Luật viên chức được kết cấu gồm 6 chương và 62 điều. Nội dung các
chương bao gồm: Những qui định chung; Quyền và nghĩa vụ của viên chức;
Tuyển dụng, sử dụng viên chức; Quản lý viên chức; Khen thưởng và xử lý
vi phạm; Điều khoản thi hành. Luật viên chức có hiệu lực từ ngày
01/07/2011. Luật viên chức đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8
vừa qua. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, để Nhà
nước thực hiện được tốt và hiệu quả trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đảm
bảo chất lượng các nhu cầu cơ bản, thiết yếu cho người dân và cộng đồng,
không vì mục tiêu lợi nhuận, cần phải xây dựng và nâng cao chất lượng
đội ngũ viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Qua đó,
bảo đảm sự cân bằng giữa phát triển kinh tế với ổn định, công bằng xã
hội, tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của
đất nước.
Làm rõ khái niệm viên chức, hoạt động nghề nghiệp của viên chức:
Trước đây, Pháp lệnh cán bộ , công chức chưa làm rõ khái niệm “viên
chức”. Khắc phục hạn chế này, Luật viên chức đã xây dựng khái niệm về
viên chức: “ Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí
việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng
làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo
quy định của pháp luật”.
Như vậy, đồng thời với việc Luật cán bộ, công chức phân định “cán bộ ”
và “công chức”, Luật viên chức cũng đã làm rõ được khái niệm viên chức,
phân biệt viên chức với cán bộ và công chức. Sự khác biệt cơ bản của
viên chức so với cán bộ, công chức đó chính là chế độ tuyển dụng gắn với
vị trí việc làm, thông qua chế độ hợp đồng lao động làm việc và tiền
lương được hưởng từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập.
Lao động của viên chức không mang tính quyền lực công, chỉ thuần túy là
hoạt động nghề nghiệp mang tính chuyên môn nghiệp vụ, vì vậy, Luật viên
chức đã làm rõ “ Hoạt động nghề nghiệp của viên chức là việc thực hiện
công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên
môn nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp
luật về viên chức và các pháp luật có liên quan”.
Luật đã xác định rõ các vấn đề chung nhất trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức và quản lý viên chức: Luật
viên chức đã quy định các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động nghề nghiệp
của viên chức; các nguyên tắc quản lý viên chức phù hợp với thể chế
chính trị của Việt Nam và tính chất, đặc điểm lao động của viên
chức.Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý viên chức, Luật viên chức đã làm rõ
các khái niệm cơ bản như vị trí việc làm, tuyển dụng, hợp đồng làm
việc, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử. Đặc biệt quy định về “ chức
danh nghề nghiệp” thay cho quy định về “ngạch” để khắc phục các hạn chế
trong quản lý đội ngũ viên chức hiện nay. Luật viên chức đã thống nhất
cách hiểu về đơn vị sự nghiệp công lập và phân thành hai loại: đơn vị sự
nghiệp công lập được giao quyền tự chủ và đơn vị sự nghiệp công lập
chưa được giao quyền tự chủ. Đồng thời, quy định về Hội đồng quản lý
trong đơn vị sự nghiệp công lập nhằm từng bước giảm dần chế độ chủ quản
và hoàn thiện cơ chế kiểm soát đối với người đứng đầu trong quá trình
thực hiện các quyền hạn được giao. Bổ sung một số quy định mang tính
định hướng liên quan đến chính sách xây dựng, phát triển các đơn vị sự
nghiệp công lập và đội ngũ viên chức.
Luật viên chức đã hoàn thiện và bổ sung các quyền, nghĩa vụ của viên chức:Viên
chức là người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, các
quyền và nghĩa vụ của viên chức cũng có nội dung giống như cán bộ, công
chức. Bên cạnh đó, do tính chất, đặc điểm lao động của viên chức là hoạt
động mang tính chuyên môn nghiệp vụ, nên Luật viên chức đã quy định các
quyền của viên chức theo hướng mở hơn so với cán bộ, công chức, tạo
điều kiện để viên chức có thể phát huy được tài năng, sức sáng tạo, khả
năng cống hiến. Đó là các quyền về hoạt động kinh doanh và làm việc
ngoài thời gian quy định. Bên cạnh đó, Luật viên chức cũng đã hoàn thiện
hệ thống các nghĩa vụ của viên chức (bao gồm cả những việc viên chức
không được làm) phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp
của viên chức.
