Wednesday, April 9, 2014

Sở hữu chéo và năng lực cạnh tranh của các ngân hàng – Một số kinh nghiệm từ nước Ý

Sở hữu chéo, đầu tư chéo có ở hầu hết các hệ thống tài chính trên thế giới với quy mô, mức độ phức tạp và biện pháp quản lý, kiểm soát khác nhau. Nói một cách đơn giản nhất thì sở hữu chéo là việc một số chủ thể sở hữu cổ phần, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp ở từ hai ngân hàng trở lên hoặc sở hữu cổ phần lẫn nhau. Đến nay, vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng thu hút sự quan tâm đáng kể bởi nhiều lý do: Thứ nhất, sở hữu chéo có thể gây cản trở đến năng lực cạnh tranh và vì vậy tác động không nhỏ đến sự phân bổ quyền sở hữu tài sản; Thứ hai, sở hữu chéo trong nhiều trường hợp có liên quan rất lớn đến những người sáng lập chính của ngân hàng mà vì nhiều lý do không thể đảm bảo quản trị ngân hàng hiệu quả.
Trong những năm 1990, hệ thống ngân hàng của Ý đã có những thay đổi sâu sắc cả về khuôn khổ pháp lý lẫn cơ cấu, tổ chức và đó là một trong những nhân tố góp phần gỡ bỏ đáng kể những rào cản về gia nhập thị trường, tự do mở chi nhánh ngân hàng, xác định lại cơ cấu sở hữu và diễn ra hàng loạt các hoạt động hợp nhất, sáp nhập. Trong giai đoạn này, các học giả đa phần tập trung nghiên cứu những ảnh hưởng của cuộc cải cách đến quá trình củng cố hệ thống ngân hàng mà ít chú ý đến sự hình thành hết sức phức tạp của sở hữu chéo gắn liền với các tập đoàn ngân hàng lớn của Ý.
1. Tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng Ý:
Sự hình thành nên mạng lưới sở hữu chéo chằng chịt giữa phần lớn các ngân hàng của Ý gắn liền với quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Trong suốt 10 năm, những sự kiện nổi bật đã làm thay đổi bộ mặt lĩnh vực ngân hàng Ý mà cơ bản là quá trình đổi mới hệ thống khuôn khổ pháp lý, bắt đầu từ những năm 1990, trong đó điển hình là các đạo luật mới của Châu Âu về lĩnh vực ngân hàng.
  Trong bối cảnh hệ thống pháp luật mới, hai sự kiện quan trọng đóng vai trò nòng cốt trong quá trình chuyển đổi cấu trúc sở hữu trong hệ thống ngân hàng Ý, đó là: việc bán cổ phần của các ngân hàng mà nhà nước sở hữu và quá trình củng cố khu vực tín dụng quốc gia. Việc bán cổ phần của các ngân hàng thương mại nhà nước bắt đầu từ năm 1993 và kết thúc vào năm 2001 với kết quả cuối cùng là nhà nước chỉ nắm giữ khoảng 0,1% cổ phần ở khu vực ngân hàng; quá trình củng cố khu vực tín dụng quốc gia chủ yếu liên quan đến các ngân hàng nhỏ và vừa vào những năm 1990 và sau đó đến lượt các ngân hàng lớn nhất của Ý bắt đầu từ năm 1997.
  Quá trình bán cổ phần nhà nước được thực hiện chủ yếu thông qua các cuộc đàm phán kín nhằm mục đích xác định cụ thể nhóm nào kiểm soát các cổ đông. Quá trình này, cùng với các hoạt động hợp nhất, sáp nhập gắn với các ngân hàng lớn của đất nước, đã dẫn đến tình trạng là một số ít các cổ đông đã sở hữu cổ phần của gần như tất cả các tập đoàn ngân hàng lớn nhất quốc gia, tạo ra một mê cung sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng Ý hiện nay.
  Bằng việc thống kê thực trạng sở hữu cổ phần của các cổ đông chính1, các nhà nghiên cứu thấy rằng nằm ở trung tâm của mạng lưới sở hữu chéo là một nhóm nhỏ các nhà sáng lập ngân hàng quan trọng nhất. Những người này, nổi lên từ cuộc cải cách hệ thống ngân hàng đầu những năm 1990, đã trở thành ông chủ của các ngân hàng đại chúng. Mặc dù một trong các mục đích của nhiều quy định pháp luật đặt ra trong những năm 1990 là khiến các nhà sáng lập ngân hàng rút bớt cổ phần của mình trong các ngân hàng nhưng họ vẫn nắm giữ đáng kể, nếu không muốn nói là phần lớn cổ phần ở rất nhiều ngân hàng.
2. Sở hữu chéo ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các ngân hàng:
Các học giả Ý sử dụng phương pháp Panzar-Rose (1987), một phương pháp dùng để tính toán mức độ cạnh tranh, để so sánh giữa một bên là các ngân hàng nằm trong mạng lưới sở hữu chéo và một bên là các ngân hàng không tham gia sở hữu chéo. Giai đoạn mà các học giả lựa chọn làm đối tượng nghiên cứu là từ năm 1996 đến 2000, khoảng thời gian mà trong đó sở hữu chéo đã trở thành một hiện tượng đặc biệt "nóng" trong khu vực ngân hàng của nước Ý.
