Wednesday, May 28, 2014

THỰC TIỄN QUYỀN NHÂN THÂN CỦA CÁ NHÂN: XIN ĐƯỢC CHẾT . . . ĐÚNG NGÀY, GIỜ TỐT

HOÀNG YẾN
Bị ung thư giai đoạn cuối, xem bói xong, bệnh nhân đã xin chính quyền cho được chết vào đúng ngày giờ tốt để con cháu… hưởng phúc về sau.
Mới đây, ông L.H.A (hơn 70 tuổi, Việt kiều Mỹ, ngụ quận 3, TP.HCM) đã làm đơn gửi chính quyền địa phương nơi ông đang sinh sống để xin… được chết đúng ngày giờ tốt.
Vì phúc đức lâu dài cho con cháu?!
Ông A. trình bày rằng mình đang mang căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, không thể chữa trị. Bác sĩ riêng dự đoán ông chỉ còn sống chừng ba tháng. Qua một thời gian dài làm lụng ở xứ người, hiện ông đã gầy dựng được một cơ ngơi trị giá khoảng 100 triệu USD. Nay ông quay trở về quê cha đất tổ để sống cuối đời. Vừa qua, ông có đi xem tử vi và phong thủy. Thầy tử vi đã chọn được cho ông giờ và ngày đẹp để ra đi. Nếu vĩnh biệt thế gian vào đúng ngày giờ này, con cháu ông sẽ có được phúc đức lâu dài về sau. Tin lời thầy, ông muốn được chết êm ái vào đúng giờ ngày tốt đó vì con cháu.
Tuy nhiên, dự định cuối đời của ông A. đang gặp nhiều khó khăn. Sợ chết đau đớn, ông “nhức đầu” phân vân là nên lựa cách tiêm thuốc hay uống thuốc độc để ra đi được nhẹ nhàng. Đồng thời, ông còn phải sắp xếp làm sao cho việc chết tự nguyện không gây phiền phức cho bất kỳ ai. Trong khi đó, bác sĩ của ông thì từ chối tiêm thuốc, còn những người thấu hiểu tâm tình ông lại không chịu giúp ông mua thuốc độc dù trước đó họ cứ nói “Mua rất dễ”. Quá bức bách, ông đành phải làm đơn xin chính quyền địa phương xác nhận để bác sĩ có điều kiện hợp pháp giúp đỡ ông chết.
Pháp luật không cho phép!
Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã từ chối ngay đơn xin được chết của ông A. bởi hiện nay, luật pháp Việt Nam chưa quy định về vấn đề này.
Trước đây, năm 2005, khi bàn về việc sửa đổi Bộ luật Dân sự, các nhà làm luật nước ta từng tranh cãi rất nhiều xung quanh quyền được chết. Bởi lẽ thực tế đã xuất hiện những người mắc bệnh hiểm nghèo, phải chịu đựng đau đớn vật vã, thậm chí sống đời sống thực vật cả đời. Trong một số trường hợp, người bệnh hoặc thân nhân muốn họ được ra đi êm ái.
Tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đề nghị cần luật hóa quyền được chết. Tuy nhiên cuối cùng, số đông vẫn cho rằng theo phong tục của dân tộc và đạo đức người Á Đông, quy định về quyền được chết tại thời điểm này là không phù hợp.
Dưới góc nhìn pháp lý, thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM) cho biết liên quan đến cái chết, hiện Bộ luật Dân sự mới chỉ quy định về quyền khai tử. Ở nước ta, quyền được sống là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của con người. Bất kỳ ai giúp đỡ người khác chết là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự về tội giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự.
Bàn rộng hơn, theo ông Hùng, trong tương lai có thể vấn đề này sẽ tiếp tục được đặt ra để mổ xẻ. Tuy nhiên, nếu pháp luật có cho phép và quy định về quyền này thì trước hết phải nhằm mục đích nhân văn, nhân đạo. Trường hợp nào có nhu cầu chính đáng muốn được ra đi thanh thản thì việc xem xét cần phải rất chặt chẽ nhằm tránh sự lạm dụng.
Quyền được chết trên thế giới
Không riêng gì Việt Nam, trên thế giới nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra xung quanh việc có nên giúp đỡ một người chấm dứt cuộc sống một cách không đau đớn hoặc ít đau đớn nhất nhằm giúp họ khỏi kéo dài cuộc sống trong những hoàn cảnh không mong muốn hay không.
