MAI MINH
Năm 2003, vợ chồng bà
Trần Thị Ngọc Sương có mua căn nhà 552 Cách Mạng Tháng Tám, thị xã Thủ
Dầu Một, Bình Dương. Đến năm 2007, sau khi chồng bà đột ngột qua đời, bà
phải đối mặt với khoản nợ lớn gần gấp ba lần số tiền mua căn nhà ban
đầu.
Buộc phải trả số vàng chênh lệch
Theo hợp đồng mua bán nhà ở lập ngày 24-12-2003 giữa
vợ chồng bà Sương với người bán (đã được Phòng Công chứng số 1 tỉnh Bình
Dương chứng nhận), giá mua bán căn nhà trên là 546 triệu đồng. Hợp đồng
ghi rõ: “Giá này là giá cố định, không thay đổi trong trường hợp giá
thị trường lên, xuống. Bên mua có trách nhiệm thanh toán một lần sau khi
ký hợp đồng. Sau khi thanh toán đủ, bên mua được giao nhà đất”. Đầu năm
2004, vợ chồng bà Sương đã nhận nhà và làm xong thủ tục sang tên.
Mọi chuyện trôi qua yên ả cho đến tháng 3-2007, tức
hơn ba năm sau thời điểm hai bên mua bán nhà. Bấy giờ, chủ nhà cũ đã
khởi kiện bà Sương ra tòa, yêu cầu phải trả nợ 92,5 lượng vàng thay cho
người chồng đã chết. Theo nguyên đơn, trước đây chồng bà Sương mua nhà
trên với giá 300 lượng vàng và chỉ mới trả được hơn 200 lượng vàng. Để
chứng minh, nguyên đơn đưa ra giấy viết tay lập ngày 18-12-2003 (trước
ngày đi công chứng hợp đồng mua bán nhà). Giấy này không ghi tên người
nhận tiền, chỉ ghi “Gửi cho thầy số vàng 207,5 lượng vàng, còn lại 92,5
lượng vàng”. Chủ nhà cũ khẳng định đó là giấy của chồng bà Sương xác
nhận việc nợ tiền mua nhà.
“Theo hợp đồng, giá mua bán chỉ hơn 500 triệu đồng,
tương đương 80 lượng vàng ở thời điểm giao dịch. Vậy con số 300 lượng
vàng lấy đâu ra?” – Từ các thắc mắc này, bà Sương không đồng ý trả nợ.
Thế nhưng cả hai bản án sơ thẩm tháng 7-2007 của
TAND thị xã Thủ Dầu Một và phúc thẩm tháng 9-2007 của TAND tỉnh Bình
Dương đều tuyên xử “bà Sương phải trả nốt 92,5 lượng vàng”. Hai tòa này
đều căn cứ vào giấy tay nêu trên để cho rằng việc nợ nần “là có thật” và
không đả động gì đến số tiền giao dịch ghi trên hợp đồng mua bán nhà
được công chứng.
Xử vậy là sai?
Luật sư Nguyễn Thế Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận
định: “Cả hai cấp tòa đều xử sai luật”. Bởi theo khoản 1c Điều 80 Bộ
luật Tố tụng dân sự, những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản
và được công chứng, chứng thực hợp pháp thì không phải chứng minh. Tòa
án phải căn cứ vào những chứng cứ đó để phán quyết cho hợp lẽ. Trong
trường hợp hai bên cùng đưa ra chứng cứ, một bên là chứng cứ hợp pháp và
một bên là chứng cứ chưa được kiểm nghiệm thì tòa án không thể bỏ qua
chứng cứ hợp pháp.
