh với người làm chứng.
         Tên thương nhân kia sẽ phải đền bù số tài sản gấp 6 lần tài sản mà hắn đã nhận được cho người gia nhân.



[1] Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật dân sự , Tập II, NXB Công an nhân dân, năm 1997 tr 14.


Nguồn tin: Nguyễn Đức

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code