Wednesday, December 4, 2013

LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN TRONG VIỆC ÁP DỤNG QUI ĐỊNH VỀ HÀNH VI LỪA DỐI TRONG LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM

PHÍ THỊ QUỲNH NGA – BVNT VIỆT NAM
Hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm ảnh hưởng đến tính hiệu lực của hợp đồng nói chung và hợp đồng bảo hiểm nói riêng. Vì vậy, về nguyên tắc khi một trong các bên có hành vi lừa dối họ sẽ phải chịu một chế tài nhất định theo quy định của pháp luật hay thỏa thuận của các bên trong quan hệ hợp đồng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bên bị lừa dối cũng như đảm bảo cho việc thực hiện các nguyên tắc giao kết hợp đồng (tự do, tự nguyện, bình đẳng, trung thực, thiện chí…).
Về mặt lý luận, một hành vi bị coi là lừa dối khi giao kết hợp đồng thông thường được xác định dựa trên các tiêu chí sau: (1) đưa ra thông tin sai lệch về một sự việc; (2) bản thân người đưa ra thông tin biết rõ rằng thông tin đó sai lệch sự thật; (3) với chủ ý làm cho người nghe tin vào thông tin đó; (4) người nhận thông tin đã tin tưởng vào thông tin đó nên giao kết hợp đồng và (5) có thiệt hại xảy ra.
Theo Điều 142 Bộ luật dân sự Việt Nam năm 1995 khoản 1 “lừa dối là hành vi cố ý của một bên nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch nên đã xác lập giao dịch đó”. Nói cách khác, lừa dối là việc một bên có những thủ đoạn (che giấu thông tin, cung cấp thông tin sai lệch) nhằm làm cho bên kia nhầm lẫn và vì vậy đã giao kết hợp đồng. Bộ luật dân sự Pháp cũng quy định hành vi lừa dối bao gồm hai yếu tố cấu thành: yếu tố ý đồ (lừa dối là một hành vi cố ý, bên này chủ ý lừa dối bên kia) và yếu tố hiện thực (phải có thủ đoạn gian dối- sự cố ý không cung cấp thông tin quan trọng mà nếu biết được thông tin đó thì người kia đã không ký kết hợp đồng).
Như vậy, việc cố ý cung cấp thông tin sai sự thật của người mua bảo hiểm nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường thực chất cũng là một hành vi lừa dối. Tuy nhiên, hợp đồng bảo hiểm là một loại hợp đồng chuyên biệt nên hậu quả pháp lý của hành vi này sẽ chịu sự điều chỉnh của luật riêng- Luật kinh doanh bảo hiểm (LKDBH), trừ khi Luật riêng không quy định hoặc dẫn chiếu tới Luật chung- Bộ luật dân sự. Đối với hành vi lừa dối, Luật kinh doanh bảo hiểm có những quy định sau: nếu là hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật của người mua bảo hiểm thì sẽ áp dụng Điều 19 khoản 2: “Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm” . Còn nếu là hành vi lừa dối khác (ngoài hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật của người mua bảo hiểm) thì áp dụng Điều 22: “hợp đồng bảo hiểm vô hiệu- hợp đồng không có hiệu lực ngay từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”.
