Tuesday, September 24, 2013

NGUỒN GỐC CỦA NGHĨA VỤ VÀ PHÂN LOẠI LOẠI NGHĨA VỤ

TS. NGÔ HUY CƯƠNG
Có lẽ, một trong những khiếm khuyết lớn nhất của Bộ luật Dân sự 2005 mà có thể làm sai lệch nhận thức của các luật gia Việt Nam hiện nay là các qui định chung về nghĩa vụ, trong đó có vấn đề nguồn gốc và phân loại nghĩa vụ…
I. Nguồn gốc của nghĩa vụ
Luật La Mã đã chỉ ra hai nguồn gốc căn bản của nghĩa vụ. Nói cách khác, nghĩa vụ phát sinh từ hai nguồn gốc. Thứ nhất, hành vi pháp lý hay hợp đồng (obligatio ex contractu), còn được gọi là nguyên nhân hợp pháp. Thứ hai, sự kiện pháp lý hay sự vi phạm (obligatio ex delicto), còn được gọi là nguyên nhân bất hợp pháp. Cách thức phân loại nguồn gốc của nghĩa vụ này đã ảnh hưởng tới các Bộ luật Dân sự của các nước thuộc Họ pháp luật La Mã – Đức.
Trước tiên cần tìm hiểu từ “nguồn gốc” để hiểu tại sao các luật gia Việt Nam trước kia thường sử dụng thuật ngữ “nguồn gốc của nghĩa vụ” mà không sử dụng thuật ngữ “căn cứ phát sinh nghĩa vụ” như Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 và như các công trình nghiên cứu của các luật gia Việt Nam hiện nay thường sử dụng. Aristote (triết gia Hy Lạp cổ đại) cho rằng, từ “nguyên nhân” dùng để chỉ nhiều ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn đối với chiếc giường thì “nguyên nhân mục đích” là sự nghỉ ngơi; “nguyên nhân tác thành” là người thợ mộc; “nguyên nhân thể chất” là gỗ; “nguyên nhân mô thể” là hình thức khiến đồ vật là cái giường khác với các loại đồ vật khác. Bởi vậy nói tới “nguồn gốc của nghĩa vụ” là nói tới nguyên nhân tác thành nên nghĩa vụ. Và thuật ngữ này được sử dụng trong Luật La Mã cổ đại[1]. Vậy việc sử dụng thuật ngữ nguồn gốc của nghĩa vụ gần gũi hơn với sự phân biệt giữa nghĩa vụ được tạo lập nên bởi ý chí của đương sự và nghĩa vụ được tạo lập nên bởi ý chí của nhà làm luật.


Tiếp nhận Luật La Mã, Bộ luật Dân sự Đức chia nguồn gốc của nghĩa vụ thành hai loại căn bản là hợp đồng và những nguồn gốc khác. Nguồn gốc thứ hai này được chia thành nhiều loại khác nhau như: vi phạm, chuẩn hợp đồng và thực hiện công việc không có uỷ quyền. Những nghĩa vụ phát sinh từ nguồn gốc thứ hai này được coi là những nghĩa vụ pháp định[2]. Pháp luật của Pháp quan niệm có năm nguồn gốc của nghĩa vụ là hợp đồng, vi phạm, chuẩn hợp đồng, chuẩn vi phạm và nghĩa vụ pháp định[3]. Quan niệm này giống với quan niệm của Bộ luật Justinian.
Nguồn gốc của nghĩa vụ được dùng làm một loại căn cứ để phân loại nghĩa vụ. Cách thức phân loại này thích hợp với pháp điển hoá. Về mặt khoa học, người ta có thể chia ra hai loại nghĩa vụ. Thứ nhất, nghĩa vụ hợp đồng được tạo nên bởi ý chí chung của các đương sự. Thứ hai, nghĩa vụ ngoài hợp đồng phát sinh ngoài ý chí của các đương sự. Loại nghĩa vụ này lại được phân thành hai loại: (1) Nghĩa vụ phát sinh ra bởi sự kiện của người thụ trái như vi phạm và chuẩn vi phạm, có nghĩa là những hành động cố ý hay vô ý gây thiệt hại cho người thứ ba; và chuẩn hợp đồng, tức là có nghĩa vụ phát sinh như khi có một hợp đồng, nhưng thực tế không có hợp đồng; (2) Nghĩa vụ do luật định phát sinh ngoài những hành vi hay sự kiện của người thụ trái.
Các Bộ luật Dân sự của Pháp, của Đức và của một số nước Châu Âu cùng ra đời trong kỷ nguyên của chủ nghĩa tự do cá nhân vô giới hạn. Do đó, chúng diễn đạt tư tưởng hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào sự lựa chọn của cá nhân và các quyền tự do của cá nhân[4]. Học thuyết này đã thống trị các luật gia Châu Âu và Hoa Kỳ suốt thế kỷ XIX với quan niệm cá nhân chỉ bị ràng buộc bởi ý chí của chính mình, vì thế đã dẫn tới một hệ quả vô cùng quan trọng là xem hợp đồng là nguồn gốc quan trọng nhất của nghĩa vụ[5]. Cho nên chế định này bao giờ cũng chiếm một vị trí lớn trong các Bộ luật Dân sự. Hợp đồng thường được giải thích trong các điều kiện của tự do ý chí. Bởi vậy ý chí được coi là căn bản của nghĩa vụ. Tuy nhiên, pháp luật cũng có thể đặt ra nghĩa vụ buộc cá nhân phải thi hành. Từ đó, có thể thấy ngoài nguồn gốc hợp đồng của nghĩa vụ, các nguồn gốc khác của nghĩa vụ đều do luật định, nên việc chia chúng thành vi phạm, chuẩn vi phạm, chuẩn hợp đồng và nghĩa vụ pháp định không thật xác đáng về mặt học thuật. Ngoài ra, còn phải thấy ý chí đơn phương cũng là một nguồn gốc quan trọng làm phát sinh nghĩa vụ.
Ngày nay, người ta phân loại các nguồn gốc của nghĩa vụ thành: (1) Hành vi pháp lý (juridical acts), hay còn gọi là giao dịch pháp lý[6]; và (2) sự kiện pháp lý (juridical facts).
