Thursday, August 8, 2013

Bộ luật Hummurabi qua phát hiện chấn động



Được khai quật vào năm 1901 bởi nhà khảo cổ học người Pháp Jean-Vincent Scheil, tấm bia đã lưu giữ lại một danh sách những luật lệ cổ đại toàn diện nhất và nguyên vẹn nhất từng được biết đến.
Ngày nay, báu vật cổ này được đặt trong bảo tàng Louvre ở Paris. Nó chỉ cao hơn 7 feet (2,13 mét) như một chỉ định rõ ràng là dành cho mục đích trưng bày nơi công cộng ở thành phố Babylon cổ đại. Hơn thế, không phải chỉ có một tảng đá được tạo nên vì mục đích này. Các nhà khoa học đã tìm thấy các mảnh của những bản sao khác nằm rải rác trên nhiều khu vực khác nhau của thành phố Babylon.

Những cư dân thành cổ Babylon qua một bức tranh cổ
Ở trên đầu tảng đá là hình ảnh mô tả của Hammurabi về thần công lý Shamash. Dưới hình vẽ đó là những cột chữ được ghi bằng ngôn ngữ Akkadian. Có tất cả 16 cột ở mặt trước và 28 cột ở mặt sau làm thành đoạn mở đầu. Đoạn kết thúc là phần Hammurabi kêu gọi các vị thần để bàn về lý tưởng công lý vĩ đại mà ông đang thực hiện.
Nằm giữa phần mở đầu và kết thúc là nội dung của bộ luật, liệt kê gần 300 điều được cấu trúc hoàn toàn theo cấu trúc câu điều kiện: Nếu - thì. Những điều luật này đã làm sáng tỏ thế giới công lý của thành cổ Babylon, những bí mật đáng ngạc nhiên làm thay đổi định kiến của con người về thế giới cổ đại.
Khi Scheil tìm thấy tấm bia này, hàng trăm học giả đã đổ xô nghiên cứu và viết sách về nó, và cũng nhờ lớp người này mà tên gọi Bộ luật của Hammurabi chính thức xuất hiện. Cho đến tận ngày hôm nay, tầm quan trọng của bộ luật và những bí mật của nó vẫn được các nhà sử học đeo đuổi. Những thông điệp khắc trên đá này thực sự đã cung cấp những hiểu biết đáng kể về lịch sử của pháp luật, công bằng xã hội và thậm chí cả Kinh Thánh.
Bộ luật Hammurabi đề cập đến gần 100 các vấn đề về pháp luật tài sản và thương mại, bao gồm cả lãi, nợ và tài sản thế chấp. Ví dụ, nếu một con đập bị vỡ và sau đó lũ lụt xảy ra phá hủy hết mùa màng, pháp luật sẽ quy kết lỗi là do sơ suất của chủ sở hữu đập, người này phải bồi thường cho nông dân bị thiệt hại cây trồng.
Do nền kinh tế Babylonia một phần là nền kinh tế sử dụng tiền kim loại, một phần vẫn là nền kinh tế hàng đổi hàng nên pháp luật cũng thiết lập các tiêu chuẩn nhất định và giới hạn các thỏa thuận vay nợ để kiểm soát sự lạm dụng cho vay nặng lãi. Bộ luật này quy định rằng một người cho vay chỉ có thể tính phí tối đa 20% cho một khoản vay bạc và 33,3% cho khoản vay hạt giống. Người cho vay cũng phải thể hiện giao kèo trước mặt các nhân chứng và phải đợi sau thời gian mùa vụ mới được yêu cầu hoàn trả nợ. Hơn nữa, bộ luật cũng lưu ý đến các khoản vay được bảo đảm (được hỗ trợ bởi tài sản thế chấp có giá trị). Tài sản dưới hình thái nhà đất hoặc thậm chí cả vợ con đều có thể xem là tài sản thế chấp. Những người nợ nần ngập ngụa có thể tham gia vào giao kèo bán thân làm nô lệ để có thể trả hết tiền.
Bộ luật cũng tập hợp khoảng một trăm điều về gia đình và những vấn đề liên quan khác như hôn nhân, trẻ em, ngoại tình, thừa kế, loạn luân... Trong đó hôn nhân thường là một thỏa thuận kinh tế giữa người chồng và cha người vợ tương lai của anh ta. Ly hôn được chấp nhận, dù dễ dàng với đàn ông hơn là với phụ nữ. Ly hôn thường mất phí và đôi khi còn yêu cầu người chồng phải trả lại của hồi môn cho vợ.

