Wednesday, September 25, 2013

VẤN ĐỀ GIỚI TRONG QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY MÔN LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

THS. NGUYỄN THỊ LAN – KHOA LUẬT DÂN SỰ – ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI
“Giới là một phạm trù chỉ vai trò và mối quan hệ xã hội giữa nam giới và nữ giới. Nói đến mối quan hệ giới là nói đến cách thức phân định xã hội giữa nam giới và phụ nữ, liên quan đến hàng loạt vấn đề thuộc về thể chế xã hội…”.([1]) Trong xã hội hiện đại ngày nay, sự bất bình đẳng về giới vẫn tồn tại một cách dai dẳng, không chỉ ở các quốc gia kém phát triển mà ở cả những quốc gia phát triển. Sự bất bình đẳng này luôn được bắt nguồn từ những lí do về mặt xã hội. Xoá bỏ sự bất bình đẳng giới là một yêu cầu xã hội được các trào lưu tiến bộ xã hội hết sức coi trọng. Trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy môn học Luật hôn nhân và gia đình, sự hiểu biết về giới, vận dụng kiến thức về giới trong chu trình đào tạo khép kín của môn học này là vô cùng cần thiết và bổ ích.
Trong mối liên hệ về giới thì môn học Luật hôn nhân và gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng. Hôn nhân và gia đình là vấn đề rất tế nhị nhưng cũng không kém phần phức tạp, là đối tượng nghiên cứu của rất nhiều ngành khoa học trong đó có luật học. Ngay từ khi xã hội loài người vừa mới hình thành thì vấn đề giới đã thể hiện rất rõ trong các tập đoàn người thời nguyên thuỷ. Đầu tiên, đó là sự thống trị của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, rồi sau đó do sự thay đổi về các điều kiện kinh tế, ý thức xã hội, phong tục, tập quán, khi xuất hiện nhà nước thì địa vị của người đàn ông đã được thay đổi và thay vào đó là chế độ phụ quyền: “Chế độ mẫu quyền bị lật đổ là sự thất bại lịch sử có tính chất toàn thế giới của giới phụ nữ”.([2]) Kể từ đó chế độ phụ quyền đã tồn tại một cách dai dẳng theo sự phát triển của xã hội loài người. Và “sự đối lập giai cấp đầu tiên xuất hiện trong lịch sử trùng với sự phát triển của sự đối kháng giữa chồng và vợ, trong hôn nhân cá thể, sự áp bức đầu tiên là trùng với sự nô dịch của đàn ông đối với đàn bà… biểu lộ rõ ràng mâu thuẫn giữa người đàn ông với người đàn bà, kết quả thống trị độc nhất của chồng là một hình ảnh thu nhỏ của những mặt đối lập và những mâu thuẫn trong đó, từ đầu thời kì văn minh, xã hội chia thành giai cấp vẫn vận động mà không thể nào giải quyết được…”.([3]) Như vậy, sự bất bình đẳng giới đầu tiên chính là từ gia đình, trong gia đình mà gia đình lại là tế bào của xã hội, thể hiện tính chất và kết cấu của xã hội. Một xã hội đạt được sự bình đẳng giới thì trước tiên trong mỗi gia đình các thành viên phải được bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ. Mục tiêu này, dưới góc độ pháp lí, sẽ phụ thuộc vào sự tuyên truyền những kiến thức pháp luật nói chung và pháp luật hôn nhân và gia đình nói riêng. Nhìn từ góc độ giới, môn học Luật hôn nhân và gia đình có thể được coi là một trong những môn học tiên phong của quá trình đưa những nội dung về giới vào chương trình nghiên cứu và đào tạo luật.
Môn học luật hôn nhân và gia đình trong một chừng mực nhất định đã được các nhà quản lí nhìn nhận, có vị trí quan trọng bên cạnh những môn học khác, đây là một trong những môn học truyền thống của chương trình đào tạo luật ở tất cả các cơ sở đào tạo luật của Việt Nam. Tại Trường Đại học Luật Hà Nội, trước đây, môn học luật hôn nhân và gia đình thuộc Khoa tư pháp, trực thuộc bộ môn luật dân sự gồm ba phân môn là luật dân sự, luật tố tụng dân sự và luật hôn nhân và gia đình. Sau đó, trong quá trình phát triển, chuyên môn hóa thì môn học này đã được tách thành một bộ môn riêng. Trong môn học này, đối với hệ đào tạo chính quy thì ngoài chương trình cơ bản còn có ba chuyên đề trong đó chuyên đề “chế định tài sản của vợ chồng” (30 tiết, chương trình bắt buộc) và hai chuyên đề “thủ tục nhận nuôi con nuôi theo Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam” (20 tiết) và “pháp luật hôn nhân và gia đình của một số nước trên thế giới (20 tiết, chương trình tự chọn). Đặc biệt, là một trong những môn thi tốt nghiệp, tương đối thường xuyên đối với các lớp trung cấp luật – đối tượng chủ yếu là những cán bộ tư pháp ở các xã, phường, vùng sâu, vùng xa… nơi mà hàng ngày họ phải giải quyết rất nhiều các vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình. Như vậy, có thể thấy rằng việc nghiên cứu môn học này ngày càng mang tính chất chuyên sâu, đảm bảo chất lượng dạy và học. Xét dưới góc độ giới, đây cũng là cách nhìn mới đối với tầm quan trọng của môn học này. Mặt khác, nhìn từ góc độ người học, hầu hết sinh viên (gồm sinh viên hệ chính quy và hệ tại chức) rất hứng thú với môn học này. Bởi môn học này gắn liền với cuộc sống của mỗi con người, đặc biệt đối với học viên hệ tại chức, họ có thể là những cán bộ thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật, hàng ngày phải giải quyết rất nhiều các vụ việc liên quan đến yếu tố giới, những vụ việc về hôn nhân và gia đình… Việc nghiên cứu và giảng dạy môn học này không chỉ cung cấp cho người học những kiến thức chuyên ngành luật mà còn giúp cho người học ý thức được trách nhiệm của cá nhân đối với gia đình và xã hội, xoá bỏ những định kiến giới truyền thống và dần hình thành những chuẩn mực hành vi trên cơ sở bình đẳng giới.