Cần lưu ý: Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 tại Chương VI không sử dụng thuật ngữ “hành vi pháp lý” hay “giao dịch pháp lý” để chỉ hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương, mà sử dụng thuật ngữ “giao dịch dân sự” để chỉ chung hai loại hành vi này. Việc sử dụng thuật ngữ “giao dịch dân sự” trong Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 là chưa xác đáng, bởi lẽ người ta thường sử dụng thuật ngữ “giao dịch dân sự” hay “hành vi dân sự” để phân biệt với “giao dịch thương mại” hay “hành vi thương mại” trong khi đó Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 áp dụng cho cả quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động (Điều 1, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005). Phải thấy rằng, ở những nước có sự phân biệt giữa luật dân sự và luật thương mại, và pháp điển hoá luật dân sự và luật thương mại một cách riêng rẽ, thì đạo luật về dân sự vẫn là nền tảng của hệ thống luật tư và vẫn được áp dụng cho các quan hệ thương mại khi luật thương mại không có giải pháp. Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 qui định các nguồn gốc của nghĩa vụ tại Điều 281. Tuy nhiên, tại điều luật này cần lược bỏ từ “dân sự” ra khỏi các thuật ngữ “nghĩa vụ dân sự” và “hợp đồng dân sự” bởi vì như trên đã nói phần nghĩa vụ trong bất kể bộ luật dân sự nào cũng đều được sử dụng chung cho các quan hệ dân sự và quan hệ thương mại; và không chỉ “hợp đồng dân sự” mới làm phát sinh nghĩa vụ. Các Bộ luật Dân sự của nhiều nước trên thế giới dùng các thuật ngữ “nghĩa vụ”, “hợp đồng” mà không thêm từ “dân sự” vào đó đều không xảy ra câu chuyện xáo trộn hay hiểu nhầm trong hệ thống pháp luật. Có thể có ý kiến cho rằng từ “dân sự” thêm vào thuật ngữ “nghĩa vụ” để phân biệt giữa “nghĩa vụ dân sự” và “nghĩa vụ tự nhiên”. Song, câu chuyện không hẳn như vậy bởi trong Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 từ “dân sự” cũng được thêm vào thuật ngữ “hợp đồng” trong khi đó người ta không có khái niệm “hợp đồng tự nhiên”, mà người ta chỉ làm như vậy để phân biệt “hợp đồng dân sự” với “hợp đồng thương mại”.
Nhiều luật gia Nhật Bản khi trao đổi về chuyên môn với các luật gia Việt Nam thông qua dự án JICA cho rằng: (1) trong đời sống của con người, pháp luật không cần thiết can thiệp vào mọi quan hệ, mọi hành vi, tuy nhiên, mặt khác, cần can thiệp để ngăn cấm, hoặc bảo vệ và hỗ trợ cho các quan hệ của con người trong đời sống xã hội; (2) pháp luật thường can thiệp bằng các qui định theo kiểu “khi có một điều kiện xác định, thì một hậu quả xác định kéo theo” (các điều kiện đó gọi là điều kiện pháp lý, và hậu quả đó gọi là hậu quả pháp lý); (3) các điều kiện có thể bao gồm hành vi của con người, sự kiện, và thời hiệu). Họ chia hành vi pháp lý thành ba loại căn cứ vào số lượng người tuyên bố ý chí: hành vi đơn phương (individual act), hợp đồng, và hành vi tập thể (joint act). Hợp đồng và hành vi tập thể được họ phân biệt bằng sự tuyên bố ý chí đối lập của hai hay nhiều người (hợp đồng) và bằng sự tuyên bố ý chí hướng tới một mục đích (hành vi tập thể)[7]. Có thể thấy sự phân loại này không thật chính xác ngay từ căn cứ phân loại (có nghĩa là căn cứ vào số lượng người tuyên bố ý chí) bởi đối với hợp đồng và hành vi tập thể thì đều có hai hoặc nhiều người cùng tuyên bố ý chí. Giáo trình luật dân sự Việt Nam của Học viện Tư pháp đã có đôi điều bình luận về sự phân biệt giữa hợp đồng và hành vi tập thể, tuy quan điểm của người phân biệt và quan điểm của người bình luận không có sự phân tách rõ ràng, khó xác định đâu là quan điểm của của người phân biệt và đâu là quan điểm của người bình luận. Cũng có ý niệm về hành vi tập thể, Xaca Vacaxum và Tori Aridumi trong khi bình luận Bộ luật Dân sự Nhật Bản cho rằng, còn một loại hành vi nữa gần với hợp đồng, đồng thời cũng gần với hành vi tập thể. Hành vi loại này (ví dụ thoả ước lao động tập thể) xét dưới giác độ ký kết thì gần với hợp đồng, còn xét về hậu quả pháp lý thì gần gũi hơn với các giao dịch tập thể[8]. Vậy có thể nói dường như hai học giả này chia hành vi  pháp lý thành bốn loại: hành vi pháp lý đơn phương, hợp đồng, hành vi tập thể, và “hành vi lưỡng tính”[9].
Điều 281 của Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 về căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự cho thấy sự thiếu nhất quán của Bộ luật Dân sự này. Một mặt, Bộ luật này qui định điều tiết cả các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động (Điều 1); nhưng mặt khác, lại vẫn phân biệt giữa hợp đồng dân sự với các loại hợp đồng khác, trong khi đó đối với hành vi pháp lý đơn phương lại không có sự phân biệt giữa “hành vi pháp lý đơn phương dân sự” và “hành vi pháp lý đơn phương thương mại”, và cũng không có sự phân biệt giữa dân sự với thương mại đối với các căn cứ phát sinh nghĩa vụ khác. Thực ra, nghiên cứu nguồn gốc của nghĩa vụ hay căn cứ phát sinh nghĩa vụ là nghiên cứu có tính chất chung cho cả quan hệ có tính chất dân sự và quan hệ có tính chất thương mại. Suy cho cùng luật thương mại là một nhánh của luật nghĩa vụ. Nói cách khác luật nghĩa vụ là nền tảng của luật thương mại, bởi luật thương mại thường được định nghĩa là một ngành luật tư điều tiết các quan hệ của các thương nhân hay hành vi thương mại, mà hành vi thương mại thực sự là hành vi pháp lý có tính chất thương mại.
Điều 281, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 còn cho thấy, nhà làm luật đã phân biệt rõ ràng giữa hành vi pháp lý đơn phương và thực hiện công việc không có uỷ quyền, trong khi đó lại không có giải thích cho sự khác nhau giữa chúng và cũng không có một chương hay một mục nào qui định riêng cho hành vi pháp lý đơn phương, mà lại có một chương riêng qui định về thực hiện công việc không có uỷ quyền (Chương XIX, từ Điều 594 đến Điều 598). Vì vậy các học giả Việt Nam buộc phải đưa ra sự phân biệt mà không biết đúng hay sai. Điển hình Giáo trình luật dân sự Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Nội giải nghĩa: “Hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch trong đó thể hiện ý chí của một bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”[10], rồi tiến tới phân biệt như sau:
“Nhìn vào hình thức thì thực hiện công việc không có uỷ quyền giống như hành vi pháp lý đơn phương. Tuy nhiên, đối với hành vi pháp lý đơn phương thì chưa xác định được chủ thể bên kia và có thể không hình thành quan hệ nghĩa vụ. Nhưng thực hiện công việc của người khác[11] bao giờ cũng phát sinh quan hệ nghĩa vụ đối với các chủ thể được xác định”[12].
