DỰ THẢO ngày 05 tháng 9 năm 2007
NGHỊ ĐỊNH
Về chế độ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ
_____________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998; Pháp
lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh cán bộ, công chức ngày
28 tháng 4 năm 2000; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp
lệnh cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức,
viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong các cơ quan nhà nước
sau:
a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
b) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ máy hành chính nhà nước ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã;
c) Văn phòng Quốc Hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng;
d) Tòa án nhân dân các cấp, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp;
đ) Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam ở nước ngoài;
e) Cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.
2. Những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ
quan nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này cũng phải thực hiện chế độ
trách nhiệm quy định tại Nghị định này.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. ”Chế độ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức”: là các
quy định của Nhà nước yêu cầu cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ,
công vụ phải làm và những việc cán bộ, công chức không được làm, nếu
cán bộ, công chức vi phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. ”Nhiệm vụ, công vụ”: là những hoạt động do cán bộ, công chức, viên
chức tiến hành theo quy định của pháp luật được cấp có thẩm quyền phân
công.
Điều 3. Căn cứ xác định trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức
1. Nghĩa vụ và những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm quy định tại Pháp lệnh cán bộ, công chức;
2. Chức trách, nhiệm vụ cụ thể và quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền giao và phân công;
3. Nội dung chế độ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Nghị định này.
Điều 4. Các hình thức trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có hành vi vi phạm
1. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trong
thi hành nhiệm vụ, công vụ phải chịu một hoặc nhiều hình thức trách
nhiệm sau đây:
a) Trách nhiệm kỷ luật;
b) Trách nhiệm dân sự;
c) Trách nhiệm vật chất;
d) Trách nhiệm hình sự;
đ) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm kỷ luật: cán bộ, công chức, viên chức nếu có hành vi
vi phạm pháp luật trong thi hành nhiệm vụ, công vụ đến mức phải xử lý kỷ
luật thì phải bị xử lý kỷ luật theo các quy định của pháp luật về xử lý
kỷ luật đối với cán bộ, công chức.
3. Trách nhiệm dân sự: cán bộ, công chức, viên chức nếu có hành vi vi
phạm pháp luật trong thi hành nhiệm vụ, công vụ gây thiệt hại, xúc phạm
danh dự, nhân phẩm của cá nhân, uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị đến
mức phải chịu trách nhiệm dân sự thì ngoài việc xử lý kỷ luật phải bị
xử lý về trách nhiệm dân sự. Việc xử lý trách nhiệm dân sự đối với cán
bộ, công chức, viên chức phải tuân theo quy định của pháp luật dân sự.
4. Trách nhiệm vật chất: cán bộ, công chức, viên chức nếu có hành vi
vi phạm pháp luật trong thi hành nhiệm vụ, công vụ làm mất mát, hư hỏng
trang bị, thiết bị hoặc gây ra thiệt hại về tài sản của cơ quan, tổ
chức, đơn vị, nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì
phải chịu trách nhiệm vật chất theo quy định của pháp luật.
5. Trách nhiệm hình sự: cán bộ, công chức, viên chức nếu có hành vi
vi phạm pháp luật trong thi hành nhiệm vụ, công vụ có dấu hiệu cấu thành
tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc xử lý trách nhiệm hình
sự đối với cán bộ, công chức, viên chức phải tuân theo quy định của
pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
Chương II
CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM
ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
Điều 5. Nội dung chế độ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức
Cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi nhiệm vụ, công vụ phải chịu trách nhiệm về các nội dung sau:
1. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và chấp
hành nghiêm những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm do
pháp luật quy định;
2. Tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ, công vụ được cấp trên giao
theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm nhiệm vụ, công vụ được thực
hiện đúng quy trình nghiệp vụ, đúng thời gian, thời hạn quy định; bảo
đảm số lượng và chất lượng đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả nhiệm
vụ, công vụ đã thực hiện. Trường hợp khi giải quyết công việc cần thiết
phải kéo dài thời gian quy định thì phải có trách nhiệm báo cáo cho cơ
quan, đơn vị, tổ chức hoặc công dân liên quan biết rõ lý do;
3. Tổng hợp, tham mưu, đề xuất các ý kiến để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đúng quy định của pháp luật;
4. Thực hiện đúng quyền hạn, chức trách và nhiệm vụ được giao. Trách
nhiệm chấp hành nội quy, quy chế, quy trình và phối hợp đối với đồng
nghiệp khi thực thi nhiệm vụ, công vụ;
5. Bảo vệ và quản lý tài sản công, tài chính công, trang thiết bị
được giao sử dụng trong và sau khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, không để
xảy ra hư hỏng, mất mát, thất thoát và không sử dụng vào việc riêng;
6. Tuân thủ và bảo đảm an ninh, phòng chống cháy nổ và an toàn lao
động tại cơ quan; thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo
vệ bí mật nhà nước;
7. Thực hiện các quy tắc ứng xử và văn hóa công sở, đấu tranh chống
mọi biểu hiện hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân, tổ chức
trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ;
8. Thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật;
9. Tích cực tham gia thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ quan, bảo đảm
đoàn kết, thực hiện việc khiếu nại, tố cáo và phát ngôn theo đúng quy
định của pháp luật.
Điều 6. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc phân công, bố trí và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức
1. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị (sau đây gọi chung là người đứng
đầu) phải có trách nhiệm phân công, bố trí và sử dụng cán bộ, công chức,
viên chức phù hợp với phẩm chất, năng lực của cán bộ, công chức, viên
chức.
