Wednesday, September 11, 2013

Những khác biệt trong pháp luật phòng, chống tham nhũng Việt Nam và Singapore


Một trong những bí quyết để đẩy lùi nạn tham nhũng của Singapore là chú ý đến yếu tố con người, luật pháp cũng như cơ chế kiểm tra của luật pháp đối với con người. Bài viết nêu một số điểm khác biệt chính về pháp luật phòng, chống tham nhũng giữa Việt Nam – Singapore, qua đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay .
1. Từ tên gọi của hai Luật
Ngày 17/6/1960, Singapore ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng (Prevention Corruption Act.). Ngày 29/11/2005, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật với tên gọi: “Luật Phòng, chống tham nhũng” nhằm điều chỉnh những vấn đề liên quan đến lĩnh vực này. Như vậy, mục tiêu của cả hai Luật đều là phòng tham nhũng và chống tham nhũng. Theo chúng tôi, phòng tham nhũng là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra các biện pháp cần thiết để nhằm hạn chế tình trạng tham nhũng phát triển; chống tham nhũng là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đưa ra các biện pháp trừng phạt những người có các hành vi tham nhũng. Nhưng xuyên suốt 90 điều luật trong Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, không có sự đề cập đến các quy định để chống tham nhũng, mà chỉ có các quy định về phòng tham nhũng, như các quy định về kê khai tài sản, công khai minh bạch hoạt động cơ quan nhà nước. Có thể là do các nhà làm luật đã quy định chủ yếu các tội danh về tham nhũng trong Bộ luật Hình sự (BLHS) ở chương XXI mục A Các tội phạm về chức vụ, nên không đưa vào trong Luật này chăng?  Bản thân tên Luật hiện nay bao hàm cả nội dung là chống tham nhũng, nhưng lại không có các quy định về chống tham nhũng. Trong khi đó Luật Phòng, chống tham nhũng của Singapore tác động đến cả nội dung chống tham nhũng và phòng tham nhũng. Như vậy, cả hai luật đều có tên là Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng nội dung và những điều mà hai Luật tác động đến là khác nhau. Do vậy, cần xác định lại tên gọi của Luật Phòng, chống tham nhũng Việt Nam.
2. Đối tượng chịu sự điều chỉnh của hai Luật
Khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng Việt Nam năm 2005 quy định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Theo quy định trên, tham nhũng chỉ có thể là hành vi của người có chức có quyền, do đó chủ thể của tội này chỉ có thể là người có chức vụ, quyền hạn. Theo khoản 3 Điều 1 của Luật này thì người có chức vụ quyền hạn là “Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó” – đó chỉ là những người có chức vụ quyền hạn phục vụ trong các cơ quan nhà nước. Hay nói cách khác, đối tượng điều chỉnh theo Điều 1 của Luật Phòng chống tham nhũng chỉ dành cho những người có chức vụ quyền hạn trong khu vực công mà không đặt ra đối với những người có chức vụ quyền hạn ở khu vực tư nhân. Trong khi đó, Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng Singapore quy định “cá nhân” có nghĩa là bất kỳ người nào làm việc hay được thuê làm việc cho người khác, và bao gồm cả người được ủy quyền, quản lý và người thực hành, người phục vụ của Chính phủ hay ở bất kỳ tổ chức hay cơ quan công quyền nào, và theo tinh thần của Điều 8 bao gồm “những người làm hợp đồng và bất kỳ người nào đang làm hợp đồng được ủy quyền” – nghĩa là đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng Singapore là tất cả mọi người bao gồm những người làm việc trong khu vực nhà nước và những người làm việc trong khu vực ngoài nhà nước. Như vậy, Luật Phòng, chống tham nhũng nước ta hiện nay chưa điều chỉnh người làm việc trong khu vực ngoài nhà nước, cũng là một trong những nơi có thể xảy ra tham nhũng. Do đó, theo chúng tôi, nên mở rộng phạm vi tác động của Luật Phòng, chống tham nhũng đến cả những người trong khu vực tư. Một lý do nữa để nên mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật ra khu vực tư là tại Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2005 (sau đây gọi tắt là Công ước về chống tham nhũng) mà Việt Nam đã tham gia thảo luận và ký kết vào ngày 10/12/2003, tại Điều 12 quy định các quốc gia thành viên Công ước, trên cơ sở luật pháp quốc gia, áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng liên quan đến khu vực tư, tăng cường các chuẩn mực kế toán, kiểm toán liên quan đến khu vực tư; ban hành các chế tài dân sự, hành chính hoặc hình sự có hiệu lực đối với các hành vi vi phạm. Theo đó các quốc gia thành viên phải ban hành pháp luật để phòng ngừa tình trạng tham nhũng ở khu vực tư.