Hai đoạn văn trích dẫn này của cùng một giáo trình nhưng mâu thuẫn với nhau. Đoạn trích dẫn thứ nhất cho thấy bất kể việc tuyên bố ý chí đơn phương nào mà tạo lập ra một hậu quả pháp lý đều được xem là hành vi pháp lý đơn phương. Đoạn trích dẫn thứ hai lại cho thấy một sự tuyên bố ý chí đơn phương chỉ được xem là hành vi pháp lý đơn phương khi hội đủ hai điều kiện là: (1) chưa xác định được dứt khoát chủ thể bên kia; và (2) có thể không hình thành quan hệ nghĩa vụ. Chưa bàn đến sự đúng sai của hai quan niệm này, nhưng có thể nói đây chính là một khiếm khuyết của việc nhiều người cùng viết chung một giáo trình[13].
Quan điểm về sự phân biệt giữa hành vi pháp lý đơn phương và thực hiện công việc không có uỷ quyền của đoạn văn thứ hai này cần phải được nghiên cứu bằng cách xem xét hành vi pháp lý đơn phương là gì. Tuy nhiên phải nói ngay, nếu không có sự phân biệt như trên thì việc nghiên cứu hành vi pháp lý đơn phương lúc nào cũng là rất cần thiết trong các công trình nghiên cứu tổng quát về hợp đồng, bởi lẽ chính nó có tác dụng quan trọng trong việc hiểu biết sâu sắc về đề nghị giao kết hợp đồng vì chính đề nghị giao kết hợp đồng là một hành vi pháp lý đơn phương.
Trong một công trình nổi tiếng giới thiệu về luật tư của Québec (Canada), John E.C. Brierley và Roderick A. Macdonald khẳng định: luật tư của xứ sở này qui định cam kết đơn phương (hành vi pháp lý đơn phương) cho phép một người xác lập một hậu quả pháp lý, và bao gồm di chúc, thừa nhận cha đối với con, từ bỏ quyền thừa kế, khước từ chính thức một vật quyền, quyền chuộc lại trong hợp đồng mua bán, quyền chọn trong nghĩa vụ lựa chọn, phê chuẩn hợp đồng của vị thành niên, thực hiện công việc không có uỷ quyền, xác nhận lại một hợp đồng vô hiệu. Các hành vi pháp lý đơn phương không phụ thuộc vào một chế độ pháp lý đồng nhất. Dù vậy chúng vẫn mang đến một hiệu lực pháp lý bắt buộc[14]. Vì không thể thiết lập một qui chế pháp lý chung cho hành vi pháp lý đơn phương bởi tính phong phú của nó, nên các Bộ luật Dân sự vẫn phải thiết lập các qui chế pháp lý khác nhau cho từng nguồn gốc của nghĩa vụ theo cách thức của Luật La Mã. Điều này lý giải cho việc tại sao không có một phần riêng hay một chương riêng cho hành vi pháp lý đơn phương trong Bộ luật Dân sự trong khi Bộ luật Dân sự nào cũng có phần riêng hay chương riêng dành cho hợp đồng. Điều này cũng cho thấy khó có thể xây dựng một lý thuyết chung cho hành vi pháp lý đơn phương giống như lý thuyết chung cho hợp đồng. Vậy xét cho cùng, bằng ý muốn của chính bản thân mình (tự nguyện), một người tạo lập ra một hậu quả pháp lý thì được xem là hành vi pháp lý đơn phương. Nên thực hiện công việc không có uỷ quyền là việc một người tự nguyện gánh vác công việc của người khác mà anh ta không buộc phải như vậy, và làm phát sinh ra một hậu quả pháp lý, mà hậu quả này theo pháp luật Việt Nam bao gồm:
(1) Đối với người thực hiện: phải thực hiện công việc phù hợp với khả năng điều kiện của mình, như công việc của chính mình, phù hợp với ý định của người có công việc (nếu biết hoặc đoán trước được ý định của người đó); phải thông báo cho người có công việc về việc thực hiện công việc nếu có yêu cầu; phải tiếp tục thực hiện công việc trong trường hợp người có công việc chết cho đến khi có sự tiếp nhận của người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc; phải thông báo cho người có công việc, hoặc người đại diện hay người thân thích của người có công việc, hoặc có thể nhờ người khác thực hiện nếu không thể đảm nhận công việc (Điều 595, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005);
(2) Đối với người có công việc: phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện bàn giao; phải thanh toán chi phí hợp lý cho người thực hiện kể cả trong trường hợp kết quả công việc không đạt như mong muốn; phải trả thù lao cho người thực hiện khi công việc được thực hiện chu đáo, có lợi cho người có công việc (Điều 596, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005).
Trong pháp luật của Pháp, thực hiện công việc không có uỷ quyền (gestion d’affaires) hay phê chuẩn việc thực hiện công việc không có uỷ quyền (la ratification de la gestion d’affaires) được xem là hành vi pháp lý đơn phương. Theo Boris Starck hành vi pháp lý đơn phương không đòi hỏi thống nhất về mặt ý chí (ví dụ việc thừa nhận một đứa con ngoài giá thú, không cần thiết sự đồng ý của người con), nên bao gồm: di chúc, tuyên bố nhận thừa kế, từ bỏ một dịch quyền, xác nhận hành vi pháp lý vô hiệu, dừng hợp đồng thuê, đơn phương huỷ bỏ hợp đồng lao động, đề nghị giao kết hợp đồng, hứa thưởng, thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên[15]… Giải thích thuật ngữ phê chuẩn trong luật dân sự, một cuốn từ điển đối chiếu và giải thích thuật ngữ pháp lý Việt – Pháp nói:
“Về Dân luật, phê chuẩn là một hành vi đơn phương do đó một người nhận mọi quyền lợi và chịu mọi nghĩa vụ về một việc gì được một người khác tuy không được uỷ quyền mà nhân danh mình đã làm.
Thí dụ: quản lý sự vụ[16] hay những hành vi mà người được uỷ quyền đã làm ngoài phạm vi khế ước uỷ quyền”[17].
