Năm 1901, một đoàn nghiên cứu khảo cổ người Pháp đã tìm được một phiến
đá bazan cao 2,25 m ở thành phố Suse thuộc nước Iran ngày nay. Đây là
phát hiện khảo cổ học có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi trên hai mặt của
phiến đá ấy có khắc một trong những bộ luật cổ xưa nhất của loài
người, bộ luật Hammurabi.
Bộ luật Hammurabi được ra đời trong khoảng thời gian từ năm 1792 đến năm
1750 trước công nguyên dưới triều đại của vị vua Babylone thứ sáu trị
vì khu vực Lưỡng Hà cổ đại. Hammurabi chính là tên vị vua đã ban hành ra
bộ luật nổi tiếng này.
Bộ luật được chia thành ba phần rõ
rệt: phần mở đầu, phần nội dung bộ luật và phần kết luận. Trong phần mở
đầu, vua Hammurabi đã khẳng định rõ lý do ban hành bộ luật là để cho
“kẻ mạnh không còn ức hiếp được người yếu”, cho công lý được thi hành,
cho hạnh phúc và chính nghĩa được lan toả đi khắp vương quốc của ông.
Phần nội dung của bộ luật được chia thành 282 điều. Thực ra,
con số 282 điều luật này là do người phương Tây, khi dịch bộ luật từ
ngôn ngữ cổ ra tiếng nước họ đã tự đánh số các đoạn văn được khắc dưới
Phần mở đầu nói trên mà thành. Trong 282 điều luật, chỉ có 247 điều luật
đọc được, 35 điều luật còn lại được cho là bị quân xâm lược Elam cạo đi
khi cướp bộ luật đem về thành Suse.Phần kết luận tái khẳng định ý nghĩa của bộ luật và đưa ra những lời nguyền rủa tất cả những kẻ nào dám phá hoại chế độ pháp luật do bộ luật đặt ra.
Hiện nay, bộ luật Hammurabi đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới và cũng đã có rất nhiều công trình khoa học nghiên cứu bộ luật này.
ở Việt Nam, giáo sư Nguyễn Gia Phu cũng đã trích dịch một số điều của bộ luật Hammurabi từ bản tiếng Trung sang Việt ngữ. Bạn đọc có thể tìm hiểu bản dịch này trong bộ Thông sử thế giới vạn năm, Tập I, do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin ấn hành năm 2000. Ngoài ra, một số tài liệu nghiên cứu về Lịch sử thế giới, Lịch sử Nhà nước và Pháp luật thế giới cũng có một số trang viết về bộ luật.
Tiếp cận với bộ luật Hammurabi từ bản tiếng Pháp, tôi có một mong muốn là góp chút phần nhỏ bé nhỏ bé của mình đưa bộ luật nổi tiếng này đến với bạn đọc Việt Nam. Các tài liệu viết về bộ luật Hammurani hiện nay tuy nhiều nhưng chưa thật đầy đủ và ở một góc độ nào đó còn chưa thật chuẩn xác nữa. Nhiều tài liệu có cái nhìn thiên lệch về bộ luật, quá nhấn mạnh khía cạnh bộ luật như là cơ sở của sự thống trị giai cấp và duy trì quan hệ bất bình đẳng trong xã hội cổ đại mà chưa thấy được những điểm tiến bộ, mang tính nhân văn và cần thiết phải học hỏi của bộ luật này. Đương nhiên, ra đời trong bối cảnh chế độ chiếm hữu nô lệ, bộ luật Hammurabi không thể tránh khỏi những hạn chế mang tính thời đại; do vậy, người đọc thời nay xem luật xưa cũng để hiểu người xưa hơn, qua đó thấy được những ưu việt và sự phát triển của nền pháp luật đương đại.
Về nội dung của cuốn sách này, tôi chia cuốn sách làm hai phần:
Phần I: Tổng luận về bộ luật Hammurabi. Phần này tiếp cận bộ luật theo chiều dọc, nghĩa là xem xét nội dung của bộ luật trên cơ sở hệ thống hoá các điều luật thành từng cụm vấn đề: vấn đề hình sự, vấn đề dân sự - thương mại, vấn đề hôn nhân gia đình trong bộ luật Hammurabi.
Phần II: phân tích, bình luận từng điều luật cụ thể của bộ luật.
Mặc dù đã có sự nỗ lực và cố gắng, song do kiến thức của bản thân còn hạn chế, kèm thêm vào đó là nguồn tài liệu thiếu thốn, cuốn sách chắc chắn không tránh khỏi những sai sót. Tác giả cuốn sách chân thành mong muốn nhận được sự góp ý phê bình của bạn đọc.
Phần I
Tổng luận về bộ luật Hammurabi
Phần này sẽ nghiên cứu:* Những nét khái quát chung nhất về bộ luật Hammrabi
* Quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ hình sự trong bộ luật Hammrabi.
* Quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự, thương mại, lao động trong bộ luật Hammrabi.
* Quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình trong bộ luật Hammrabi.
* Vấn đề tố tụng trong bộ luật Hammurabi
1. Khái quát chung về bộ luật Hammurabi
K.Marx viết: “Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội; chính trị và tinh thần nói chung. Không phải ý thức của con người quyết định tồn tại của họ; trái lại tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ”.[1] Trong mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, cơ sở hạ tầng luôn giữ vai trò quyết định. Là một yếu tố của kiến trúc thượng tầng, pháp luật luôn là tấm gương phản chiếu các quan hệ kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội.
Ra đời trong bối cảnh xã hội chiếm hữu nô lệ ở Lưỡng Hà cổ đại, bộ luật Hammurabi không thể làm một việc gì khác hơn là phản ánh các quan hệ thống trị đương thời, đồng thời là công cụ hữu hiệu để bảo vệ các quan hệ đó.
Xã hội Lưỡng Hà cổ đại thời Hammurabi được chia thành ba giai cấp: giai cấp quý tộc (awilum), giai cấp bình dân (mushkenu hay moushkenou) và nô lệ, trong đó quý tộc và bình dân đều gọi chung là những người tự do. Theo quan điểm của nhiều nhà khoa học, moushkenou là “hậu duệ của những dân cư cổ xưa bị các cuộc xâm lăng liên tiếp vào vùng Lưỡng Hà nhận chìm; người ta đã không nô dịch họ, nhưng những người mới đến không bao giờ chấp nhận họ hoàn toàn vào cộng đồng”, họ là “một giai cấp đang bị tiêu diệt, và thực sự sau này đã biến mất hoàn toàn; chắc là nhờ những vụ làm ăn may mắn, một số người trong số đó đã nâng cao được vị trí xã hội của họ, ngược lại, một số khác thì mất mọi của cải và chìm vào đám đông các nô lệ”[2]. Như thế, về cơ bản, có thể nói đến hai giai cấp đối kháng trong xã hội Lưỡng Hà: giai cấp chủ nô và giai cấp nô lệ. Nô lệ là tài sản thuộc sở hữu của chủ nô, phải phục tùng chủ nô về mọi mặt. Chủ nô là giai cấp thống trị và muốn duy trì trật tự thống trị này bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó pháp luật được coi là một trong những biện pháp chủ yếu. Điều này được phản ánh một cách rõ nét trong bộ luật Hammurabi. Các quy phạm pháp luật của bộ luật, dù là dân sự hay hình sự đều hướng sự điều chỉnh của mình vào việc bảo vệ quyền lợi cho chủ nô. Luật trừng phạt nghiêm khắc hành vi chống đối chủ nô của nô lệ, quy định là tội phạm những ai giúp nô lệ bỏ trốn, hợp pháp hoá các hợp đồng mua bán trong đó nô lệ là đối tượng giao dịch ...
Cơ sở kinh tế của Lưỡng Hà là nông nghiệp và thương mại. Để bảo vệ nền nông nghiệp quốc gia, bộ luật Hammurabi đưa ra những quy định trừng phạt người thiếu trách nhiệm trong công tác thuỷ lợi, người không cẩn thận trong việc tưới tiêu nước gây úng lụt cho ruộng người khác. Bộ luật cũng trừng phạt hành vi trộm cắp nông cụ, thóc giống, giết hại trâu bò là sức kéo chủ yếu trong nông nghiệp. Để khuyến khích sản xuất, bộ luật thiết lập nên chế độ sở hữu ruộng đất rõ ràng; ngăn cấm việc mua bán, chuyển nhượng đất công nhưng cũng bảo vệ các giao dịch liên quan đến đất tư, quy định rõ quyền lợi của người đi thuê đất và người có đất cho thuê cũng như vấn đề chia sẻ rủi ro khi thiên tai, lũ lụt xảy ra.
Chính sách cơ bản của nhà nước Lưỡng Hà là khuyến khích ngoại thương, phát triển thương mại nội địa. Điều này có nguyên nhân từ đặc điểm địa lý vùng Lưỡng Hà là khan hiếm kim loại cũng như những loại nguyên liệu cơ bản khác cho sản xuất thủ công. Để bù đắp vào sự thiếu hụt đó, người Lưỡng Hà phải phát huy sở trường thương mại. Pháp luật cũng phải góp phần hỗ trợ tích cực cho hoạt động này. Bộ luật Hammurabi có nhiều quy định về vấn đề đại diện thương mại, phát triển chế định hợp đồng, định rõ chế độ sở hữu tài sản.
Nền tảng của xã hội là gia đình. Tư tưởng chủ đạo của nhà lập pháp Lưỡng Hà cổ đại làm củng cố, bảo vệ và phát triển chế độ gia đình phụ hệ theo mô hình gia trưởng, bảo vệ các truyền thống, tập quán hôn nhân và đạo đức xã hội. Pháp luật ngăn cấm, trừng phạt nghiêm khắc những hành vi có tính chất loạn luân, đi ngược lại với luân thường đạo lý.