Hiện nay chỉ có vài nước hay vài địa phương là đồng ý với cái chết tự nguyện này. Cụ thể, Hà Lan đã chính thức cho phép cái chết tự nguyện vào năm 2002. Cùng năm, Bỉ cho phép việc tự tử được bác sĩ trợ giúp. Ở Mỹ, năm 1997, bang Oregon đã có luật cho phép tự tử được bác sĩ hỗ trợ. Bang Texas năm 1999 cũng cho phép cái chết tự nguyện. Nhưng ở các bang khác của Mỹ vẫn cấm an tử. Ở Úc, một tỉnh đã thông qua luật an tử năm 1995 nhưng Quốc hội nước này đã bãi bỏ vào năm 1997. Còn ở các quốc gia như Anh và Áo, dù cấm an tử nhưng thái độ của nhà chức trách đối với các bác sĩ “lỡ” trợ giúp an tử thường cũng không quá gay gắt.
Tại Trung Quốc, trong kỳ họp Quốc hội năm 2007, một cô gái tên Lý Dương đã gửi thư điện tử tới đề nghị các nhà làm luật kiến nghị đưa ra luật an tử. Cô Dương sống ở khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, bị ung thư thần kinh vận động từ khi mới lọt lòng. Mới 28 tuổi nhưng cô đã mất khả năng vận động toàn thân, không thể thực hiện bất kỳ chức năng cơ bản nào của cơ thể nếu không có sự trợ giúp. Mẹ cô phải chăm sóc cô suốt 28 năm qua, cho ăn, đưa đi vệ sinh, giúp cô xoay trở hàng chục lần mỗi đêm…
Các bác sĩ cho biết cô Dương có thể sống tới 40 tuổi. Dù rất quý trọng cuộc sống nhưng cô vẫn mong được chết. Cô không thể nào chịu nổi khi nghĩ đến ngày cha mẹ cô ra đi, cô phải sống cuộc đời còn lại với sự dơ bẩn, bệnh tật… Cô Dương cũng bày tỏ ý định quyết liệt đấu tranh cho luật an tử, nếu không được cô sẽ tự tử bằng cách tuyệt thực. Tuy nhiên đến nay, các nhà làm luật Trung Quốc vẫn cho rằng chưa phải là lúc để đưa ra luật này vì e ngại có thể bị lạm dụng cho những mục đích khác, gây nhiều rắc rối khó lường.
Vụ đầu tiên được chết ở Hàn Quốc
Ngày 21-5, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã lần đầu tiên chấp thuận cho một bệnh nhân nữ sống thực vật được quyền chết theo yêu cầu của gia đình dù bệnh viện phản ứng quyết liệt. Theo tòa, việc dùng các biện pháp y học để duy trì sự sống cho bệnh nhân không còn khả năng hồi phục là xúc phạm đến lòng tự trọng của họ.
Bệnh nhân này hiện 76 tuổi, hôn mê hơn một năm nay vì não đã chết, nằm tại một bệnh viện ở thủ đô Seoul. Thấy bệnh nhân không thể hồi phục, người nhà yêu cầu rút ống thở nhưng bệnh viện từ chối. Người nhà bệnh nhân đã kiện ra tòa. Sau đó, các cấp tòa đã bác bỏ sự phản đối của bệnh viện, chấp thuận yêu cầu của gia đình người bệnh.
Phán quyết trên của Tòa án tối cao Hàn Quốc là trong một trường hợp cụ thể, không đồng nghĩa với việc Hàn Quốc cho phép các bệnh viện giúp đỡ bệnh nhân chết êm ái.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
LS. TRẦN THỊ PHỤNG
Nhưng cũng có nhiều cặp vợ chồng, với những lý do hết sức… lãng xẹt, chỉ có chút mâu thuẫn không đáng, cũng đòi cho bằng được “Thôi, chia tay nhau từ đây!”. Thế mới biết, khi yêu nhau họ tự động trói đời vào nhau, đến khi hết yêu thì cũng sẵn lòng tự cởi trói cho nhau. Trăn trở trước thực trạng ly hôn nên nói bóng, nói gió như thế, nhưng ai cũng biết, trong lòng mỗi người vợ hoặc chồng, ai mà không canh cánh một nỗi buồn khi chia tay nhau. Đành là thế, thực ra khi không còn cơ hội cứu vãn để mãi là “bạn tốt “ của nhau đến “răng long đầu bạc”, thì ly hôn là một cứu cánh an toàn cho cả hai phía.
Thế nhưng, đằng sau các vụ ly hôn phần lớn lại xuất hiện những bi kịch mới cho thân phận người phụ nữ, với nhiều tổn thương từ tinh thần đến cuộc sống vật chất. Trong khi đối với các quý ông chồng thì sao? “Dường như họ cảm thấy được tháo cũi sổ lồng như chim bay xa giữa đồng xanh quê hương bao la!” Chị T.M một người phụ nữ vừa mới ly hôn với chồng chưa đầy một tháng, đã mỉm cười chua xót nói với tôi như vậy.