3. Thẩm quyền điều tra về các hành vi tham nhũng
Thẩm quyền điều tra về các hành vi tham nhũng ở Việt Nam là Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng và ở Singapore là Cơ quan điều tra điều tra tham nhũng (CPIB).
Ngày 28/8/2006, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua Nghị quyết số 1039/2006/NQ-UBTVQH (Nghị quyết 1039) về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng. Theo Nghị quyết này, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng là một cơ quan mới trong hệ thống chính trị của nước ta. Cơ cấu ban chỉ đạo theo Điều 6 của Nghị quyết 1039, gồm:
a) Trưởng ban chỉ đạo: Thủ tướng Chính phủ
b) Phó trưởng ban chỉ đạo: Phó thủ tướng Chính phủ
c) 9 ủy viên: có thể chia thành các nhóm sau: (i) Các ủy viên giữ các chức vụ thực thi quyền lực hành pháp gồm: Tổng Thanh tra, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; (ii) Các ủy viên giữ các chức vụ thực thi quyền lực tư pháp gồm: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao; (iii) Các ủy viên giữ các chức vụ trong cơ quan của Đảng gồm: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trung ương, Phó Trưởng ban nội chính Trung ương.
Như vậy, cơ cấu tổ chức của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng là một cơ cấu mạnh, không chỉ có khả năng chỉ đạo những vấn đề có tính vĩ mô về phòng, chống tham nhũng mà còn có khả năng trực tiếp giải quyết hoặc kiến nghị chỉ đạo chủ trương giải quyết những vụ việc cụ thể phát sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh một cơ cấu tổ chức mạnh, Ban chỉ đạo còn có những quyền hạn khá rộng trong việc chống tham nhũng: theo quy định tại khoản 1, Điều 5 của Nghị quyết 1039: “Ban chỉ đạo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền báo cáo về tình hình tham nhũng và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; trong trường hợp cần thiết, yêu cầu báo cáo việc xử lý những vụ, việc tham nhũng cụ thể, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng…”. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cũng có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; xem xét trách nhiệm, xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, cũng như yêu cầu tiến hành việc điều tra, thanh tra, kiểm toán đối với những vụ việc có biểu hiện tiêu cực.
Trưởng ban chỉ đạo (Thủ tướng Chính phủ) có quyền trực tiếp ra quyết định đình chỉ công tác đối với người giữ chức vụ Thứ trưởng và các chức vụ tương đương, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các chức vụ khác do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, cách chức khi người đó có dấu hiệu tham nhũng, gây khó khăn đối với hoạt động chống tham nhũng.
Đây là một trong những quy định mới góp phần gia tăng thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (Trưởng ban chỉ đạo) trong việc xử lý các cá nhân liên quan đến tội tham nhũng. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4, Điều 5, Nghị quyết của Chính phủ về thẩm quyền của Ban chỉ đạo Trung ương trong việc phòng, chống tham nhũng thì Thủ tướng Chính phủ có quyền trực tiếp ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với người giữ chức vụ Chủ tịch, Ủy viên thường trực HĐND, trong khi đó, quy định tại Điều 52, 53 của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 thì vấn đề này thuộc quyền hạn của UBTVQH: “UBTVQH có quyền phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên thường trực HĐND cấp tỉnh; hoạt động của HĐND cấp tỉnh chịu sự giám sát và hướng dẫn của UBTVQH; Thường trực HĐND cấp tỉnh chịu trách nhiệm báo cáo về hoạt động của mình lên UBTVQH”. Căn cứ vào các quy định đó, thì UBTVQH có thẩm quyền trong việc tạm đình chỉ đối với người giữ chức vụ Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên thường trực HĐND cấp tỉnh. Vì vậy, để đảm bảo tính hiệu quả trong công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, UBTVQH đã ủy quyền cho Trưởng ban chỉ đạo. Bên cạnh đó, Trưởng ban chỉ đạo còn có quyền tạm đình chỉ công tác đối với các chức danh Thứ trưởng và tương đương, Chủ tịch HĐND, UBND cấp tỉnh, sau đó mới báo cáo Bộ Chính trị, Ban bí thư, ngược với quy trình về công tác cán bộ của Đảng. Chính quy trình mới về việc xử lý cán bộ có dấu hiệu tham nhũng, gây khó khăn cho hoạt động chống tham nhũng sẽ rút ngắn được nhiều thời gian, tạo điều kiện cho các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện nhiệm vụ của mình và bằng việc ban hành những quy định như trên, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ủy quyền xử lý cán bộ cho Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng. Thêm vào đó, Ban chỉ đạo có quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác đối với người giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan, tổ chức ở trung ương theo quy định tại khoản 5, Điều 5 của Nghị quyết.
