Sunday, August 11, 2013

Học thuyết pháp quyền tự nhiên




Xét theo nguồn gốc, những tư tưởng về pháp luật tự nhiên ra đời tương đối sớm, ngay trong xã hội Hy Lạp, Lamã cổ đại.

Aristote ( 384 - 322 TCN ) là đại diện đầu tiên của trường phái này. Ông cho rằng pháp luật phải là " sự suy diễn từ sự hài hoà của trật tự tự nhiên "(1). Protagorat, nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại khẳng định: pháp luật ra đời không phải do Thượng Đế mà do con người thống nhất thoả thuận với nhau, nhằm đảm bảo an toàn và làm thoả mãn những nhu cầu của mỗi cá nhân trong xã hội. Cicéron ( 106 - 43 TCN ), trong tác phẩm De republica ( Về nền cộng hoà ), quan niệm rằng " cao hơn pháp luật do con người sáng tạo ra là luật bất biến và vĩnh cửu của tự nhiên. Chính những luật này đã chi phối luật pháp của con người "(2) , trên quan điểm đó, ông biện minh cho pháp luật thực định của nhà nước chiếm hữu nô lệ Lamã, và kêu gọi mọi người tôn trọng, tuân thủ theo pháp luật do nhà nước ban hành.

Thời Trung cổ, các nhà nước phong kiến châu Âu đều là những nhà nước tập quyền chuyên chế, nhà vua vừa là người ban hành các đạo luật, vừa nắm trong tay quyền hành pháp, lại vừa là pháp quan tối cao. Hoàng đế Louis XIV của nước Pháp đã từng tuyên bố: " Nhà nước là ta và pháp luật là ý chí của ta ". Sự lạm dụng quyền lực của các nhà vua đã đẩy xã hội vào tình trạng mất ổn định, gây khó khăn cho sản xuất, và xâm hại tới cuộc sống của nhân dân. Trong hoàn cảnh ấy, những tư tưởng về pháp quyền tự nhiên lại sống lại như một ước nguyện muốn bênh vực, bảo vệ cho những quyền cơ bản nhất của con người trong xã hội, ràng buộc quyền lập pháp của nhà vua.
Thomas Dacin (1225 - 1274) - nhà thần học Thiên chúa giáo, tu sĩ dòng Dominic, được giáo hội Vatican phong thánh năm 1323, tuy chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy tâm kinh viện, nhưng lại khá tiến bộ khi đề cập tới các " luật tự nhiên ". Ông phân biệt luật pháp thành 4 loại: luật vĩnh cửu của Chúa trời; luật tự nhiên phản chiếu luật vĩnh cửu; nhân luật là pháp luật phong kiến hiện hành phản chiếu luật tự nhiên; và cuối cùng: thần luật là luật của Kinh Thánh. Trong đó, ông nhấn mạnh: nhân luật không được trái với luật tự nhiên, vì bất luận trong hoàn cảnh nào con người cũng cần được sống; nhà cầm quyền không được ban hành những đạo luật cấm thần dân sống, hôn nhân và sinh đẻ như dưới thời nô lệ.

Tuy Thomas Dacin đã nhắc tới luật tự nhiên từ thế kỷ 13, nhưng phải đến thời kỳ thế kỷ 17, 18 thì các nhà triết học Hà Lan là H. Grotius và B.B. Spinoza mới hoàn thiện nó thành một hệ thống lý luận hoàn chỉnh mang tên: " Học thuyết pháp quyền tự nhiên ".

Theo học thuyết này, pháp luật tự nhiên là hệ thống pháp luật tồn tại một cách vĩnh cửu trong tự nhiên, không phụ thuộc vào nhà nước và xã hội mà chỉ dựa vào lý trí và bản tính tự nhiên của con người. Pháp luật tự nhiên tồn tại nhằm điều chỉnh các mối quan hệ giữa người và người trong trạng thái tự nhiên - khi chưa có nhà nước và pháp luật thực định.

" Pháp luật tự nhiên thể hiện những quy tắc, tiêu chuẩn về công bằng, bác ái, lẽ phải, lương tri, tôn trọng tới nhân cách, phẩm giá và các quyền con người"(3).

