Thursday, August 8, 2013

Khảo lược Bộ luật Hammurabi của nhà nước Lưỡng Hà cổ đại(phần 4)

6.Những quy định điều chỉnh quan hệ lao động trong bộ luật Hammurabi Các hoạt động thuê mướn lao động được đề cập đến rất nhiều trong bộ luật Hammurabi. Người ta có thể thuê mướn lao động để trồng trọt ngoài cánh đồng (Điều 257 bộ luật), chăn nuôi gia súc (Điều 258 bộ luật), sửa chữa tàu thuyền (Điều 234 bộ luật) và làm các nghề thủ công (Điều 274 bộ luật)... Nhìn chung, đối với quan hệ lao động, bộ luật Hammurabi tập trung điều chỉnh hai vấn đề: - Tiền công trả cho người lao động. Thông thường, người thuê lao động trả cho người lao động theo ngày công. - Vấn đề bồi thường thiệt hại của người lao động cho người thuê lao động do những bất cẩn trong quá trình làm công gây ra. Từ cách điều chỉnh trên của bộ luật cho thấy, về thực chất, nhà lập pháp Lưỡng Hà cổ đại chỉ xem quan hệ lao động như một dạng quan hệ hợp đồng dịch vụ thông thường.
 
 
4. Các quy định điều chỉnh quan hệ hôn nhân, gia đình trong bộ luật Hammurabi
          1. Trong những mục trước, ít nhiều chúng ta đã đề cập đến một số quy định điều chỉnh quan hệ hôn nhân, gia đình của bộ luật Hammurabi. Đây là một chế định lớn, các quy phạm nằm rải rác trong nhiều điều luật khác nhau nhưng được quy định tập trung nhất từ Điều 128 đến Điều 193, nghĩa là trong 65 điều của bộ luật. Nội dung của chế định này tập trung điều chỉnh các vấn đề sau đây:
          - Vấn đề kết hôn, ly hôn.
          - Quan hệ thứ bậc trong gia đình.
          - Chế độ tài sản vợ chồng.
          - Vấn đề thừa kế tài sản giữa các thành viên trong gia đình.
          - Quan hệ cha mẹ - con cái.
          - Vấn đề con nuôi.                  
 
          2.  Vấn đề kết hôn, ly hôn
          2.1.Vấn đề kết hôn
           Kết hôn là sự kiện pháp lý quan trọng dẫn đến hệ quả xác lập quan hệ vợ chồng giữa người đàn ông và người đàn bà. Sau sự kiện kết hôn, chế độ tài sản chung của vợ chồng được hình thành, những đứa con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân tồn tại được coi là con trong giá thú và nhiều vấn đề kéo theo sẽ phát sinh. Như thế, về mặt pháp lý, kết hôn là sự kiện khởi đầu cho một loạt quan hệ hôn nhân, gia đình tiếp sau. Các quy định của pháp luật đối với vấn đề kết hôn thể hiện phần nào mức độ can thiệp của nhà nước vào quan hệ hôn nhân-gia đình.
          Sự điều chỉnh của pháp luật Lưỡng Hà cổ đại đối với vấn đề kết hôn chủ yếu là đối với người đàn ông. Địa vị của người đàn ông và phụ nữ hoàn toàn bất bình đẳng. Việc lấy chồng của người phụ nữ là do cha người phụ nữ đó quyết định theo cách “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”; phụ nữ không có quyền tự do kết hôn.
          Việc kết hôn giữa một người đàn ông và một người đàn bà được thực hiện trên cơ sở sự thoả thuận của hai bên gia đình. Bên phía nhà trai, có thể người con trai trực tiếp đến nhà bố cô gái xin cưới cô gái về làm vợ hoặc bố của anh ta sẽ đi hỏi vợ cho con. Điều này được phản ánh trong Điều 155, 156 bộ luật Hammurabi.
           Trên thực tế, để lấy một người phụ nữ về làm vợ, người đàn ông phải mất hai khoản tiền:
          - Tiền ăn hỏi, gọi là “tirhatou”. Khoản tiền này có ý nghĩa như là sự đền bù của nhà trai cho công ơn nuôi dưỡng của bố mẹ cô gái. Đối với khoản tiền này, bố cô gái có toàn quyền hưởng dụng.
          - Tiền phục vụ cho cưới xin, gọi là “bilou”.
          Nếu như người đàn ông phá bỏ hôn ước, anh ta sẽ mất toàn bộ số tài sản đã đem đến nhà cô gái. Điều 159 bộ luật Hammurabi quy định:
         “Người đàn ông nào đã mang tài sản phục vụ cho việc cưới xin (bilou) và tiền lễ ăn hỏi (tirhatou) đến nhà bố vợ tương lai của hắn ta
         Mà lại đưa mắt về phía người đàn bà khác
         Và nói với bố vợ tương lai của hắn ta rằng: Tôi sẽ không cưới con gái ông
         Hắn sẽ mất toàn bộ tài sản mang đến nhà bố cô gái.
         Ngược lại, nếu như việc hôn nhân không thành do lỗi của nhà gái thì bố cô gái có trách nhiệm bồi thường cho nhà trai. Điều 160 bộ luật quy định:
         “Nếu người đàn ông đã mang tài sản phục vụ cho việc cưới xin (bilou) và tiền lễ ăn hỏi (tirhatou) đến nhà bố vợ tương lai của hắn ta
         Mà người bố vợ lại nói: Ta sẽ không gả con gái cho anh
         Thì ông ta sẽ phải bồi thường gấp đôi số tài sản (bilou và tirhatou) tirhatou) mà người đàn ông kia đã mang đến nhà mình.
         Điều 161 bộ luật quy định thêm:
         “Nếu người đàn ông đã đem tài sản phục vụ cho việc cưới xin (bilou) và tiền lễ ăn hỏi (tirhatou) đến nhà bố vợ tương lai của anh ta
         Và nếu bạn của anh ta lại nói xấu anh ta
         (Do đó), người bố vợ đã nói với anh ta: Tôi sẽ không gả con cho anh nữa
         Người bố vợ sẽ phải trả gấp đôi những gì đã nhận từ anh ta
         Còn bạn của anh ta cũng không thể cưới người con gái kia được.
                                                                                              