Tuy nhiên, để thực hiện được sự đổi mới về quy trình xử lý cán bộ như trên thì cũng cần phải sửa đổi các văn bản của Đảng để thể hiện sự thống nhất cao giữa Đảng và Nhà nước trong việc phòng, chống tham nhũng.
Singapore không có Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, thay vào đó là một Cơ quan điều tra tham nhũng (CPIB) tách khỏi các cơ quan khác, trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, có quyền độc lập điều tra và ngăn chặn tham nhũng. Chính điều này sẽ giúp cho cơ quan không bị chi phối trong hoạt động điều tra. Chức năng và nhiệm vụ của CPIB là tiếp nhận và điều tra các tố giác về tham nhũng trong các cơ quan nhà nước và tư nhân (lĩnh vực công và tư nhân); điều tra và làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp trong các tổ chức của Nhà nước; ngăn chặn và phòng ngừa tệ nạn tham nhũng bằng cách điều tra, xem xét quá trình và phương thức hoạt động trong các cơ quan nhà nước nhằm hạn chế đến mức tối đa các điều kiện để tham nhũng nảy sinh. CPIB hiện có 75 nhân viên, trong đó có 49 nhân viên điều tra (CPI officers) và 26 nhân viên phục vụ. Trong số các nhân viên điều tra, có cả Chủ tịch và 2 Phó chủ tịch CPIB, 5 trợ lý Chủ tịch và 41 nhân viên điều tra chuyên nghiệp được sắp xếp theo các cấp bậc khác nhau. Những người không làm nhiệm vụ điều tra gồm có 4 nhân viên tiếp nhận và xử lý thông tin, 22 nhân viên văn phòng.
Bộ phận nghiệp vụ là bộ phận quan trọng nhất, tập trung số lượng lớn nhân viên có trình độ cao. Bộ phận này thực thi nhiệm vụ chủ yếu trong đấu tranh chống tham nhũng và tiến trình điều tra các hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu của tội tham nhũng theo luật định. Bộ phận nghiệp vụ được chia thành 4 đơn vị, mỗi đơn vị đảm trách điều tra một số loại vụ việc, một số loại đối tượng nhất định. Trong đó có đơn vị gọi tắt là SIT – đây là đơn vị được giao điều tra những nhân vật quan trọng (có chức, có quyền và có địa vị xã hội) và các vụ việc có tính chất phức tạp.
Bộ phận trinh sát nghiệp vụ có nhiệm vụ thu thập và xử lý các thông tin về tham nhũng, xác minh tính chính xác của những thông tin đã được cung cấp, nghiên cứu nhằm xác nhận và cung cấp các yêu cầu cần thiết đối với điều tra nghiệp vụ.
Bộ phận hành chính – nghiệp vụ chịu trách nhiệm về vấn đề hành chính, nhân sự, tổ chức của cơ quan, lập kế hoạch chiến lược cho cơ quan điều tra chống tham nhũng. Ngoài ra, bộ phận này còn có chức năng lập báo cáo cho Chính phủ và cung cấp thông tin cần thiết khác cho các cơ quan trung ương có yêu cầu.
Trong bộ phận này còn có một đơn vị với chức năng ngăn chặn và thẩm định, có nhiệm vụ xem xét, đánh giá cách thức hoạt động của các cơ quan chính phủ có khuynh hướng tham nhũng để đưa ra những nhận xét về những yếu kém, sơ hở trong quản lý điều hành làm nảy sinh tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác, từ đó kiến nghị các biện pháp khắc phục và phòng ngừa một cách có hiệu quả.
Thành viên của CPIB thường là những nhân viên cảnh sát chuyên về lĩnh vực điều tra tham nhũng nên họ có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động điều tra, nghiên cứu, khác với thành viên của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam – gồm những cán bộ cao cấp trong hệ thống chính trị. Nhiệm vụ chính của các thành viên Ban chỉ đạo không phải là chuyên về việc điều tra tham nhũng mà là công việc ở những cơ quan, ban ngành mà họ đang trực tiếp phụ trách. Từ đó dẫn đến một hệ quả là những thành viên này rất am hiểu lĩnh vực mà họ đang hoạt động, nhưng đối với công việc chống tham nhũng thì đó là một nhiệm vụ khá mới mẻ mà chưa chắc họ có thể hoàn thành tốt công việc.
