Nguyễn Minh Tuấn
Bài viết dưới đây giới thiệu những nội dung cơ bản nhất về Luật các Đảng phái chính trị của Cộng hòa liên bang Đức.
Luật các Đảng phái chính trị của Cộng hòa liên bang Đức (Gesetz über die politischen Parteien [Parteiengesetz] – dưới đây viết tắt là PartG) lần đầu tiên được Nghị viện thông qua vào ngày 24 tháng 7 năm 1967 (Công báo số 1 năm 1967, từ trang 773), có hiệu lực thi hành vào ngày 28 tháng 7 năm 1967; Đạo luật này được công bố lần tiếp theo vào ngày 31 tháng 1 năm 1994 (Công báo số 1 năm 1994, từ trang 149), và sửa đổi gần nhất là Điều 5a ngày 24 tháng 9 năm 2009 (Công báo số 1 năm 2009, từ trang 3145), có hiệu lực thi hành vào ngày 30 tháng 9 năm 2009.
Đạo luật này ra đời nhằm thể chế hóa Điều 21 Luật cơ bản (Grundgesetz - dưới đây viết tắt là GG) của Cộng hòa liên bang Đức năm 1949.
Điều 21 GG qui định: „1. Các đảng phái góp phần hoạch định chính sách chính trị của nhân dân. Việc thành lập các đảng phái là tự do. Trật tự bên trong của Đảng phải tuân thủ các nguyên tắc dân chủ. Các đảng này phải công khai nguồn gốc cũng như việc sử dụng các nguồn tài chính và các tài sản khác.
2. Các đảng phái mà
thông qua mục đích cũng như bằng hành động vi phạm hoặc gây nguy hiểm
cho trật tự dân chủ tự do của Cộng hòa liên bang Đức là vi hiến. Tòa án Hiến pháp liên bang có thẩm quyền phán quyết về sự vi hiến của Đảng.
3. Các qui định khác có liên quan do Luật của liên bang qui định“.
Về cơ cấu, Luật này gồm có 8 Chương, 41 Điều. Đạo luật đề cập đến năm nội dung chính: định nghĩa đảng phái; vai trò, chức năng của Đảng phái; điều kiện thành lập Đảng mới; tài chính của Đảng và chế tài giải tán Đảng vi hiến bởi Tòa án hiến pháp liên bang.
1. Định nghĩa về Đảng
Trong Luật cơ bản của Đức không có định nghĩa về Đảng mà định nghĩa này được qui định ở Điều 2 Khoản 1 Câu 1 PartG: “Các đảng phái là các tổ chức của nhân dân, tồn tại trong một thời gian dài, hoạt động ở liên bang hoặc tiểu bang, là cơ quan ban hành ra chính sách và theo đuổi mục đích là đại diện cho nhân dân ở Hạ viện liên bang Đức hoặc hạ viện của tiểu bang, thỏa mãn các điều kiện về phạm vi, tiềm lực tổ chức, số lượng thành viên và đưa ra một cách công khai những chính sách đủ cho thấy sự ích lợi, an toàn và cẩn trọng.”
Ngoài ra, Luật cũng qui định không cho phép có bất kỳ Đảng phái nào là đảng nước ngoài hay đảng của Châu Âu được phép hoạt động (Điều 2 Khoản 3 PartG).
2. Vai trò, chức năng của Đảng phái
Các đảng phái có hai chức năng chính là chức năng hoạch định các chính sách (Willensbildung) và chức năng liên kết (Bindegliedfunktion) giữa nhà nước và xã hội. (Điều 1 PartG).
Các thẩm phán của Tòa án hiến pháp liên bang giải thích rằng: "Luật chơi mà tạo ra đặc quyền cho duy nhất một chủ thể thì Luật chơi ấy là luật chơi tồi [...]. Do vậy cần phải thiết lập được sự đa dạng, sự cạnh tranh và tranh luận tích cực giữa các chính sách. Chính sự đa dạng của những chính sách khác nhau mới hạn chế được việc một đảng nào đó có được khả năng độc tài, chuyên chế và chọn lựa được chính sách đúng đắn phù hợp nhất". (BVerfGE 104, 14ff.).
