Wednesday, May 28, 2014

TRANH CHẤP HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH: HẠNH PHÚC CẦN BÁNH MÌ VÀ HOA HỒNG

HOÀNG YẾN
TAND quận X (TP.HCM) vừa giải quyết một vụ ly hôn mà cả tòa lẫn những người trong cuộc đều thấy khó xử. Lý do chia tay chỉ là sự không hòa hợp về tâm hồn: Người vợ sống nội tâm, nhạy cảm trong khi người chồng lại khô khan, ít quan tâm đến cảm xúc của vợ…
Lòng tốt thôi chưa đủ
Theo hồ sơ, bà T. là giáo viên, còn ông V. là tài xế. Họ đều đã hơn 40 tuổi, kết hôn từ 11 năm nay và có với nhau ba mặt con. Tháng 3-2009, bà T. nộp đơn ra tòa xin được ly hôn.
Bà trình bày rằng ông V. tính tình hiền lành, chịu khó làm lụng nên được mọi người quý mến. Đó cũng là ưu điểm lớn nhất để bà đồng ý kết hôn với ông. Trong quá trình chung sống, ông V. là người chồng tốt, người cha tốt, chịu khó giúp đỡ vợ chăm sóc con. Ông đi làm về giao hết tiền lương cho vợ, còn bản thân tiêu xài tằn tiện, ít mua sắm cho bản thân, không ăn chơi, tụ tập ăn nhậu. Nói chung, ông V. có những điểm tốt cơ bản.
Thế nhưng, theo bà T., giữa vợ chồng có những điểm khác biệt không thể dung hòa về quan niệm sống, cách giáo dục con cái… Bà T. bảo mình là người sống nội tâm, nhạy cảm và lãng mạn, còn ông V. thì bàng quan, lạnh lùng, khô khan, không cần biết cảm xúc của vợ, càng không biết âu yếm hay chiều chuộng vợ. Tính bà chu đáo, thích quan tâm đến người thân, còn chồng thì hời hợt, vô tâm. Bà nói mình cực nhọc suốt ngày để cùng chồng nuôi con cũng được nhưng phải có sự âu yếm lẫn trân trọng của chồng để làm nguồn động viên.

Thời gian đầu, bà T. có chủ động trao đổi trực tiếp với ông V. để vợ chồng hiểu nhau nhưng hiếm khi nào bà nhận được sự hưởng ứng tích cực từ chồng. Nghĩ rằng nói chuyện trực tiếp hay dẫn đến nóng nảy, mất bình tĩnh nên thỉnh thoảng bà cũng trao đổi qua thư từ, nhật ký, bày tỏ những suy nghĩ thật để mong được chồng cảm thông, chia sẻ nhưng tiếc là không được như mong đợi.
Sáu năm trước, khi chỉ mới có với nhau một mặt con, bà đã nộp đơn lên tòa xin đơn phương ly hôn nhưng sau đó rút đơn lại vì hy vọng ông V. sẽ thay đổi nhưng đến giờ bà thấy không còn hy vọng gì nữa nên cương quyết xin tòa cho ly hôn. Bà tự nguyện nhận nuôi ba con và chỉ nhận trợ cấp từ ông V. một triệu đồng/tháng cho các cháu.
Vì tương lai con trẻ!
Trong các phiên hòa giải, bà T. luôn thừa nhận ông V. là người chồng, người cha tốt, có trách nhiệm với gia đình nhưng lại thiếu thứ quan trọng nhất là sự lãng mạn. Bà nói: “Nếu đối với một phụ nữ nào đó hơi vô tâm thì anh V. là người mẫu mực. Nhưng với tôi, sống với anh ấy tinh thần tôi nặng nề, không thoải mái”.
Trình bày với tòa, ông V. lại không đồng ý ly hôn vì sợ các con nhỏ thiếu cha, thiếu mẹ. Ông bảo cũng biết vợ là người lãng mạn nhưng vì cuộc sống khó khăn nên ông đã trao đổi với vợ là tạm gác những chuyện không cần thiết, cố gắng làm ăn lo cho gia đình. Tính ông đơn giản, nhiều lúc không muốn phiền ai thì bà T. lại cho đó là hời hợt, bàng quan. Ông ít nói nên mỗi khi vợ chồng xích mích, ông không thích nói qua nói lại thì bị vợ nghĩ là vô tâm…
Hòa giải không được, tòa phải mở phiên xử. Tòa lựa nhiều lời khuyên giải nhưng bà T. vẫn cương quyết giữ nguyên ý kiến. Đến nước này, tòa chỉ còn biết tiếp tục xét xử.
Theo tòa, ông V. là người có trách nhiệm với gia đình, hiền lành, siêng năng, toàn bộ thu nhập hằng tháng đều đưa cho vợ. Mâu thuẫn vợ chồng chỉ nảy sinh từ tính tình, cách thức thể hiện tình cảm nhưng không đối lập nhau về mục đích. Cạnh đó, quá trình chung sống ông V. chưa hề có một lời nói hay hành vi nào xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của vợ. Mâu thuẫn giữa họ cũng chưa một lần được bà con thân thích hoặc cơ quan tổ chức nào đứng ra hòa giải.
Như vậy, hôn nhân của ông bà chưa trầm trọng đến mức phải đường ai nấy đi. Nếu họ cùng quan tâm tìm hiểu, tích cực giải quyết mâu thuẫn thì chắc chắn sẽ giải tỏa được và mang lại hạnh phúc cho gia đình. Nếu có thiện chí, hai bên vẫn có thể khắc phục những điều chưa hòa hợp để cùng nhau nuôi dạy con cái nên người.
Từ đó, tòa đã bác yêu cầu của bà T. Sau phiên xử, một vị hội thẩm gọi riêng ông V. ra tâm sự, mong ông biết cách quan tâm hơn đến suy nghĩ, tình cảm của vợ để giữ gìn ngọn lửa yêu thương trong gia đình. Bởi lẽ hôn nhân để đạt được sự bền vững và hòa hợp thì chỉ bánh mì thôi chưa đủ mà vẫn cần phải có cả hoa hồng!
Thẩm phán Lê Thị Kim Thoa, Chánh án TAND quận 11 (TP.HCM):
Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định là nếu xét thấy tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì tòa quyết định cho ly hôn.
Trên thực tế, khi giải quyết yêu cầu ly hôn, tòa phải xem xét từng trường hợp cụ thể mà chấp nhận hay không. Trong quá trình giải quyết, nếu xét thấy những mâu thuẫn giữa hai vợ chồng chỉ là nhất thời, không đáng, có thể khắc phục được thì tòa sẽ bác đơn. Hoặc khi một bên cương quyết đòi ly hôn với lý do chồng (vợ) có quan hệ tình cảm với người khác mà không có căn cứ rõ ràng hoặc người chồng (vợ) đó đã sửa sai thì thẩm phán cũng tạo điều kiện cho hai bên đoàn tụ.
Tòa cũng bác đơn đối với những người xin ly hôn với lý do không chính đáng, chẳng hạn như đã sống chung hàng chục năm mà lại nói là tính tình không hòa hợp…
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code