So với Bộ luật dân sự, LKDBH có điểm khác ở chỗ cùng là hành vi lừa dối nhưng LKDBH lại quy định hai hậu quả pháp lý khác nhau (Bộ luật dân sự chỉ quy định một hậu quả pháp lý là hợp đồng vô hiệu). Điểm khác biệt này hoàn toàn có căn cứ, xuất phát từ bản chất của hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm (khoản 1 Điều 12 LKDBH 2000) và mục đích bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bên bị lừa dối- doanh nghiệp bảo hiểm vì những thông tin mà người mua bảo hiểm cung cấp có ảnh hưởng trực tiếp đến việc doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá rủi ro và ra quyết định thiết lập hay không thiết lập hợp đồng bảo hiểm dựa trên những thông tin đó- nguyên tắc “tin tưởng tuyệt đối” trong giao kết và thực hiện HĐBH.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là đối với hành vi “cố ý cung cấp thông tin sai sự thật…” để bảo vệ cho bên bị lừa dối thì không thể áp dụng hợp đồng vô hiệu theo Điều 22 LKDBH. Bởi nếu áp dụng điều luật này, chúng ta sẽ “tiếp tay” cho người mua bảo hiểm “thoải mái” cung cấp thông tin sai sự thật khi giao kết hợp đồng để được nhận tiền bảo hiểm hoặc bồi thường thiệt hại vì trong trường hợp xấu nhất hợp đồng đó sẽ bị tuyên là vô hiệu thì người mua bảo hiểm cũng chẳng mất gì. Và như vậy, mục đích bảo vệ người bị lừa dối không đạt được, các nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng (trung thực, thiện chí, bình đẳng…) không được đảm bảo, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không thể hoạt động bình thường. Do đó, theo quan điểm của chúng tôi, quy định tại Điều 19 khoản 2 điểm a và Điều 22 khoản 1 điểm d của LKDBH không hề mâu thuẫn nhau và cần phải hiểu hành vi lừa dối theo Điều 19 khoản 2 điểm a (cố ý cung cấp thông tin sai sự thật của người mua bảo hiểm) là một hành vi lừa dối cụ thể, còn trường hợp quy định tại Điều 22 khoản 1 điểm d là các hành vi lừa dối khác (chỉ được áp dụng đối với những hành vi lừa dối không được quy định tại Điều 19 khoản 2 điểm a). Tuy nhiên, thực tế hiện chưa có văn bản hướng dẫn việc áp dụng các điều luật trên khiến cho các doanh nghiệp bảo hiểm lúng túng trong cách giải quyết, kết luận đúng đắn của các bản án phụ thuộc phần lớn vào “sự linh động” và “công tâm” của các nhà “cầm cân nảy mực” chứ không phải là đảm bảo nguyên tắc tố tụng “xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Mặt khác, bản thân Điều 19 khoản 2 điểm a cũng có bất cập khi quy định “…cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường”. Theo chúng tôi, chỉ cần quy định “…cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm” là đã rõ nghĩa và đầy đủ nội dung vì mục đích của khách hàng khi giao kết hợp đồng tất yếu là “để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường”.
Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, hiện tượng khách hàng có hành vi lừa dối trong giao kết hợp đồng bảo hiểm nhằm mục đích trục lợi bảo hiểm đang diễn ra ngày càng phổ biến và thường biểu hiện qua một số đặc điểm sau:
- Người được bảo hiểm chết do các bệnh có thời gian tiến triển bệnh lý kéo dài như: ung thư, lao, xơ gan, suy thận, suy tim…
- Người được bảo hiểm chết khi hợp đồng có hiệu lực trong những năm đầu.
- Người được bảo hiểm đã điều trị bệnh (thuộc trường hợp những bệnh không chấp nhận bảo hiểm) trước khi hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực dưới tên người khác.
- Hợp đồng có số tiền bảo hiểm lớn so với khả năng tài chính, hoàn cảnh kinh tế của Người tham gia bảo hiểm.
- Rủi ro xảy ra liên quan đến nhiều hợp đồng bảo hiểm được phát hành vào những thời điểm gần nhau.
- Quan hệ giữa Người tham gia bảo hiểm, Người được hưởng quyền lợi bảo hiểm và Người được bảo hiểm ít ràng buộc về mặt huyết thống.
- Người yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm không cung cấp các thông tin về quá trình điều trị bệnh trước lúc tử vong, kê khai chung chung về nguyên nhân chết như: chết do bệnh già, chết đột tử tại nhà, không rõ nguyên nhân, không có ai chứng kiến.
- Các thông tin về rủi ro xảy ra và quá trình cấp cứu, điều trị không logic giữa các giấy tờ và chứng từ do người yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm cung cấp.
- Khai báo rủi ro xảy ra trong hoàn cảnh đặc biệt: tự ngã, tai nạn xảy ra trong đêm không có mặt của công an…
Trong số những dấu hiệu kể trên, hiện tượng trục lợi bảo hiểm thường diễn ra phổ biến nhất là việc khách hàng kê khai không trung thực về tình trạng sức khỏe của người được bảo hiểm trong Giấy yêu cầu bảo hiểm – một phần của Hợp đồng bảo hiểm.