Qua các lược khảo trên có thể nói: trong các hệ thống pháp luật của Pháp, Québec (Canada), Việt Nam trước kia (theo truyền thống Pháp) đều nhận định thực hiện công việc không có uỷ quyền hay quản lý sự vụ là một hành vi pháp lý đơn phương. Các nhà làm luật của ta và Giáo trình luật dân sự Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Nội đã đưa ra sự phân biệt không mấy thuyết phục giữa hành vi pháp lý đơn phương và thực hiện công việc không có uỷ quyền. Có lẽ sự không thuyết phục là ở chỗ họ và giáo trình đó đã lồng ghép hai cách phân loại nguồn gốc của nghĩa vụ khác nhau vào làm một (được thể hiện trong Điều 281, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005): một cách phân loại theo hợp đồng và ngoài hợp đồng; và cách kia theo ý chí và ngoài ý chí. Bộ luật Dân sự Pháp đã không nhầm lẫn như vậy và đã thiết kế các qui định theo cách phân loại thứ nhất thể hiện cụ thể ở Quyển thứ ba (Các phương thức khác nhau thủ đắc quyền sở hữu), Thiên III (Hợp đồng hay nghĩa vụ hợp ước nói chung) và Thiên IV (Ước định tạo lập ngoài hợp ước).
II. Phân loại nghĩa vụ
Đối với nghĩa vụ, có nhiều cách phân loại khác nhau dựa trên nhiều căn cứ khác nhau. Những cách phân loại tinh tế nhất được tìm thấy trong luật nghĩa vụ. Tuy nhiên có những cách phân loại được đưa vào các đạo luật. Trong khi đó còn nhiều cách phân loại khác được phát triển bởi thực tiễn tư pháp và thông qua nghiên cứu chưa được phản ánh trong các đạo luật. Theo John E.C. Brierley và Roderick A. Macdonald cho rằng những cách phân loại này được phát triển trong suốt thế kỷ XX và đã trở thành những phương tiện cho cải cách pháp luật[18]. Phân loại là phần cốt yếu của khoa học pháp lý. Dựa vào từng phân loại, người ta có thể xây dựng các qui chế pháp lý khác nhau, đưa ra các giải pháp khác nhau cho các trường hợp thực tiễn. Do đó khi thực tiễn xảy ra tình huống mà nhà làm luật không dự liệu trước được thì người ta lại tìm cách phân loại để tìm ra giải pháp cho tình huống thực tiễn đó.
Các căn cứ để phân loại thường thấy trong luật nghĩa vụ bao gồm: (1) Hiệu lực; (2) nguồn gốc; (3) đối tượng, và (4) “mức độ”[19]. Ngoài ra còn nhiều căn cứ phân loại khác như chế tài, dạng thức…
1. Phân loại nghĩa vụ theo hiệu lực
Cách phân loại nghĩa vụ theo hiệu lực rất gần gũi với truyền thống pháp luật Việt Nam và cũng gần gũi với một số luật gia hiện nay ở Việt Nam. Nghĩa vụ hiểu theo nghĩa rộng bao gồm nghĩa vụ tự nhiên và nghĩa vụ dân sự mà trong đó nghĩa vụ tự nhiên không thể mang tố tụng trước toà án. Điều đó có nghĩa là nghĩa vụ được thừa nhận về mặt pháp lý rất rộng, song nhiều trong số chúng không bị phụ thuộc vào một chế độ pháp lý nhất định. Vì vậy nhiều luật gia đã đưa ra cách phân loại nghĩa vụ thành nghĩa vụ đạo đức, nghĩa vụ tự nhiên và nghĩa vụ dân sự (nghĩa vụ dân sự đôi khi được gọi là nghĩa vụ pháp lý[20]). Cách phân loại này hoàn toàn không xa lạ với pháp luật Việt Nam vì các Bộ luật Dân sự của các chế độ cũ đã thể hiện cách phân loại như vậy[21]. Trong số các nghĩa vụ này chỉ có nghĩa vụ dân sự mới có hiệu lực pháp lý. Tuy nhiên, các loại nghĩa vụ khác có những ý nghĩa nhất định, nhất là trong việc giải quyết tranh chấp giữa các bên trong quan hệ nghĩa vụ.
Nghĩa vụ đạo đức không có hiệu lực pháp lý mà chỉ đơn thuần là nghĩa vụ lương tâm. Chẳng hạn một người làm từ thiện đóng góp tiền nuôi những đứa trẻ mồ côi. Khoản tiền đóng góp hay thời gian đóng góp hoặc chính sự đóng góp phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng và lòng hảo tâm của người làm từ thiện.
Các luật gia La Mã còn đưa ra một loại nghĩa vụ nằm giữa loại nghĩa vụ dân sự và nghĩa vụ đạo đức – đó là nghĩa vụ tự nhiên. Mặc dù không có định nghĩa chính thức về loại nghĩa vụ này, nhưng để phân biệt nó với các loại nghĩa vụ khác, người ta chia nghĩa vụ tự nhiên thành hai loại:
Loại thứ nhất là các nghĩa vụ ban đầu là nghĩa vụ dân sự, sau đó trở thành nghĩa vụ tự nhiên (có nghĩa là trở nên không có hiệu lực pháp lý nữa). Chẳng hạn nghĩa vụ chi trả một khoản nợ đã hết thời hiệu hay nghĩa vụ của người vỡ nợ được giải phóng.
Loại thứ hai là những nghĩa vụ đạo đức đúng đắn đặc biệt rõ ràng và thúc buộc. Chẳng hạn nghĩa vụ trợ giúp những người nghèo khó trong gia đình, hoặc bù đắp những thiệt hại gây ra mà không có lỗi về mặt pháp lý, hoặc thực hiện những dịch vụ đã cam kết mà thiếu nguyên nhân hay khoản đối ứng có giá trị[22].