Nguyên nhân ly hôn: Tại anh, tại ả!
Chồng chị T.M là giảng viên đại học ở một thành phố miền Trung. Tại phiên tòa giải quyết yêu cầu  thuận tình ly hôn, anh đã  trình bày trước tòa một trong những nguyên nhân khiến hai vợ chồng ly hôn bằng một câu nói gây sốc : “Nhà tôi không có lửa – lửa tình yêu , lửa lòng và cả lửa… bếp !”.
Chị T.M cũng là một giảng viên như chồng, công việc trường lớp đã không cho họ có thời gian dành cho nhau, rồi mâu thuẫn lặng lẽ hình thành trong đời sống gia đình của họ, và không ai chịu mình sai, nên cuối cùng họ đành quyết định đường ai nấy đi. Họ thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng là một ngôi biệt thự đồ sộ trong một khu đô thị mới. Trách nhiệm nuôi bé gái bốn tuổi được thống nhất giao cho người vợ. Sau khi chia tay, anh rời khỏi mái nhà chung, đến sống một mình ở một chung cư cao cấp. Còn chị? Hàng ngày, khoảng sáu giờ sáng chị đưa con đến trường. Đến chín giờ tối đi dạy thêm về, sang nhà bà ngoại đón con gái về nhà, liêu xiêu bóng mẹ, bóng con trải dài trên đoạn đường vắng tanh không người qua lại… Chị M lặng lẽ dừng ngang câu chuyện với tôi rồi khóc thật ngon lành, làm tôi cũng cảm thấy chạnh lòng.
Một trường hợp khác cũng khá phổ biến trong đời sống xã hội. Chị N.T nhà ở quận 10, lấy chồng nhỏ hơn mình bốn tuổi. Chuyện tình đôi đũa lệch ấy đã gặp không ít rào cản của gia đình và bạn bè. Bất chấp mọi sự can ngăn, họ tiến đến hôn nhân và có một con trai chung, cũng là cháu đích tôn của dòng họ nội, vì thế cuộc sống gia đình ngày càng  thêm chan hòa, vui vẻ. Cho đến khi lối xóm thấy vắng bóng anh chồng đi về căn nhà nhỏ, mới biết họ đã chia tay nhau được sáu tháng rồi. Sau một năm ly hôn, anh chồng bế một bé gái khoảng ba tháng tuổi về ra mắt gia đình vợ cũ, trong khi đó chị T. ngày càng tiều tụy với sắc vóc hao mòn từ nỗi buồn ly hôn. Một lần chị T. đến văn phòng nhờ luật sư tư vấn yêu cầu buộc người chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, đó cũng là dịp để chị có cơ hội giãi bày, chia sẻ với vị luật sư nọ nguyên nhân ly hôn mà đã hai năm trôi qua chị không biết tỏ cùng ai, vì một lý do hết sức nhạy cảm: “không chịu nỗi nhu cầu sinh lý của anh chồng trẻ !”.
Nhận thức càng cao- Sóng ngầm càng dữ dội!
Anh T. và chị Đ. đều là chuyên viên cao cấp công tác trong cùng một cơ quan thuộc ngành tư pháp. Họ quen và yêu nhau vì nhận được sự cảm thông, chia sẻ trong nghề nghiệp và công việc. Cuộc sống của họ vì thế rất hạnh phúc trong giai đoạn đầu. Đến lúc họ mang cả công việc cơ quan về nhà thảo luận, rồi tranh luận. Vì ai cũng có trình độ chuyên môn nhất định nên không ai phục ai. Cơm sôi nhưng không ai chịu bớt lửa để phải thành cơm khê. Không thích ăn cơm nữa, anh T. chuyển sang “ăn phở”. Biết chuyện, chị Đ. dằn mặt chồng bằng đề nghị ly hôn, nào ngờ anh T. đồng ý ngay tức thời. Rồi họ đưa nhau ra tòa dường như chỉ để hợp thức hóa việc chia tay bằng thủ tục pháp lý, nhẹ nhàng và êm thấm trong không khí rất “hòa bình và hữu nghị”. Khi tòa vừa tuyên án xong, anh T. lãng mạn đến bên cạnh vợ, chân tình đưa tay để chờ đón nhận một  cái bắt tay của vợ lần cuối. Nhưng thật bất ngờ, anh lại nhận được một cái tát như trời giáng trước cơn sóng ngầm đang trào lên từ nỗi bất lực của người vợ, khiến cả khán phòng và hội đồng xét xử vô cùng sửng sốt. Có lẽ, sau bản án của tòa,  khiến chị T. chợt  nhận ra những cơn sóng dữ mà chị vốn đã quen kìm nén trong lòng rồi sẽ không còn có cơ hội để… dậy sóng (?).