2. Khi phân công và bố trí cán bộ, công chức, viên chức thực hiện
nhiệm vụ, công vụ, người đứng đầu phải quy định và thông báo rõ ràng, cụ
thể quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ của người được bố trí;
3. Khi phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, người
đứng đầu phải bảo đảm các điều kiện về chế độ, chính sách, về trang,
thiết bị và điều kiện làm việc khác theo quy định của pháp luật để cán
bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao;
4. Khi phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, người
đứng đầu phải thông báo rõ yêu cầu chất lượng, thời hạn hoàn thành và
các yêu cầu khác (nếu có) để cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm
thực hiện.
Điều 7. Những trường hợp xử lý vi phạm chế độ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức
Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
1. Vi phạm nội dung chế độ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Điều 5 Nghị định này;
2. Vi phạm pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ để xảy ra hậu quả;
3. Đề xuất, tham mưu, trình lãnh đạo ký và ban hành văn bản trái pháp luật;
4. Không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hoặc báo cáo sai sự thật;
Điều 8. Trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ, công vụ theo nhóm
Trong trường hợp nhiệm vụ, công vụ được giao cho một nhóm cán bộ,
công chức, viên chức (từ hai người trở lên) thực hiện, nếu vi phạm chế
độ trách nhiệm quy định tại Nghị định này thì xử lý vi phạm đối với từng
cán bộ, công chức, viên chức trong nhóm theo quyền hạn, nghĩa vụ và
trách nhiệm của từng người.
Chương III
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 9. Khen thưởng
Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt chế độ trách nhiệm quy
định tại Nghị định này và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công vụ thì được
xem xét khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Xử lý vi phạm
1. Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chế độ trách nhiệm quy định
tại Nghị định này thì tuỳ theo mức độ nặng, nhẹ phải bị xử lý kỷ luật
hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chế độ trách nhiệm trong thực
thi nhiệm vụ, công vụ nếu gây thiệt hại cho người khác thì ngoài việc
phải xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này còn phải hoàn trả cho cơ
quan, tổ chức khoản tiền mà cơ quan, tổ chức đã bồi thường cho người bị
thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Nguyên tắc xem xét xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chế độ trách nhiệm
Khi xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chế độ trách
nhiệm, ngoài việc thực hiện theo các nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với
cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật hiện hiện hành,
còn thực hiện theo các nguyên tắc sau:
1. Căn cứ sự phân công, phân cấp của cơ quan quản lý và sử dụng để
xác định mức độ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức;
2. Căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức được giao.
Điều 12. Trường hợp loại trừ, giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức
1. Cán bộ, công chức, viên chức được loại trừ trách nhiệm trong các trường hợp sau:
a) Trường hợp bất khả kháng như thiên tai, địch họa, tai nạn rủi ro:
cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ
đã có biện pháp phòng chống nhưng vẫn bị ảnh hưởng đến kết quả thực hiện
nhiệm vụ, công vụ;
b) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vắng mặt tại cơ quan, đơn vị có lý do chính đáng và được cấp có thẩm quyền đồng ý;
c) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức phải chấp hành quyết định
của cấp trên; khi có căn cứ để cho là quyết định đó trái pháp luật đã
báo cáo ngay với người ra quyết định; nếu vẫn phải chấp hành quyết định
đã báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định và không phải
chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.
2. Cán bộ, công chức vi phạm chế độ trách nhiệm được xem xét giảm nhẹ
một hình thức ký luật khi xử lý kỷ luật nếu người đó có thái độ thành
khẩn, có bản tự kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật và đã kịp thời khắc
phục hậu quả.
3. Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chế độ trách nhiệm bị xem xét tăng nặng khi xử lý kỷ luật trong các trường hợp sau:
a) Khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm chế
độ trách nhiệm, cấp trên đã chỉ đạo kịp thời nhưng cán bộ, công chức,
viên chức không thực hiện hoặc không chấm dứt hành vi vi phạm chế độ
trách nhiệm;
b) Cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật về vi phạm chế độ
trách nhiệm mà lại tái phạm hoặc thiếu trung thực, không tiếp thu phê
bình, kiểm điểm, cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm;
c) Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chế độ trách nhiệm, lợi dụng
vị trí công tác và nhiệm vụ được giao để tham mưu hoặc ra quyết định
trái với các quy định của pháp luật.
Điều 13. Thẩm quyền xử lý vi phạm chế độ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ
Việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chế độ trách
nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ thực hiện theo phân cấp quản lý
cán bộ, công chức, viên chức.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 15. Trách nhiệm quy định cụ thể và kiểm tra
1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiểm tra việc thi hành Nghị định này tại các
cơ quan thuộc bộ máy hành chính nhà nước ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp
huyện.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra việc thi
hành Nghị định này đối với cơ quan hành chính nhà nước ở cấp xã;
3. Người đứng đầu cơ quan khác của Nhà nước (Văn phòng Quốc Hội, Văn
phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống
tham nhũng, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà
nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp) quy định cụ thể
và kiểm tra việc thi hành Nghị định này tại cơ quan, đơn vị, tổ chức
thuộc quyền quản lý.
4. Cơ quan có thẩm quyền của tổ chức chính trị hướng dẫn việc áp dụng
Nghị định này đối với cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ
chức, đơn vị thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc
Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, người đứng đầu các cơ quan
nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này và cán bộ, công chức,
viên chức chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Wednesday, September 25, 2013
DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
3:51 PM
Hoàng Phong Nhã
No comments
0 comments:
Post a Comment