          Trên nguyên tắc, pháp luật Lưỡng Hà cổ đại thừa nhận chế độ đa thê: một người đan ông có thể lấy nhiều vợ nhưng một người phụ nữ chỉ có thể lấy một chồng. Hành vi ngoại tình của người phụ nữ được coi là trọng tội trong bộ luật Hammurabi và bị trừng phạt nghiêm khắc.
         Tuy nhiên, bộ luật Hammurabi cũng có nhiều quy định hạn chế việc người đàn ông lấy nhiều vợ. Người chồng chỉ được quyền lấy vợ lẽ nếu như người vợ không có con hay bị bệnh nặng; người vợ là “một người đàn bà lăng loàn”.
          Điều 144 bộ luật quy định:
         “Nếu người đàn ông nào lấy một vợ,
         Và người vợ này đưa về cho anh ta một nữ nô,
         Đứa nữ nô này sau đó sinh cho anh ta những đứa con
         Và nếu như người đàn ông lại muốn lấy thêm vợ lẽ
         Thì điều đó là không được phép.
 
          Pháp luật Lưỡng Hà cổ đại cũng rất coi trọng vấn đề hình thức của việc kết hôn. Việc kết hôn bắt buộc phải được lập thành giấy tờ. Điều 128 bộ luật Hammurabi quy định:
Kẻ nào lấy một người đàn bà mà không làm giấy tờ gì thì người đàn bà đó không phải là vợ của y.
          Trong điều luật nói trên, không rõ nội dung của giấy tờ phải lập là gì, ai là người lập giấy, địa điểm lập, có hay không có sự chứng kiến của công quyền khi lập giấy... Vấn đề này có lẽ do tập quán điều chỉnh. Tuy vậy, bản thân yêu cầu bắt buộc phải lập giấy tờ khi kết hôn cũng cho thấy sự san thiệp mạnh mẽ từ phía nhà nước Lưỡng Hà vào các tập tục hôn nhân truyền thống đã tồn tại từ lâu đời trong xã hội.
         
          2.2.Vấn đề ly hôn
Nếu như kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân giữa người vợ và người chồng thì ly hôn là sự kiện pháp lý thủ tiêu quan hệ đó. Trong bộ luật Hammurabi, không chỉ người chồng, mà cả người vợ cũng có quyền đưa ra yêu cầu đòi ly hôn.
Nhìn chung, theo quy định của bộ luật Hammurabi, người chồng có thể tuỳ ý bỏ vợ theo ý muốn của mình. Lý do để bỏ vợ có thể là: người vơ không sinh con, vợ là người đàn bà không chu đáo với chồng hoặc đơn giản vu không cho vợ tội ngoại tình. Điều 131 bộ luật quy định:
         “Nếu người chồng buộc tội vợ mình (ngoại tình) mà không bắt được quả tang cô ta đang ngủ với một người đàn ông khác,
         Thì người vợ phải thề trước thần linh (về sự trong sạch của mình) và cô ta có thể quay về nhà bố mẹ đẻ”.
         Luật chỉ có một trường hợp duy nhất hạn chế yêu cầu ly hôn của người chồng. Đó là trường hợp người vợ đang bị bệnh nặng. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, người chồng lại được quyền lấy vợ mới. Điều 148 bộ luật quy định:
         “Trường hợp người đàn ông lấy một người vợ
         Và người vợ này mắc căn bệnh trầm kha
         Nếu người đàn ông muốn cưới vợ lẽ
         Thì anh ta có thể lấy vợ lẽ.
         Người vợ cả được quyền sống ở nhà anh ta
         Người đàn ông có nghĩa vụ chăm sóc người vợ cả cho đến lúc cô ta chết.
         Về phía người vợ, người vợ có thể đưa ra yêu cầu ly hôn trong ba trường hợp sau đây:
         - Trường hợp thứ nhất được quy định tại Điều 142 bộ luật:
         “Nếu người vợ trở nên coi thường chồng và nói với hắn ta: Anh sẽ không có quyền sở hữu tôi nữa”,
         Thì phải xác minh xem lý do cụ thể của chuyện này là gì
         Nếu người vợ là một phụ nữ tốt, còn anh chồng là một gã hay bỏ nhà ra đi và đối xử tệ bạc với cô ta.
         Cô ta có quyền lấy lại của hồi môn và quay về nhà bố mẹ đẻ của mình.
         - Trường hợp thứ hai quy định tại Điều 136 bộ luật:
         “Nếu như người chồng bỏ trốn khỏi thành phố, và
         Người vợ, sau sự ra đi của anh ta, đã dời nhà và đi lấy chồng khác
         Và nếu như người chồng lại trở về, và muốn tái hợp với người vợ
         Thì người vợ sẽ không quay về với anh ta nữa bởi anh ta là kẻ coi thường thành phố quê hương mình.
         Như thế, cả hai trường hợp nêu trên đều gắn với việc người chồng bỏ nhà ra đi; Sự khác nhau giữa hai trường hợp này là ở chỗ, lý do cho phép người vợ ly hôn xuất phát từ sự tệ bạc của chồng, còn đối với trường hợp thứ hai, người chồng là kẻ “phản bội”, đã “bỏ trốn khỏi quê hương”.
         - Trường hợp thứ ba, người vợ bị chồng vu cáo phạm tội ngoại tình mà không bắt được quả tang. Trong trường hợp này, người vợ chỉ có thể ly hôn sau khi chứng minh sự trong sạch của mình bằng biện pháp “lặn nước” (Điều 132 bộ luật).
        