2. Phân loại nghĩa vụ theo nguồn gốc
Trước hết phải nói, phân loại nghĩa vụ theo nguồn gốc là cách phân loại căn bản luôn được phản ánh trong các Bộ luật Dân sự, tuy có thể khác nhau. Cách thức phân loại này ảnh hưởng lớn tới kết cấu của các Bộ luật Dân sự, chí ít là tới phần nói về nghĩa vụ. Chẳng hạn Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005, sau khi tuyên bố các nguồn gốc của nghĩa vụ tại Điều 281, Phần thứ ba của Bộ luật này, đã thiết lập các qui chế riêng cho từng loại nguồn gốc của nghĩa vụ như: hợp đồng; thực hiện công việc không có uỷ quyền; nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật; bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Cách thức phân loại nghĩa vụ này có từ thời La Mã cổ đại và được các luật gia thời đó xem là phân loại căn bản (summa divisio), bởi họ tin tưởng rằng sự phân loại này có thể giải thích được tất cả các qui tắc chi phối mỗi loại nghĩa vụ[23]. Theo luật La Mã, nghĩa vụ phát sinh
ra bởi các nguồn gốc như hợp đồng, chuẩn hợp đồng, vi phạm, chuẩn vi phạm, và các nghĩa vụ pháp định. ứng với mỗi nguồn gốc này là mỗi loại nghĩa vụ được giải thích như sau:
Thứ nhất, nghĩa vụ hợp đồng (contractual obligation) bao gồm toàn bộ các nghĩa vụ được tạo lập một cách tự nguyện từ sự thoả thuận của hai hoặc nhiều người.
Thứ hai, nghĩa vụ chuẩn hợp đồng (quasi- contractual obligation) là nghĩa vụ phát sinh giữa các bên như hậu quả của một hành vi hợp pháp của một bên, nhưng thiếu sự thoả thuận. Trong loại này bao gồm cả thực hiện công việc không có uỷ quyền.
Thứ ba, nghĩa vụ dân sự phạm (delictual obligation) là nghĩa vụ phát sinh từ hành vi cố ý gây thiệt hại cho người khác.
Thứ tư, nghĩa vụ chuẩn dân sự phạm (quasi- delictual obligation) là nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vô ý do sơ suất hoặc thiếu thận trọng gây thiệt hại cho người khác.
Thứ năm, nghĩa vụ pháp định là nghĩa vụ phát sinh thuần tuý từ pháp luật độc lập với ý chí của các bên hoặc bất kỳ hành vi nào từ phía họ[24].
Cách thức phân loại nghĩa vụ theo nguồn gốc tuy là một cách thức phân loại căn bản và được ghi nhận trong hầu hết các Bộ luật Dân sự, nhưng đã không thể bao quát được tất cả các nghĩa vụ, nhất là nghĩa vụ phát sinh ra bởi hành vi pháp lý đơn phương. Thuật ngữ chuẩn hợp đồng được sử dụng gượng ép bởi không thể định được rõ ràng các tiêu chuẩn chung của các nghĩa vụ loại này. Còn thuật ngữ nghĩa vụ pháp định không hoàn toàn chính xác bởi ngoài nghĩa vụ phát sinh do ý chí của đương sự thì chỉ pháp luật mới có thể thừa nhận hiệu lực thúc buộc của nghĩa vụ (nếu người thụ trái không tự ý thi hành)[25]. Ngày nay, để cố gắng khắc  phục những khiếm khuyết ấy, Bộ luật Dân sự Québec (Canada) qui định nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng hoặc từ bất kỳ hành vi hay sự kiện nào mà hiệu lực của nghĩa vụ bị ràng buộc bởi pháp luật (Điều 1372).
3. Phân loại nghĩa vụ theo đối tượng
Căn cứ vào đối tượng, nghĩa vụ được chia thành ba loại là nghĩa vụ chuyển giao, nghĩa vụ hành động, và nghĩa vụ không hành động ứng với cách phân loại đối tượng của nghĩa vụ. Cách phân loại này là một cách phân loại theo truyền thống mà chúng ta thường thấy trong các công trình nghiên cứu về nghĩa vụ. Tuy nhiên có nhiều luật gia Việt Nam gọi đây là các khách thể của quan hệ pháp luật nghĩa vụ. Vấn đề này có thể gây tranh luận.
Theo truyền thống, các nghĩa vụ trên được giải nghĩa như sau:
+ Nghĩa vụ chuyển giao là loại nghĩa vụ buộc người thụ trái chuyển giao vật, và được chia thành hai loại là: chuyển giao vật cả về mặt chất liệu và về mặt pháp lý cho trái chủ (ví dụ trong trường hợp mua bán, người bán phải chuyển giao vật và quyền sở hữu cho người mua); hoặc chỉ chuyển giao vật về mặt chất liệu cho trái chủ (ví dụ trong trường hợp thuê, người cho thuê phải chuyển giao quyền chiếm hữu vật cho người thuê)[26]. ở đây cần lưu ý rằng, theo truyền thống Civil Law, chiếm hữu được xem là một quan hệ thực tế, khác với pháp luật Việt Nam hiện nay quan niệm quyền chiếm hữu là một trong những quyền năng thuộc nội dung của quyền sở hữu.
+ Nghĩa vụ hành động là loại nghĩa vụ buộc người thụ trái phải thực hiện một việc gì đó cho trái chủ. Loại nghĩa vụ này thường thấy trong các loại hợp đồng dịch vụ (chẳng hạn: giặt là quần áo, cắt tóc gội đầu, xây dựng, chuyên chở…).
+ Nghĩa vụ không hành động là loại nghĩa vụ buộc người thụ trái kiềm chế không làm một việc gì đó. Có thể tìm thấy loại nghĩa vụ này trong các vấn đề như bảo mật thông tin, hạn chế cạnh tranh, không vi phạm dịch quyền… John E. C. Brierley và Roderick A. Macdonald cho rằng, nghĩa vụ loại này bao gồm toàn bộ nghĩa vụ vi phạm và nghĩa vụ chuẩn vi phạm, bởi đối tượng của chúng là không được gây thiệt hại cho người khác trong những điều kiện pháp lý nhất định[27].
Cách phân loại nghĩa vụ này cũng đã được Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 đề cập đến tại Điều 280 (định nghĩa về nghĩa vụ dân sự), và tiếp đó là Điều 289 (nghĩa vụ giao vật), Điều 291 (nghĩa vụ thực hiện hoặc không thực hiện một công việc). Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 đã cố gắng trình bày quan niệm của một số luật gia Việt Nam về mặt học thuật thông qua các qui định của Điều 280 và Điều 282, nên đã làm rắc rối và mâu thuẫn cho việc hiểu và phân loại nghĩa vụ theo đối tượng.
Trước hết phải thấy, đối tượng hay khách thể trong tiếng Anh đều được gọi là “object”[28]. Và Deluxe Black’s Law Dictionary giải nghĩa “object” là mục đích được  hướng tới. Không khác hơn, cuốn từ điển thuật ngữ pháp lý Việt – Pháp giải nghĩa thuật ngữ “objet” như sau: “Đối tượng của một nghĩa vụ là chủ đích của nghĩa vụ đó”.
