THS. NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI – Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Hành chính khu vực II
Tập quán pháp là những
tập quán được Nhà nước thừa nhận có giá trị pháp lý, trở thành những quy
tắc xử sự chung và được Nhà nước đảm bảo thực hiện (1). Khi Nhà nước
cần điều chỉnh một quan hệ xã hội, thông thường Nhà nước sẽ ban hành các
quy phạm pháp luật.
Tập quán pháp là những tập quán được Nhà nước thừa
nhận có giá trị pháp lý, trở thành những quy tắc xử sự chung và được Nhà
nước đảm bảo thực hiện (1). Khi Nhà nước cần điều chỉnh một quan hệ xã
hội, thông thường Nhà nước sẽ ban hành các quy phạm pháp luật. Tuy
nhiên, trong nhiều trường hợp, quan hệ xã hội mà Nhà nước cần điều chỉnh
lại đang được điều chỉnh bởi các quy phạm tập quán. Vì thế, nếu những
tập quán này phù hợp với mục tiêu điều chỉnh các quan hệ xã hội của Nhà
nước, nhiều Nhà nước sẽ sử dụng phương pháp thừa nhận, làm cho tập quán
đó trở thành quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung được Nhà nước đảm bảo
thực hiện. Như vậy, để được coi là tập quán pháp thì bản thân quy phạm
tập quán đó bắt buộc phải được Nhà nước thừa nhận bằng một trong hai
cách: hoặc thông qua một quy định mang tính nguyên tắc cho mọi trường
hợp (2), hoặc thông qua một quy định chi tiết cho từng trường hợp cụ thể
(3).
1. Nhận diện tập quán pháp qua Bộ luật Dân sự năm 2005
Trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005,
Nhà nước ta đã thừa nhận một số tập quán. Việc thừa nhận này trước hết
thông qua một quy định mang tính nguyên tắc thể hiện tại Điều 3: “Trong
trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì
có thể áp dụng tập quán; nếu không có tập quán thì áp dụng quy định
tương tự của pháp luật. Tập quán và quy định tương tự của pháp luật
không được trái với những nguyên tắc quy định trong BLDS” (4).
Đồng thời, để cụ thể hóa nguyên tắc nói trên, BLDS
năm 2005 cũng đã đưa ra nhiều quy định chi tiết thừa nhận tập quán trong
một số trường hợp xác định.
Thứ nhất, áp dụng tập quán điều chỉnh quan hệ nhân
thân. Trong số những quyền nhân thân được BLDS năm 2005 ghi nhận, bảo vệ
thì quyền xác định dân tộc là quyền có sự tham gia điều chỉnh của tập
quán pháp. Khoản 1 Điều 28 BLDS năm 2005, quy định: “Cá nhân khi sinh ra
được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trong trường hợp
cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của người con
được xác định là dân tộc của cha đẻ hoặc dân tộc của mẹ đẻ theo tập quán
hoặc theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ”. Như vậy tập quán của dân tộc
về việc lựa chọn dân tộc cho con khi cha mẹ khác nhau về dân tộc được
nhà nước thừa nhận, coi như pháp luật.
Thứ hai, áp dụng tập quán trong một số vấn đề liên
quan đến giao dịch dân sự như giải thích giao dịch dân sự (bao gồm cả
hợp đồng dân sự); hình thức giao dịch hụi, họ; giao dịch thuê tài sản.
Theo Khoản 1 Điều 126 BLDS năm 2005, khi giao dịch
dân sự có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì việc giải thích giao
dịch đó được thực hiện theo thứ tự:
a) Theo ý muốn đích thực của các bên khi xác lập giao dịch;
b) Theo nghĩa phù hợp với mục đích của giao dịch;
c) Theo tập quán nơi giao dịch được xác lập.
Như vậy, tập quán nơi giao dịch được xác lập nếu được
lựa chọn để giải thích giao dịch dân sự thì đó chính là tập quán pháp.