         2.3.Hậu quả của việc ly hôn theo quy định của bộ luật Hammurabi
         Xét về mặt pháp lý, việc ly hôn dẫn đến hai hệ quả:
         - Chia tài sản chung của vợ chồng.
         - Vấn đề quyền nuôi con sau ly hôn.
         * Nguyên tắc chung của việc chia tài sản vợ chồng khi ly hôn được phản ánh trong bộ luật Hammurabi là: phần tài sản của ai thì vẫn thuộc về người đó. Tài sản vợ chồng tạo dựng được trong thời kỳ hôn nhân chỉ thuộc về người chồng.
         Theo truyền thống, người vợ trước khi về nhà chồng đều được người cha chia của hồi môn. Trong bộ luật Hammurabi, của hồi môn được gọi là “cheriqtou”. Số tài sản “cheriqtou” này, trong thời kỳ hôn nhân sẽ do người chồng quản lý. Người chồng có quyền được hưởng lợi từ “cheriqtou” nhưng không có quyền định đoạt nó. Khi ly hôn, “cheriqtou” phải trả về cho người vợ. Ngoài ra, nếu như việc ly hôn xuất phát từ  lý do người vợ không sinh con, người chồng còn phải trả thâm cho vợ một khoản tiền nữa. Điều 138 bộ luật Hammurabi quy định:
         “Nếu người đàn ông muốn bỏ người vợ không sinh con cho anh ta thì anh ta phải trả cho người vợ này một số tiền tương đương với số tiền dùng để ăn hỏi (tirhatou),
         Đồng thời, phải trả cho cô ta toàn bộ của hồi môn (cheriqtou).
         Điều 139 quy định tiếp:
         “Nếu vợ chồng lấy nhau mà người đàn ông không phải trả tiền lễ ăn hỏi  (tirhatou) cho nhà vợ
         Thì khi bỏ người vợ (không sinh con) này
Người chồng phải trả cho vợ anh ta một mine bạc.
         Tuy nhiên, nếu việc ly hôn xuất phát từ sự hư hỏng của người vợ, người vợ sẽ phải ra đi mà không được đem theo bất cứ thứ tài sản gì. Điều này được quy định trong Điều 141 bộ luật Hammurabi:
         “Nếu người vợ nào sống ở nhà chồng mà tâm tưởng không ổn định, muốn bỏ chồng ra đi, tiêu tán hoang phí tài sản nhà chồng, thiếu trách nhiệm với chồng thì thị phải bị đưa ra (xét xử) trước Toà án.
         Nếu (trước Toà), người chồng nói: Tôi muốn bỏ thịthì anh ta được quyền tống cổ thị ra ngoài đường mà không phải trả cho thị bất cứ khoản tiền nào ...”
 
         * Về vấn đề quyền nuôi con sau ly hôn, quy định của bộ luật Hammurabi dường như mâu thuẫn với truyền thống gia đình phụ hệ gia trưởng ở Lưỡng Hà cổ đại. Điều 137 bộ luật quy định:
         “Nếu người chồng muốn bỏ người đàn bà hay người vợ đã sinh con cho y,
         Y phải trả lại cho cô ta toàn bộ của hồi môn (cheriqtou)
         Và giao cho cô ta quyền thu hoa lợi từ cánh đồng, vườn cây ăn quả cũng như từ các thứ tài sản khác để cô ta nuôi con.
         Khi con cái trưởng thành, cô ta được nhận một phần tài sản từ khối tài sản được chia cho con cái,
         Và được quyền lấy người chồng mới theo ý chí của mình.
         Việc ly hôn nói trong điều luật hoàn toàn do lỗi từ phía người chồng, yêu cầu ly hôn cũng do người chồng nêu ra. Trong trường hợp này, pháp luật đã trao quyền nuôi con cho người vợ. Đây là một hiện tượng hiếm gặp trong pháp luật Đông phương cổ truyền. Ngoài quyền nuôi con, người vợ còn được hưởng lợi từ khối tài sản chung, được chia một phần tài sản trong khối tài sản chung đó khi con cái trưởng thành. Đặt trong hoàn cảnh xã hội chiếm hữu nô lệ, quy định trên đây mang nhiều ý nghĩa tiến bộ, phần nào bảo vệ được quyền lợi của người phụ nữ vốn là bên yếu thế hơn trong quan hệ hôn nhân sau khi quan hệ này chấm dứt.
 
         2.4.Quyền tái hôn của người vợ trong trường hợp chồng chết hoặc bị mất tích.
         Về nguyên tắc, quan hệ hôn nhân chỉ tồn tại khi chủ thể của quan hệ còn sống. Khi một trong hai bên, vợ hoặc chồng chết hoặc được coi là đã chết (mất tích), bên kia có quyền tái hôn. Đối với người chồng, vấn đề này là đương nhiên. Tuy vậy, đối với người vợ, pháp luật Lưỡng Hà cổ đại có những hạn chế nhất định. Mục đích của sự hạn chế này, ở một góc độ nào đó, là để bảo vệ quyền lợi cho các con chưa thành niên của người chồng (đã chết hoặc được coi như là đã chết).
         Điều 177 bộ luật quy định:
         “Trường hợp một người đàn bà goá chồng có con nhỏ tuổi muốn bước vào nhà người đàn ông khác (muốn tái hôn)
         Bà (cô ta) sẽ không thể     bước vào nhà người đàn ông đó nếu không được phép của thẩm phán ...”.
         Điều 135 bộ luật quy định:
         “Nếu như người chồng bị bắt làm tù binh,
         Nếu như ở nhà của anh ta, không còn phương tiện sinh hoạt để duy trì cuộc sống
         Người vợ của anh, như đã được luật cho phép, dời nhà anh ta để lấy người khác
         Và đã sinh con ở nhà chồng mới
         Và nếu như người chồng cũ trở về
         Người vợ sẽ phải theo anh ta
         Những đứa con do người vợ sinh ra là con của người cha nào sẽ theo người cha đó.
         Như thế, theo quy định của các điều luật trên, trong trường hợp chồng chết, người vợ chỉ được phép tái hôn khi có được sự chấp thuận của công quyền (thẩm phán). Trường hợp người chồng mất tích, người vợ sẽ được phép lấy chồng mới khi trong nhà người chồng cũ “không còn phương tiện sinh hoạt để duy trì cuộc sống”. Nếu như người chồng cũ trở về, quan hệ hôn nhân trước phải được tái lập, kể cả khi người vợ đã có có với chồng mới. Con của người cha nào sẽ về ở với người cha đó theo truyền thống phụ hệ.
 