Luật tiếp tục đổi mới cơ chế và các nội dung của công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức:
Một trong các nguyên tắc được nhấn mạnh để tiếp tục đổi mới cơ chế quản
lý viên chức là” Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá viên chức
được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc
làm và căn cứ vào hợp đồng làm việc”. Đây là nguyên tắc đặt nền móng để
tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý viên chức theo chế độ việc làm, nhấn
mạnh năng lực, tài năng bên cạnh phẩm chất và trình độ.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định nguyên tắc đảm bảo quyền chủ động và đề
cao trách nhiệm người đứng đầu để phát huy tính tự chủ, tự chịu trách
nhiệm, góp phần đẩy mạnh cải cách khu vực dịch vụ công. Thống nhất quản
lý nhà nước về đội ngũ viên chức, đẩy mạnh việc giao hoặc phân cấp cho
người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong quản lý viên chức.
Kế thừa quy định về hợp đồng lao động của pháp luật hiện hành, Luật viên
chức đã hoàn thiện các quy định của chế định hợp đồng làm việc.
Các nội dung quản lý viên chức cũng được hoàn thiện và đổi mới. Đáng chý
ý là: Việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực
hiện thông qua thi hoặc xét, lựa chọn hình thức nào tùy thuộc vào từng
lĩnh vực ngành, nghề cụ thể; Việc đánh giá viên chức được thực hiện căn
cứ vào các cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký. Nội dung đánh giá gắn
với kết quả thực hiện công việc, nhiệm vụ, tinh thần, trách nhiệm, thái
độ phục vụ nhân dân...; Viên chức có 2 năm liên tiếp không hoàn thành
nhiệm vụ thì đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng
làm việc; Ngoài việc được khen thưởng theo quy định hiện hành, viên
chức có công trạng, thành tích đặc biệt còn được xét nâng lương vượt bậc
bên cạnh hình thức nâng lương trước thời hạn.
Ngoài 4 hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi
việc, viên chức bị kỷ luật còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động
nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.
Luật viên chức đã quy định chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức: Do
đặc thù của Việt Nam, giữa viên chức và cán bộ, công chức luôn có sự
liên thông, chuyển đổi giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà
nước và tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, Luật viên chức có quy định
các trường hợp cụ thể về việc chuyển đổi này. Đó là: Viên chức làm việc
tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 5 năm trở lên thì được xét chuyển
thành công chức không qua thi tuyển; Viên chức được tiếp nhận, bổ nhiệm
vào vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức thì quyết định
tiếp nhận, bổ nhiệm đồng thời là quyết định tuyển dụng; Cán bộ, công
chức được chuyển sang làm viên chức khi đáp ứng đủ các đủ các điều kiện
theo quy định của Luật viên chức; Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản
lý của đơn vị sự nghiệp công lập khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không được
bổ nhiệm lại nhưng vẫn tiếp tục làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập
đó thì được chuyển sang làm viên chức và được bố trí công việc phù hợp;
Viên chức được chuyển sang là cán bộ, công chức hoặc ngược lại đều được
đảm bảo các quyền lợi về chế độ, chính sánh.
Về quy định chuyển tiếp:Đối với viên chức được tuyển dụng trước
ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Luật viên chức đã có các quy định
nhằm đảm bảo quyền lợi, chế độ, chính sách, không gây xáo trộn, ảnh
hưởng đến tâm lý, tinh thần làm việc của đội ngũ viên chức hiện nay. Cụ
thể là:Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003 có các
quyền, nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp đồng làm
việc không xác định thời hạn. Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm
hoàn tất các thủ tục để đảm bảo quyền lợi, chế độ, chính sách về ổn định
việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang
hưởng; Viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 đến ngày
Luật này có hiệu lực tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết với
đơn vị sự nghiệp công lập, có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý theo
quy định của Luật này./.
THeo cpv.org.vn
0 comments:
Post a Comment