Phù hợp với quy định đó, Khoản 4 Điều 409 BLDS 2005 quy định: khi hợp
đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo
tập quán tại địa điểm nơi giao kết hợp đồng. Đặc biệt, giao dịch hụi,
họ, biêu, phường được BLDS ghi nhận ở Khoản 1 Điều 479 là một hình thức
giao dịch về tài sản theo tập quán.
Tập quán còn được sử dụng để xác định nghĩa vụ bảo
đảm giá trị sử dụng tài sản thuê trong giao dịch thuê tài sản. Khoản 1
Điều 485 và Khoản 1 Điều 489 BLDS năm 2005 quy định: “Bên cho thuê phải
sửa chữa những hư hỏng, khuyết tật của tài sản thuê, trừ hư hỏng nhỏ mà
theo tập quán bên thuê phải tự sửa chữa”; “Bên thuê phải trả đủ tiền
thuê đúng thời hạn đã thoả thuận; nếu không có thoả thuận về thời hạn
trả tiền thuê thì thời hạn trả tiền thuê được xác định theo tập quán nơi
trả tiền; nếu không thể xác định được thời hạn theo tập quán thì bên
thuê phải trả tiền khi trả lại tài sản thuê”.
Thứ ba, áp dụng tập quán trong vấn đề xác lập quyền
sở hữu chung, hình thành, quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung của
cộng đồng. Việc xác lập quyền sở hữu chung có thể được thực hiện theo
thỏa thuận của các chủ sở hữu, theo quy định của pháp luật và cũng có
thể được hình thành theo tập quán (Điều 215 BLDS năm 2005). Riêng đối
với sở hữu chung của cộng đồng thì việc hình thành, quản lý, sử dụng,
định đoạt có thể theo thỏa thuận hoặc theo tập quán nhưng không được
trái pháp luật, trái đạo đức xã hội (Điều 220 BLDS năm 2005).
Thứ tư, áp dụng tập quán trong vấn đề nghĩa vụ dân
sự. Có rất nhiều loại nghĩa vụ cụ thể được quy định trong BLDS năm 2005,
nhưng chỉ có ba loại nghĩa vụ sau đây có sự tham gia điều chỉnh của tập
quán, đó là nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản, nghĩa
vụ bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra và nghĩa vụ tài sản liên quan
đến thừa kế. Tại Khoản 1 Điều 265 BLDS năm 2005 quy định việc xác định
ranh giới giữa các bất động sản có thể theo tập quán. Đến Điều 625,
nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra được quy định tại Khoản 4
là nếu súc vật thả rông theo tập quán gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc
vật phải bồi thường theo tập quán. Liên quan đến vấn đề thừa kế, Điều
683 quy định thứ tự ưu tiên thanh toán các nghĩa vụ, ngay tại Khoản 1,
chi phí đầu tiên được ưu tiên thanh toán chính là chi phí mai táng hợp
lý theo tập quán.
Thứ năm, vấn đề tập quán quốc tế. Sẽ là một thiếu sót
nếu chúng ta không đề cập đến tập quán quốc tế trong các giao lưu dân
sự theo nghĩa rộng trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập hiện nay. Tại
Khoản 4 Điều 759 của BLDS năm 2005, nguyên tắc áp dụng tập quán quốc tế
được quy định như sau: “Trong trường hợp quan hệ dân sự có yếu tố nước
ngoài không được Bộ luật này, các văn bản pháp luật khác của nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc hợp đồng dân sự giữa các bên điều
chỉnh thì áp dụng tập quán quốc tế, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của
việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Trên thực tế, các tập quán này được
áp dụng rất nhiều trong hoạt động thương mại quốc tế.