3. Về quan hệ thứ bậc trong gia đình.
Như đã trình bày trong những phần trên, gia đình Lưỡng Hà được xây dựng theo mẫu hình gia trưởng. Người chồng, người cha giữ quyền làm chủ, quyết định mọi việc trong đại trong gia đình cũng như những việc quan hệ với bên ngoài. Quyền lực của người chồng, người cha lớn đến mức ông ta có thể đem cả vợ, con trai, con gái của mình đi làm con tin để gán nợ (Điều 117 bộ luật Hammurabi).
Do việc nhà nước Lưỡng Hà thừa nhận chế độ đa thê, người chồng có một người vợ làm vợ cả (chính thất), có thể có một hoặc nhiều vợ lẽ (thứ thất); ngoài ra ông ta còn có thể có con với nữ nô lệ trong nhà. Tình trạng hôn nhân này buộc luật pháp phải can thiệp vào quan hệ gia đình bằng cách quy định trật tự trên dưới của các bà vợ. Cũng như ở các nền pháp luật khác thừa nhận chế độ đa thê, luật pháp Lưỡng Hà đề cao quyền lực của người vợ cả sau người chồng.
Điều 145 bộ luật quy định:
Người đàn ông đã lấy vợ mà người vợ này không sinh ra cho anh ta những đứa con,
         Và nếu như anh ta muốn lấy thêm vợ lẽ          
         Thì anh ta được quyền làm việc đó.
         Anh ta có thể đưa người vợ lẽ về nhà nhưng không được đối xử với người vợ lẽ như đối với người vợ cả.
         Điều 146 bộ luật quy định:
         “Nếu người đàn ông lấy về một người vợ
         Và người vợ lại đưa đến cho anh ta một nữ nô
         Nữ nô này, sau đó, sinh cho anh ta những đứa con
         Và vì như vậy, nó tỏ ra coi thường bà chủ
         Thì bà chủ của đứa nữ nô kia không được quyền bán nó.       
         Bà ta sẽ đóng một cái dấu lên người nó, 
         Và xem nó như những đứa nô lệ khác.
                                       
         4.Về chế độ tài sản vợ chồng.
         Như đã trình bày trong phần trên, tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, theo quy định của bộ luật Hammurabi là một khối tài sản thống nhất do người chồng quản lý. Người chồng được quyền khai thác, sử dụng tài sản là của hồi môn (cheriqtou) của vợ nhưng không có quyền định đoạt tài sản ấy. Nếu ly hôn, phần tài sản là của hồi môn này phải được trả về cho người vợ.
         Vợ chồng có thể thoả thuận với nhau về việc hai bên chịu trách nhiệm độc lập bằng tài sản riêng của mình đối với các khoản nợ trước khi kết hôn. Điều 151 bộ luật quy định:
         “Trường hợp người đàn bà, sống trong gia đình nhà chồng, được chồng chấp thuận rằng: tài sản của cô ta sẽ không bị tịch biên bởi những chủ của những món nợ mà người chồng đã mắc trước khi cưới cô ta,
         Và sự chấp thuận này được lập thành văn bản
         Thì những chủ nợ kia không được phép tịch biên tài sản của cô ta (để trừ vào khoản nợ của chồng),
         Và người chồng cũng không phải chịu trách nhiệm gì về những khoản nợ trước đây của cô ta.
         Trong trường hợp không có sự thoả thuận hoặc tuy có thoả thuận những thoả thuận này không lập thành văn bản thì hai vợ chồng vẫn phải liên đới với nhau trong việc trả các khoản nợ trước khi kết hôn. Với các khoản nợ của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, luật buộc hai vợ chồng phải đem tài sản chung ra để trả. Điều 152 bộ luật quy định:
         “Nếu khoản nợ được mắc sau ngày người đàn bà về nhà chồng thì cả người đàn bà và chồng của cô ta đều phải trả khoản nợ đó”.
         Do cách quy định của pháp luật Lưỡng Hà cổ đại, tài sản của vợ chồng, về hình thức là một khối tài sản thống nhất nhưng thực chất, tài sản của vợ và cũng như của chồng vẫn là hai phần tách biệt nhau. Chế độ tài sản của vợ chồng, như thế có thể coi là chế độ tài sản độc lập. Chính vì sự độc lập này mà trong thời kỳ hôn nhân, pháp luật cho phép người chồng có thể làm hợp đồng tặng cho tài sản riêng của mình cho vợ của anh ta. Tài sản tặng cho theo hợp đồng dạng này được gọi là “noudounnou”. Điều 150 bộ luật Hammurabi quy định:
         “Nếu người chồng đem tặng cho vợ mình nhà cửa, cánh đồng, vườn cây ăn quả (tài sản tặng theo cách này, cho gọi là noudounnou)
         Và việc tặng cho này đã lập thành văn bản
         Thì sau khi người chồng chết, các con của ông ta không có quyền đòi hỏi chia thừa kế số tài sản đã tặng cho nói trên.
         Người vợ có quyền để lại tài sản đó cho người con nào mà bà ta muốn,
         Nhưng không có quyền chuyển giao số tài sản này cho anh em ruột của bà ta.
 
         5.Vấn đề thừa kế tài sản giữa các thành viên trong gia đình.
         Việc thừa kế tài sản giữa các thành viên trong gia đình Lưỡng Hà cổ đại phụ thuộc vào chế độ tài sản vợ chồng đã trình bày ở trên. Về nguyên tắc, người ta chỉ có thể để lại thừa kế những tài sản thuộc sở hữu của bản thân mình.
         Bộ luật Hammurabi thừa nhận cả hai dạng thừa kế là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo luật. Tuy nhiên, dường như vấn đề thừa kế theo di chúc có vẻ ít phổ biến hơn.
        