Bên cạnh đó, các thành viên CPIB hoạt động chuyên trách nên dành toàn bộ thời gian và công sức cho công việc. CPIB còn có Ban tiếp nhận thông tin hoạt động liên tục. Những người có thông tin về tham nhũng có thể gởi đơn hoặc gọi điện cho cơ quan CPIB hoặc nhân viên cơ quan này đang thi hành công vụ, hoặc cũng có thể gọi điện cho bộ phận trực ban 24/24 giờ theo một số máy cố định để cung cấp thông tin hoặc phản ánh các vấn đề liên quan đến tham nhũng. Cơ quan điều tra tham nhũng cũng sẵn sàng tiếp nhận các tố cáo về tham nhũng bằng văn bản hoặc các hình thức thông tin khác. Vì thế, CPIB luôn tiếp nhận những thông tin phản ánh một cách nhanh nhạy và đầy đủ, không bỏ sót bất kỳ một tố cáo nào. Điều này sẽ là tiền đề cho những hoạt động điều tra về sau. Trong khi đó, các thành viên Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam không hoạt động chuyên trách, thêm vào đó, theo quy định tại Điều 13 của Nghị quyết 1039: “Ban chỉ đạo họp định kỳ ba tháng một lần” nên tính chuyên nghiệp càng ít thể hiện. Tuy Nghị quyết có quy định thêm “Ban chỉ đạo có thể họp đột xuất theo sự đề nghị của Trưởng ban chỉ đạo hoặc Phó ban chỉ đạo”, nhưng theo chúng tôi, hoạt động tham nhũng luôn diễn ra muôn hình vạn trạng nên cần có sự theo dõi liên tục và sát sao để có thể kịp thời nắm bắt và xử lý khi có những vụ việc xảy ra. Việc quy định như trên sẽ khiến cho hoạt động của cơ quan này thiếu đi tính liên tục và chặt chẽ; vì mặc dù vẫn có Ủy viên thường trực là người hoạt động thường xuyên và chịu trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động của Văn phòng Ban chỉ đạo nhưng họ vẫn không phải là những người có quyền quyết định mà chỉ là những người trực tiếp thực hiện những công việc của cấp trên giao phó. Thêm vào đó, với cơ cấu ủy viên như hiện nay thì việc thực thi quyền lực của Ban chỉ đạo cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi vì tuy các quyền hạn đặc biệt được dành riêng cho Ban chỉ đạo, nhưng thực chất, người duy nhất có được những quyền này là Trưởng ban chỉ đạo (Thủ tướng) chứ không phải là những thành viên hoạt động thường xuyên. Điều này dẫn đến một nghịch lý là những thành viên thực sự hoạt động lại không có được những quyền cần thiết để thực hiện tốt công việc của mình, trong khi đó, quyền này lại dành cho người ít có điều kiện thực hiện. Đối với CPIB, các quyền hạn điều tra và bắt giữ của Cục trưởng cũng được trao cho Cục phó và các Phòng chuyên trách trong Cục. Singapore coi việc chống tham nhũng mang tính sống còn đối với đất nước, nên thủ tục điều tra hành vi tham nhũng được quy định là một thủ tục đặc biệt. Những quyền hạn đặc biệt mà Chính phủ trao cho CPIB không dành cho duy nhất một cá nhân nào của CPIB, mà dành cho tất cả các thành viên, miễn là đang trong quá trình thực thi công vụ. Cục điều tra có thể bắt mà không cần lệnh bất kỳ cá nhân nào tham nhũng hay đối với người mà việc tố cáo họ có cơ sở hoặc người đó bị nghi ngờ tham nhũng là có căn cứ, theo khoản 1 Điều 15 Luật Phòng chống tham nhũng Singapore “Người lãnh đạo hay điều tra viên chuyên ngành có thể bắt mà không cần lệnh bất kỳ cá nhân nào tham nhũng theo quy định của điều luật này hay đối với người mà việc tố cáo họ là có cơ sở hay việc nghi ngờ người đó là có căn cứ”, có thể khám xét và thu giữ tang vật tìm thấy trên người của người bị khám xét mà có thể xem đó là tang chứng vụ án. Bên cạnh đó, họ còn có những quyền đặc biệt khác như quyền điều tra theo thẩm quyền của cảnh sát được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự mà không cần có sự phê chuẩn của cơ quan công tố, quyền điều tra tài khoản ngân hàng, cổ phần, tài khoản mua bán, tài khoản chi tiêu hoặc bất kỳ tài khoản khác cũng như bất kỳ khoản tiền gửi an toàn trong bất kỳ ngân hàng nào, và có đủ thẩm quyền yêu cầu thông tin về tài khoản, tài liệu được quy định tại khoản 1 Điều 18 “Mặc dù luật có quy định khác, các công tố, nếu thấy có cơ sở cho rằng tội phạm xảy ra theo quy định của luật này, có thể bằng lệnh giao cho người đứng đầu hoặc bất kỳ cảnh sát nào tiến hành hoạt động điều tra đối với vụ việc đã nêu trong lệnh, lệnh đó có thể giao cả cho việc điều tra tài khoản ngân hàng, cổ phần, tài