1.1.
Từ xa xưa, nữ thần công lý đã được khắc hoạ, miêu tả với ba biểu tượng
đặc trưng: một thanh gươm biểu tượng cho quyền lực cưỡng chế, quyền uy
của toà án, một chiếc cân để phân định cái thiện và cái ác, biểu tượng
cho lẽ phải, sự công bằng, chính trực, nghiêm minh, không thiên vị và
một chiếc khăn bịt mắt tượng trưng cho ý tưởng công lý “mù loà”, đề
kháng, đối lập lại những áp lực, ảnh hưởng từ bên ngoài. Ngày nay, công
lý được coi là sự nhận thức đúng đắn và hành động đúng vì chân lí, vì
công bằng và lẽ phải, phù hợp với lợi ích chung, với đạo lí của nhân
dân, được xã hội và pháp luật thừa nhận...
1.2.
Trong nền khoa học pháp lý thế giới, công lý là khái niệm có nội hàm
khá năng động, tuỳ thuộc vào từng nền văn hoá và từng giai đoạn phát
triển của xã hội trong lịch sử. Công lý trong giai đoạn thứ nhất của xã
hội sơ khai được thể hiện khá rõ nét bằng sự trả thù cá nhân, bằng luật
báo thù, dĩ oán báo oán. Giai đoạn thứ hai của sự phát triển này là thay
sự báo thù bằng bồi thường, phạt vạ, nhằm giữ yên ổn, hoà hảo trong nội
bộ các bộ tộc, bộ lạc. Will Durant trong cuốn “Nguồn gốc văn minh” (Nhà
Xuất bản văn hoá thông tin, năm 2006) còn đưa ra một ví dụ sinh động về
cách phạt vạ khá cẩn thận, tỉ mỉ của người Abysinie: “Nếu một đứa nhỏ
trên cây té xuống đúng vào một đứa bạn của nó, làm cho đứa này chết thì
mẹ của đứa chết có quyền sai một đứa khác leo lên cây rồi buông tay cho
rớt xuống đúng đầu đứa phạm tội”. Đến giai đoạn thứ ba, để ngăn chặn các
cuộc trả thù cá nhân, toà án đã được thành lập để thẩm định, đánh giá
các mức độ thiệt hại, từ đó hoà giải, điều đình cho các xung đột giữa
các cá nhân trong xã hội. Công lý và tư pháp xét xử đã vững bước song
hành từ những bước phát triển của lịch sử như vậy.
1.3.
Theo Plato, công lý là một khái niệm thể hiện phẩm hạnh và sự hài hoà
của cộng đồng. Còn theo Aristotle, công lý cốt ở việc đối xử bình đẳng
với những người ngang nhau và bất bình đẳng với những người không ngang
hàng, tương xứng với sự khác nhau về địa vị của họ. Theo ông, công lý
được chia thành “công lý cải tạo” - nơi mà toà án sửa chữa một lỗi lầm
do một bên phạm phải đối với bên khác và “công lý phân phối” - cách
thức, nỗ lực cố gắng để công bằng với mỗi người, đúng theo những gì mà
người đó xứng đáng. Công lý phân phối chính là mối quan tâm chủ yếu,
hàng đầu của các nhà lập pháp. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng luật
pháp và công lý là hai khái niệm không hoàn toàn đồng nhất, thậm chí,
trong một số xã hội, luật pháp đôi khi đi chệch hướng công lý.
1.4.
Trong xã hội hiện đại, những giải thích về công lý có khuynh hướng tập
trung vào việc làm thế nào để xã hội có thể phân phối một cách công bằng
nhất những gánh nặng và phúc lợi của đời sống xã hội, từ đó đã đưa khái
niệm công lý mang tính thực tiễn và chính trị hơn là một quan niệm siêu
hình trước đây. Trong tác phẩm “Một lý thuyết về công lý” (A Theory of
Justice), John Rawls đã định nghĩa công lý như là sự hợp lý. Trong tác
phẩm “Đường về nô lệ” (The Road to Serfdom), F.A. Hayek khẳng định sự
tương đồng giữa tính “mù” của công lý và cạnh tranh, theo ông, công lý
và cạnh tranh đều không thiên vị ai.
1.5.