Một câu chuyện ly hôn khác, có lẽ sẽ rất buồn khi nghe qua. Anh là người đã ly dị vợ và chị đã ly dị chồng. Họ gặp nhau trong công việc một cách rất tình cờ, rồi kết hôn với nhau trong lo âu, dè dặt bởi nỗi ám ảnh của sự  đổ vỡ. Nhưng rồi họ càng cố trân trọng, nâng niu hạnh phúc mong manh vừa mới có bao nhiêu thì sóng ngầm trong họ càng mãnh liệt bấy nhiêu. Sự chia sẻ trong mối quan hệ gia đình có cả con anh, con em, con chúng ta, không dễ mấy ai vượt qua phiền phức, tị hiềm . Người phụ nữ ấy lại một lần nữa ra tòa làm thủ tục ly hôn. Sau đó, với một nách hai con,  một của chồng trước, một của chồng sau , chị lặng lẽ sống, đến bây giờ khi đã bước sang tuổi bốn mươi, với một đứa con vừa mới vào đại học và một đứa đang chuẩn bị vào lớp 10.  Hiện chị chỉ biết  chu toàn công việc và chăm sóc tốt cho các con. Có lẽ nỗi buồn của những cuộc hôn nhân bất hạnh đã lấy cắp  đi của chị những nụ cười quý giá nhất  của tuổi xuân nên không để cho chị có thời gian nghĩ đến chuyện gì khác nữa.
“Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời …như một lời chia tay” 
Lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã làm day dứt biết bao trái tim yêu phải lắng đọng lòng mình trước những cuộc chia tay. Nhưng những câu chuyện ly hôn thì không bao giờ dừng lại, khi mà cuộc sống cứ hối hả mỗi ngày, tất bật, quay cuồng trong không gian lẫn thời gian. Ở đâu đó, trong bất cứ lúc nào, dù chia tay nhau, nhưng có lẽ tận trong tiềm thức họ vẫn nghĩ về nhau, dù là bất chợt hay vô tình. Nỗi đau trong họ vẫn luôn là những vết cắt dù đã thành sẹo, rồi có lúc đau lòng lắm thay khi chợt  nhận ra vết thương lòng ấy vẫn đang âm ỉ mỗi khi bưng hộp cơm ăn lặng lẽ …một mình. Rồi những khi lang thang xuống phố với hình ảnh con trẻ dung dăng, dung dẽ níu chặt tay mẹ mà cứ hỏi “ba đâu?” . Rồi những tháng ngày cằn cỗi trôi qua, mấy mẹ con lại dẫn nhau về nhà ngoại chơi, như mọi lần, và lại nát lòng vì không thể tìm ra câu trả lời  cho ngoại, khi nghe câu hỏi quen thuộc của bà với các cháu “Ba mấy đứa nhỏ không qua chơi sao?” .
Vậy đó, hôn nhân là hạnh phúc, ly hôn lại là sự giải thoát. Liệu cuộc sống có mấy ai muốn chọn cho mình sự giải thoát từ trong cuộc sống hạnh phúc mà họ đã chọn lựa, khả dĩ vì những lý do chẳng đặng đừng mà thôi.
Nhìn vào hiện tượng ly hôn ngày càng phổ biến, không biết có ai cảm thấy đồng cảm với tôi về thân phận người phụ nữ khi tình yêu khép lại, hạnh phúc cũng không còn, thân phận họ mỏng manh, buồn tẻ… như  một lời chia tay. Vậy nên, nếu còn có thể, xin đừng ly hôn ! 
LS. ĐOÀN THỊ LAN
Chị Phụng ơi!
Ly dị! Đó là sự chấm dứt một quan hệ hôn nhân, nhưng cũng có thể là sự bắt đầu cho một cuộc sống mới. Sau ly hôn, ưu thế xã hội sẽ thuộc về phái nam và vấn đề tìm thêm một nửa của họ thật dễ dàng, nhưng với phái nữ thì không, nếu không tỉnh táo và cẩn thận thì đã cay đắng thì còn đắng cay thêm chị à!