khoản mua bán, tài khoản chi tiêu, hoặc bất kỳ tài khoản khác, hoặc bất kỳ khoản tiền gửi an toàn trong bất kỳ ngân hàng, và sẽ có đủ thẩm quyền yêu cầu thông tin về tài khoản, tài liệu”. Đối với Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, đúng như tên gọi của mình, những quyền hạn chỉ dừng lại ở mức độ chỉ đạo, định hướng cho các hoạt động điều tra, xét xử, như: quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền báo cáo về tình hình tham nhũng và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, xem xét trách nhiệm, xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng để xảy ra hậu quả nghiêm trọng; yêu cầu tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ các vụ, việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng và khi cần thiết thì chỉ đạo tổ chức việc thanh tra. Từ những quy định trên của pháp luật, chúng ta có thể nhận thấy những thành viên của Ban chỉ đạo chỉ đóng vai trò kiểm tra, giám sát. Hay nói cách khác, Ban chỉ đạo giống như một Ban thanh tra trung ương đặc biệt chuyên về lĩnh vực chống tham nhũng. Ban chỉ đạo chỉ có thể kiến nghị, chỉ đạo chủ trương giải quyết những vụ việc cụ thể phát sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, còn việc điều tra, xét xử những vấn đề về tham nhũng vẫn thuộc về thẩm quyền của Toà án và Viện kiểm sát. Theo Luật Phòng, chống tham nhũng hiện nay, tại Chương V có quy định về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng nhưng lại không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ mà Ban này phải có. Nghị quyết số 1039 quy định “Thủ tướng Chính phủ – Trưởng ban chỉ đạo quyết định tạm đình chỉ công tác đối với người giữ chức vụ Thứ trưởng và các chức vụ tương đương, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên thường trực HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên khác của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các chức vụ khác do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, cách chức khi người đó có dấu hiệu tham nhũng, có hành vi gây khó khăn đối với hoạt động chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức”, nhưng nhiệm vụ của các thành viên còn lại được quy định rất ít, như chỉ được quyền tạm đình chỉ công tác khi có quyết định của Thủ tướng (và khi Thủ tướng chưa ra quyết định, các thành viên trong Ban chỉ đạo sẽ không có quyền gì đối với những đối tượng này). Thêm vào đó, vấn đề cấp thiết là phải quy định Ban chỉ đạo một cơ chế hoạt động hoàn toàn độc lập, thay vì quy định tại Điều 10 Nghị quyết số 1039 “Các uỷ viên Ban chỉ đạo sử dụng bộ máy của cơ quan, tổ chức do mình quản lý, phụ trách để thực hiện nhiệm vụ được Trưởng ban chỉ đạo phân công”.  Thực tiễn đã chứng minh, tại các quốc gia có chỉ số minh bạch cao như Singapore hay Thụy Điển, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng đều là các cơ quan độc lập và không phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan nào khác.
4. Quy định hình phạt của hai luật
Thứ nhất, về hình phạt tiền. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 của Việt Nam không quy định các hình phạt khi có hành vi tham nhũng xảy ra. Do đó, khi xử phạt hành vi tham nhũng, chúng ta phải dẫn chiếu các quy định trong BLHS. Trong BLHS tại Chương XXI mục A quy định về các tội phạm về chức vụ, cụ thể là từ Điều 278 đến Điều 291 BLHS tương ứng với các hành vi được mô tả trong Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 của Việt Nam. Theo đó, đối chiếu các mức hình phạt quy định từ Điều 278 đến Điều 291 BLHS với Điều 28 của BLHS thì mức hình phạt lần lượt từ thấp đến cao là phạt tiền, tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình. Luật Phòng, chống tham nhũng Singapore quy định mức hình phạt đối với tội tham nhũng là hình phạt tù và phạt tiền, đơn cử như tại khoản c Điều 6 “bất kỳ người nào cố ý đưa hối lộ cho cá nhân, hoặc cá nhân cố ý nhận hối lộ nhằm cố ý làm sai trái với thủ trưởng của mình về chứng từ, tài khoản và các tài liệu khác mà thủ trưởng của mình đang xem xét giải quyết hoặc báo cáo sai sự thật, sẽ bị coi là tội phạm và chịu hình phạt lên đến 100.000 đô la Singapore hay phạt tù lên đến 5 năm hoặc cả hai”.