Hugo Grotius ( 1583 - 1645 ) - nhà luật học nổi tiếng người Hà Lan có vai trò to lớn trong việc giải thoát lý luận nhà nước và pháp luật khỏi sự bảo hộ của thần học và chủ nghĩa kinh viện trung đại, trong tác phẩm xuất sắc nhất của mình, được viết khi ông đang phải sống lưu vong ở Pháp - " Bàn về pháp luật của chiến tranh và hoà bình " (1625 ), đã đưa ra các luận điểm nổi tiếng của pháp luật tự nhiên. Theo Grotius, pháp luật cũng như nhà nước, bắt nguồn từ trần gian chứ không phải bắt nguồn từ Thượng Đế; pháp luật tự nhiên và pháp luật thực định cùng tồn tại song song. Pháp luật tự nhiên - thứ pháp luật ra đời trước, có nguồn gốc từ bản chất của con người, là kết tinh trí tuệ của con người. Theo ông, sự giữ mình trước tài sản của người khác, trách nhiệm thực hiện lời hứa, sự bồi thường thiệt hại do mình gây ra, sự trừng trị thích đáng kẻ phạm tội ... là những chỉ định của pháp luật tự nhiên. Thứ pháp luật thực định được xác lập theo ý chí con người do nhà nước ban hành phải hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc của pháp luật tự nhiên. Grotius chỉ ra rằng pháp luật phong kiến hiện hành là thứ pháp luật trái với bản chất và lý trí của con người, nên ông nêu cao đòi hỏi phải có một thứ pháp luật mới phù hợp với các luật của tự nhiên.

Benedic Barud Spinoza ( 1632 - 1677 ) - nhà triết học người Hà Lan, tuy không đi sâu nghiên cứu về pháp luật mà chỉ chú trọng tới vấn đề nhà nước, nhưng những quan điểm về nhà nước của ông lại biểu hiện tính chất pháp quyền tự nhiên một cách sâu sắc. Theo ông, một nhà nước hoàn hảo là một nhà nước dân chủ mà pháp luật bảo đảm cho quyền lợi và sự tự do thực sự của con người: con người không những được quyền sống, quyền tồn tại mà còn được hưởng những quyền tất yếu nhằm thoả mãn lợi ích của họ; hơn thế, pháp luật còn phải đảm bảo ngăn ngừa những nhà lãnh đạo không thể xâm phạm đến sở hữu, an toàn và tự do của những người dân. Từ những quan điểm đó ta cũng có thể khẳng định Spinoza là một trong những học giả theo học thuyết pháp quyền tự nhiên, bởi đã chỉ ra những quyền cơ bản và tự nhiên của con người, cũng như mối liên hệ phụ thuộc của pháp luật thực định với các quyền ấy.

Lý thuyết pháp quyền tự nhiên tuy còn bộc lộ các điểm tiêu cực như mang bản chất giai cấp khi luôn đề cao quyền sở hữu tư nhân, nhưng cũng không thể phủ nhận ý nghĩa to lớn của nó trong việc " góp phần xé bỏ ánh hào quang thánh thần bao trùm chế độ xã hội phong kiến chuyên chế đang kìm kẹp xã hội trong gông cùm tín ngưỡng phi nhân tính "(4), chỉ ra nguồn gốc của nhà nước và pháp luật hoàn toàn không phải từ Thượng Đế hay Chúa trời. Với vai trò của nó trong lịch sử nhận thức của nhân loại, Mác đã nhận xét: học thuyết pháp quyền tự nhiên " đã bắt đầu xem xét nhà nước bằng đôi mắt người và rút ra những quy luật tự nhiên của nhà nước từ lý trí và kinh nghiệm, chứ không phải từ khoa thần học "(5).

Ngoài những ý nghĩa tích cực trong mặt nhận thức luận, việc luôn đề cao lý trí và bản tính con người trong học thuyết pháp quyền tự nhiên đã khiến pháp luật tự nhiên - một thứ pháp luật chỉ tồn tại trong tư tưởng và suy nghĩ của các nhà học giả - trở thành thước đo cho tính nhân bản của pháp luật, hay nói cách khác là: " quyền con người toát lên từ hệ thống pháp luật thực định "(6).

________________________________
(1)(2)(3)(4)(6) Từ điển Luật học, Viện khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, Nxb Tư pháp - Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, năm 2006, tr.608, từ mục " pháp luật tự nhiên "
(5) TS Trần Hậu Thành: Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, năm 2005

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code