         5.1.Thừa kế theo di chúc
         Điều 165 bộ luật quy định:
         “Nếu người cha, lúc còn sống đem tặng cho nhà cửa, ruộng vườn, vườn cây ăn quả cho một trong những đứa con trai của mình
         Và việc tặng cho này đã được lập thành văn bản
         Thì khi người cha chết, tài sản đã đem tặng cho đứa con vẫn thuộc đứa con đó
         Phần tài sản còn lại được chia đều cho các con.
         Mặc dù điều luật nói trên không nhắc đến từ “di chúc” song bản chất của văn bản tặng cho của người cha lập lúc còn sống cho một trong các con trai của ông ta chính là di chúc thể hiện ý nguyện chuyển giao tài sản của người cha. Tại sao lại có thể khẳng định như vây? Có thể khẳng định được như vậy bởi vì sự chuyển giao này chỉ có thể được thực hiện sau khi người cha chết mà thôi. Theo cách hiểu này thì bản thân hợp đồng tặng cho tài sản “noudounnou” nói trên cũng là một dạng di chúc đặc biệt.
         Bộ luật Hammurabi còn đề cập đến một dạng thừa kế theo di chúc đặc biệt khác: đó là trường hợp người cha lập văn bản để lại của hồi môn cho con gái hành nghề tôn giáo không lấy chồng. Nếu như trong văn bản chỉ rõ: “vị nữ tu hoặc người phụ nữ phục vị thần linh có thể trao khối tài sản là của hồi môn (cheriqtou) cho bất cứ ai và có thể tuỳ ý định đoạt khối tài sản này theo ý chí của mình” thì “vị nữ tu hoặc người phụ nữ phục vụ thần linh có quyền đem tài sản là của hồi môn đi cho người mà bà (cô) ta muốn. Những người anh em trai của vị nữ tu hoặc người phụ nữ phục vụ thần linh không có quyền tranh đoạt gì khối tài sản này”(Điều 179 bộ luật). Nếu như người cha không trao cho người con gái hành nghề tôn giáo này quyền định đoạt tài sản thì con gái ông ta chỉ có quyền hưởng lợi từ tài sản ấy mà thôi (Điều 178 bộ luật Hammurabi).
        
         5.2.Thừa kế theo luật.
         * Thừa kế theo luật đối với những tài sản của người gia chủ trong gia đình.
         Về nguyên tắc, tài sản của người gia chủ trong gia đình chỉ được chia cho các con trai của ông ta. Các con trai của người chết đều là những người thừa kế theo luật ở hàng thứ nhất và được nhận những phần tài sản bằng nhau (đoạn cuối Điều 165 và Điều 167 bộ luật Hammurabi).
         Những người con trai nói trên là con trai của gia chủ do vợ ông ta sinh ra. Đối với những người con trai của gia chủ do nô lệ sinh ra, việc thừa kế của họ phụ thuộc vào ý chí của người cha. Điều 170 bộ luật quy định:
         “Trường hợp người vợ sinh cho chồng cô ta những đứa con
         Nữ nô lệ cũng sinh cho người chồng những đứa con
         Nếu như lúc còn sống, người chồng nói với các con do nữ nô lệ sinh ra rằng: “Các con đều là con của ta
         Và nếu như trên thực tế, người chồng xem những đứa con do nữ nô lệ sinh ra như những đứa con do người vợ sinh ra
         Thì đến khi người chồng chết, tất cả các con của ông ta, dù do vợ hay do nữ nô lệ sinh ra đều được hưởng những phần tài sản thừa kế ngang nhau từ khối tài sản thừa kế do ông ta để lại
         Các con do người vợ sinh ra được quyền ưu tiên nhận phần tài sản thừa kế của chúng trước.
         Nếu như người cha không công khai thừa nhận người con trai do nô lệ sinh ra ngang quyền với người con trai do vợ ông ta sinh ra, thì “sau khi người đàn ông chết, những người con của ông ta do nữ nô lệ sinh ra không được hưởng quyền thừa kế” (Điều 171 bộ luật).
         Các con gái của người gia chủ không được chia thừa kế bởi cô ta đã được nhận của hồi môn (cheriqtou) lúc về nhà chồng. Điều 183 bộ luật đã khẳng định rõ điều này:
         “Nếu người cha trao của hồi môn (cheriqtou) cho con gái người vợ lẽ của ông ta
         Và số của hồi môn này cũng đã trao lại cho chồng của người con gái
         Thì sau khi người cha chết, người con gái sẽ không được chia bất cứ thứ gì từ tài sản của cha bà (cô) ta nữa.
         Nếu như người cha chết trước khi con gái ông ta lấy chồng hoặc người con gái không lấy chồng vì hành nghề tôn giáo (đi tu), người con gái đó sẽ được nhận một phần tài sản từ i sản của người cha. Giá trị của phần tài sản này sẽ thay đổi trong từng trường hợp cụ thể.
         Điều 180 bộ luật quy định:
         “Nếu như người cha không trao của hồi môn (cheriqtou) cho người con gái ẩn cư hoặc người con gái (làm nghề) phục vụ thần linh
         Thì sau khi ông ta chết
         Người phụ nữ ẩn cư hoặc người phụ nữ phục vụ thần linh là con gái của ông ta sẽ được nhận một phần tài sản tương đương với phần tài sản của anh em trai bà (cô) ta.
         Người phụ nữ ẩn cư hoặc người phụ nữ phục vụ thần linh này sẽ được hưởng lợi từ phần tài sản được chia đến suốt đời.
         Sau khi bà (cô) ta chết, phần tài sản này sẽ thuộc về những người anh em trai của bà (cô) ta.
         Điều 182 bộ luật quy định:
         “Nếu người cha (khi còn sống) không trao của hồi môn (cheriqtou) cho người con gái của ông làm nữ tu trong đền thờ thần Marduk ở Babylone            
         Thì sau khi người cha chết, vị nữ tu trong đền thờ Marduk ở Babylone sẽ được nhận phần tài sản tương đương với một phần ba (1/3) phần tài sản của người anh em trai của bà (cô) ta.
         Vị nữ tu trong đền thờ Marduk sẽ không trực tiếp phần tài sản của bà (cô) ta.
         Bà (cô) ta có quyền trao phần tài sản đó cho bất cứ ai mà bà (cô) muốn.
         Điều 184 bộ luật quy định:
         “Nếu người cha không trao của hồi môn (cheriqtou) cho con gái của người vợ lẽ, cũng không đưa của hồi môn (cheriqtou) cho chồng của cô ta
         Thì sau khi người cha chết, những người anh em trai phải trao của hồi môn (cheriqtou) từ phần tài sản của người cha cho cô gái.
         Số tài sản của hồi môn này sẽ được chuyển lại cho chồng của cô ta”.
         Ngoài những quy định có tính chất chung nêu trên, bộ luật Hammurabi còn quy định hai trường hợp cá biệt khác trong việc thừa kế tài sản của gia chủ. Trường hợp đặc biệt thứ nhất nói tại Điều  172 bộ luật quy định vợ của gia chủ cũng được thừa kế tài sản của chồng khi chồng bà ta chết:
         “Nếu người chồng (trước khi chết) không tặng tài sản (noudounnou) cho vợ
         Thì người vợ được trả lại toàn bộ của hồi môn (cheriqtou) của bà
         Và bà được nhận một phần tài sản trong số di sản thừa kế của chồng tương ứng với phần của một người con....”.
         Trường hợp đặc biệt thứ hai nói tại Điều 166 bộ luật quy định chia thêm một phần di sản cho người con trai út của gia chủ chưa lập gia đình:
Trường hợp người cha (bỏ tiền ra) lấy vợ cho các con nhưng chưa kịp lấy vợ cho người con trai nhỏ tuổi đã mất
         Thì khi chia thừa kế những tài sản là động sản của người cha
         Người con trai nhỏ tuổi chưa lấy vợ, ngoài phần của anh ta, còn được nhận thêm một khoản tiền dùng vào lễ hỏi (tirhatou)
         Và với số tiền này, những người anh em đã lấy vợ có trách nhiệm lấy vợ cho người chưa lập gia đình”.
 
