Thursday, August 8, 2013

Khảo lược Bộ luật Hammurabi của nhà nước Lưỡng Hà cổ đại(phần 5)

Phần II Bình luận bộ luật Hammurabi Phần này được trình bày theo cấu trúc sau: * Nêu nguyên văn các điều luật của bộ luật Hammurabi. * Phân tích, bình luận từng điều luật cụ thể.
 
 
 
 
(Ghi chú: do bản Pháp ngữ không có Phần mở đầu và Phần kết luận của bộ luật Hammurabi nên tác giả không đưa vào cuốn sách. Độc giả có thể nghiên cứu hai phần này trong Bộ thông sử thế giới vạn năm, Tập 1 do NXB Văn hoá thông tin ấn hành năm 2000, từ trang 365 đến trang 376. Hai phần này do Giáo sư Nguyễn Gia Phu dịch).

bộ luật hammurabi
của nhà nước lưỡng hà cổ đại
         --------------------------------------------------------------------------------
 
Điều 1.
         Nếu kẻ nào đi buộc tội người khác và đã thề trước thần linh về việc đó mà không đưa ra được bằng chứng xác đáng về sự buộc tội của mình thì kẻ đó sẽ phải chết.
Bình luận:
         Điều luật quy định tội vu khống. Tội phạm này có cấu thành tội phạm như sau:
         1. Có hành vi buộc tội người khác;
         2. Đã thề trước thần linh về việc làm của mình;
         3. Không chứng minh được sự buộc tội của mình là có căn cứ.
         Buộc tội ở đây có thể là hành vi tố giác người khác phạm tội trước cơ quan công quyền (trước toà án hoặc nhà vua).
         Nhà làm luật coi sự buộc tội không có căn cứ là các hành vi vu khống.
         Theo bản dịch của ông Nguyễn Gia Phu, sự vu khống này là vu khống người khác đã giết người. Chỉ trường hợp vu khống người khác giết người mà không có bằng chứng mới phải chịu tội chết. Tuy nhiên, bản Pháp văn của chúng tôi không hề nói đến sự vu khống người khác giết người: Mọi hành vi vu khống đều phải xử tội chết. Có lẽ luật muốn trừng phạt nghiêm khắc những kẻ vu khống để bảo vệ người vô tội chăng?
 
 
Điều 2.
         Trường hợp một kẻ buộc tội người khác và đã thề trước thần linh về việc đó mà không đưa ra được bằng chứng xác đáng về sự buộc tội của mình;
         Người bị buộc tội sẽ đi ra bờ sông và lao mình xuống dòng sông đó;        
         Nếu kẻ bị buộc tội chết dưới sông thì kẻ buộc tội sẽ có được ngôi nhà của kẻ bị chết.
         Nếu dòng sông chứng minh sự vô tội của kẻ bị oan và bảo toàn tính mạng cho y, y sẽ trở về và lấy đi ngôi nhà của kẻ đã buộc tội mình.
Bình luận
         Điều 2 là sự tiếp nối của Điều 1 nói trên. Để áp dụng Điều 1, cần nghiên cứu Điều 2, bởi Điều 2 là cơ sở để có thể tuyên án cho kẻ phạm tội nói tại Điều 1.
         Thực chất, Điều 2 qui định cách thức giải quyết các vụ việc tố giác người khác phạm tội mà không có đủ chứng cứ để tái hiện lại sự thật. Trong trường hợp này, ngay cả lời thề trước thần linh cũng không phải là căn cứ xác đáng để tuyên thắng kiện cho bên nguyên hay bên bị.
         Nhà làm luật đã chọn giải pháp mà tàn dư của nó có lẽ vẫn tồn tại cho đến ngày nay: dựa vào phán quyết của thần linh qua việc bắt người bị buộc tội phải lặn nước.
         Sự phán quyết của thần linh sẽ được người xét xử tôn trọng:
         - Nếu người bị tố cáo phải lặn nước không chết, kẻ tố cáo sẽ bị coi là vu khống. Kẻ vu khống sẽ bị xử tội chết (Điều 1). Người bị vu khống sẽ được bồi thường thiệt hại bằng cách lấy đi ngôi nhà của kẻ đã vu khống mình.
         - Nếu người bị tố cáo phải lặn nước chết, việc tố cáo được xem là đúng. Người đi tố cáo sẽ được nhận ngôi nhà của kẻ mà mình tố cáo như là phần bồi thường thiệt hại cho tài sản đã mất của mình, do hành vi trước đó của y gây ra. Như thế là, ở đây có thể hiểu một khía cạnh của quyền tố cáo, hay quyền buộc tội trong luật Hammurabi: Quyền tố cáo hành vi trái pháp luật thuộc người bị hại. Người bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người khác là người có quyền tố cáo người đó ra trước quan toà.
 
Điều 3.
         Nếu kẻ nào, trước các quan toà, tố giác người khác phạm tội giết người hoặc các tội chết khác mà không đưa ra được các bằng chứng xác đáng, kẻ đó sẽ phải chết.
Bình luận
         Điều 3 là sự tiếp nối của Điều 1 và Điều 2.
         Nếu như Điều 1 và Điều 2 nói về sự  tố cáo lẫn nhau của hai bên liên quan trong một vụ việc thì Điều 3 nói đến sự tố cáo của bên thứ ba ngoài vụ việc (người thứ ba không liên quan đến vụ việc). Điều này có nghĩa là một người, khi thấy người khác phạm tội, có quyền tố cáo người đó lên cơ quan công quyền.
         Điều luật này được ban hành nhằm chống lại những kẻ lợi dụng quyền tố cáo để vu oan cho người khác: Khi tố cáo người khác phạm trọng tội, luật buộc người tố cáo phải chứng minh sự tố cáo của mình. Nếu không chứng minh được thì có nghĩa người đi tố cáo là một kẻ vu khống. Vu khống người khác phạm tử tội thì phải chết. Điều luật này phản ánh một cách tương đối rõ rệt nguyên tắc Talion (trả thù ngang bằng)-một tập quán tồn tại từ thời nguyên thuỷ.
 
Điều 4.
         Nếu vu khống người khác phạm các tội liên quan đến tài sản (hình phạt là thóc lúa hoặc bạc) thì kẻ vu khống sẽ bị phạt tài sản.
Bình luận
         Điều 3 là sự tiếp nối của Điều 3.
         Tổng hợp Điều 3 và Đièu 4, có thể nêu cấu thành và hình phạt của tội vu khống trong luật Hammurabi như sau:
         Kẻ nào:
         - Tố giác người khác phạm tội trước Toà án;
         - Không đưa ra được bằng chứng thuyết phục.
         Sẽ bị phạt:
         - Nếu tố giác người khác phạm tử tội sẽ bị tử hình;
         - Nếu tố giác người khác phạm tội tài sản sẽ bị phạt về tài sản.
         Luật không qui định mức tài sản cụ thể bị phạt là bao nhiêu.
 