Trong thực tiễn xét xử đã có không ít những vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm liên quan đến việc người mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật khi giao kết hợp đồng nhưng lại được Tòa án tuyên là hợp đồng vô hiệu, bị hủy bỏ và doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại số phí bảo hiểm đã nộp cho người mua bảo hiểm. Có thể lấy ví dụ điển hình là vụ tranh chấp giữa Công ty Bảo hiểm P (Công ty) và bà Trần Thị C do Tòa án nhân dân thị xã B xét xử. Nội dung vụ việc như sau:
Ngày 24/11/2002, trên cơ sở Giấy yêu cầu bảo hiểm cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe của người được bảo hiểm, Công ty đã giao kết hợp đồng bảo hiểm với bà C (người được bảo hiểm đồng thời là người mua bảo hiểm). Ngày 16/12/2003, bà C đã bổ sung thông tin là “đã và đang điều trị bệnh tim mạch từ năm 20 tuổi”. Theo thông báo này, Công ty đã tiến hành kiểm tra sức khỏe của Bà và kết quả cho thấy bà bị bệnh tim – bệnh thuộc trường hợp không chấp nhận bảo hiểm. Trên thực tế tại thời điểm giao kết hợp đồng bà C đã cố ý không kê khai đúng tình trạng bệnh tật của mình qua việc trả lời “không” đối với tất cả các câu hỏi trong Giấy yêu cầu bảo hiểm, trong khi sự thật khách quan là Bà đã và đang phải điều trị bệnh tim bẩm sinh từ năm 20 tuổi (ghi nhận trong Hồ sơ bệnh án). Rõ ràng, hành vi cung cấp thông tin sai sự thật về tình trạng bệnh tật của Bà hoàn toàn thỏa mãn các dấu hiệu theo Điều 19 khoản 2 điểm a LKDBH và Công ty có quyền đình chỉ việc thực hiện hợp đồng, không hoàn lại số phí bảo hiểm đã nộp tính đến ngày đình chỉ cũng như không chịu trách nhiệm về những rủi ro đã phát sinh theo Điều 4 điềm 4.1.2 điều khoản hợp đồng bảo hiểm mà Bà đã ký kết với Công ty. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân thị xã B đã nhận định bà C không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe của mình theo Điều 19 khoản 2 điểm a LKDBH để đình chỉ thực hiện hợp đồng và tuyên: Hủy hợp đồng bảo hiểm, buộc Công ty hoàn trả cho bà C toàn bộ số phí bảo hiểm đã nộp.
Đối chiếu với vấn đề lý luận trên, theo chúng tôi việc xét xử của Toà án nhân dân thị xã B là chưa phù hợp với quy định của LKDBH. Để khắc phục tình trạng này, những nhà làm luật cần nhanh chóng đưa ra văn bản hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng Điều 19 và Điều 22 LKDBH để các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra những bản án phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bên mua bảo hiểm cũng như của các doanh nghiệp bảo hiểm; đảm bảo sự trung thực và bình đẳng trong quan hệ hợp đồng vì lợi ích chung của cộng đồng và góp phần tạo ra một hành lang pháp lý ổn định cho các doanh nghiệp hoạt động. Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm phải thống nhất và kiên định biện pháp xử lý khi khách hàng có hành vi nói trên để tự bảo vệ mình và hạn chế hiện tượng trục lợi bảo hiểm đang diễn ra ngày càng nhiều với những thủ đoạn tinh vi. Đồng thời, về phía các cơ quan nhà nước có chức năng kiểm soát giao dịch bảo hiểm cũng cần đề ra những biện pháp, chế tài đủ mạnh để răn đe khách hàng.


Đối chiếu với vấn đề lý luận trên, theo chúng tôi việc xét xử của Toà án nhân dân thị xã B là chưa phù hợp với quy định của LKDBH. Để khắc phục tình trạng này, những nhà làm luật cần nhanh chóng đưa ra văn bản hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng Điều 19 và Điều 22 LKDBH để các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra những bản án phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bên mua bảo hiểm cũng như của các doanh nghiệp bảo hiểm; đảm bảo sự trung thực và bình đẳng trong quan hệ hợp đồng vì lợi ích chung của cộng đồng và góp phần tạo ra một hành lang pháp lý ổn định cho các doanh nghiệp hoạt động. Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm phải thống nhất và kiên định biện pháp xử lý khi khách hàng có hành vi nói trên để tự bảo vệ mình và hạn chế hiện tượng trục lợi bảo hiểm đang diễn ra ngày càng nhiều với những thủ đoạn tinh vi. Đồng thời, về phía các cơ quan nhà nước có chức năng kiểm soát giao dịch bảo hiểm cũng cần đề ra những biện pháp, chế tài đủ mạnh để răn đe khách hàng.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code