         * Thừa kế theo luật đối với tài sản của vợ người gia chủ
         Xã hội Lưỡng Hà cổ đại tuy đã chuyển sang hình thái phụ hệ từ lâu nhưng trong lòng nó vẫn rơi rớt một số tàn dư của chế độ mẫu hệ. Những tàn dư này thể hiện tương đối rõ nét trong các quy định về quyền thừa kế đối với những tài sản của vợ người gia chủ.
         Bộ luật Hammurabi khẳng định rõ: người chồng không bao giờ được thừa kế tài sản của vợ. Điều 162 bộ luật quy định:
         “Nếu người đàn ông lấy một người vợ
         Người vợ này sinh cho hắn ta những đứa con
         Và nếu chẳng may người vợ chết
         Thì người chồng sẽ không có quyền gì đối với của hồi môn (cheriqtou) của người vợ đã chết
         Của hồi môn đó thuộc về các con của hắn ta”.
         Như thế, theo quy định của điều luật nói trên, hàng thừa kế thứ nhất đối với tài sản riêng của vợ người gia chủ là các con của bà ta. Nếu ba ta có nhiều chồng (như trường hợp nói tại Điều 135 và Điều 177 bộ luật) thì “tất cả các con của bà, cả của chồng trước và chồng sau, đều được hưởng số tài sản là của hồi môn của bà” (Điều 173 bộ luật Hammurabi).
         Nếu như vợ người gia chủ không có con, thì sau khi bà ta chết, chồng bà vẫn không được thừa kế số tài sản riêng của bà. Số tài sản này phải được trả về cho gia đình nhà bố đẻ của bà ta; Nói một cách khác, hàng thừa kế thứ hai đối với tài sản riêng của vợ người gia chủ là những ngươi anh em ruột của bà.  Vấn đề này được khẳng định trong Điều 163 và Điều 164 bộ luật.
         Điều 163 bộ luật Hammurabi quy định:
Nếu người đàn ông lấy một người vợ
         Người vợ này lại không sinh con cho hắn ta
         Và nếu chẳng may người vợ chết
         Và nếu như bố vợ của hắn ta đem trả lại cho hắn những thứ tài sản dùng làm lễ hỏi trước kia (tirhatou)
         Thì hắn phải đem của hồi môn (cheriqtou) trả về cho nhà vợ”.
         Điều 164 bộ luật quy định bổ sung thêm:
         “Nếu người bố vợ không trả lại cho hắn ta tài sản dùng làm lễ hỏi (tirhatou) thì giá trị của tài sản dùng làm lễ hỏi (tirhatou) được khấu trừ vào của hồi môn (cheriqtou)
         Phần còn lại của của hồi môn (cheriqtou) được trả về cho nhà vợ.
 
         6.Về quan hệ giữa cha mẹ và con.
         Nói chung, tư tưởng chủ đạo của pháp luật Lưỡng Hà cổ đại là bảo tồn tính bền vững của gia đình, đề cao đạo đức xã hội. Bộ luật Hammurabi trừng trị nặng những hành vi có tính chất vi phạm đạo đức như con hành hung cha mẹ, cha cướp vợ của con trai cũng như các hành vi có tính chất trái luân thường đạo lý khác. Bên cạnh đó, luật cũng rất hạn chế việc chấm dứt quan hệ cha mẹ - con cái theo ý chí riêng của các bên. Điều 168 bộ luật quy định:
         “Nếu người cha muốn từ đứa con của mình
         Ông ta nói với thẩm phán: Tôi từ đứa con tôi
         Thẩm phán sẽ phải điều tra tường tận vụ việc
         Nếu đứa con không mắc phải trọng tội dẫn đến việc cắt đứt quan hệ máu mủ
         Thì người cha không thể từ con”.
           