4. Phân loại nghĩa vụ theo mức độ
ở trên đã nói, Luật Thương mại Việt Nam 2005 đã nhắc tới cách phân loại nghĩa vụ thành nghĩa vụ thành quả và nghĩa vụ mẫn cán trung thực, trong khi Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 có tiếng là đặt nền tảng lý luận cho toàn bộ hệ thống luật tư lại không có ý đồ phân loại nghĩa vụ như vậy. Tất nhiên việc phân loại nghĩa vụ như vậy trong Luật Thương mại Việt Nam 2005 đã tỏ ra thực sự tiến bộ. Đánh giá này là đúng đắn bởi cách phân loại như vậy được hầu hết các công trình nghiên cứu nghĩa vụ trong vài thập kỷ vừa qua nhắc tới. Tuy nhiên các Bộ luật Dân sự được xây dựng trong thế kỷ XIX và thời kỳ đầu của thế kỷ XX không đề cập tới cách thức phân loại đó.
Khi phân loại nghĩa vụ theo đối tượng, người ta có nhận xét, việc chia nghĩa vụ thành nghĩa vụ chuyển giao, nghĩa vụ hành động, nghĩa vụ không hành động thường xuất hiện trong khoa học pháp lý, nhưng không mang lại nhiều ích lợi như việc chia nghĩa vụ thành nghĩa vụ mẫn cán trung thực và nghĩa vụ thành quả[29]. Cách thức phân loại nghĩa vụ theo mức độ này mang lại sự khác biệt lớn về gánh nặng chứng minh sự vi phạm nghĩa vụ. Nó được sáng tạo ra bởi Demongue – một luật gia Pháp – vào khoảng đầu thế kỷ XX. Và kể từ đó trở đi, nó trở thành cách thức phân loại nghĩa vụ quan trọng trong khoa học pháp luật dân sự. Trong cách phân loại này, quan hệ giữa các bên trong bất kỳ nghĩa vụ nào được xem như có sự tham dự của một trong ba mức độ là: “sự cần mẫn” (yếu tố này cũng được coi là “phương tiện”); “kết quả”; và “sự bảo đảm”[30].
Trong nghĩa vụ mẫn cán trung thực, người thụ trái chỉ cam kết thi hành nghĩa vụ một cách mẫn cán, trung thực nhưng không cam kết mang đến một kết quả nhất định nào. Trong loại này, người trái chủ phải chứng minh người thụ trái không thực hiện nghĩa vụ, cũng như không hành động cẩn trọng. Còn trong nghĩa vụ thành quả, người thụ trái cam kết về một kết quả xác định. Trong loại nghĩa vụ này người thụ trái phải chứng minh sự không thực hiện nghĩa vụ là do một sự kiện ngẫu nhiên hoặc do một nguyên nhân được miễn giảm trách nhiệm nào khác.
5. Các cách phân loại khác về nghĩa vụ
Các cách thức phân loại nêu trên là các cách phân loại rất cơ bản mà thường thấy trong khoa học pháp luật dân sự. Tuy nhiên, người ta còn có nhiều cách phân loại khác nữa. Mỗi cánh thức phân loại có một tiện ích riêng, nhưng không bao quát được đầy đủ.
Có thể căn cứ vào chế tài hoặc vào các dạng thức, người ta còn phân chia nghĩa vụ thành các loại khác nhau. Các cách phân loại này có tính chất thực dụng hơn so với các cách phân loại truyền thống trong vấn đề thực hiện và cưỡng bức thi hành nghĩa vụ.
Phân loại nghĩa vụ theo chế tài
Thông thường pháp luật các nước chia ra ba loại chế tài truyền thống đối với vi phạm nghĩa vụ: Thứ nhất, bồi thường thiệt hại; thứ hai, buộc thực hiện nghĩa vụ; và thứ ba, buộc thực hiện nghĩa vụ thay thế. Có thể gọi đây là ba dạng thức cưỡng chế thi hành nghĩa vụ. Tương ứng với các chế tài này là các loại nghĩa vụ.
Phân loại nghĩa vụ theo dạng thức
Trong cách thức phân loại này còn nhiều căn cứ phân loại nhỏ. Căn cứ vào thời điểm thực hiện, người ta phân loại nghĩa vụ thành nghĩa vụ thực hiện ngay (như nghĩa vụ trong mua bán trao tay) và nghĩa vụ sẽ được thực hiện trong tương lai (như nghĩa vụ trả tiền vay, trả tiền thuê hoặc có điều kiện). Căn cứ vào số lượng đối tượng, người ta phân loại nghĩa vụ thành nghĩa vụ lựa chọn, nghĩa vụ nối tiếp và nghĩa vụ ngẫu nhiên. Căn cứ vào số lượng chủ thể, người ta phân loại nghĩa vụ thành nghĩa vụ phân chia được, nghĩa vụ không phân chia được, nghĩa vụ liên đới và nghĩa vụ không liên đới. Căn cứ vào sự chấm dứt và chuyển giao nghĩa vụ, người ta lại có thể phân loại nghĩa vụ thành nghĩa vụ được chấm dứt bởi hành động của người thụ trái (như nghĩa vụ được người thụ trái thực hiện), nghĩa vụ được chấm dứt bởi hành động của trái chủ (như nghĩa vụ được chuyển giao, được làm mới, được giải trừ), và nghĩa vụ được chấm dứt bởi hiệu lực của pháp luật (như bồi thường, hết thời hiệu, không thể thực hiện được). Thông thường những cách thức phân loại này không phải là trung tâm của các đạo luật về dân sự[31]. Tuy nhiên, chúng có tác dụng không nhỏ trong những trường hợp tranh chấp cụ thể.
Các Bộ luật Dân sự của các chế độ cũ ở Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi cách thức phân loại nghĩa vụ theo dạng thức của Bộ luật Dân sự Pháp, và chúng kế thừa nhau để đưa ra các qui tắc thực hiện hợp lý trong từng dạng thức.
Khác hẳn với cách phân loại nghĩa vụ theo dạng thức mà các Bộ luật Dân sự của các chế độ cũ ghi nhận, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 qui định phân loại nghĩa vụ dân sự (chủ yếu theo dạng thức) tại Mục 2 nói về thực hiện nghĩa vụ thuộc Chương XVII (nói về những qui định chung) của Phần thứ ba nói về nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự. Vì vậy, nhiều luật gia của Việt Nam hiện nay dường như đã cho rằng phân loại nghĩa vụ chỉ có tác dụng trong việc thực hiện nghĩa vụ, và dường như chỉ quan tâm tới phân loại nghĩa vụ theo dạng thức.