Mặc dù đều quy định chế tài là phạt tiền nhưng đối với Việt Nam và Singapore cách quy định về mức phạt tiền là hoàn toàn khác nhau.
BLHS Việt Nam thì quy định về hai dạng: một là phạt tiền ở một mức cụ thể, hai là mức phạt tiền không cố định gồm phạt tiền gấp bao nhiêu lần số tiền mà người phạm tội đã có được do hành vi phạm tội của mình gây ra hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đối với mức phạt tiền cố định, tùy vào từng loại tội phạm mà có mức phạt tiền khác nhau. Nhưng nhìn chung, các mức phạt tiền cố định được tập trung vào các tội danh tham ô tài sản (Điều 278), tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280), tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282), tội giả mạo trong công tác (Điều 284) và các mức phạt ở các tội danh đều khác nhau, nhưng mức thấp nhất là ba triệu đồng và mức phạt cao nhất là năm mươi triệu đồng.
Đối với các mức phạt tiền không cố định, mức phạt tùy thuộc vào số tiền mà người phạm tội có được do hành vi phạm tội của mình gây ra. Các hình phạt này tập trung vào các tội như Tội nhận hối lộ (Điều 279), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281), Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi (Điều 283).
Luật Phòng, chống tham nhũng Singapore, hình phạt quy định mức phạt tiền cụ thể và mức phạt tiền là 100.000 SGD (tương đương khoảng 1,2 tỷ VNĐ), thêm vào đó người phạm tội còn bị phạt thêm khoản vụ lợi là tiền hoặc nếu vật có thể định giá được thì người phạm tội phải nộp thêm khoản tiền phạt đó theo khoản 1 Điều 13 “Khi toà kết tội tham nhũng một người theo quy định của luật này, sau đó, nếu khoản hối lộ là tiền hoặc nếu giá trị của vật hối lộ có thể định giá được, thì toà có thể áp dụng thêm hình phạt khác đối với người đó, bắt người đó phải nộp tiền phạt, hay một khoản tiền tương ứng với vật hối lộ, theo quyết định của toà, giá trị của khoản hối lộ và mọi khoản tiền phạt có thể tịch thu như tiền phạt”.
Qua đó, chúng ta thấy mức phạt tiền quy định trong pháp luật Việt Nam và Singapore có khác nhau. Ở Việt Nam, tùy vào loại tội phạm mà BLHS quy định mức phạt tiền tương ứng. Còn Singapore quy định mức phạt các tội đều ở mức 100.000 SGD.
Đối với một số loại tội phạm, mức phạt tiền 100.000 SGD mà luật pháp Singapore quy định là cao, nhưng dễ đạt mục đích trừng phạt và ngăn ngừa tội phạm. Ở Việt Nam, quy định mức phạt tối đa cố định ở mức năm mươi triệu đồng là thấp, rất thấp đối với một số tội như tội tham ô tài sản, người phạm tội có thể nhận được số tiền rất lớn so với mức phạt mà điều luật quy định. Còn đối với khoản tiền phạt không cố định thì quy định lại quá cao, vì người phạm tội phải trả gấp từ một đến năm lần số tiền mà mình có được do hành vi phạm tội gây ra, như quy định tại khoản 5 Điều 283 BLHS “Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền hoặc giá trị tài sản đã trục lợi”. Như vậy, việc quy định mức tiền phạt trong BLHS hiện nay là không hợp lý. Vì thế, các nhà lập pháp nên quy định áp dụng một mức chung đối với các loại tội phạm như pháp luật phòng, chống tham nhũng Singapore đã quy định. Nhưng mức phạt này phải phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước, bảo đảm không được ở mức quá thấp hoặc là ở mức quá cao như hiện nay.