         7.Vấn đề con nuôi
            Tính chất tiến bộ của pháp luật Lưỡng Hà cổ đại trong vấn đề con nuôi thể hiện ở một số điểm sau đây:
            - Đề cao công lao nuôi dưỡng của cha mẹ nuôi đối với con nuôi. Điều 185 bộ luật Hammurabi quy định:
         “Nếu kẻ nào nhận một đứa trẻ không có quan hệ họ hàng với mình về làm con nuôi
         Và đã nuôi nấng đứa trẻ đó
         Thì đứa trẻ được nhận làm con nuôi (dù đã lớn) không được phép quay trở về nhà bố mẹ đẻ của nó nữa”.
         - Cấm những hành vi mang tính cưỡng đoạt con của người khác về làm con nuôi (Điều 186 bộ luật Hammurabi).
         - Không cho phép phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi (Điều 190 bộ luật Hammurabi).
         - Bảo vệ quyền lợi của con nuôi. Tư tưởng bảo vệ quyền lợi của con nuôi thể hiện rõ trong Điều 191 bộ luật Hammurabi:
         “Kẻ nào (chưa lập gia đình) đã nhận một đứa trẻ về làm con nuôi
         Sau đó, hắn lấy vợ và sinh ra những đứa con
         Và (vì vậy) hắn muốn đuổi đứa con nuôi đi
         (Đối với trường hợp này), đứa con nuôi không thể bị đuổi ra ngoài đường
         Nếu đứa trẻ muốn ra đi, người đàn ông đã nhận nó làm con nuôi phải chia cho nó phần tài sản tương đương với một phần ba (1/3) tài sản mà con đẻ hắn ta được nhận
         Đứa con nuôi không được chia tài sản là bất động sản (nhà cửa, ruộng vườn, vườn cây ăn quả)”.
 
5. Vấn đề tố tụng trong bộ luật Hammurabi
1. Theo quy định của bộ luật Hammurabi, việc xét xử các vụ việc, dù là dân sự hay hình sự đều thuộc thẩm quyền của Toà án. Bộ luật không nói rõ hệ thống Toà án ở Lưỡng Hà cổ đại được tổ chức như thế nào, thẩm quyền và thủ tục xét xử ra sao. Do đó, để có thể hiểu được vấn đề này, cần phải dựa vào các tài liệu sử học. Dưới đây, tôi xin trích một đoạn trong cuốn Lịch sử văn minh nhân loại thời tiền sử của Uỷ ban quốc tế về lịch sử phát triển văn hoá và khoa học nhân loại, phần thứ hai: “Bước đầu của nền văn minh”, do Huân tước Leonard Woolley viết:
          “Khi mà Sumer được thống nhất dưới triều đại các vị vua hùng mạnh của vương triều thứ III của Ur, thì tất yếu là uy quyền của các ensi bị suy yếu, nhưng họ vẫn giữ được độc quyền về các quyết định tư pháp. Hầu hết các thẩm phán lúc này vẫn còn là thành viên của giới tăng lữ, nhưng hình như người ta không còn lựa chọn họ theo cách lấy ngẫu nhiên nữa; khi đó đã có một giới tăng lữ được chuyên môn hoá, gọi là mashkim, giới này dưới vương triều thứ III của Ur đã tham dự tất cả các vụ xét xử và chịu trách nhiệm về diễn tiến các phiên toà. Thường thì đó là những thành viên của đền thờ tuy rằng các thành viên của giới đó không phải là những thẩm phántheo đúng nghĩa đen, nhưng họ đảm nhận chức trách là thẩm phán, trọng tài, công chứng viên, chuyên gia và giám định có tuyên thệ.
Theo truyền thống, người ta vẫn còn xét xử trong đền thờ hay trước cửa đền thờ, và các hồ sơ về các vụ xét xử được lưu giữ trong các đền thờ đó. Chẳng hạn Bour-Sin, là người đã trùng tu vòm cũ của sân thượng của ngôi đền ziggurat ở Ur, đã nói đến bộ sưu tập lớn các bảng chữ viếtchỗ xét xử các vụ án đó, là tấm lưới công lý không để sót kẻ thù của Bour-Sin.
Các vụ kiện dân sự đủ loại, đặc biệt là các vụ liên quan đến mua bán, được đưa ra trước mashkim. Nếu như mashkim không phán xét được thì những thẩm phán chuyên nghiệp (di-Kud), khi đó có từ hai đến bốn di-Kud, được triệu tập đến để tham gia phiên toà, sau đó người ta có thể kháng cáo đến toà tối cao.
Ngay cả trước khi vương triều thứ III của Ur sụp đổ, người ta cũng đã được chứng kiến sự thành lập của các toà án địa phương do một viên chức dân sự chủ toạ, đó là thị trưởng đô thị (rabianu), có một hội đồng nhân sĩ (shibuti) trợ giúp. Một tài liệu thể hiện Ibbi-Sin ở Ur đang đưa ra những chỉ thị cho một toà án kiểu này xét xử tại Bulum.
Dưới triều đại các nhà vua người Sémite ở Isin và ở Larsa, quyền lực của thi trưởng được tăng cường, và hiện tượng này còn rõ nét hơn với Hammurabi ở Babylone. Hammurabi không phải là một thần linh, ngược lại với Shoulgi ở Ur vốn tự cho là mình có bản chất thần thánh, thậm trí Hammurabi còn không phải là đại diện của một thần linh nào cả. Nếu như ông ta gán cho các vấn đề tôn giáo có một tầm quan trọng to lớn nhất thì ông ta vẫn kiên quyết từ chối không chịu tuân theo uy quyền của tăng lữ; chính trong triều đại của Hammurabi mà chúng ta lần đầu tiên các toà xét xử dân sự, với những thẩm phán trần thế có đủ thẩm quyền.
Thẩm quyền tư pháp của giới tăng lữ còn được công nhận, nhưng các toà án tôn giáo dần dần bị loại bỏ, và các thẩm phán dân sự thay thế dần các tăng lữ. Kẻ từ lúc này thì các toà án thế tục đều do viên thị trưởng địa phương chủ toạ, có vài nhân sĩ trợ giúp; chúng ta không thể biết được liệu những người đó có nhận được một khoản thù lao nào không, nhưng họ được coi như những viên chức cao cấp có chức trách nặng nề; nếu như họ huỷ bỏ quyết định của mình thì họ có nguy cơ bị sa thải trước công chúng.
Trong phiên toà hai bên đều xuất trình các tấm bảngcủa mình, đó là những văn bản viết nói về vụ việc; sau đó bên nguyên rồi bên bị khai trước toà; cuối cùng là các nhân chứng khai sau khi tuyên thệ trước thần linh và trước nhà vua; và các thẩm phán quyết định. Cả hai bên đều có quyền kháng cáo lên Toà tối cao, lên các thẩm phán Babylone, và nếu họ vẫn tự cho là bị xử bất công thì thậm trí có thể kháng cáo lên chính nhà vuaTrong phiên toà hai bên đều xuất trình các tấm bảngcủa mình, đó là những văn bản viết nói về vụ việc; sau đó bên nguyên rồi bên bị khai trước toà; cuối cùng là các nhân chứng khai sau khi tuyên thệ trước thần linh và trước nhà vua; và các thẩm phán quyết định. Cả hai bên đều có quyền kháng cáo lên Toà tối cao, lên các thẩm phán Babylone, và nếu họ vẫn tự cho là bị xử bất công thì thậm trí có thể kháng cáo lên chính nhà vua”.[1]
Qua đoạn trích trên, có thể rút ra hai đặc điểm cơ bản của hệ thống Toà án thời Hammurabi:
- Hệ thống toà án được tổ chức không tách dời với hệ thống hành chính. Các viên chức hành chính cũng đồng thời là những thẩm phán thay mặt nhà vua thực hiện chức năng xét xử.
- Các Toà án ở Lưỡng Hà cổ đại được tổ chức thành ba cấp: cấp địa phương, cấp Toà án tối cao và trên cùng là nhà vua với tư cách là người đứng đầu quốc gia nắm trọn cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
 