Điều 5.
         Nếu một quan toà (thẩm phán) xét xử một vụ án, rồi đi đến phán quyết và ghi vào hồ sơ vụ án.
         Và nếu phán quyết đó là sai lầm;
         Sai lầm này thuộc về riêng ông ta;
         Thì ông ta sẽ phải trả cho người bị thiệt hại do phán quyết sai lầm của ông ta một khoản tiền gấp 12 lần khoản tiền mà ông ta đã phạt họ;
         Và ông ta sẽ bị cách chức, không bao giờ được phép đi xét xử người khác nữa.
Bình luận
         Nghiên cứu Điều 5 luật Hammurabi mới thấy rằng người xưa thật nghiêm khắc trong việc xử lý sai lầm của nhân viên công quyền. Xét xử sai là tội phạm và tội phạm này có cấu thành như sau:
- Chủ thể của tội phạm: là thẩm phán (quan toà) tức là người được nhà vua chỉ định để thay mặt ông ta làm công tác xét xử.
         - Hành vi khách quan: ra bản án hoặc quyết định sai lầm.
         - Hậu quả: gây thiệt hại cho các bên trong vụ án.
         - Lỗi: Không được luật đề cập tới. Điều này có nghĩa, lỗi có thể là cố ý (cố ý xử sai) nhưng cũng có thể là vô ý (do nhận thức, trình độ kém).
         Chế tài:
         - Phải bồi thường cho người bị thiệt hại do phán quyết sai lầm một khoản tiền gấp 12 lần khoản tiền phạt trong vụ án.
         - Bị cách chức.
         - Suốt đời không được bổ nhiệm lại làm thẩm phán nữa.
         Qui định này, một mặt, trừng phạt những thẩm phán thiếu trách nhiệm, nhưng mặt khác, thể hiện tính răn đe của cổ luật rất cao. Nó là đảm bảo vững chắc cho một nền tư pháp lành mạnh, chí công vô tư. Có lẽ chúng ta cũng nên học tập tư tưởng này chăng?
 
Điều 6.
         Nếu kẻ nào dám cả gan trộm cắp những đồ vật quí giá trong các đền thờ thần hay trong cung điện của nhà vua, kẻ đó sẽ phải chết.
         Kẻ nào tàng trữ, che dấu hoặc tiêu thụ đồ trộm cắp đó cũng sẽ bị phạt tử hình.
Bình luận
         Điều luật này được ban hành nhằm bảo vệ tài sản của giới quý tộc và tăng lữ. Hình phạt dành cho hành vi trộm cắp tài sản của nhà vua hay tài sản của đền thờ thần thật nghiêm khắc: tử hình. Không có hình phạt khác để thẩm phán lựa chọn. Luật cũng không nói rõ hình phạt tử hình sẽ được thi hành theo cách thức nào: chém hay thiêu, dìm xuống nước cho chết...
         Luật cũng trừng phạt cả người giúp sức (tòng phạm) và người tàng trữ, tiêu thụ đồ gian. Hình phạt dành cho họ cũng chỉ có một loại duy nhất: tử hình.
         Như vậy, có thể thấy rằng, trong tư tưởng lập pháp của người xưa đã có sự phân hoá tội phạm (phân biệt các loại người phạm tội trong một vụ án hình sự) nhưng không có sự hình phạt (đều áp dụng một hình phạt chung là tử hình). Có lẽ ở đây người ta không đặt vấn đề công bằng mà muốn áp dụng triệt để nguyên tắc Talion trong xét xử.
         Cũng cần lưu ý, đối tượng tác động của tội trộm cắp trong điều luật này là những đồ vật quý giá. Người Pháp khi dịch chữ “đồ vật quý giá” đã dùng khái niệm “ trésor”, nghĩa là của cải, châu báu của nhà vua hay của các đền thờ thần.
 
Điều 7.
         Nếu kẻ nào mua hoặc nhận giữ hộ, không nhân chứng cũng không có hợp đồng bằng văn bản, vàng, bạc, nô lệ nam hoặc nữ, bò, cừu, lừa hay bất cứ thứ gì khác từ tay con trai của một người khác hoặc nô lệ của người đó, sẽ bị coi như một kẻ trộm cắp và sẽ phải bị xử tử hình.
Bình luận
         Điều 7 trên đây được đặt ra có lẽ nhằm chống lại mọi sự gian trá hay nhận xằng bậy tài sản của người khác là tài sản của mình.
         Điều 7 qui định trường hợp một hợp đồng mua bán hay hợp đồng nhận gửi giữ tài sản vô hiệu. Tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự trong trường hợp này là vàng, bạc, bò, cừu, nô lệ hay bất cứ một loại tài sản nào có tính cách vật chất khác. như thế, luật Hammurabi đã công khai thừa nhận nô lệ cũng là một loại tài sản.
         Vấn đề là ở chỗ, luật không cấm nô lệ được tiến hành các giao dịch dân sự với người tự do, chỉ có điều để giao dịch đó là hợp pháp và có hiệu lực, nhất thiết phải thoả mãn hai điều kiện:
  1. Giao dịch phải được lập thành văn bản (có hợp đồng).
2. Có người làm chứng xác nhận giao dịch đó.
         Các giao dịch của người tự do với người chưa thành niên (con trai của một người tự do khác) cũng phải thoả mãn hai điều kiện nói trên.
         Như thế, luật đã coi người chưa thành niên và nô lệ như những chủ thể pháp luật có năng lực chủ thể hạn chế. Nô lệ, theo qui định của điều luật này vừa có thể là đối tượng của giao dịch, vừa có thể là chủ thể hạn chế của giao dịch.
         Người tự do, khi thực hiện giao dịch với các chủ thể có năng lực chủ thể hạn chế mà không tuân thủ các điều luật nói trên thì giao dịch mà anh ta thực hiện sẽ vô hiệu. Hơn thế nữa, hành vi thực hiện giao dịch trong trường hợp này còn bị coi là một tội phạm hình sự. Chế tài đối với tội phạm này là tử hình. Nhà làm luật đã coi hình phạt tử hình là một lá chắn hữu hiệu để bảo vệ quyền tư hữu của cá nhân.
 
Điều 8.
         Kẻ nào trộm cắp bò, cừu, lừa hay thuyền của người khác;
         Nếu tài sản bị trộm cắp là của các đền thờ hay của nhà vua, kẻ trộm cắp đó sẽ bị phạt gấp 30 lần giá trị tài sản trộm cắp.
 
                                                                                           
         Nếu tài sản bị trộm cắp là của mouchkinou (mushkenum)-(theo bản dịch của ông Nguyễn Gia Phu), y sẽ bị phạt gấp 10 lần giá trị số tài sản trên.
         Nếu kẻ phạm tội không có tiền nộp phạt, y sẽ phải chết.
Bình luận
         Điều 8 và Điều 6 của luật này cùng qui định về tội trộm cắp nhưng phân biệt hai loại đối tượng tác động khác nhau. Đối tượng tác động của tội phạm nói tại Điều 6 là các loại tài sản có giá trị lớn (châu báu), còn đối tượng tác động của tội phạm nói tại Điều 8 là các loại tài sản thông thường (như các loại gia súc hay thuyền bè). Từ sự phân biệt này, hình phạt được qui định cho từng trường hợp phạm tội cũng có sự phân hoá: trộm cắp châu báu sẽ bị phạt tử hình, còn trộm cắp tài sản thông thường sẽ chỉ bị phạt tiền. Tuy nhiên, mức phạt tiền cũng vô cùng nặng nề đối với kẻ phạm tội.
         Sự phân hoá trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi trộm cắp không chỉ dựa trên cơ sở đối tượng tác động  mà còn căn cứ vào nhân thân người bị hại.
         - Nếu người bị hại có nhân thân cao quí (như quí tộc và giới tăng lữ) thì hình phạt đối với người phạm tội là khoản tiền hoặc tài sản có giá trị gấp 30 lần giá trị tài sản trộm cắp.
         - Nếu tài sản là của người bình dân (từ “mouchkinou” có thể chỉ người dân tự do) thì mức phạt là gấp 10 lần.
         Lý luận chung về pháp luật xã hội chủ nghĩa thường nói tới tính giai cấp của pháp luật. Tính giai cấp của pháp luật được thế hiện một cách rõ ràng chính trong điều luật này: Pháp luật có sự bảo hộ khác nhau đối với các tầng lớp người khác nhau trong xã hội.
         Một điều đáng lưu ý trong Điều 8, đó là cách (phương pháp) qui định chế tài. Công thức của hình phạt nêu trong điều luật là:
         - Nếu phạm tội ®hình phạt 1;
         - Nếu hình phạt 1 không thực hiện được ®Hình phạt 2.
         Hình phạt tử hình sẽ là lựa chọn thứ hai, nếu như hình phạt tiền không có khả năng thực hiện trên thực tế. Sự chuyển đổi các hình phạt áp dụng đảm bảo thực hiện triệt để nguyên tắc: “Không thoát khỏi trách nhiệm của người phạm tội”. Không biết những nhà lập pháp hiện đại có nên học tập lối tư duy này khi đưa ra các giải pháp cho những vụ việc mà trong vụ việc đó, hình phạt tiền được tuyên có tính bất khả thi hay không?
 