Theo dạng thức, dân luật của Việt Nam trước kia có phân loại như sau:
(1) Nghĩa vụ đơn thường là nghĩa vụ khi mới được tạo lập đã chắc chắn và có thể bắt thi hành ngay.
(2) Nghĩa vụ có kỳ hạn là nghĩa vụ mà theo đó trái chủ chỉ có thể yêu cầu thi hành sau một thời gian định trước hoặc khi một sự kiện xác định chắc chắn được dự liệu trước xảy ra.
(3) Nghĩa vụ có điều kiện là nghĩa vụ chỉ phát sinh hay giải trừ phụ thuộc vào một sự kiện đến sau không chắc chắn do ước định hoặc luật định. Điều kiện phát sinh được gọi là điều kiện đình chỉ. Còn điều kiện kia được gọi là điều kiện giải trừ.
(4) Nghĩa vụ có đối tượng tùy ý lựa chọn là nghĩa vụ có nhiều đối tượng khác nhau để người thụ trái tuỳ ý lựa chọn thực hiện. Việc lựa chọn cũng có thể dành cho trái chủ tuỳ thuộc vào sự thoả thuận. Loại nghĩa vụ này còn được gọi là nghĩa vụ luân lưu hay nghĩa vụ đắp đổi.
(5) Nghĩa vụ nhiệm ý hay nghĩa vụ tuỳ ý thuộc về đồ vật mắc nợ là nghĩa vụ chính buộc người thụ trái vào một đối tượng nhất định, nhưng người thụ trái có thể thực hiện nghĩa vụ với một đối tượng khác theo thoả thuận. Không giống hoàn toàn với quan niệm trên, Bộ luật Dân sự 2005 có định nghĩa về nghĩa vụ dân sự thay thế được như sau: “Nghĩa vụ dân sự thay thế được là nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ ban đầu thì có thể thực hiện một nghĩa vụ khác đã được bên có quyền chấp nhận để thay thế nghĩa vụ dân sự đó” (Điều 296).
(6) Nghĩa vụ đơn số là nghĩa vụ trong đó chỉ có một trái chủ và một người thụ trái. Nghĩa vụ này còn có tên gọi là nghĩa vụ giản đơn hay nghĩa vụ giản dị.
(7) Nghĩa vụ đa số là nghĩa vụ có nhiều trái chủ hay nhiều người thụ trái ngay từ lúc phát sinh. Trường hợp trái chủ hay người thụ trái qua đời có nhiều người thừa kế di sản cũng làm phát sinh ra nghĩa vụ đa số. Nghĩa vụ này còn được gọi là nghĩa vụ phiền phức. Loại nghĩa vụ này được chia thành nghĩa vụ cộng đồng (còn được gọi là nghĩa vụ chung hay nghĩa vụ cộng hiệp), nghĩa vụ liên đới, nghĩa vụ khả phân, nghĩa vụ bất khả phân. Bộ luật Dân sự 2005 gọi nghĩa vụ khả phân và nghĩa vụ bất khả phân tương ứng là nghĩa vụ dân sự phân chia được theo phần và nghĩa vụ dân sự không phân chia được theo phần. Còn đối với nghĩa vụ cộng đồng, Bộ luật Dân sự này gọi là nghĩa vụ dân sự riêng rẽ.
Nghĩa vụ cộng đồng là nghĩa vụ có sự cộng đồng giữa các trái chủ hay người thụ trái mà theo đó phần mỗi trái chủ có thể yêu cầu hay mỗi người thụ trái có thể phải thực hiện tuỳ thuộc vào sự thoả thuận hay tuỳ thuộc vào tình trạng thực tế mà ấn định. Có thể thấy, Điều 297, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 về loại nghĩa vụ này chỉ chú ý đến sự thực hiện nghĩa vụ của người thụ trái, mà không chú ý tới sự yêu cầu của bên có quyền. Qua đây cũng có thể nhận xét Bộ luật Dân sự này dường như không đề cập tới trường hợp cộng đồng của các trái chủ.
Nghĩa vụ liên đới cũng được chia thành hai loại là nghĩa vụ liên đới giữa các trái chủ với nhau và nghĩa vụ liên đới giữa các người thụ trái đối với nhau. Nghĩa vụ liên đới giữa các trái chủ với nhau là một nghĩa vụ nhiều người mà theo đó mỗi trái chủ có quyền yêu cầu người thụ trái phải thi hành toàn bộ nghĩa vụ, và việc thực hiện như vậy làm cho người thụ trái hết nghĩa vụ đối với mỗi và tất cả các trái chủ, kể cả trường hợp trái quyền có thể phân chia giữa các trái chủ. Nghĩa vụ liên đới giữa các người thụ trái với nhau là nghĩa vụ mà theo đó tất cả các người thụ trái bị ràng buộc chung vào một nghĩa vụ dẫn đến việc mỗi người thụ trái phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, và khi có một người thụ trái đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, thì tất cả các người thụ trái hết nghĩa vụ đối với trái chủ.
Nghiên cứu về phân loại nghĩa vụ theo dạng thức của dân luật Việt Nam ở dưới các chế độ cũ cho thấy, việc phân loại nghĩa vụ như vậy có nhiều tiện ích. Nhưng ngày nay, Bộ luật Dân sự 2005 không thực sự qui định riêng về phân loại theo dạng thức mà chỉ đề cập tới cách thức phân loại này ở khía cạnh nhỏ của việc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ. Có lẽ những người viết giáo trình về luật dân sự Việt Nam của các cơ sở đào tạo luật chỉ quan tâm tới việc diễn giải Bộ luật Dân sự ra lời lẽ thông thường nên bỏ qua cấu trúc bên trong của pháp luật – đó chính là phần phân loại ở nhiều cấp độ khác nhau.
Chú thích:
[1] Vũ Tam Tư, Luật Rôma: Khế ước & Nghĩa vụ, Trường đại học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Lưu hành nội bộ, tr. 47
[2] Nigel Foster, German Law & Legal System, Blackstone Press Limited, London, 1993, p. 214.