2. Theo quy định của bộ luật Hammurabi, việc xét xử của Toà án phải dựa trên cơ sở chứng cứ. Đối với phần lớn các giao dịch được điều chỉnh bởi bộ luật, nhà lập pháp đều yêu cầu các bên lập thành văn bản, có sự chứng kiến của người làm chứng. Khi có tranh chấp xảy ra, các bên phải trình văn bản đó ra trước Toà. Người làm chứng cũng được mời đến để chứng thực cho sự trung thực của các bên. Nếu vì một lý do nào đó, người làm chứng không đến được ngay, Toà án phải ấn định một thời hạn hợp lý cho người làm chứng có thể đến tham dự phiên toà. Theo Điều 13 bộ luật Hammurabi, thời hạn này là 6 tháng.
Trong trường hợp không có nhân chứng, không có vật chứng là văn bản do hai bên tranh chấp thoả thuận lập ra, Toà án có thể đưa ra phán quyết nhờ vào sự “chỉ bảo” của thần linh thông qua thủ tục lặn nước. Thủ tục lặn nước được quy định trong nhiều điều luật của bộ luật Hammurabi, chẳng hạn như Điều 2 bộ luật dưới đây:
         “Trường hợp một kẻ buộc tội người khác và đã thề trước thần linh về việc đó mà không đưa ra được bằng chứng xác đáng về sự buộc tội của mình;
         Người bị buộc tội sẽ đi ra bờ sông và lao mình xuống dòng sông đó;        
         Nếu kẻ bị buộc tội chết dưới sông thì kẻ buộc tội sẽ có được ngôi nhà của kẻ bị chết.
         Nếu dòng sông chứng minh sự vô tội của kẻ bị oan và bảo toàn tính mạng cho y, y sẽ trở về và lấy đi ngôi nhà của kẻ đã buộc tội mình.
        
         3. Trong bộ luật Hammurabi, do nhà làm luật không có ý thức phân ngành luật, không phân biệt quan hệ dân sự với quan hệ hình sự nên về mặt tố tụng, không có quy định riêng biệt cho tố tụng dân cũng như tố tụng hình, không có quan niệm quyền công tố trong việc truy tố tội phạm. Người bị thiệt hại tham gia tố tụng vừa mang tư cách là nguyên đơn dân sự, vừa là người buộc tội bị cáo trước Toà. Cách thức tiến hành tố tụng này cho thấy sự kém pháp triển về tư duy tố tụng trong bộ luật Hammurabi. Đây cũng là sự kém phát triển của một thời đại cách chúng ta gần bốn nghìn năm lịch sử .
*
*                 *
Từ những điều đã trình bày trên đây, có thể rút ra một số nhận xét mang tính chất kết luận về bộ luật Hammurabi như sau:
- Bộ luật Hammurabi là một bộ luật mang tính chất tổng hợp. Phạm vi điều chỉnh của bộ luật rất rộng, bao trùm lên hầu hết mọi quan hệ xã hội, từ các quan hệ hình sự, dân sự, thương mại, lao động cho đến quan hệ hôn nhân, gia đình; từ những quan hệ của luật nội dung cho đến những vấn đề  thuộc về luật hình thức.
- Do bản chất bộ luật là sự tập hợp và hệ thống hoá các tập quán cổ truyền của người Lưỡng Hà cổ đại nên đây là “bộ luật để áp dụng cho dân”; Trong bộ luật Hammurabi tuyệt nhiên không có quy phạm nào điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến việc tổ chức quyền lực nhà nước hay các hoạt động của công quyền.
- Bộ luật có nhiều quy định mang tính chất tiến bộ vượt thời đại, có giá trị lâu bền cùng với thời gian. Kỹ thuật lập pháp của bộ luật khá chặt chẽ, các vấn đề đưa ra điều chỉnh đều được xử lý hết sức linh hoạt. Mức độ điều chỉnh của luật là cụ thể, chi tiết, dễ hiểu và dễ áp dụng trong thực tiên cuộc sống.
- Bộ luật là nguồn tài liệu phong phú cho phép con người hiện đại hiểu biết hơn về lịch sử, phong tục, tập quán và nhiều mặt khác của một xã hội cổ xưa.



[1] Leonard Woolley, Bước đầu của nền văn minh, (Trong cuốn “Lịch sử văn minh nhân loại thời tiền sử”), NXB Văn hoá thông tin, năm 2001, tr 604-605..
 


Nguồn tin: Nguyễn Đức

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code