Điều 9.
         Trường hợp một người mất một vật nào đó, sau đó anh ta lại thấy vật này trong tay của một người khác;
         Người đang giữ tài sản của anh ta nói với anh ta rằng: [Đây là tài sản của tôi]. Một người bán hàng đã bán nó cho tôi và tôi đã mua nó trước sự chứng kiến của một người làm chứng”;
         Người chủ cũ của vật bị tranh chấp nói: “[Đây là tài sản của tôi.] Tôi sẽ đưa đến đây các nhân chứng để chứng minh điều đó”.
         Và cả hai bên đều dẫn đến trước mặt thẩm phán những người làm chứng của mình.
         Thẩm phán sẽ buộc những những người làm chứng thề trước thần linh lời chứng của họ là trung thực và họ đã khai hết tất cả những gì họ biết.
         [Nếu tất cả xảy ra đúng như thế], người bán hàng đã bán vật tranh chấp cho người đang chiếm hữu nó sẽ bị coi là kẻ trộm cắp. Hắn sẽ bị xử tử hình.
         Chủ sở hữu cũ của vật sẽ nhận lại vật đã mất của anh ta.
         Người mua vật gian [nhưng ngay tình] sẽ nhận lại tiền của y trên cơ sở trừ vào tài sản [ngôi nhà] của kẻ bán.
Bình luận
         Điều 9 luật Hammurabi có lẽ ghi lại một án lệ mà ông ta đã xét xử.
         Đây là vụ án tranh chấp về tài sản, trong đó một bên là chủ sở hữu cũ của vật bị trộm cắp, còn bên kia là người thứ ba ngay tình đã mua vật trộm cắp từ kẻ gian mà không biết.
         Đối với vụ án này, phán quyết của thẩm phán là:
         - Hợp đồng mua bán tài sản giữa người thứ ba ngay tình và kẻ gian vô hiệu (tuyệt đối).
         - Người thứ ba ngay tình được nhận lại số tiền đã bỏ ra mua vật từ tài sản của kẻ gian. (Nghĩa là khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi giao dịch được thực hiện).
         - Vật bị trộm cắp trở về với chủ cũ của nó.
         - Kẻ gian bị trừng phạt. Y bị xử tội tử hình.
         Qua vụ án này, có thể thấy được tư tưởng pháp lý của người xưa về tính hiệu lực của hợp đồng dân sự: Hợp đồng chỉ có hiệu lực khi các bên tham gia quan hệ mua bán trung thực và có chủ quyền đối với vật mà mình đem bán cho người khác. Hợp đồng phải được giao kết trước sự có mặt của người làm chứng. Chế định người làm chứng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ người thứ ba ngay tình.
         Dưới góc độ pháp lý hình sự, vụ việc đưa ra một cấu thành mới cho tội danh trộm cắp.
         Về tội trộm cắp thông thường, xin xem lại Điều 6 và Điều 8 của luật này.
         Cấu thành tội trộm cắp nói tại Điều 9:
         - Nếu kẻ nào có hành vi trộm cắp tài sản của người khác.
         - Tài sản trộm cắp có thể là bất kể tài sản gì.
         - Sau đó bán lại tài sản trộm cắp đó cho người khác.
         Chế tài:
         - Kẻ trộm cắp đó sẽ phải chết.
         - Tài sản của y sẽ được láy ra bồi thường cho người mua ngay tình.
 
Điều 10.
 [Trường hợp một người mất một vật nào đó, sau đó anh ta lại thấy vật này trong tay một người khác;]
         Người đang giữ tài sản của anh ta [ nói rằng: “Đây là tài sản của tôi. Một người bán hàng đã bán nó cho tôi nhưng lại] không đưa đến được trước mặt thẩm phán người đã bán vật này cho anh ta và những nhân chứng chứng kiến việc mua bán đó.
         Và người chủ sở hữu cũ của vật tranh chấp đưa đến được trước mặt thẩm phán nhân chưúng xác nhận quyền sở hữu vật đang tranh chấp là của anh ta.
         Người đang chiếm hữu vật [người nói rằng đã mua vật này từ một người khác] sẽ bị coi là kẻ trộm cắp và phải bị xử phạt tử hình.
         Chủ sở hữu cũ của vật được nhận lại tài sản cũ của anh ta.
Bình luận
         Điều 10 là sự tiếp nối của Điều 9.
         Điều 10 nhắc lại nguyên tắc: việc giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá phải có người làm chứng chứng kiến.
         Trong điều luật nói trên, nhà lập pháp đưa ra phương pháp suy đoán buộc tội: Nếu anh ta nói rằng, anh vô tội, anh phải chứng minh được điều đó! Xem ra nguyên tắc này hoàn toàn trái ngược với nguyên tắc suy đoán vô tội trong Luật tố tụng hình sự hiện đại của chúng ta.
 
Điều 11.
         Nếu người nói rằng, mình là chủ sở hữu cũ của vật đã mất không đưa đến được trước mặt thẩm phán nhân chứng xác nhận quyền sở hữu của anh ta đối với vật đã mất;
         Thì anh ta chính là một tên nhận xằng và được xem là kẻ vu khống cho người khác. Anh ta phải bị giết.
Bình luận
         Điều luật này tiếp nối Điều 9 và Điều 10.
         Điều luật trên cho thấy, tư tưởng pháp lý về quyền sở hữu tài sản của Hammurabi khá độc đáo. Quyền sở hữu vật không chỉ thể hiện ở sự thủ đắc vật mà điều quan trọng hơn, sự thủ đắc đó phải công khai (có người làm chứng). Nếu không có người làm chứng thì sự kiện đã từng chiếm hữu vật không nói lên được quyền sở hữu của người đã chiếm hữu vật đó.
         Mặt khác, qua điều luật, có thể thấy chính sách khá nhất quán của nhà lập pháp đối với hành vi vu khống. Hình phạt đối với người có hành vi vu khống không có loại nào khác hơn ngoài tử hình (xem lại Điều 1).
 
Điều 12.
         [ Trường hợp một người mất một vật nào đó, sau đó anh ta lại thấy vật này trong tay của một người khác;]
         [Người đang giữ tài sản của anh ta nói với anh ta rằng: “Đây là tài sản của tôi. Một người bán hàng đã bán nó cho tôi và tôi đã mua nó trước sự chứng kiến của một người làm chứng;]
         Và nếu người bán hàng [được coi là kẻ gian] đã chết, người mua [sau khi đã trả lại tài sản cho chủ sở hữu cũ], có quyền yêu cầu thẩm phán [ra phán quyết] cho anh ta được bồi thường một số lượng tài sản gấp 15 lần giá trị tài sản của vật mà anh ta đã trả lại cho chủ sở hữu cũ.
Bình luận
         Điều luật này tiếp Điều 9.
         Điều luật này được đặt ra nhằm bảo vệ cho người thứ ba ngay tình trong các giao dịch dân sự vô hiệu. Như thế, chính sách bảo vệ cho người thứ ba ngay tình trong cổ luật Lưỡng Hà là khá nhất quán.
 