Trong nghề luật sư, trải qua nhiều vụ án, nhiều phiên tòa nhưng đặc biệt với những phiên tòa xử ly hôn, kết thúc của nó dù chỉ vài dòng trong bản án “cuộc sống chung không thể kéo dài… mục đích của hôn nhân không đạt được…” nhưng đằng sau những dòng chữ đó là biết bao thân phận, nỗi niềm của mỗi nhà, mỗi cảnh, Phụng à.
Là luật sư, đối mặt với bị đơn hoặc nguyên đơn trong vụ án  xử ly hôn, tôi không sợ những giọt nước mắt, chỉ sợ những gương mặt im lặng, đôi mắt vô hồn nhìn vào khoảng không, khi đối diện với những gương mặt đó, tôi biết phương án hòa giải là không thể xảy ra được. Phụ nữ còn nước mắt để khóc, khóc cho vơi đi nỗi đau khổ. Sau đó tỉnh táo lại là còn hy vọng sự phân tích khuyên giải của luật sư, họ có thể hàn gắn với một nửa của mình. Nhưng khi họ đã im lặng, không khóc nửa, thì có lẽ luật sư cũng chẳng còn gì để nói cho cuộc hôn nhân này, mà chỉ có thể tìm phương án giải quyết sao cho hạn chế sự thiệt thòi nhiều nhất cho thân chủ của mình và cặp vợ chồng càng trí thức càng khó hòa giải. Hòa giải sao được khi cả hai đều nghỉ rằng với trình độ của mình, quyết định của mình đã được suy nghĩ chín chắn, mình là người đúng thì không ai có thể khuyên giải được.
Để tôi kể chị nghe một phiên tòa xử ly hôn ở Tòa án Nhân dân quận 4. Đó là cặp vợ chồng lao động lam lũ, ấn tượng không quên của tôi về phiên tòa này là sau khi kết thúc phiên tòa người đàn ông đi chân không về, trả luôn cho vợ đôi dép lào mà cô ấy nhất định đòi lại bằng được vì cho rằng do tiền của mình mua cho ông chồng nát rượu, mặc cho hội đồng xét xử ngỡ ngàng, bản thân tôi thấy thật buồn cười mà không sao cười được.
Có những lý do ly hôn nghe thật buồn cười nhưng đã là lý do thì bao nhiêu lý do được đưa ra để biện minh cho quyết định của mình, khi tình yêu còn tồn tại thì người ta chấp nhận khuyết điểm của người mình yêu, nhưng khi tình yêu không còn thì người ta đang chịu đựng khuyết điểm của nhau. Mấy ai hiểu rằng đời sống vợ chồng đến một lúc nào đó không còn tình yêu nữa mà chỉ còn tình nghĩa với nhau lúc tuổi xế chiều.
Chị Phụng à! Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, mỗi người mỗi cảnh, tôi hiểu dấu chấm than của chị khi chấm dứt bài viết “…Vậy nên, nếu còn có thể, xin đừng ly hôn!”. Sau ly hôn, chị viết về thân phận phụ nữ, nhưng sau ly hôn tôi muốn nhắc đến thân phận của những đứa trẻ thơ, những đứa trẻ là kết quả của những năm tháng yêu nhau của họ, là những thân phận bi đát nhất của một cuộc hôn nhân tan vỡ. Vết thương lòng của người phụ nữ năm tháng sẽ qua đi, nhưng sự thiếu thốn tình yêu thương của bậc cha mẹ đối với trẻ thơ là không gì có thể bù đắp trở lại được.
Đứng về góc độ phụ nữ, tôi xin, nếu còn có thể xin đừng ly hôn, nhưng đứng về góc độ luật sư, tôi xin hãy dành những điều kiện về tinh thần, vật chất tốt nhất cho trẻ thơ khi ngồi vào xử lý án ly hôn.
Chị à, khi viết về đề tài này thì còn rất nhiều việc phải viết, có thể trở thành một chuyên đề hả chị. Trong trang giấy bé nhỏ này, tôi và chị cứ viết để có ai đó đọc được những dòng chữ này, có thể có những quyết định không ân hận về sau hả chị.
Chị Phụng ơi, nghề luật sư của mình, người ta có thể đến với mình, trải lòng, khóc lóc, tôi đã từng nhiều lần đưa khăn cho họ lau nước mắt, nhưng đến phiên tôi, tôi chỉ khóc lặng lẽ một mình!
SOURCE: CIVILLAWINFOR TỔNG HỢP TỪ CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN LUẬT SƯ TPHCM
Trích dẫn từ:
* “Hậu ly hôn và thân phậm người phụ nữ”là tiêu đề bài viết của LS. Trần Thị Phụng. Tiêu đề bài viết trên trang này do Civillawinfor đặt lại.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code