Một phần nội dung của bộ luật Hamurabi trên tấm bia đá
Luật quả báo: “Mắt trả mắt, răng đền răng”
Để giữ ổn định xã hội, vua Hammarubi đã thiết lập những hình phạt vô cùng khắc nghiệt đối với một số loại tội phạm nhất định. Như đã biết, việc chặt đi một phần cơ thể là lựa chọn phổ biến, bất chấp đó là đôi tay của một đứa trẻ hay bộ ngực của một phụ nữ. Cái chết cũng là một loại hình phạt khác. Bộ luật đề cập rõ ràng về 28 tội ác chịu tội tử hình, bao gồm cướp của, ngoại tình, hành nghề ma thuật.
Người vợ phạm tội loạn luân hoặc ngoại tình phải chịu lưu đày hoặc tử hình. Bộ luật coi người chồng, người cha là chủ gia đình. Do đó cho tới tận khi con cái lập gia thất, người cha có quyền pháp lý bắt con cái họ lao động cho họ hoặc chủ nợ của họ, thậm chí còn có thể gán nợ chúng hoặc bán đi. Tuy nhiên, nếu đứa trẻ cố tình tấn công cha mình, chúng sẽ bị cắt tay vĩnh viễn. Đó chỉ là một hình phạt trong hàng tá hình phạt khác được nhắc đến ở Bộ luật Hammurabi.
Hình phạt cũng thường phụ thuộc vào địa vị xã hội của thủ phạm. Khi một thành viên của tầng lớp thượng lưu gây tội ác với tầng lớp thấp kém hơn, người đó có thể phải trả thêm một khoản lệ phí. Nếu câu chuyện ngược lại, người nghèo gây tội với người giàu, người nghèo sẽ phải chịu hình phạt khắc nghiệt hơn trước rất nhiều.
Có thể bạn từng được nghe về một điều luật gọi là “Mắt trả mắt, răng đền răng” (an eye for an eye and a tooth for a tooth) được áp dụng rộng rãi một thời có tên tổng quát là Lex talionis - Luật quả báo. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể tìm thấy chúng trong những điều luật của vua Hammurabi.
Ngạc nhiên hơn, các hình phạt được đề cập đến trong Hammurabi không chỉ bao gồm cái gọi là Luật quả báo mà còn đúng hoàn toàn về nghĩa đen đối với câu nói đề cập đến ở đầu đoạn. Có nghĩa là nếu một người móc mắt của một người khác, người đó sẽ bị mất một con mắt của chính họ. Tương tự đối với răng và xương. Nếu bạn vặn răng của một ai đó thì đừng để bị bắt nếu không sẽ bị pháp luật vặn đúng cái răng đó của bạn.
Ngày nay, người ta vẫn tiếp tục nghiên cứu về bộ luật Hammurabi vì nhiều lý do, nhưng lý do quan trọng nhất có lẽ là ánh sáng mà bộ luật này chiếu rọi vào lịch sử Luật quả báo. Trong khi nhiều quốc gia ngày nay vẫn trăn trở với câu hỏi làm sao để chính sách này được công bằng hơn thì luật Hammurabi lại tạo tiền đề cho những trận xung đột và đẩy rộng khoảng cách về giai cấp.
Minh Nguyệt

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code