2. Việc thực hiện nguyên tắc áp dụng tập quán trong BLDS năm 2005
Từ những quy định trong BLDS năm 2005, có thể khẳng
định, tập quán chính thức được thừa nhận tham gia điều chỉnh các quan hệ
xã hội như các quy tắc xử sự do Nhà nước đặt ra. Tuy nhiên, trên thực
tiễn, việc áp dụng tập quán còn gặp nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên
cứu, giải quyết. Hiện có hai xu hướng thường xảy ra liên quan đến việc
áp dụng các quy phạm pháp luật có viện dẫn tập quán: thứ nhất, các cơ
quan nhà nước có thẩm quyền ban hành ra một văn bản quy phạm pháp luật
mới điều chỉnh luôn vấn đề được quy định là áp dụng theo tập quán. Chẳng
hạn, từ Điều 479 BLDS năm 2005 về hụi, họ, biêu, phường, ngày
27/11/2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2006/NĐ-CP về hụi, họ,
biêu, phường. Thứ hai, tránh áp dụng tập quán mặc dù đã được pháp luật
cho phép áp dụng tập quán. Ví dụ, về vấn đề xác định ranh giới giữa các
bất động sản liền kề, Điều 265 BLDS năm 2005 quy định thực hiện theo
thoả thuận của các chủ sở hữu hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền; ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc
theo ranh giới đã tồn tại từ ba mươi năm trở lên mà không có tranh chấp.
Như vậy, nếu không có thỏa thuận giữa các chủ sở hữu và quyết định của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan xét xử khi giải quyết vấn đề này
đương nhiên có thể xác định ranh giới theo tập quán. Nhưng có trường
hợp tòa án khi xét xử tranh chấp đã không xem xét tập quán, nên đã làm
ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự (5).
Sở dĩ có hiện tượng này, theo chúng tôi có nhiều
nguyên nhân, trong đó, có một nguyên nhân quan trọng là đối với cơ quan
xét xử, hiệu quả của việc áp dụng tập quán chưa cao. Thực tế khảo sát ở
một số tỉnh miền núi thường xuyên áp dụng phong tục, tập quán cho thấy,
có đến một nửa số bản án, quyết định viện dẫn tập quán để giải quyết
tranh chấp không được Viện kiểm sát, Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận.
Ngay đối với các đoàn thể xã hội cũng chỉ chấp nhận, đồng tình với 58,3%
các bản án, quyết định có áp dụng tập quán (6).
Một nguyên nhân cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu
quả của việc áp dụng tập quán, gây ra tâm lý né tập quán, đó là do các
quy định liên quan đến việc áp dụng tập quán còn chưa rõ ràng, minh
bạch. Mặc dù Điều 3 của BLDS năm 2005 đã khắc phục được hạn chế này của
Điều 14 BLDS năm 1995 (nếu như trong Điều 14 BLDS năm 1995, nhà làm luật
không xác định rõ thứ tự ưu tiên áp dụng của tập quán và quy định tương
tự của pháp luật, thì đến BLDS năm 2005 tại Điều 3 xác định rất rõ, tập
quán được ưu tiên áp dụng trước, nếu không có tập quán mới áp dụng quy
định tương tự của pháp luật). Tuy nhiên, trong các điều luật còn lại có
liên quan đến áp dụng tập quán nêu trong BLDS năm 2005 vẫn có những quy
định khiến chủ thể áp dụng pháp luật lúng túng. Ví dụ theo Khoản 1 Điều
28 BLDS năm 2005 “Trong trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc
khác nhau thì dân tộc của người con được xác định là dân tộc của cha đẻ
hoặc dân tộc của mẹ đẻ theo tập quán hoặc theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ
đẻ”. Từ quy định này, không rõ tập quán được ưu tiên áp dụng hay thỏa
thuận của cha mẹ và tập quán đều được ưu tiên áp dụng như nhau? Hay như
quy định tại Điều 265 BLDS năm 2005 “ranh giới (giữa các bất động sản
liền kề) cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã
tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp”. Câu hỏi đặt ra ở đây
là nếu vừa thỏa mãn cả điều kiện có tập quán điều chỉnh và cả điều kiện
có ranh giới tồn tại từ 30 năm trở lên không có tranh chấp, nhưng kết
quả giải quyết theo hai căn cứ này hoàn toàn trái ngược, thì áp dụng
theo căn cứ nào?