Trong xã hội Việt Nam phong kiến, khát vọng công lý luôn lan toả trong
những thành ngữ, tục ngữ phê phán thói hư, tật xấu của đội ngũ quan lại
phong kiến: Nén bạc đâm toạc tờ giấy (Công lý bị đồng tiền chi phối),
Đất thấp trời cao (Hoàn cảnh trớ trêu, người có địa vị thấp hèn khó có
thể giãi bày, kêu oan với bề trên), Quan châu có quyền đốt đuốc, thiên
hạ không được thắp đèn (Nhận xét về sự bất công giữa kẻ có chức quyền và
nhân dân), Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ (Nhận định về tệ tham nhũng
của quan lại phong kiến)… Có thể nói, công lý, lẽ phải và sự công bằng
đã trở thành khát vọng ngàn đời nay của người dân Việt Nam.
1.6.
Những tư tưởng về một nền công lý đích thực, chân chính đã được truyền
bá vào Việt Nam kể từ khi Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập ra nước Việt
Nam Dân chủ cộng hoà, tiến hành cuộc đấu tranh nhằm vạch trần và lên án
chế độ cai trị hà khắc, tàn bạo, phi nhân tính, phi pháp quyền của Chính
phủ Pháp tại thuộc địa Việt Nam. Bằng ngòi bút sắc sảo, Nguyễn Ái Quốc
đã đưa ra một hình ảnh về chế độ phi pháp quyền, một nền công lý giả tạo
mà người Pháp áp đặt tại Việt Nam: “Công lý được tượng trưng bằng
một người đàn bà dịu hiền, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm. Vì đường
từ Pháp đến Đông Dương xa quá, xa đến nỗi sang được tới đó thì cán cân
đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng ra và biến thành những tẩu thuốc
phiện hoặc những chai rượu ty, nên người đàn bà tội nghiệp chỉ còn lại
độc cái kiếm để chém giết. Bà chém giết đến cả người vô tội, và nhất là
người vô tội”. Có thể nói, công lý chính là khát vọng và ý nguyện
của dân tộc ta, của nhân dân ta. Khát khao công lý, tình yêu công lý đã
làm thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân ta, đưa dân tộc ta, nhân dân ta
đến Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 - một cuộc hồi sinh vĩ đại của
một dân tộc đoàn kết sau gần 100 năm người dân Việt Nam phải sống dưới
xiềng xích thực dân.
1.7.
Câu chuyện về lẽ phải, về lương tri, về công lý vẫn tiếp tục là một đề
tài nóng bỏng giành được sự quan tâm sâu sắc của xã hội Việt Nam ngày
nay. Trong tác phẩm Người Việt- Phẩm chất và thói hư tật xấu (Nhà xuất
bản Thanh niên - Báo Tiền phong, năm 2008), người ta vẫn sôi nổi bàn
luận câu chuyện “Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình” với cái
kiểu “công lý của làng”, “công lý tình cảm” ấu trĩ và yếu ớt, với tâm lý
co cụm, bấu víu và đan kết trong tình cảm của người Việt để rồi không
minh định được cái đúng cái sai, cái thiện cái ác. Người ta cũng còn
mạnh mẽ phê phán cái thói “Cậy thế, ỷ quyền” với nhận định: Ỷ lại, cậy
thế, cậy quyền sẽ chỉ làm lụn bại ý chí, đạo đức và nhân cách. Xử lý một
cách triệt để những hiện tượng tiêu cực này cần lắm những Bao Công thời
hiện đại, và cũng không thể thiếu sự giúp đỡ của mọi công dân. Có như
vậy thì xã hội mới thực sự đi lên, chiếc cân công lý mới thực sự công
bằng đối với mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội…
1.8.
Ngày nay, trong bối cảnh đất nước ta tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhà
nước pháp quyền xã hội hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân
dân, công lý đã được ghi nhận như một định hướng xuyên suốt cho quá
trình phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Nghị quyết số 49-NQ/TW
ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp
đến năm 2020 và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã khẳng
định: Cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc
bảo vệ công lý, quyền con người. Bảo vệ công lý chính là một trong những
mục tiêu cơ bản của Đảng và Nhà nước ta trong Chiến lược Cải cách tư
pháp đến năm 2020. Công lý đã trở thành một giá trị tiến bộ xã hội nhân
văn, bền vững được cả xã hội thừa nhận và hướng tới…
Thạc sỹ luật so sánh Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Công tác cán bộ Vụ TCCB
0 comments:
Post a Comment