Nguyên tắc cơ bản được quán triệt trong toàn bộ bộ luật Hammurabi là nguyên tắc công bằng. Trong tâm thức của người làm luật, công bằng là vấn đề cốt tử của pháp luật. Pháp luật chính là sự hiện thân của công bằng và công lý. Không có công bằng, pháp luật không thể tồn tại.
Tuy nhiên, công bằng là khái niệm mang ý nghĩa lịch sử. Vào thời đại của Hammurabi, công bằng không có nghĩa là bảo vệ quyền lợi như nhau cho tất cả mọi người, coi nô lệ cũng ngang hàng với địa vị của người tự do. Khái niệm công bằng ở đây được hiểu là công bằng giữa những người cùng một đẳng cấp hay giai cấp xã hội. Pháp luật định ra một hành lang pháp lý chung cho những người ở cùng một giai cấp với nhau, đó là sự công bằng xã hội.
Trong bộ luật Hammurabi, công bằng còn có nghĩa là áp dụng hình phạt ngang bằng với thiệt hại mà kẻ phạm tội gây ra. Có thể nói rằng, chưa có bộ luật nào áp dụng triệt để nguyên tắc Talion (mắt đền mắt, răng đền răng) như bộ luật Hammurabi. Sự công bằng, theo cách này nhiều khi thái quá, dẫn đến làm oan cả những người vô tội. Luật quy định người thợ xây làm chết con của chủ nhà thì phải giết con người thợ xây. Con người thợ xây là người không liên quan đến hành vi phạm tội, tại sao lại giết con người thợ xây? Đây là một trong những hạn chế và nhược điểm lớn nhất của bộ luật Hammurabi, nó vừa phản ánh tồn tại xã hội còn rơi rớt lại những tập tục nguyên thuỷ, vừa thể hiện tính cứng nhắc trong quan niệm về lẽ công bằng, cứng nhắc đến độ xuyên tạc cả ý nghĩa nhân đạo của tư tưởng công bằng nữa.
Cùng với nguyên tắc công bằng, nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của kẻ yếu cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản của bộ luật Hammurabi. Nguyên tắc này đã được khẳng định ngay tại Phần mở đầu của bộ luật. Thể hiện nguyên tắc này, bộ luật ngăn cấm hành vi xâm phạm thân thể của người phải vào nhà người khác làm con tin để gán nợ, giới hạn thời gian làm con tin chỉ trong ba năm, quy định là tội phạm ngay cả đối với những hành vi xâm phạm đến nô lệ, quy định cho phép con nợ được hoãn trả nợ trong một năm nếu như năm đó bị mất mùa, quy định việc bảo vệ quyền lợi của con chưa thành niên, con nuôi cũng phải được ngang quyền với con đẻ... Đặt trong bối cảnh có nhiều áp bức bất công, những quy định như thế thực sự có nhiều ý nghĩa tiến bộ, mang tinh thần nhân đạo sâu sắc.
Có người nói rằng pháp luật là sự hạn chế quyền lực của nhà nước, là phương tiện chống lại bạo quyền và bất công. Pháp luật hạn chế sự tuỳ tiện của các viên chức công quyền, loại bỏ tệ vô chính phủ trong sử xự giữa các cá nhân. Trên quan điểm này, cần đánh giá một cách đúng mực các hình phạt tàn bạo trong bộ luật Hammurabi. Một mặt, các hình phạt đó rõ ràng là vô nhân đạo, chà đạp lên thân thể và phẩm giá con người. Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng đối tượng áp dụng các hình phạt đó rất hạn chế, lại áp dụng chủ yếu cho những hành vi trái đạo đức xã hội. Bản thân việc quy định phạm vi hạn hẹp việc áp dụng các hình phạt dã man đã nói lên ý nghĩa xã hội mang tính ngược lại của các hình phạt này. Việc quy định rõ ràng đối tượng, phạm vi áp dụng hình phạt thực chất là đã cản trở khả năng áp dụng tuỳ tiện các hình phạt đó. Như thế, về điểm này, cũng phải thấy được ý nghĩa tiến bộ của bộ luật Hammurabi.
Trên đây là một số điểm mang tính khái quát chung được rút ra trên cơ sở nghiên cứu bộ luật Hammurabi. Phần dưới đây sẽ đi vào các quy phạm điều chỉnh các quan hệ xã hội cụ thể được thể hiện trong bộ luật.
[1] C. Mác, Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị, NXB Tiến bộ Mát-xcơ-va và NXB Sự thật Hà nội, 1989, tr 8.
[2]
Leonard Woolley, Bước đầu của nền văn minh, (Trong cuốn “Lịch sử văn
minh nhân loại thời tiền sử”), NXB Văn hoá thông tin, năm 2001, tr 509.
0 comments:
Post a Comment