[3] Louis Bach, Droit Civil- Tome 1, 13e édition, Sirey, p. 493
[4] Nigel Foster, German Law & Legal System, Blackstone Press Limited, London, 1993
[5] Boris Starck, Droit Civil, Obligations, 2. Contrat, Troisième édition, Litec, 1989, p.5
[6] Lưu ý trong cuộc sống thường nhật, mọi người thường sử dụng từ “giao dịch” để diễn đạt sự giao tiếp, trao đổi với nhau về một vấn đề gì đó. Nhiều khi họ thường thêm tính từ vào đó để phân biệt loại giao tiếp hay trao đổi về vấn đề này với giao tiếp hay trao đổi vấn đề khác (ví dụ như “giao dịch thương mại”, “giao dịch kinh doanh”, “giao dịch buôn bán”… Nhưng trong lĩnh vực pháp lý, thuật ngữ “giao dịch” chỉ một nguyên nhân làm phát sinh ra hậu quả pháp lý. Nên thuật ngữ “giao dịch pháp lý” được dùng ở đây để phân biệt giữa giao dịch với tính cách là một thuật ngữ pháp lý với một từ ngữ đời thường.
[7] Japan International Cooperation Agency (JICA), Japanese Laws (Volume 2: 1997- 1998 )  – Luật Nhật Bản (Tập II: 1997- 1998), Youth Publishing House- Nhà xuất bản thanh niên, Song ngữ Anh – Việt, pp. 110- 111
[8] Xaca Vacaxum, Tori Aridumi, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự Nhật Bản, Nguyễn Đức Giao và Lưu Tiến Dũng dịch ra tiếng Việt, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 117- 118
[9] Lưu ý “hành vi lưỡng tính” là tên do tác giả bài viết đặt cho loại hành vi theo quan điểm của Xaca Vacaxum và Tori Aridumi để tạo thuận lợi cho việc bình luận và trao đổi (NHC)
[10] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam – Tập 1, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 141
[11] Đoạn văn này được viết trong mục “Thực hiện công việc không có uỷ quyền”, nên sự diễn đạt “ thực hiện công việc của người khác” chính là sự diễn đạt thực hiện công việc không có uỷ quyền
[12] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam – Tập 2, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 20
[13] Giáo trình này cho biết: Đoạn văn thứ nhất là của TS. Bùi Đăng Hiếu và ThS. Kiều Thị Thanh; còn đoạn văn thứ hai của TS. Phạm Văn Tuyết
[14] John E. C. Brierley, Roderick A. Macdonald, Quebec Civil Law- An Introduction to Quebec Private Law, Emond Montgomery Publications Limited, Toronto, Canada, 1993, p. 429
[15] Boris Starck, Droit Civil, Obligations, 2. Contrat, Troisième édition, Litec, 1989, pp. 16- 17
[16] Lưu ý: Từ điển “Danh- từ pháp – luật lược – giải” của Trần Thúc Linh gọi thực hiện công việc không có uỷ quyền là quản lý sự vụ
[17] Trần Thúc Linh, Danh- từ pháp – luật lược – giải, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn
[18] John E. C. Brierley, Roderick A. Macdonald, Quebec Civil Law- An Introduction to Quebec Private Law, Emond Montgomery Publications Limited, Toronto, Canada, 1993, p. 381
[19] Lưu ý: Việc sử dụng thuật ngữ “mức độ” ở đây chưa thật sự chính xác. Tuy nhiên thuật ngữ này sẽ được giải thích sau. “Mức độ” được dịch từ thuật ngữ “intensity” (tiếng Anh)
[20] Sử dụng thuật ngữ “nghĩa vụ pháp lý” là thoả đáng đối với cách phân loại nghĩa vụ theo hiệu lực, nhưng nó dễ bị nhầm lẫn với “nghĩa vụ pháp định” mà tiếng Pháp gọi là “obligation légale” với tính cách là một nguồn gốc của nghĩa vụ. Vũ Văn Mẫu phê bình thuật ngữ nghĩa vụ pháp định không chính xác, bởi các loại nghĩa vụ phát sinh ngoài ý chí của đương sự (nếu chia theo nguồn gốc) đều có thể gọi là nghĩa vụ pháp định vì chỉ có pháp luật mới có thể thừa nhận hiệu lực thúc buộc của nghĩa vụ khi người thụ trái không tự nguyện thi hành nghĩa vụ. Nói cách khác, thuật ngữ nghĩa vụ pháp định phải được dùng cho các nghĩa vụ dân sự phạm, chuẩn dân sự phạm và nghĩa vụ chuẩn khế ước (Vũ Văn Mẫu, Việt Nam dân luật lược khảo – Quyển II: Nghĩa vụ và khế ước, In lần thứ nhất, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1963, tr. 25)
[21] Chương 1 của Giáo trình này đã dẫn một số điều khoản của Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ 1931, Bộ luật Dân sự Trung Kỳ 1936 và Bộ luật Dân sự 1972 của Việt Nam Cộng hoà
[22] John E. C. Brierley, Roderick A. Macdonald, Quebec Civil Law- An Introduction to Quebec Private Law, Emond Montgomery Publications Limited, Toronto, Canada, 1993, p. 382
[23] Vũ Văn Mẫu, Việt Nam dân luật lược khảo – Quyển II: Nghĩa vụ và khế ước, In lần thứ nhất, Bộ quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1963, tr. 23
[24] John E. C. Brierley, Roderick A. Macdonald, Quebec Civil Law- An Introduction to Quebec Private Law, Emond Montgomery Publications Limited, Toronto, Canada, 1993, p. 383
[25] Vũ Văn Mẫu, Việt Nam dân luật lược khảo – Quyển II: Nghĩa vụ và khế ước, In lần thứ nhất, Bộ quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1963, tr. 25
[26] John E. C. Brierley, Roderick A. Macdonald, Quebec Civil Law- An Introduction to Quebec Private Law, Emond Montgomery Publications Limited, Toronto, Canada, 1993, p. 385
[27] John E. C. Brierley, Roderick A. Macdonald, Quebec Civil Law- An Introduction to Quebec Private Law, Emond Montgomery Publications Limited, Toronto, Canada, 1993, p. 385
[28] Hữu Ngọc, Sổ tay người dịch tiếng Anh, Nxb Giáo dục, 1996, tr. 68, 70
[29] Vũ Văn Mẫu, Việt Nam dân luật lược khảo – Quyển II: Nghĩa vụ và khế ước, In lần thứ nhất, Bộ quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1963, tr. 28
[30] John E. C. Brierley, Roderick A. Macdonald, Quebec Civil Law- An Introduction to Quebec Private Law, Emond Montgomery Publications Limited, Toronto, Canada, 1993, p. 386
[31] John E. C. Brierley, Roderick A. Macdonald, Quebec Civil Law- An Introduction to Quebec Private Law, Emond Montgomery Publications Limited, Toronto, Canada, 1993, p. 388
————————–
TÌM HIỂU THÊM QUAN ĐIỂM CỦA TÁC GIẢ NGHĨA VỤ DÂN SỰ TẠI ĐÂY

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code