Điều 13.
         Nếu người mua [nói tại Điều 12][nói rằng anh ta có nhân chứng nhưng nhân chứng đó chưa đến được;
         Thẩm phán sẽ ấn định cho anh ta một thời gian tối đa là 6 tháng;
         Nếu hết thời hạn đó, anh ta vẫn không đưa đến được người làm chứng, anh ta sẽ bị coi là người có tội và xử theo luật chung (Xem Điều 10).
Bình luận
         Điều luật này tiếp Điều 9 và Điều 12.
         Qua các Điều 9; 10; 11; 12 và 13 có thể thấy tính chặt chẽ trong hoạt động lập pháp của người xưa. Nhà làm luật hầu như đã dự liệu tất cả các khả năng xảy ra cho một vụ việc: Từ trường hợp hai bên tranh chấp tài sản đều đưa ra được người làm chứng đến trường hợp thiếu người làm chứng của một trong hai bên.
         Mặt khác, qua Điều 13, có thể thấy sự tiến bộ trong tư duy pháp lý của con người cổ đại: Từ trên dưới 2000 năm trước Công nguyên, người ta đã biết chế định thời hạn. Thời hạn trong trường hợp nói tại điều luật được xem là một bộ phận của sự kiện pháp lý phức tạp dẫn đến khả năng kết tội một con người.
 
Điều 14.
         Nếu kẻ nào chiếm đoạt [bắt trộm] con trai chưa thành niên của một người khác, kẻ đó sẽ bị xử phạt tử hình.
Bình luận
         Điều luật qui định Tội chiếm đoạt trẻ em.
         Cấu thành tội phạm của tội này như sau:
         - Hành vi khách quan: Chiếm đoạt dưới hình thức bắt cóc [lén lút, bí mật] con của người khác.
         - Đối tượng tác động của tội phạm: Là con trai chưa thành niên của người khác. Trong bản Pháp văn, dịch giả có dùng thuật ngữ “en bas âge”, nghĩa là dưới độ tuổi trưởng thành. Luật không nói rõ độ tuổi trưởng thành là bao nhiêu. Đứa con trai của người khác nói trong điều luật này phải là con trai của người tự do, nghĩa là, đứa trẻ bị bắt giữ trong tương lai phải là người tự do [Nếu là nô lệ, xem Điều 15].
         - Chế tài: Người phạm tội sẽ bị xử phạt tử hình.
         Điều luật này được ban hành, thực ra, không phải để bảo vệ quyền tự do của đứa trẻ bị bắt cóc mà chính là để bảo vệ quyền tư hữu của người cha [người gia trưởng trong gia đình]. Con cái chưa trưởng thành trong gia đình được xem là thuộc quyền sở hữu và quản lý của cha họ.
 
Điều 15.
         Nếu kẻ nào đánh tháo nam hay nữ nô lệ của nhà vua, nam hay nữ nô lệ của mouchkinou (mushkenum), kẻ đó sẽ phải chết.
Bình luận                                                                                 
         Điều luật trên qui định Tội đánh tháo 9hay chiếm đoạt) nô lệ. Bản Pháp văn dùng thuật ngữ “faire sortir derportes”, nghĩa là đưa ra khỏi cửa. Người nô lệ có thể chấp thuận hoặc không chấp thuận sự đánh tháo này.
         Về mặt cấu thành tội phạm nói tại Điều 15 tương tự như tội phạm nói tại Điều 14, chỉ khác về đối tượng tác động. Đối tượng tác động của tội phạm này là mọi loại nô lệ, dù là nam hay nữ; dù là nô lệ của dân tự do hay nô lệ cung đình.
         Điều 15 công khai khẳng định: Nô lệ là tài sản của chủ nô. Điều luật được ban hành nhằm bảo vệ quyền tư hữu của chủ nô đối với loại tài sản đặc biệt này.
 
Điều 16.
         Nếu kẻ nào che giấu nam hay nữ nô lệ của nhà vua hay của một mouchkinou (mushkenum) bỏ trốn;
Và người chủ của nô lệ bỏ trốn đã yêu cầu nhận lại nô lệ của mình;
         Mà vẫn không giao nộp;
         Thì kẻ che giấu sẽ phải chịu tội chết.
Bình luận
         Điều luật trên tiếp nối Điều 15, bảo vệ quyền sở hữu tuyệt đối của chủ nô đối với nô lệ.
         Theo luật Hammurabi, che dấu nô lệ bỏ trốn là tội phạm. Tội phạm này có cấu thành như sau:
         - Về hành vi khách quan: Người phạm tội có hành vi che dấu nô lệ bỏ trốn và cố ý không giao nộp họ cho chủ cũ sau khi đã được yêu cầu.
         - Đối tượng của tội phạm: Nô lệ, là nam hoặc nữ, thuộc sở hữu của cung đình hoặc sở hữu của dân tự do.
         - Chủ thể tội phạm: Là dân tự do.
         - Hình phạt: Tử hình.
         Như thế, hình phạt tử hình là một bảo đảm quan trọng cho quyền sở hữu tài sản của chủ nô.
         Điều cần lưu ý về tư tưởng pháp lý của người Lưỡng Hà khi xây dựng mô hình tội phạm này: Đó là sự bổ sung tình tiết: “Đã được chủ cũ yêu cầu nhận lại nô lệ mà vẫn không trả”. Tình tiết này dường như đã làm “mềm hoá” điều luật, tạo điều kiện cho người có hành vi trái pháp luật chấm dứt tội phạm của họ trước khi công quyền phải vào cuộc. Bỏ qua những hạn chế mang tính chất líc sử (về việc coi nô lệ là một thứ tài sản), qua điều luật này có thể thấy rất rõ tư tưởng hạn chế vấn đề “hình sự hoá” quan hệ dân sự của người xưa.
 
Điều 17.
         Kẻ nào bắt được nam hay nữ nô lệ đang bỏ trốn và đem chúng về giao nộp cho chủ thì người chủ này sẽ phải thưởng cho kẻ đó 2 sicle bạc.
Bình luận
Luật Hammurabi không chỉ là luật của hình phạt mà còn là luật của sự khen thưởng. Nó qui định công khai, minh bạch và rõ ràng sự đãi ngộ với người có công (theo quan niệm của thời bấy giờ).
         Điều luật này cho ta liên tưởng đến lý thuyết phạt nặng và thưởng hậu của Hàn Phi. Phạt cũng như thưởng, suy cho cùng cũng là những biện pháp bảo đảm cho luật được thực thi. Chỉ có thưởng mà không có phạt, luật sẽ không còn là luật. Ngược lại, chỉ có phạt mà không có thưởng người thực thi tốt pháp luật sẽ không được động viên, khuyến khích kịp thời.
         Dù sao, đứng dưới góc độ nhân quyền, qui định của Điều 17 có phần thiếu nhân tính, bởi nó triệt tiêu đi sự phản kháng tích cực cuối cùng của nô lệ - đó là bỏ trốn khỏi sự áp bức của chủ nô.
         Cũng như Điều 15, Điều 16 ở trên, Điều 17 này bảo vệ quyền sở hữu tuyệt đối của chủ nô đối với nô lệ.
 