Từ những nhận thức trên, chúng tôi cho rằng, để tập
quán pháp phát huy hiệu quả cao khi tham gia điều chỉnh các quan hệ xã
hội trong lĩnh vực dân sự, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, trong
đó có những giải pháp quan trọng như:
Một là, xây dựng các quy phạm pháp luật định nghĩa về
tập quán, tập quán pháp. Tập quán pháp dưới góc độ là một thuật ngữ
pháp lý vốn đã được nhiều công trình khoa học xây dựng khái niệm. Tất cả
các giáo trình Lý luận về nhà nước và pháp luật hay Pháp luật đại cương
đều có đưa ra khái niệm này. Còn tập quán, nếu tiếp cận từ góc độ văn
hóa lịch sử, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều cách lý giải khác nhau. Tại
điểm b tiểu mục 2.7 mục 2 Phần II Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày
17/9/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi
hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về chứng minh và chứng
cứ cũng đã nêu định nghĩa về tập quán như sau: “Tập quán là thói quen đã
thành nếp trong đời sống xã hội, trong sản xuất và sinh hoạt thường
ngày, được cộng đồng nơi có tập quán đó thừa nhận và làm theo như một
quy ước chung của cộng đồng”. Trong nỗ lực xây dựng và hoàn thiện một hệ
thống pháp luật mà tính minh bạch luôn được nhấn mạnh, theo chúng tôi,
các định nghĩa này không thể chỉ dừng lại ở góc độ khoa học, chúng cần
phải được ban hành trong một văn bản có giá trị pháp lý cao. Có như vậy,
việc xác định, áp dụng chúng mới chính xác, có cơ sở. Đồng thời, các
định nghĩa sẽ làm căn cứ cho việc tập hợp các tập quán để hỗ trợ Nhà
nước trong việc quản lý xã hội cũng như để vận động xóa bỏ.
Hai là, tập hợp tập quán theo các tiêu chí cụ thể.
Đây không phải là điều mới, không phải là điều chưa từng được ai thực
hiện, nhưng cũng không phải là điều dễ làm. Từ những năm 20 của thế kỷ
XX, sau một thời gian dài cai trị các nước Đông Dương, do nhận thức được
sự bất lực trong việc cai trị bằng pháp luật ở Tây Nguyên, người Pháp
đã chuyển sang nghiên cứu luật tục và sử dụng chúng trong hoạt động xét
xử (7). Nhà nước ta hiện nay cũng đã bước đầu thực hiện việc này nhưng
gần như mới chỉ dừng ở mức độ ban hành danh mục một số tập quán, phong
tục lạc hậu nghiêm cấm vận dụng hoặc cần vận động xóa bỏ (ví dụ như tại
Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 32/2004/NĐ-CP ngày 27/3/2002 của
Chính phủ quy định việc áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đối
với các dân tộc thiểu số). Theo chúng tôi, từ việc thừa nhận một số tập
quán trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, coi chúng như pháp luật,
thì việc tập hợp chúng, xác định phạm vi tác động, giá trị áp dụng của
chúng là điều cần thiết để tránh áp dụng tùy tiện hoặc bỏ sót.
Ba là, lựa chọn Hội thẩm nhân dân trong trường hợp
giải quyết vụ việc dân sự có áp dụng tập quán. Chúng ta không có tòa án
phong tục, điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể áp dụng tập quán
một cách có hiệu quả. Nếu trong phiên tòa hình sự có bị cáo là người
chưa thành niên thì Hội thẩm nhân dân thường là cán bộ Đoàn thanh niên
hoặc giáo viên, tương tự như vậy, trong việc xét xử dân sự, nếu có áp
dụng tập quán, nên chăng chúng ta cũng lựa chọn những Hội thẩm có sự
hiểu biết sâu sắc về các tập quán đó.
