Tuesday, September 24, 2013

XÃ HỘI DÂN SỰ ĐÂU CÓ ĐÁNG SỢ

NGUYỄN QUANG A
Hơn hai chục năm trở về trước ít người dám nói đến cơ chế thị trường, đến khu vực kinh tế tư nhân: những điều cấm kỵ và đáng sợ. Số ít người dám nói và dám (liều) làm, thì bị loại bỏ, bị sa cơ lỡ vận. Rồi người ta hiểu dần, chấp nhận và ngày nay chúng không những không đáng sợ mà còn được coi trọng.
Những người tiên phong trở thành những anh hùng thật sự. Mươi năm trước ít ai dám nói đến xã hội dân sự: điều cấm kỵ và đáng sợ. Người viết về nó có thể bị cấm không được xuất cảnh. Nay xã hội dân sự không còn là điều cấm kỵ. Người ta đã bắt đầu viết và nói đến nó. Các nhà chức trách nhiều khi ủng hộ, có lúc e dè và đôi khi lo sợ. Rồi người ta sẽ hiểu, xã hội dân sự đâu có đáng sợ mà rất có ích và cần được coi trọng.
Thời kinh tế kế hoạch hoá tập trung người ta đã muốn xoá bỏ thị trường, triệt tiêu khu vực kinh tế tư nhân bằng các cuộc cải tạo nông nghiệp, công thương nghiệp. Nhưng thị trường và kinh tế tư nhân chưa bao giờ bị triệt tiêu, ngay cả những lúc bị xua đuổi gay gắt nhất. Nó bị què quặt và khiến cho nền kinh tế héo hon, người dân khổ sở.
Vì sự tồn tại, vì sự sống còn của mình mà người dân phải xé rào, bất tuân các chính sách có thể phản ánh những ước mong rất tốt đẹp nhưng chưa hợp với bản chất cuộc sống. Cũng vì sự tồn tại của chính mình nhà cầm quyền chấp nhận sự xé rào đó, để cho cuộc sống kinh tế dần trở lại hoạt động theo quy luật tự nhiên của nó. Kinh tế tư nhân và thị trường dần dần hồi phục.Đời sống của người dân được cải thiện. Nhà nước ngày càng hiểu hơn và có chính sách ủng hộ khu vực tư nhân và kinh tế thị trường hơn.
Đó, đại thể, là quá trình đổi mới vừa qua của chúng ta. Đặc trưng cơ bản của nó là giải phóng tiềm năng kinh tế đã bị ức chế, kìm kẹp từ lâu trong mỗi người dân. Cái tiềm năng sẵn có và được giải phóng đó cũng chỉ có hạn và, theo tôi, nó đã được dùng hết. Muốn có các pha phát triển mới, bền vững cần phải xây dựng, nâng cao năng lực cho mọi người, mọi tổ chức trong xã hội (kể cả các tổ chức nhà nước), chứ không chỉ cốt ở giải phóng cái tiềm năng sẵn có. Đây là việc khó hơn việc "giải phóng" nêu trên rất nhiều.
Nó đòi hỏi trí tuệ, sự hiểu biết, việc học hỏi, giao tiếp, quản trị, lập kế hoạch, đổi mới thực sự. Chúng ta đã làm được không ít theo hướng này, nhưng so với yêu cầu thì vẫn chưa thấm vào đâu. Và trong quá trình này xã hội dân sự có vai trò to lớn.
Cũng như cơ chế thị trường và khu vực tư nhân, xã hội dân sự là một khái niệm được du nhập từ ngoài vào. Hãy để ý, hơn một nửa số từ mà chúng ta thường dùng hiện nay là các từ Hán-Việt. Số từ có gốc Pháp không hiếm. Lịch sử phát triển của Việt Nam luôn gắn với sự hội nhập về nhiều mặt như vậy. Vì thế, cũng chẳng nên quá ư thận trọng, e ngại những khái niệm mà nhân loại đã dùng từ lâu nhưng còn mới với chúng ta.
Cách khôn ngoan hơn là tìm hiểu, "thuần hoá", thích nghi, rồi lâu sau đó mới có thể sáng tạo gì thêm. Tuy là khái niệm cũ, nhưng ngày nay người ta vẫn chưa hoàn toàn thống nhất với nhau xã hội dân sự là gì. Và tôi nghĩ, cũng chẳng cần và chẳng thể có một định nghĩa chính xác, được mọi người công nhận về bất cứ khái niệm nào. Nếu thế thì sự phát triển sẽ chấm dứt.