Phương pháp Panzar-Rose được phát triển bởi Panzar và Rose vào những năm 1980, trong đó sử dụng chỉ số H nhằm phân khúc các cấu trúc thị trường khác nhau dựa trên sự giảm doanh thu của từng doanh nghiệp2. Panzar và Rose cho rằng sức mạnh thị trường của một doanh nghiệp có thể đo được bằng quy mô và quy mô này thay đổi phụ thuộc vào nhân tố giá (hay biểu thị tương đương là doanh thu của doanh nghiệp). Bằng công thức tính toán, các chuyên gia phân tích rằng, nếu chỉ số H nhỏ hơn hoặc bằng 0, tức là thị trường ở tình trạng độc quyền hoặc độc quyền cấu kết; H nằm trong khoảng từ 0-1, trong đó H càng lớn thì biểu thị mức độ cạnh tranh càng mạnh và ngược lại.
  Áp dụng phương pháp nói trên vào lĩnh vực ngân hàng, các chuyên gia đã lựa chọn mẫu các ngân hàng làm đối tượng nghiên cứu, trong đó bao gồm các ngân hàng có sở hữu chéo và các ngân hàng không có sở hữu chéo. Mỗi ngân hàng được xem là một doanh nghiệp, trong đó sản phẩm của ngân hàng chính là các dịch vụ trung gian (mà cụ thể đầu ra là các khoản cho vay và đầu tư); đầu vào là lao động, vốn vật chất và vốn tài chính (gồm tiền gửi và các quỹ từ thị trường tài chính).
  Các thông tin liên quan đến cơ cấu sở hữu của các ngân hàng Ý, giúp cho việc tách biệt các tổ chức tín dụng có liên quan đến sở hữu chéo và các tổ chức không liên quan, được lấy từ Ủy ban quốc gia quản lý thị trường chứng khoán (CONSOB); đối với các ngân hàng không niêm yết trên thị trường chứng khoán thì thông tin được lấy từ tạp chí tài chính hàng đầu ở Ý là Il Sole 24 Ore.
  Kết quả phân tích chỉ số H của các ngân hàng cho thấy sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng Ý là một nhân tố hạn chế năng lực cạnh tranh trong khu vực ngân hàng trong nước. Kết quả này cũng khẳng định một số nhận định cho rằng bất kỳ sáng kiến nào nhằm hạn chế sự xâm nhập của mạng lưới sở hữu chéo vào các tập đoàn ngân hàng Ý – và thiết lập một mối quan hệ cạnh tranh hơn giữa những người chơi trong lĩnh vực này – đều sẽ tạo nên một sự cải tiến quan trọng trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
  3. Một số gợi ý:
  Kết quả phân tích chỉ số cạnh tranh của các ngân hàng đã dẫn đến hai kết luận sau đây:
  Thứ nhất là trong giai đoạn 5 năm (1996-2000), các ngân hàng Ý hoạt động trong môi trường cạnh tranh độc quyền.
  Thứ hai, cũng trong giai đoạn 1996-2000 (giai đoạn mà sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng của Ý phát triển mạnh), các ngân hàng có liên quan đến sở hữu chéo đều ít cạnh tranh hơn so với các ngân hàng không có liên quan. Đặc biệt, kết luận này càng trở nên rõ ràng hơn khi các nhà nghiên cứu loại bỏ các ngân hàng hợp tác ra khỏi đối tượng nghiên cứu. Vì các ngân hàng hợp tác là các tổ chức phi lợi nhuận nên có hành vi cạnh tranh khác so với các loại hình tổ chức tín dụng khác. Bằng việc loại bỏ các ngân hàng hợp tác cho phép các chuyên gia đánh giá chính xác hơn mức độ ảnh hưởng của sở hữu chéo đến năng lực cạnh tranh của các ngân hàng có chiến lược cạnh tranh tương tự nhau.
  Tóm lại, những kết quả nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy sở hữu chéo có thể là một chướng ngại vật đối với cạnh tranh. Với khu vực đặc biệt như hệ thống ngân hàng thì sở hữu chéo thậm chí còn là một mối đe dọa nguy hiểm đối với cạnh tranh trong phạm vi thị trường tín dụng trong nước. Vì vậy, cần thiết phải hạn chế tình trạng sở hữu chéo để tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả của quá trình tái cấu trúc khu vực ngân hàng.
Đối với Việt Nam, việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/03/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã và đang được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo triển khai quyết liệt và đạt những kết quả quan trọng, trong đó sở hữu chéo là vấn đề được cơ quan quản lý rất quan tâm. Tuy nhiên, sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam là vấn đề có tính lịch sử, cần được xử lý từng bước với các giải pháp đồng bộ như:
  – Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo; Cần có cơ chế, chính sách buộc các tổ chức tín dụng công khai, minh bạch danh sách cổ đông, xử lý nghiêm việc mượn danh, mạo danh cổ đông;
  – Không khuyến khích hoặc hạn chế tối đa việc các tập đoàn kinh tế sở hữu ngân hàng;
  – Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nhất là đối với hoạt động góp vốn, mua cổ phần; Giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của những cổ đông và người có liên quan tại các tổ chức tín dụng;
  – Theo dõi, giám sát chặt chẽ việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần trên thị trường chứng khoán…
Chú thích:
(1) Theo pháp luật của Ý thì những cổ đông chính là những người sở hữu trên 2% vốn doanh nghiệp và có đăng ký với CONSOB, một tổ chức quản lý thị trường chứng khoán Ý.
(2) Chỉ số H: Tổng thay đổi tổng doanh thu theo sự thay đổi của giá đầu vào.
Nguồn: Trang thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code