Luật sư Nguyễn Minh Luận (Đoàn luật sư TP.HCM) còn
chỉ ra một sai sót khác: Dù hết thời hiệu khởi kiện nhưng tòa án vẫn thụ
lý đơn kiện của chủ nhà cũ nộp tháng 3-2007. Cụ thể, theo khoản 3 Điều
159 bộ luật trên thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ
án dân sự là hai năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân
bị xâm phạm. Kế tiếp, Nghị quyết 02 ngày 10-8-2004 của Hội đồng thẩm
phán TAND tối cao hướng dẫn: “Nếu tranh chấp phát sinh trước ngày
1-1-2005 thì thời hiệu khởi kiện là hai năm kể từ ngày 1-1-2005”. Do vợ
chồng bà Sương đã hoàn tất thủ tục sang tên nhà từ đầu năm 2004 nên nếu
thực sự có việc nợ nần mà không chịu khởi kiện thì đến ngày 1-1-2007,
chủ cũ đã mất quyền khởi kiện.
Ngoài ra, tòa án hai cấp còn vi phạm thủ tục tố tụng
khi không đưa những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia vụ
án. Luật sư Luận phân tích: “Khi chồng bà Sương chết không để lại di
chúc, vợ, các con và cha mẹ ruột của ông được đồng thừa kế phần nhà
thuộc sở hữu hợp pháp của ông. Theo khoản 1 Điều 637 Bộ luật Dân sự,
những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản
trong phạm vi di sản do người chết để lại. Như vậy, khi bị kiện tụng thì
không chỉ bà Sương mà hai con đã thành niên của vợ chồng bà cùng cha mẹ
chồng của bà (nếu còn sống) đều là những người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan và phải tham gia vụ án”.
Các bạn có đồng tình với hai quan điểm của hai luật
sư nêu trên, nhất là về việc tòa án cần dựa vào hợp đồng công chứng để
làm căn cứ xét xử tranh chấp? Do việc làm hai hợp đồng khác nhau để đối
phó với cơ quan thuế vẫn hay xảy ra trên thực tế nên chúng tôi ghi nhận
được nhiều ý kiến liên quan. Mời bạn đọc theo dõi tiếp ở số báo sau.
Vì sao phải làm hai hợp đồng?
Khi mua bán nhà, đất, người bán phải nộp thuế thu
nhập cá nhân (theo quy định cũ là chuyển quyền sử dụng đất); phần người
mua nộp lệ phí trước bạ nhà, đất.
- Thuế thu nhập cá nhân bằng 2% theo giá chuyển
nhượng ghi trên hợp đồng hoặc theo giá do UBND tỉnh quy định trong
trường hợp giá ghi trên hợp đồng thấp hơn mức giá của tỉnh. Hoặc người
bán có thể nộp 25% trên tiền lãi.(Thuế chuyển quyền sử dụng đất ở bằng
4% theo bảng giá do UBND tỉnh quy định).
- Lệ phí trước bạ nhà, đất bằng 0,5% (quy định cũ là
1%) theo giá ghi trên hợp đồng hoặc theo giá do UBND tỉnh quy định trong
trường hợp giá ghi trên hợp đồng thấp hơn bảng giá của tỉnh.
Sợ ghi đúng theo giá giao dịch trên thực tế thì phải
đóng thuế, lệ phí cao, hai bên mua, bán đã thỏa thuận làm hai hợp đồng:
Một hợp đồng tay ghi chính xác giá mua bán để hai bên thực hiện; một hợp
đồng ghi không đúng giá mua bán để hai bên đi công chứng.
PV
Ý KIẾN CỦA MỘT SỐ CHUYÊN GIA
Ông Trần Đông Chu, kiểm sát viên cao cấp VKSND tối cao:
Sẽ đầy đủ hơn nếu xem xét thêm giấy tay
Trước giờ, trong rất nhiều trường hợp mua bán nhà,
đất, tuy giá giao dịch thực tế một đằng nhưng giá ghi trên hợp đồng được
công chứng, chứng thực lại là một nẻo. Thường là giá giao dịch luôn cao
hơn rất nhiều so với hợp đồng công chứng. Sở dĩ xảy ra điều này vì các
bên ý thức rõ: nếu ghi đúng giá giao dịch thực có thể phải đóng thuế, lệ
phí cao.