Bốn là, phát huy vai trò của các cá nhân, tổ chức có
uy tín trong việc áp dụng tập quán. Khác với pháp luật, tập quán cũng
như đạo đức và các quy phạm xã hội khác không có cơ chế đảm bảo thực
hiện bằng Nhà nước. Việc tập quán được thực hiện tốt hay không có ảnh
hưởng một phần không nhỏ từ vai trò của cộng đồng, của người đứng đầu
cộng đồng nơi tồn tại tập quán đó. Vì vậy, chúng ta cần phát huy vai trò
của những nhân tố có ảnh hưởng tốt tới hiệu quả áp dụng tập quán, như
già làng, trưởng bản, tộc trưởng dòng họ, các tổ chức tự quản để người
dân tự nguyện thực hiện, thay vì để phát sinh tranh chấp lại phải quay
lại tìm các tập quán đó giải quyết.
Năm là, hoàn thiện pháp luật quy định về tập quán
theo nguyên tắc hài hòa, phù hợp, tránh xu hướng coi nhẹ cũng như quá đề
cao vai trò của tập quán. Một vấn đề cũng mang tính nguyên tắc đã được
BLDS năm 2005 ghi rõ, đó là chỉ áp dụng tập quán khi pháp luật không quy
định, và việc áp dụng không được trái nguyên tắc cơ bản của BLDS cũng
như đạo đức xã hội, có nghĩa là trong điều kiện có thể, Nhà nước nhất
thiết phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tập quán chỉ được, và
chỉ nên áp dụng khi pháp luật chưa đầy đủ, hoàn thiện. Nhưng nếu đã quy
định áp dụng tập quán thì quy định đó phải minh bạch. Và nếu có nhiều
lựa chọn, tập quán chỉ là một trong những lựa chọn mà pháp luật cho
phép, thì cần nêu rõ thứ tự ưu tiên áp dụng tập quán.
Mặc dù pháp luật của chúng ta không có nhiều quy định
cho phép áp dụng tập quán, nhưng một khi Nhà nước đã thừa nhận, thì bản
thân các tập quán đó trở thành tập quán pháp, trở thành pháp luật,
chúng cần phải được đảm bảo thực hiện.
Chú thích:
(1) Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB ĐHQG, H. 2005, tr307.
(2) Ví dụ tại Điều 40 Bộ luật Hồng Đức quy định:
“Những người miền thượng du cùng phạm tội với nhau thì theo phong tục xứ
ấy mà định tội. Những người thượng du phạm tội với người trung châu thì
theo luật mà định tội. Đây là quy định mang tính nguyên tắc.
(3) Ví dụ Điều 28 BLDS nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2005 là quy định cho trường hợp cụ thể.
(4) BLDS năm 1995 quy định vấn đề này tại Điều 14:
“Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thoả
thuận, thì có thể áp dụng tập quán hoặc quy định tương tự của pháp luật,
nhưng không được trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật này.
Theo Điều luật này, tập quán hoặc quy định tương tự của pháp luật có thứ
tự ưu tiên áp dụng như nhau. Đến Điều 3 của BLDS năm 2005, tập quán
được ưu tiên áp dụng trước, nếu không có tập quán mới áp dụng quy định
tương tự của pháp luật.
(5) Xem thêm: “Ranh giới đất, xác định sao cho đúng?”, Pháp luật TP HCM online, ngày 13/3/2008.
(6) Theo thông tin được công bố tại địa chỉ http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2007/09/11/3456134 của Nguyễn Hồng Hải, Giảng viên Khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật Hà Nội.
(7) Xem thêm: Phan Đăng Nhật, Tòa án phong tục: một
kiểu vận dụng luật tục có hiệu quả. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số
3/2007, tr19.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 5 (142) THÁNG 3/2009
0 comments:
Post a Comment