Điều 18.
         Nếu đứa nô lệ bị bắt không chịu khai tên người chủ của nó;
         Thì kẻ bắt giữ phải đưa nó đến cung vua.
         ở đó, người ta sẽ làm cho nó phải khai ra sự thật và trả nó về cho chủ cũ của nó.
Bình luận
         Điều luật nàu tiếp Điều 17.
Điều luật nói trên được ban hành phòng ngừa việc người bắt giữ được nô lệ bỏ trốn chiếm giữ luôn nô lệ đó cho mình, sau đó lại đưa ra lý do rằng: Nô lệ bị bắt không khai ra tên chủ cũ.
         Quay trở về với lý thuyết dân luật: Lý thuyết dân luật truyền thống cho rằng: Việc chiếm hữu tài sản là một trong những cơ sở làm phát sinh quyền sở hữu. Luật Hammurabi không theo truyền thống này. Trước sau như một, Luật Hammurabi bảo vệ quyền sở hữu tuyệt đối của chủ nô đối với nô lệ. Quyền sở hữu này vẫn tồn tại, kể cả khi đối tượng tài sản của nó, thực tế, không còn nằm trong sự quản lý của chủ sở hữu nữa.
 
Điều 19.
 Nếu kẻ bắt giữ [nô lệ bỏ trốn không giao nộp tên nô lệ đó cho chủ cũ mà lại] giữ nó trong nhà mình;
         Và việc này bị phát giác;
         Thì y sẽ bị phạt tử hình.
Bình luận
          Điều luật này tiếp Điều 17 và Điều 18.
Điều luật trên qui định tội chiếm giữ trái phép nô lệ của người khác. Tội phạm này có cấu thành như sau:
         - Về hành vi, người phạm tội đã:
          + Bắt giữ được nô lệ của người khác đang bỏ trốn.
          + Không giao nộp nô lệ bắt giữ được cho chủ cũ.
          + Giữ lại nô lệ bắt giữ được trong nhà làm tài sản của mình.
         - Lỗi: Cố ý.
         - Hình phạt: Tử hình.
         Như thế, nhà lập pháp Lưỡng Hà cổ đại đã xử lý người phạm tội chiếm giữ trái phép nô lệ ngang với Tội chiếm đoạt nô lệ (Xem Điều 15 Luật Hammurabi).
 
Điều 20.
         Nếu tên nô lệ bỏ trốn bị bắt về chết tại nhà của kẻ đã bắt được nó thì kẻ này sẽ phải thề trước thần linh với người chủ sở hữu rằng việc này không phải do lỗi của y.
         Chỉ trong trường hợp đó, y mới được thoát tội.
Bình luận
         Điều luật này tiếp Điều 17 và Điều 19.
Trên cơ sở coi nô lệ là tài sản của chủ nô, nhà lập pháp Lưỡng Hà đưa ra tư tưởng pháp lý: Giải phóng trách nhiệm cho người chiếm giữ bất hợp pháp nhưng ngay tình trong trường hợp tài sản bị thiệt hại khi đang nằm trong sự quản lý của người đó. Luật không buộc người chiếm giữ này phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu tài sản. Bỏ qua sự hạn chế mang tính chất lịch sử về việc coi nô lệ là tài sản của chủ nô, có thể thấy tư duy pháp lý trên đây là khá tiến bộ.
         Nghiên cứu lại Bộ luật dân sự hiện hành, dường như vấn đề này đang bị bỏ ngỏ. Liệu rằng ta có nên học tập lối tư duy pháp lý này không?
 
Điều 21.
         Nếu kẻ nào đục tường khoét lỗ nhà người khác, người ta sẽ giết y và chôn y ngay đối diện cái lỗ tường mà  y đã đào.
Bình luận
Điều luật này được đặt ra có lẽ nhằm bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và quyền sở hữu của dân tự do.
         Theo quy định của điều luật, người chủ nhà của căn nhà bị đục tường, khoét vách có quyền giết ngay kẻ có hành vi xâm phạm chỗ ở của mình mà không bị coi là có tội.
         Quan hệ nói trong điều luật là quan hệ mang tính chất cá nhân giữa chủ nhà và người có hành vi xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của nhà; Công quyền không can thiệp vào quan hệ đó.
         Điều luật có lẽ chỉ ghi lại một tập quán cổ của người Lưỡng Hà, nâng tập quán đó lên thành “luật”.
 
Điều 22.
         Kẻ nào đi cướp tài sản của người khác, khi bị bắt, sẽ phải chịu hình phạt tử hình.
Bình luận
Điều luật quy định tội cướp và hình phạt đối với người thực hiện tội phạm này.
         Trong bản Pháp văn, người dịch dùng chữ “exercer le brigandage”, nghĩa là “thực hiện hành vi cướp” chứ không nói rõ là “cướp tài sản”. Phần trình bày điều luật trên, tôi dùng chữ “cướp tài sản” là do thói quen, cho dễ hiểu và để tương ứng với luật hiện hành của Việt Nam (Điều 133, Bộ luật hình sự 1999). Trong luật thực định Việt Nam, nói đến cướp, đương nhiên người ta sẽ hiểu là cướp tài sản.  Tuy vậy, điều này chưa hẳn đã đúng đối với cổ luật xưa kia bởi lẽ thuở trước, ngoài những tài sản thông thường, đối tượng tác động của hành vi cướp còn có thể là nô lệ, phụ nữ, thậm trí còn có thể là nam giới trưởng thành (người tự do) để biến họ thành nô lệ.
         Hành vi cướp nói trong điều luật phải bao hàm ý nghĩa có yếu tố “vũ lực”.
 
Điều 23.
Trong trường hợp người ta không bắt được tên cướp;
Người bị cướp có nghĩa vụ khai báo trung thực trước thần linh những gì anh ta bị cướp;
Thành phố nơi anh ta bị cướp và người đứng đầu thành phố đó (le cheikh - tù trưởng) sẽ bồi thường những tài sản bị mất cho anh ta.
Bình luận
Điều luật này tiếp nối  Điều 22.
Đây là  một điều luật khá lạ lùng và khác xa với truyền thống pháp luật của chúng ta. Tôi chưa thấy có, trong bất kỳ hệ thống pháp luật nào, từ xưa đến nay, một qui định tương tự như thế. Nhà nước và người cầm quyền có trách nhiệm bồi thường tài sản cho người bị hại trong các vụ cướp nếu không bắt giữ được thủ phạm!
         Không biết xuất phát từ cơ sở triết học nào mà nhà lập pháp Lưỡng Hà lại quy định như thế?
         Dù sao, theo đánh giá của tôi, quy định trên đây mang nhiều ý nghĩa tích cực. Nó đề cao trách nhiệm của chính quyền trong việc bảo hộ tính mạng, tài sản cho người dân.
 
Điều 24.
Nếu trong số những gì bị cướp đi có cả [con] người, thì thành phố nơi xảy ra vụ cướp và người đứng đầu thành phố ấy [cheikh] sẽ trả một mine bạc là giá trị bồi thường cho những người bị cướp đi đó.
Bình luận
         Điều luật này Điều 23.
         Như vậy, nhà lập pháp Lưỡng Hà cổ đại phân biệt rõ ràng hai loại đối tượng tác động của hành vi cướp:
         - Đối tượng thứ nhất là tài sản, gồm tài sản thông thường và nô lệ. Đối với loại đối tượng này, do giá trị đã được xác định nên người bị cướp sẽ được công quyền bồi thường theo đúng [và bằng đúng] giá trị đó.
         - Loại đối tượng bị cướp thứ hai là người tự do. Người tự do thì không có giá nên Điều 24 được ban hành nhằm định lượng giá trị bồi thường mà công quyền phải trả cho người bị hại. Lượng giá trị này không chia theo đầu người mà tính gộp chung lại là 1 mine bạc cho tất cả những người bị bắt đi.
 