Biện pháp tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội có thể làm cho người phạm tội sợ mà không dám thực hiện hành vi của mình, đồng thời giúp Nhà nước có thể thu lại khoản tiền mà người phạm tội có được từ hành vi phạm tội của mình. Biện pháp này mang tính khả thi hơn việc tịch thu gấp bao nhiêu lần số tiền mà người phạm tội có do hành vi của mình. Quy định này cũng tạo thuận lợi cho cơ quan thi hành án trong việc thi hành bản án, vì số tiền này là số tiền có thực mà người phạm tội sẽ bị mất. Nhưng còn một số khó khăn trong việc thực hiện quy định này, đó là về vấn đề kê khai tài sản. Việc kê khai tài sản đã được quy định từ rất lâu trong Pháp lệnh năm 1998 về việc kê khai tài sản nhưng đến nay, việc kê khai vẫn chưa được thực hiện tốt. Do đó, để thi hành biện pháp tịch thu tài sản, cần phải thực hiện nhanh chóng việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, đồng thời phải kiểm tra tính chính xác của việc kê khai tài sản. Điều 44 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định: “Người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai tài sản, mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của mình và tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên”.
Thứ hai, về hình phạt tù. Cả Luật Phòng, chống tham nhũng Singapore và BLHS của Việt Nam đều quy định hình phạt tù đối với hành vi tham nhũng. Nhưng mức phạt tù quy định trong BLHS của Việt Nam cao hơn so với mức phạt tù quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng của Singapore. Luật Phòng, chống tham nhũng Singapore quy định mức hình phạt tù thấp nhất là 5 năm và cao nhất là 7 năm. Còn BLHS Việt Nam quy định mức phạt tù thấp nhất là 1 năm và mức cao nhất là chung thân. Song, dù mức phạt tù của BLHS Việt Nam cao hơn mức phạt tù của Luật Phòng, chống tham nhũng Singapore, nhưng do chính sách nhân đạo của Đảng và của Nhà nước ta, đến nay chưa một tội phạm nào phải chịu mức hình phạt tù chung thân phải thụ án chung thân, mà đều được tha trước thời hạn.
Thứ ba, về hình phạt tử hình. Luật Phòng, chống tham nhũng Singapore không quy định hình phạt đối với các hành vi tham nhũng có mức hình phạt là tử hình, mà chỉ quy định mức hình phạt là phạt tù và mức phạt tiền, nhưng BLHS Việt Nam thì ngoài quy định mức hình phạt là phạt tiền, phạt tù có thời hạn và phạt tù không thời hạn, còn có quy định mức hình phạt tử hình. Có thể thấy, tử hình là mức hình phạt cao nhất trong hệ thống khung hình phạt của nước ta. Hiện nay đang có hai luồng ý kiến về việc có nên hay không bỏ án tử hình đối với hai tội danh là tham ô được quy định tại Điều 278 BLHS và tội danh hối lộ được quy định ở Điều 279 BLHS.
Ý kiến thứ nhất đồng ý với việc nên áp dụng mức tử hình đối với hai tội phạm trên vì cho rằng đây là tội phạm nguy hiểm cho quốc gia. Do đó, phải áp dụng hình phạt tử hình. Đối với “tội nhận hối lộ và tội tham ô tài sản thì nhất thiết phải giữ án tử hình. Bởi vì đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị chúng ta đối với việc chống tham nhũng hiện nay”1.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị bỏ mức tử hình đối với hai tội danh trên vì cho rằng, đây là tội phạm mang tính chất kinh tế, do đó chỉ cần phạt họ với hình phạt tù có thời hạn hoặc hình phạt tù không thời hạn kèm theo các biện pháp tịch thu tài sản khác, mà không cần phải thêm có hình phạt tử hình. “Tội tham ô tài sản và nhận hối lộ… là tội phạm có tính chất kinh tế… đối với những người này phạm tội này, chúng ta xử phạt tù chung thân, tù dài hạn nhưng thu hồi được kinh tế thì vẫn rất tốt, vẫn có tính chất phòng ngừa rất lớn”2.
Hiện nay, các nước trên thế giới đều đã bãi bỏ án tử hình trong pháp luật hình sự. “2/3 các quốc gia trên thế giới đã bãi bỏ án tử hình và trong số 59 quốc gia, nơi luật này vẫn duy trì hiệu lực thì chỉ có 25 nước vẫn đưa vào áp dụng”3. Việt Nam hiện nay đang trong quá trình hội nhập quốc tế, do đó cũng nên có xu hướng loại bỏ án tử hình đối với các tội danh.
5. Cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng
Cần cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Hiện nay, “có không ít người tố cáo đã rơi vào bi kịch – bị trù dập, mất việc làm, không còn đường thăng tiến, thậm chí bị thanh trừng, giết chết…”4. Mặc dù tại Điều 132 BLHS có quy định về việc bảo vệ người khiếu nại, tố cáo, và theo Quyết định số 13 tại điểm b khoản 1 Điều 13 “Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, tham gia và thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng” nhưng như vậy vẫn chưa đủ, cần phải có một cơ chế thực sự rõ ràng để bảo vệ người dân, để tạo được niềm tin từ phía xã hội, từ đó mới có thể kêu gọi được sự tố giác tham nhũng từ phía người dân. Vì đa số các vụ tham nhũng lớn hiện nay đều do người dân cung cấp thông tin và tố giác, “ngày càng xuất hiện thêm nhiều người dân đứng ra tố cáo tiêu cực, tham nhũng. Đây là hành động xuất phát từ ý thức công dân trước “cơn bão” tham nhũng đe dọa quốc gia. Từ vụ “cá cược” 5 tỉ đồng của nhóm công nhân trên dự án đường liên cảng A5, đến phát hiện của một số người dân dưới các công trình cống hộp, rồi hiện tượng sụt lún ở hầm chui Văn Thánh 2…”5. Bên cạnh đó, để bảo vệ người tố cáo cần mở rộng thêm các điều kiện để người tố cáo tham nhũng có thể thực hiện. Hiện nay, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo “c) Không xem xét, giải quyết những tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký hoặc những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới” theo đó những đơn tố cáo nặc danh sẽ không được giải quyết, và việc người dân tố cáo tham nhũng nêu rõ họ tên của mình trong đơn tố cáo sẽ làm tăng khả năng bị trả thù. Ngoài ra, theo Điều 335 của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành đã gây một số bất lợi cho người tố cáo đó là các quy định “nêu rõ họ tên địa chỉ của mình, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật”. Vô hình chung những quy định này đã đặt người tố cáo vào trong vòng nguy hiểm, từ đó làm hạn chế sự tích cực của người dân trong việc tố cáo tội phạm.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới , trong đó có Trung Quốc, tiến hành xem xét cả đơn thư tố cáo nặc danh để phát hiện tham nhũng. Trung Quốc cho rằng, hiện nay pháp luật Trung Quốc chưa hoàn thiện, người tố cáo còn bị đe dọa, do đó cho phép người tố cáo được giấu tên và chấp nhận thư nặc danh. Trong thực tế, Trung Quốc có khoảng 60% đơn thư tố cáo là thư nặc danh và trong số đó có rất nhiều thông tin chính xác về tham nhũng. Theo một tài liệu của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung Quốc thì những năm gần đây, 80% các vụ án lớn ở nước này được xử lý là do nhân dân tố cáo. Thái Lan cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải xem xét tất cả các đơn thư tố giác của người dân về tham nhũng, dù có ký tên hay không ký tên. Singapore cũng xem xét đơn thư tố giác không ghi tên người gửi, thậm chí xem xét cả các cuộc điện thoại gọi tới6.
Theo chúng tôi, trước hết cần phải tiếp nhận các đơn thư nặc danh, vì việc đó có thể làm cho người dân tích cực tố cáo các hành vi tham nhũng, vì họ cảm thấy mình được bảo vệ an toàn. Nhưng để tránh tình trạng một số người cố tình tố cáo sai sự thật, nhằm mục đích gây hại đến danh dự của người khác, thì nên xem xét cách mà Singapore đang áp dụng “theo Luật 1960, người nào được Cục điều tra yêu cầu đều phải cung cấp thông tin trung thực. Nếu ai từ chối cung cấp thông tin hay đưa thông tin sai sự thật sẽ bị xử phạt hay thậm chí bị phạt tù. Ngược lại, những người cung cấp thông tin sẽ được bảo vệ. Họ không nhất thiết phải nêu tên trong đơn tố cáo (với điều kiện các sự việc tố cáo đã được kiểm chứng là có thật). Các thông tin mà Cục điều tra hay tòa án cho rằng sẽ gây phương hại đến người tố cáo sẽ được giữ như thông tin mật (Điều 36)”7, còn đối với những đơn thư tố cáo chung chung, không có bằng chứng xác thực thì  mới không giải quyết. Muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả, các cơ quan nhà nước cần phải giải quyết tất cả các đơn thư nặc danh.
6 ThS. Vũ Đình Nam. Kinh nghiệm chống tham nhũng ở một số nước trên thế giới. Viện nhà nước và pháp luật

ThS. Nguyễn Thanh Minh – Giảng viên khoa Luật Hành chính, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và nhóm nghiên cứu lớp Quốc tế 32B -Nguyễn Hồ Quảng Giang – Đinh Trương Anh Phương Theo Tạp chí nghiên cứu lập pháp (www.nclp.org.vn)

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code