Ở góc độ pháp lý, trong hợp đồng mua bán nhà, đất,
công chứng viên xác nhận nhiều nội dung. Khi có tranh chấp, hợp đồng mua
bán nhà, đất được công chứng, chứng thực có giá trị pháp lý để chứng
minh hành vi mua bán là hợp pháp.
Nhưng xét riêng về giá cả (như bên bán kiện đòi bên
mua thanh toán số tiền chênh lệch theo hợp đồng) thì hợp đồng công chứng
không phải là căn cứ duy nhất để xác định giá trị thực của căn nhà mà
cần phải dựa vào nhiều chứng cứ khác (như hợp đồng tay, hợp đồng nguyên
tắc, người làm chứng, giá cả của hội đồng định giá do tòa trưng cầu…) để
ra phán quyết.
Cần lưu ý, chúng ta chưa có cơ quan chuyên môn thẩm
định giá cả nên công chứng viên không chịu trách nhiệm về giá cả của hợp
đồng mà giá cả là do các bên tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm với
nhau. Đây là cách làm phù hợp với luật tố tụng dân sự.
Đồng ý là việc ghi sai giá chuyển nhượng trong hợp
đồng công chứng là hành vi ăn gian, đáng phê phán. Nhưng tiếc rằng pháp
luật chưa có thang điểm về chứng cứ, cơ chế phạt hành vi ăn gian này nên
đến giờ các vi phạm vẫn còn tồn tại.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, thẩm phán TAND quận 10, TP.HCM:
Phải căn cứ vào giá giao dịch thật
Về nguyên tắc, tòa án cần xác định đối tượng tranh
chấp là gì để sử dụng nó làm vật ngang giá nhằm xử lý tranh chấp của các
bên. Khi các bên tự thừa nhận giá trị thật của tài sản không phải là
giá trị ghi trong hợp đồng công chứng, tòa án không thể dựa vào hợp đồng
công chứng đó để xét xử.
Bên cạnh đó, tòa án có quyền định giá lại tài sản
tranh chấp khi có sự không phù hợp về giá. Chẳng hạn, một căn nhà nằm ở
vị trí đắc địa, có nhiều lợi thế thì không thể có giá quá thấp như ghi
trong hợp đồng công chứng. Trong trường hợp này, pháp luật cho phép tòa
án được diễn giải, suy đoán một cách có căn cứ để tìm ra giá trị thật
của tài sản tranh chấp.
Luật sư Phạm Quốc Hưng, Đoàn luật sư TP.HCM:
Nếu giả tạo thì không có giá trị pháp lý
Trên nguyên tắc, tòa phải xử dựa vào hợp đồng công
chứng vì đây là chứng cứ không cần chứng minh. Nhưng nếu các bên chứng
minh được giá giao dịch thật thì hợp đồng công chứng lúc này chỉ là hợp
đồng giả tạo nhằm che giấu một hợp đồng thật khác. Do hợp đồng giả tạo
không có giá trị pháp lý nên tòa án cần căn cứ vào hợp đồng tay để xét
xử.
Việc chứng minh hợp đồng công chứng là hợp đồng giả
tạo thường khá phức tạp. Để tránh những thiệt thòi có thể xảy ra về sau,
các bên không nên vì lợi nhỏ trước mắt mà gian dối khi kê khai giá
chuyển nhượng. Người dân được hưởng phúc lợi từ nhà nước và xã hội nên
phải có nghĩa vụ đóng thuế. Đây vừa là nghĩa vụ pháp lý, vừa là nghĩa vụ
đạo lý.
Tất nhiên, nhà nước cũng cần xem xét lại chính sách
thuế và việc sử dụng tiền thuế sao cho có tác dụng động viên người dân
đóng thuế.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=265302