Đại khái, xã hội dân sự là lĩnh vực của (các tổ chức) [các] hoạt động bên cạnh, bên ngoài (hoạt động của) Nhà nước, các gia đình và các tổ chức kinh tế. Có người nhìn xã hội dân sự từ khía cạnh các tổ chức không phải là tổ chức nhà nước, gia đình hay doanh nghiệp. Lại có người chú ý đến hoạt động, những công việc, các quá trình mà các nhóm người hay các tổ chức làm hoặc tiến hành.
Trong nhiều đặc trưng của các tổ chức nhà nước, thì đặc trưng quan trọng mang tính khu biệt là chúng được tổ chức theo kiểu dọc, từ trên xuống; chúng đòi hỏi sự tuân thủ; chúng có quyền lực ép buộc đối với mọi người và mọi tổ chức trong các vùng lãnh thổ mà nhà nước đó cai trị.
Đặc trưng quan trọng của các tổ chức kinh tế (kể cả hộ gia đình) là chúng tạo ra sự giàu có về vật chất; chúng đòi hỏi sự có đi có lại (trao đổi, chi trả); chúng hoạt động vì lợi nhuận.
Còn các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trên cơ sở những mối quan tâm chung; thường theo cách tự nguyện; thường không vì lợi nhuận; chúng tạo ra sự giàu có về tinh thần. Đấy là nhưng nét đặc trưng chính có thể dùng để phân biệt các loại tổ chức với nhau.
Lưu ý rằng tổ chức ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, chúng có thể có tư cách pháp nhân, nhưng cũng có thể không có. Thí dụ về một số tổ chức hay hoạt động tạo thành xã hội dân sự là: các nhóm công dân hoạt động theo những mối quan tâm chung (từ các nhóm tập luyện thể dục, các nhóm tình nguyện giúp đỡ nhau của người có HIV, các hội đồng hương, các tổ chức cộng đồng khác); các hội nghề nghiệp như các hội tin học, hội kiến trúc, hội nuôi ong, v.v…; các tổ chức phi chính phủ; các tổ chức tôn giáo; các tổ chức nghiên cứu; các tổ chức giáo dục và đào tạo; báo giới; v.v…
Ranh giới giữa các tổ chức (nhà nước, xã hội dân sự, khu vực kinh tế) không hoàn toàn rạch ròi, mà có thể có sự chồng lấn.
Trong một xã hội phát triển hài hoà, ba loại tổ chức này hoạt động nhịp nhàng với nhau, có sự tương tác với nhau, có các cơ chế văn minh để giải quyết những xung đột (đôi khi có thể rất gay gắt) giữa chúng (giữa các loại tổ chức khác nhau hay giữa các tổ chức cùng loại).
Nếu hiểu như vậy, thì xã hội dân sự luôn tồn tại. Trong thời kinh tế kế hoạch hoá tập trung người ta không những muốn triệt tiêu thị trường, các tổ chức kinh tế tư nhân mà Nhà nước cũng thử làm thay hay kiểm soát những hoạt động thuộc xã hội dân sự. Xã hội không hài hòa, nhiều căng thẳng. Từ khoảng hai mươi năm lại đây không gian hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự được nới rộng và các tổ chức xã hội dân sự cũng đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển.
Có những cơ quan nhà nước làm việc tắc trách, có các doanh nghiệp gian lận. Cũng thế, có các tổ chức xã hội dân sự nói một đằng làm một nẻo. Phải có khung pháp lý để cho mọi loại tổ chức hoạt động, để buộc tất cả chúng phải minh bạch, phải có trách nhiệm giải trình với những người mà chúng (được cho là) đại diện, với những người cấp tài chính và với xã hội nói chung, để có cơ chế văn minh cho các tương tác, cho sự hợp tác và giải quyết xung đột giữa chúng.
Nếu làm được vậy thì sẽ góp phần đắc lực cho sự phát triển hài hoà, bền vững của đất nước. Và nhìn vấn đề như thế, thì xã hội dân sự đâu có đáng sợ mà là một nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code