Điều 25.
         Nếu có hoả hoạn xảy ra trong một căn nhà và nếu kẻ đến chữa cháy để mắt đến tài sản của chủ nhà;
         Và sau đó lấy chúng đi;
         Thì kẻ đó sẽ bị quẳng ngay vào ngọn lửa đang cháy.
Bình luận
Điều luật được ban hành nhằm bảo vệ quyền sở hữu tài sản của người dân tự do, đồng thời qui định nghĩa vụ thiện chí, trung thực của những người đi giúp người khác dập tắt các đám cháy nhà.
         Chắc rằng không phải ngẫu nhiên qui định trên đây được đưa vào Bộ luật Hammurabi. Điều luật có lẽ phản ánh một thực trạng xảy ra phổ biến trong xã hội Lưỡng Hà cổ đại.
         Cũng như Điều 21, Điều 25 quy định một thứ quyền đặc biệt cho chủ nhà: Quyền giết chết người đang có hành vi xâm phạm tài sản của bản thân ngay tại địa điểm xảy ra vi phạm mà không cần phải bắt giữ người đó giao nộp cho cơ quan công quyền. Những quyền kiểu như thế này, có lẽ là những tàn dư của các tập quán có từ thời nguyên thuỷ.
 
Điều 26.
Nếu người chỉ huy hoặc chiến sỹ nhận được mệnh lệnh của nhà vua phải ra chiến trường;
Không tuân theo mệnh lệnh đó mà lại thuê người khác đi thay;
Và kẻ được thuê kia đã đi ra chiến trường thật;
Thì kẻ chốn tránh mệnh lệnh kia phải chết.
Kẻ đi thay y  ra chiến trường sẽ được thưởng ngôi nhà của y.
Bình luận
         Điều luật qui định Tội trốn tránh mệnh lệnh của quân nhân.
         Tội phạm này có cấu thành cụ thể như sau:
         - Chủ thể tội phạm: Là người chỉ huy [officier - sĩ quan] và các quân nhân chuyên nghiệp [homme d’armes].
         - Hành vi khách quan:
          + Nhận được mệnh lệnh của nhà vua ra chiến trường nhưng trốn tránh không đi.
          + Thuê người khác đi thay [và người được thuê đã đi ra chiến trường thay thật].
         - Hình phạt: Tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn bị áp dụng biện pháp mà ngày nay chúng ta gọi là biện pháp tư pháp hình sự: tịch thu tài sản để thưởng cho người thực hiện nghĩa vụ quân dịch thay.
         Điều luật phản ánh một thực trạng xã hội cổ đại: Đó là chiến tranh liên miên và đã hình thành những đội quân chuyên nghiệp. Đã xuất hiện hiện tượng lính đánh thuê.
         Điều luật thể hiện tính nghiêm khắc của kỷ luật quân đội thời bấy giờ. Hành vi trốn tránh mệnh lệnh và gian dối trong việc thực hiện mệnh lệnh của cấp trên bị xử phạt tử hình.
 
Điều 27.
Nếu người chỉ huy hoặc chiến sỹ bị bắt làm tù binh trong chiến tranh;
         Ruộng vườn của anh ta ở nhà được giao cho người khác quản lý;
         Thì khi anh ta thoát ra được và trở về quê hương mình;
         Anh ta sẽ được nhận lại ruộng, vườn cũ của anh ta trong tay kẻ đang chiếm giữ chúng.
Bình luận
         Điều luật nói trên phản ánh phần nào chế độ ruộng đất ở Lưỡng Hà cổ đại. Ruộng đất, về nguyên tắc, thuộc sở hữu tối cao của nhà vua nhưng do các công xã quản lý. Công xã chia lại cho thành viên công xã. Thành viên công xã được chia ruộng công nhưng phải có nghĩa vụ đi lính. Trường hợp thành viên công xã là quân nhân đang phải ra trận, ở nhà không có người thân thiết quản lý, sử dụng mảnh đất được chia; mảnh đất này tất yếu phải trả về cho công xã để chia cho các thành viên khác. Theo qui định của Điều 27 nói trên, khi chủ cũ của mảnh đất quay trở về, anh ta sẽ lại được nhận lại mảnh đất cũ của mình. 
         Điều luật này là sự bảo đảm chắc chắn cho những quân nhân ra trận về quyền không thể tước đoạt đối với ruộng vườn của họ.
 
Điều 28.
Nếu người chỉ huy hoặc chiến sỹ trong một đơn vị quân đội bị bắt trong chiến tranh mà có con trai đang ở nhà;
         Thì ruộng vườn của anh ta sẽ được giao cho người con trai này thay mặt quản lý.
Bình luận
         Điều 28 là sự qui định tiếp của Điều 27 trong việc giải quyết vấn đề quyền sử dụng đất của nông dân công xã trong thời gian họ tại ngũ.
         Theo qui định của điều luật, người con trai của người thực hiện nghĩa vụ quân sự có quyền thay mặt cha anh ta quản lý đất đai. Chế định “đại diện” trong dân luật, như thế, đã xuất hiện từ 2000 năm trước công nguyên.
 
Điều 29.
Nếu con của người chỉ huy hay chiến sỹ trong một đơn vị quân đội còn nhỏ;
         Và nếu đứa bé đó chưa thể tự mình quản lý ruộng vườn của cha nó;
         Thì một phần ba (1/3) diện tích ruộng vườn của anh ta sẽ được giao cho mẹ của đứa bé quản lý;
         Người mẹ đứa bé có trách nhiệm nuôi dưỡng đứa bé này.
Bình luận
         Theo sự đánh giá của tôi, qui định trên đây là khá nhân đạo, bởi lẽ, qui định đó bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là bảo vệ quyền trẻ em.    
         Mặt khác, Điều 29 luật Hammurabi cũng cho thấy tính chất gia trưởng trong quan niệm pháp lý của nhà lập pháp. Nhà lập pháp Lưỡng Hà cổ đại không thừa nhận tư cách đại diện của người phụ nữ (người vợ) trong quan hệ chiếm hữu, sử dụng điền sản của chồng cô ta. Việc cô ta được nhận 1/3 diện tích ruộng đất của chồng, theo quy định của điều luật nêu trên, không ngoài mục đích tạo cho cô ta nguồn sống để nuôi mình và nuôi con trong thời gian chồng đang tại ngũ.
 
Điều 30.
Nếu người chỉ huy hoặc chiến sỹ trong một đơn vị quân đội, mặc dù đã được chia ruộng, vườn, nhà cửa nhưng lại không chịu khai thác, sử dụng số điền sản ấy [và bỏ đi nơi khác];
         Và số điền sản này đã được một kẻ khác khai thác, sử dụng trong một thời hạn là 3 năm;
         Sau 3 năm, người chỉ huy hoặc chiến sỹ trong đơn vị quân đội kia trở về và đòi lại số điền sản cũ của mình;
         Thì  y cũng không thể đòi lại số điền sản ấy được nữa.
         Kẻ đang khai thác, sử dụng điền sản sẽ được quyền tiếp tục khai thác, sử dụng số điền sản này.
Bình luận
         Điều luật được ban hành nhằm bảo vệ đất đai và chống lại hiện tượng bỏ hoang hoá đất trong xã hội Lưỡng Hà cổ đại.
         Xét về khía cạnh dân luật, nhà lập pháp đã thừa nhận quan niệm pháp lý về chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng công khai ngay tình. Nếu một người không phải là chủ mảnh đất bị bỏ hoang đã bỏ công khai thác, sử dụng công khai, liên tục trong vòng 3 năm sẽ có quyền chính thức sử dụng mảnh đất ấy. Xem ra ngay từ thời kỳ cổ đại, những tư tưởng pháp lý tiên tiến đã manh nha hình thành và chỉ đạo hoạt động xây dựng pháp luật của các nhà lập pháp.
 