Đồng thời Luật cơ bản cũng đã lường tính để không một đảng phái nào thoát khỏi sự kiểm soát từ bên ngoài đó là các nhóm lợi ích khác và sức mạnh báo chí (Điều 5 Khoản 1 Câu 2 GG).
Các Đảng phái có quyền bình đẳng về cơ hội (Chancengleichheit der Parteien) (Điều 3, 21, 38 GG).
3. Thành lập Đảng, thẩm quyền của các Đảng phái
Phán quyết của Tòa án liên bang số 104 (BverfGE 104, 14f.) khẳng định Đảng phái phải được thành lập tự do từ dân chúng, được tự do tranh luận. Điều kiện thành lập Đảng phải thỏa mãn nhiều tiêu chí được qui định tại chương II (từ điều 6 đến Điều 16 PartG) như về Đảng viên (khi có trên 250 Đảng viên – Điều 9 PartG), có chương trình hoạt động (Điều 6 PartG), chính sách cụ thể của Đảng (Điều 15 PartG). Đảng được tự do trong tổ chức nội bộ của Đảng mình (Freiheit der inneren Organisation), tự do đưa ra chính sách, tự do tham gia vào các cuộc bầu cử, cũng như tự do trong việc cho phép tham gia hay chấm dứt tư cách thành viên trong Đảng. Tiếng nói chính trị của Đảng quan trọng nhất là được thực hiện thông qua nhóm các đại biểu của Đảng đó (Fraktion) trong Bundestag (Hạ viện).
4. Tài chính của Đảng
Nguồn tài chính của Đảng có được từ 4 loại nguồn: đóng góp của Đảng viên (Mitgliedsbeitraege), quyên góp từ xã hội (Spenden), hỗ trợ từ nhà nước một cách trực tiếp hoặc gián tiếp (Điều 18 đến Điều 22 PartG) và các nguồn đặc biệt hỗ trợ khác theo qui định của Luật (sonstige Quellen). Nguyên tắc chung là nhà nước chỉ hỗ trợ một phần trong các hoạt động chung của Đảng căn cứ vào số lượng thành viên của Đảng và đại diện của Đảng trong Nghị viện (Điều 18 khoản 3 PartG).
5. Giải tán Đảng vi hiến
Giải tán Đảng vi hiến là qui định trung tâm của Luật các Đảng phái chính trị CHLB Đức. Thành công nhất của Hiến pháp Đức được nhiều nhà khoa học đánh giá cao đó là xây dựng thành công một nền dân chủ, nhưng không phải là nền dân chủ chung chung, trừu tượng không có cơ chế kiểm soát mà là một nền dân chủ đích thực được bảo vệ („wehrhafte Demokratie“).
Một trong những qui định khẳng định giá trị của dân chủ đó là Điều 21 khoản 2 câu 2 GG. Điều luật này trao quyền cho Tòa án Hiến pháp phán quyết và giải tán bất kỳ Đảng phái nào nếu vi phạm Hiến pháp.
Thủ tục cấm đảng phái hoạt động được qui định chi tiết trong Luật tổ chức Tòa án hiến pháp liên bang (BverfGG). Chủ thể đề nghị cấm một đảng phái nào đó hoạt động chỉ có thể là Hạ nghị viện (Bundestag), Thượng nghị viện (Bundesrat) hoặc Chính phủ liên bang (Bundesregierung) (Điều 43 khoản 1 BverfGG).
Hệ quả pháp lý là khi phán quyết của Tòa án hiến pháp liên bang có hiệu lực, Đảng đó buộc phải tự giải tán và cấm tổ chức khác tương tự thay thế. Các đại biểu tương ứng của Đảng đó trong Hạ nghị viện cũng buộc phải từ chức (Điều 33 PartG).
(Ghi chú: Trong bài viết, tác giả có sử dụng từ ngữ từ Tiếng nước ngoài. Khi chuyển ngữ sang Tiếng Việt, với những từ ngữ quan trọng, để đảm bảo tính chính xác, từ gốc Tiếng nước ngoài được để trong dấu ngoặc đơn).
0 comments:
Post a Comment