Wednesday, September 11, 2013

Pháp luật được “đặt ra” hay “tìm ra”?


Xuân đến, trời đất làm cuộc giao ban giữa năm cũ và năm mới cũng là lúc con người so đo với những chuyện xưa, chuyện nay. Có những điều cứ tưởng như đã ngã ngũ, nghĩ lại vẫn chưa yên.
Từ khi đổi mới, vị trí, vai trò của pháp luật được đưa lên lại hàng đầu. Tinh thần thượng tôn pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật, ý thức pháp luật là những gì tưởng chừng đã rất quen thuộc trong quan niệm, trong nhận thức và trong việc làm của chúng ta. Ở nhiều công sở, nhiều nơi công cộng, khẩu hiệu “Sống và làm việc theo pháp luật” được trưng bày khá trang trọng. Trong tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, đi tìm mô hình nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, pháp luật vươn lên thành đại lượng – nhà nước pháp quyền trước hết được hiểu là nhà nước trọng pháp, quản lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.
Thế nhưng dường như chúng ta chỉ mới nhất quán ở tính chất hình thức của vấn đề là coi trọng pháp luật mà chưa chú trọng đúng mức ở tính chất nội dung. Đó là xem pháp luật là gì với cách tiếp cận đi gần với tinh thần chung và không đứt đoạn với tinh hoa truyền thống.
Lâu nay trong học thuật và trong thực tiễn, gần như chỉ có một cách tiếp cận duy nhất khi quan niệm về pháp luật. Công thức chung dễ dàng tìm thấy: pháp luật = hệ thống các quy phạm pháp luật trong những hình thức văn bản quy phạm pháp luật do nhà nước (thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và những người có thẩm quyền) ban hành và bảo đảm thực hiện bằng chính quyền lực nhà nước.
Công thức này đóng đinh những nhìn nhận kéo theo: Pháp luật chỉ là tập hợp một cách hệ thống những khuôn thước hành xử do cơ quan công quyền công bố. Những khuôn thước này chỉ có thể bọc trong những hình thức chuyên dụng là các loại hình văn bản quy phạm pháp luật; chúng phải do nhà nước đặt ra và bảo đảm thực hiện.
Ở đây, có sự đánh đồng pháp luật với hoạt động làm luật (hoạt động lập pháp của Quốc hội, thậm chí kể cả lập quy của các cơ quan hành chính nhà nước). Như vậy, quan niệm phổ biến trên chọn một lối khá hẹp, nhấn mạnh yếu tố quyền lực trong cán cân quyền lực với công lý. Pháp luật là phương tiện đặc hữu của nhà nước nên hoạt động sáng tạo pháp luật là lĩnh vực độc quyền của nhà nước. Nguồn của pháp luật chỉ có thể là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, những gì mà nhà nước chưa công bố chính thức thì không được chấp nhận dù là cần thiết cho nhu cầu cuộc sống mà phải chờ đợi, mặc cho sự chờ đợi ấy tạo ra những khoảng trống hoặc đôi khi buộc phải giải quyết một cách tùy nghi. Pháp luật thường được ban hành và triển khai theo hướng tô đậm tính cưỡng chế hơn là huy động sự đồng thuận và dụng công thuyết phục, khơi dậy ý thức tự giác.
Thực ra, từ xa xưa trong kho tàng của nhân loại, với những tư tưởng tỏa sáng vượt biên, xuyên qua các thời đại và trong di sản của dân tộc với những tinh túy của hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước còn có cách tiếp cận pháp luật khác rộng hơn.
Pháp luật không chỉ đơn thuần là sản phẩm đặc chủng của nhà nước mà trước hết là kết tinh thiêng liêng của những giá trị cao quý trong xã hội, dựa trên nền tảng dân chủ, nhân bản và đạo lý mà không một ai bác bỏ được để trở thành lẽ phải đương nhiên như tự do, bình đẳng, công lý, công minh… Với tính chất ấy, pháp luật luôn tồn tại trong xã hội và gắn liền với những quyền tự nhiên của con người. Như thế, bên cạnh hệ thống quy tắc xử sự chung mà nhà nước san định ra còn có sự hiện hữu pháp luật tự nhiên. Nhà nước phải lấy đó làm thước đo để hướng tới sự phù hợp và hoàn thiện để củng cố lòng tin của công dân vào sự công minh của nhà nước.
Manh nha từ thời cổ đại, tư tưởng về pháp luật tự nhiên đi vào những văn kiện nổi tiếng như Tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789 mà mở đầu Tuyên ngôn độc lập 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã viện dẫn. Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh sự lịch lãm về chính trị của Người, chắc hẳn rằng trong quan niệm về pháp luật tự nhiên có hạt nhân tiến bộ có thể vượt qua sắc thái chính thể và thời gian để trở thành di sản chung của nhân loại. Đó là tư tưởng nhà nước phải thừa nhận và phục tùng lẽ phải và công lý.
Ở Việt Nam, những tương đồng với thuyết pháp luật tự nhiên hóa thân thành những quan niệm giản dị mà sâu sắc: bên cạnh pháp lý có đạo lý; cùng với phép vua có lệ làng; sức dân như sức nước…
Về bản chất của sự hình thành, pháp luật không được “đặt ra” mà được “tìm ra”. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ rõ: “Nhà lập pháp phải tự coi mình như nhà khoa học tự nhiên. Ông ta không làm ra pháp luật, ông ta không phát minh ra chúng mà chỉ nêu chúng lên. Ông ta biểu hiện quy luật nội tại của những mối quan hệ tinh thần thành những đạo luật thành văn có ý thức. Chúng ta sẽ chê trách nhà lập pháp là vô cùng tùy tiện nếu ông ta thay thế bản chất của sự vật bằng nhiều điểm bịa đặt của mình”.
Từ đó, hàng loạt yêu cầu đặt ra về trách nhiệm của nhà nước trong công tác xây dựng pháp luật, làm thế nào cho pháp luật hợp với lòng dân để mọi người tâm phục và tự giác thực hiện, nâng cao chất lượng, uy tín và hiệu lực thực tế của pháp luật. Đừng áp đặt võ đoán hay tạo ra những lâu đài pháp lý và để cho cỏ mọc trong lối đi vào chúng.
TS HUỲNH VĂN THỚI
Theo Pháp luật TP online

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code