Điều 31.
Nếu trong thời hạn một năm, người chỉ huy hoặc chiến sỹ trong đơn vị quân đội kia đã trở về;
Và yêu cầu được nhận lại đất, vườn cây ăn quả và nhà cũ của anh ta;
Thì anh ta sẽ được nhận lại chúng.
Bình luận
         Nhà làm luật đã khá tinh tế khi đưa ra quy định trên bởi ông ta đã biết cách cân bằng lợi ích của các bên và bảo vệ quyền khai thác, sử dụng hợp pháp đất đai của người dân; khuyến khích người dân chăm lo đến phần ruộng được chia của mình.
         Theo qui định của điều luật, thời hạn để đòi lại đất là một năm, kể từ khi mảnh đất đó bị người khác chiếm hữu, sử dụng không có căn cứ pháp luật.
 
Điều 32.
Trường hợp người chỉ huy hay chiến sỹ trong một đơn vị quân đội bị bắt làm tù binh ở nước ngoài;
         Một thương gia đã trả tiền chuộc anh ta và đưa anh ta về quê cũ;
         Nếu trong nhà anh ta còn tài sản, anh ta sẽ dùng tài sản đó trả lại khoản tiền chuộc cho nhà thương gia;
         Nếu trong nhà anh ta không còn tài sản, đền thờ nơi quê nhà anh ta sẽ có trách nhiệm trả món nợ đó;
         Nếu đền thờ không trả được thì nhà vua sẽ trả món tiền này.
         Nghiêm cấm việc dùng ruộng vườn đã chia cấp cho quân nhân làm tài sản để chuộc lại tự do cho anh ta.
Bình luận
         Điều luật trên có nhiều ý nghĩa xã hội phong phú.
Trước hết, nó bảo vệ quyền tự do của người dân (quân nhân); Chống lại hiện tượng nô lệ hoá tù binh trong các cuộc chiến tranh.
         Thư hai, qui định nói trên bảo vệ quyền tài sản cho các thương gia khi họ bỏ tiền ra chuộc các chiến sĩ bị bắt. Trong mọi trường hợp, người thương gia này luôn thu hồi lại được số tiền mà ông ta đã bỏ ra. Điều này khuyến khích các thương gia tích cực hơn trong các hoạt động giúp nhà nước chống hiện tượng nô lệ hoá.
         Thứ ba, luật cũng qui định rõ ràng thứ tự những người có trách nhiệm trả tiền chuộc. Người có trách nhiệm trả tiền chuộc đầu tiên là bản thân người bị bắt làm tù binh. Người thứ hai là các cơ sở tôn giáo. Nhà vua là người có trách nhiệm sau cùng. Ông ta chính là sự đảm bảo chắc chắn nhất cho sự tự do của các chiến sĩ trong quân đội của chính ông ta.
         Thứ tư, luật cũng nghiêm cấm việc dùng điền sản được chia vào việc nộp tiền chuộc. Tại sao lại có qui định này? Bởi điền sản được chia vốn dĩ không thuộc sở hữu của người được chia. Người được chia chỉ được quyền sử dụng điền sản mà thôi. Qui định này không có mục đích nào khác hơn là bảo vệ quyền sở hữu tối cao của nhà vua đối với ruộng đất trong cả nước.
 
Điều 33.
Nếu người Tổng trấn nhận được mệnh lệnh của nhà vua đưa quân đội của ông ta ra trận mà trốn tránh việc điều động quân sĩ;
         Và thuê những đạo quân đánh thuê đi thay;
         Thì người đứng đầu chính quyền địa phương này phải xử tử.
Bình luận
         Nguyên bản Pháp văn dùng chữ “un gouverneur” và chữ “un préfét” nghĩa là “thống đốc” hay “tổng đốc” và “tỉnh trưởng”. Những người này, theo ngôn ngữ hiện đại, là người đứng đầu cơ quan hành chính cấp tỉnh. Tôi không rõ bộ máy chính quyền nhà nước Lưỡng Hà được tổ chức theo mấy cấp nên không dám dùng các chữ trên, nên lúc đầu chuyển ngữ sang tiếng Việt bằng một thuật ngữ chung là “người đứng đầu chính quyền các địa phương”, sau đó chuyển lại thành “Tổng trấn”.
         Điều luật thực ra là một qui phạm hành chính, điều chỉnh mối quan hệ cấp trên-cấp dưới trong bộ máy chính quyền Lưỡng Hà. Theo qui định của điều luật này, có lẽ chính quyền Lưỡng Hà được tổ chức theo mô hình quân sự. Chính quyền các địa phương có thể là một bộ máy quân sự độc lập thu nhỏ, chịu sự quản lý và điều động của cấp trung ương.
         Sự chuyên chế của nhà vua cũng thể hiện khá rõ nét. Bất kỳ người nào chống lại mệnh lệnh của ông ta cũng sẽ có một kết cục duy nhất: bị xử tử hình.
Điều 34.
Nếu người Tổng trấn nào tước đoạt tài sản của các chiến sĩ dưới quyền, ức hiếp họ, chiếm đoạt những chiến lợi phẩm mà nhà vua đã ban cho họ;
         Người Tổng trấn đó sẽ  bị phạt tử hình.
Bình luận
         Đây là một điều luật công bằng, nó thể hiện rõ tư tưởng của  Hammurabi  nói tại Lời nói đầu của Bộ luật là để bảo vệ kẻ yếu; không để cho kẻ mạnh, kẻ quyền thế ức hiếp người yếu. 
         Dù sao, điều luật cũng phản ánh một thực trạng của xã hội Lưỡng Hà cổ đại là cá lớn nuốt cá bé, người đứng đầu bộ máy cai trị bóc lột kẻ cấp dưới; kẻ cấp dưới bóc lột kẻ cấp dưới nữa và bóc lột dân tự do; dân tự do lại bóc lột nô lệ.
         Việc ban hành điều luật trên có ý nghĩa tích cực. Điều luật có ý nghĩa tích cực không chỉ trong thời đại của nó mà còn có ý nghĩa như một tấm gương sáng về cuộc đấu tranh chống tệ tham nhũng cho các xã hội sau này.
 
Điều 35.
Nếu kẻ nào mua bò hoặc cừu từ tay một quân nhân;
         Mà những con bò hay cừu này là do nhà vua giao cho người quân nhân coi giữ.
         Kẻ đó sẽ bị phạt tiền.
Bình luận
         Điều luật được ban hành nhằm bảo vệ quyền sở hữu của nhà vua đối với những động sản (gia súc) của ông ta, khi các tài sản này được giao cho những người lính coi giữ.
         Điều luật qui định tội mua bán trái phép gia súc của nhà vua. Tội phạm này có cấu thành như sau:
         - Người phạm tội có hành vi mua bán gia súc;
         - Những gia súc này là của nhà vua giao cho lính của ông ta coi giữ.
         Hình phạt: Phạt tiền.
 
Điều 36.
Nghiêm cấm việc bán: ruộng, vườn, nhà cửa của người chỉ huy hay chiến sỹ trong các đơn vị quân đội; đất đã tiến cống cho nhà vua hay cho đền thờ thần.
Bình luận
         Điều luật đã phản ánh rõ ràng chế độ ruộng đất ở  Lưỡng Hà  cổ  đại.
Đất đai chia thành hai loại: đất công và đất tư. Đất công thuộc quyền sở hữu của nhà vua. Vua giao cho các công xã chia cho dân tự do (những người này khi nhận đất, ngoài nghĩa vụ thuế còn phải thực hiện nghĩa vụ quân dịch).
         Đất công gồm 2 loại:
         - Đất do công xã quản lý;
         - Đất tư, nhưng đã tiến cống cho nhà vua hoặc các đền thờ thần.
         Luật cấm mọi hành vi mua bán đất công. Mọi giao chuyển nhượng đất công của dân tự do đều vô hiệu.
 
Điều 37.
Kẻ nào mua từ tay người chỉ huy hay chiến sỹ trong các đơn vị quân đội ruộng, vườn, nhà cửa của họ;
         Việc mua bán này sẽ bị huỷ bỏ;
         Kẻ mua sẽ bị phạt tiền.
         Ruộng, vườn, nhà cửa sẽ được đem trả về cho chủ cũ của nó.
Bình luận
         Điều luật trên đã thể hiện rõ tính vô hiệu của hợp đồng mua bán đất công.
         Đối tượng của hợp đồng này không chỉ là đất đai cày cấy (ruộng) mà còn bao gồm cả vườn và nhà được nhà vua (mà công xã là đại diện) giao cho các chiến sỹ (dân tự do).
         Như thế, ngay từ thời Hammurabi, chế đụnh hợp đồng vô hiệu đã xuất hiện. Vô hiệu trong trường hợp này là tuyệt đối. Hai bên tham gia hợp đồng khôi phục tình trạng ban đầu. Bên cố ý vi phạm (bên mua) bị Nhà nước phạt tiền. ở đây, dường như nhà làm luật có sự thiên vị đối với một bên tham gia quan hệ hợp đồng (bên bán), bởi không có chế tài phạt bên này.
 
Điều 38.
Người chỉ huy hay chiến sỹ trong các đơn vị quân đội không được đem ruộng, vườn hay nhà cửa tặng cho vợ, con gái của anh ta; cũng không được đem những tài sản này đi gán nợ.
Bình luận
         Điều 38 là sự tiếp nối của Điều 37.
         Theo Điều 38, hợp đồng tặng cho ruộng, vườn, nhà cửa được chia cấp cho thành viên công xã (các chiến sỹ) cho vợ và con gái của họ vô hiệu.
         Luật không nhắc đến con trai. Thực ra, đối với con trai của những người này, hoàn toàn không cần đến hợp đồng tặng cho, bởi khi chúng lớn lên, đương nhiên chúng sẽ trở thành những người mang vũ khí (homme d’arme) và chúng sẽ được cấp nhà, đất riêng của chúng.
         Luật cũng cấm dân tự do đem đất công được chia đi gán nợ.
 
Điều 39.
Đối với ruộng, vườn, nhà cửa mà người chỉ huy hoặc chiến sỹ trong các đơn vị quân đội đã mua được từ tài sản riêng của anh ta, anh ta có quyền tặng cho vợ, con gái; có quyền dùng nó để thanh toán các khoản nợ.
Bình luận
         Điều luật thừa nhận chế độ ruộng đất tư bên cạnh chế độ ruộng đất công.
         Đối với các điền sản tư, chủ sở hữu nơ có toàn quyền định đoạt. Anh ta có thể tự mình chiếm hữu, khai thác sử dụng; có quyền tặng cho hoặc đem thanh toán các khoản nợ.
         Điều luật cho thấy chế độ tư hữu đã khá phát triển ở Lưỡng Hà cổ đại.
 
Điều 40.
Đối với các khoản vay nợ của dân tự do với người khác (các thương gia) hoặc các khoản nợ ở nước ngoài, dân tự do có quyền đem bán ruộng, vườn, nhà cửa thuộc sở hữu riêng của mình (điền sản tư) để trả các khoản nợ đó.
         Người mua các điền sản tư có toàn quyền khai thác, sử dụng điền sản mà y đã mua.
Bình luận
         Điều luật nói trên cũng nói rõ có sự tồn tại của điền sản tư bên cạnh điền sản công ở Lưỡng Hà cổ đại.
         Nhà nước thừa nhận và bảo hộ cho việc mua bán điền sản tư.
         Điều luật cho thấy xã hội và kinh tế Lưỡng Hà không phải là xã hội và kinh tế đóng kín. Kinh tế hàng hoá đã xuất hiện và phát triển trong xã hội này.
         Hiện tượng người dân có các khoản nợ ở nước ngoài (và đã được luật hoá) cho thấy Lưỡng Hà có một nền ngoại thương ká phát triển).
 
Điều 41.
Nếu kẻ nào giúp người chỉ huy hay quân nhân trong các đơn vị quân đội rào giậu lại ruộng, vườn, nhà cửa của họ, sau đó gia cố thêm sự rào giậu đó bằng những hàng cọc;
         Thì sau khi trở về, những quân nhân này phải trả những chi phí mà kẻ kia đã bỏ ra để dựng lên hàng rào đó.
Bình luận
         Điều luật quy định về hành động thiện chí của một người dân tự do đối với người láng giềng của họ đang tại ngũ.
         Để đền đáp sự thiện chí này, người được giúp đỡ cũng phải có hành động mang tính thiện chí tương tự: trả phí tổn mà người kia đã bỏ ra để giúp đỡ mình.
         Đối với vụ việc này, nhà lập pháp đã khá tinh tế xen vào quan hệ đạo đức của các bên nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị đạo đức được thể hiện. Dân luật hiện đại đã kế thừa quy định của Điều 41 này để xây dựng chế định “thực hiện công việc không có uỷ quyền”.
 
Điều 42.
Kẻ nào đã nhận lĩnh canh ruộng của người khác để trồng trọt;
         Và trên mảnh ruộng đó, nếu hạt lúa không lên bông;
         Thì kẻ lĩnh canh sẽ bị xem là lười biếng;
         Y sẽ vẫn phải giao nộp chủ ruộng phần hoa lợi tương đương với phần hoa lợi của mảnh ruộng liền kề.
Bình luận
         Trong bản Pháp văn, người ta có dùng thuật ngữ “un champ à ferme” nghĩa là ruộng lĩnh canh. “Lĩnh canh” là một từ cổ, mà theo sự giải thích của Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học năm 1992, có nghĩa là “nhận ruộng của người khác để trồng trọt với điều kiện phải nộp hoa lợi thuê đất bằng tiền hay bằng hiện vật (thường gọi là nộp tô) cho chủ đất”[1].
Như thế, về mặt pháp lý, thực chất “lĩnh canh” là hợp đồng thuê đất giữa chủ đất và người nhận lĩnh canh.
         Điều luật nói trên bảo vệ quyền lợi cho chủ đất. Luật không những bảo hộ quyền sở hữu của chủ đất đối với ruộng đất của ông ta (nếu là đất tư) mà còn bảo vệ cả quyền thu tô từ việc cho lĩnh canh đất.
         Điều luật thể hiện một tư duy pháp lý khá hiện đại trong việc qui định về phương pháp xác định mức thu tô. Đó là phương pháp tương tự. Trường hợp mảnh ruộng lĩnh canh không có thóc, điều này cũng đồng nghĩa với việc không thể xác định được mức thu tô cụ thể là bao nhiêu (chẳng hạn 2 bên thoả thuận trước mức thu tô là ẵ hay 1/3 trên tổng số thóc thu được từ ruộng lĩnh canh; nhưng trong trường hợp này, tổng số thóc thu được trên ruộng lĩnh canh bằng (0), có nghĩa là không có gì cả), Mức thu tô sẽ được tính với giả định rằng mảnh ruộng lĩnh canh (nếu trong hoàn cảnh bình thường) sẽ cho thu hoạch một số thóc tương đương với số thóc thu được từ mảnh ruộng liền kề. Cách qui định này của luật, theo nhận thức của tôi, là chặt chẽ và bảo vệ một cách có hiệu quả quyền lợi chính đáng của bên cho thuê đất trong quan hệ hợp đồng.


[1] Xem Viện khoa học xã hội VN, Viện ngôn ngữ học. Từ điển tiếng Viêt. 1992 do Hoàng Phê chủ biên, Trang 567

Nguồn tin: Nguyễn Đức

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code