Các quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình luôn mang đậm màu sắc giới. Vì vậy, trong chương trình giảng dạy môn học luật hôn nhân và gia đình có rất nhiều nội dung có thể khai thác dưới góc độ giới.
Thứ nhất, hệ thống các nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam trong đó có nguyên tắc áp dụng phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình, đây là nguyên tắc nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán thể hiện bản sắc văn hoá tốt đẹp của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình. Ở nguyên tắc này, có thể đề cập rất nhiều các phong tục tập quán của các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số, nơi mà những kiến thức về giới không được biết đến hoặc chỉ là những khái niệm rất mơ hồ. Việc đi sâu nghiên cứu và tìm ra phương pháp tiếp cận vấn đề để thiết kế bài giảng gắn liền giữa phong tục tập quán với kiến thức về giới sẽ làm cho bài giảng sinh động và cuốn hút người học hơn. Hiện nay, pháp luật hôn nhân và gia đình đã dành sự quan tâm đặc biệt đến các phong tục, tập quán có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống hôn nhân và gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó ghi nhận những phong tục, tập quán tốt đẹp thể hiện đậm đà bản sắc dân tộc của từng vùng, từng dân tộc, thể hiện sự bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó cũng đề cập những tập tục lạc hậu cần thiết phải xóa bỏ…
Nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; nguyên tắc vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình; nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của cha mẹ và con; nguyên tắc bảo vệ phụ nữ và trẻ em, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ. Đây là những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình. Việc khai thác khía cạnh về giới trong các nguyên tắc này là hoàn toàn phù hợp. Sự phát triển của những nguyên tắc này trong suốt quá trình lịch sử đã thể hiện rất rõ sự nhận thức về giới. Việc lồng ghép những kiến thức về giới vào từng nguyên tắc sẽ giúp cho người học có tầm nhìn bao quát hơn về các vấn đề cơ bản của luật hôn nhân và gia đình và tiếp cận vấn đề dễ dàng hơn. Nghiên cứu dưới góc độ giới sẽ làm cho các nguyên tắc này không còn khô cứng mà đầy sức thuyết phục và hấp dẫn.
Thứ hai, các chế định cụ thể của luật hôn nhân và gia đình có thể khai thác được dưới góc độ giới như chế định kết hôn, li hôn, quan hệ pháp luật giữa vợ chồng, xác định cha, mẹ, con, nuôi con nuôi…
Chế định kết hôn có thể đi sâu vào một vấn đề rất nhạy cảm đó là tự nguyện trong việc kết hôn, điều này thể hiện rất rõ quan điểm giới. Đặc biệt có thể khai thác yếu tố tự nguyện trong thực tiễn khi tình trạng kết hôn với người nước ngoài gia tăng đột biến trong thập niên vừa qua, hàng năm có rất nhiều phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài mà chủ yếu là các công dân Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, trong đó, nguyên nhân chủ yếu của việc kết hôn này là vì mục đích kinh tế. Khi nhìn từ góc độ giới, người học sẽ thấy rõ hơn mục đích không lành mạnh của sự tự nguyện kết hôn này.
Chế định li hôn có một vấn đề khá thú vị và phù hợp nếu lồng những nội dung về giới vào quá trình nghiên cứu và giảng dạy. Đó là trường hợp hạn chế quyền yêu cầu li hôn của người chồng khi người vợ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi. Thực chất của vấn đề sẽ được mổ xẻ, giúp người học hiểu sâu sắc vấn đề và vận dụng kiến thức một cách linh hoạt. Ngoài ra, chế định li hôn còn rất nhiều những nội dung mà có thể khai thác được dưới góc độ giới như các nguyên nhân li hôn, căn cứ li hôn, các trường hợp li hôn và hậu quả pháp lí của li hôn. Những vấn đề này có thể kết hợp với thực tiễn xét xử để thấy được một bức tranh toàn cảnh của gia đình khi không nhận thức được đầy đủ trách nhiệm về giới.
Đối với quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng, đây là một nội dung trọng điểm, mang đậm màu sắc giới khi nghiên cứu trên hai khía cạnh quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với nhau và đối với những chủ thể khác như đối với con, cha mẹ… Những nội dung này sẽ giúp cho người học một cái nhìn toàn diện về sự bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng trong gia đình cùng sự so sánh với tình trạng vi phạm quyền bình đẳng giới trên thực tế.
Trong chế định xác định cha, mẹ, con có thể đặc biệt quan tâm đến vấn đề thể hiện rất rõ kiến thức về giới đó là thiên chức của mỗi chủ thể, xuất phát từ sự khác nhau về giới tính. Trong đó tập trung khai thác quyền làm mẹ, bao gồm quyền mang thai và sinh con. Sự hiểu biết về giới trong trường hợp này là vô cùng cần thiết vì điều đó sẽ giúp nguời học hiểu sâu sắc hơn về những căn cứ, những cơ sở khoa học và thực tế của việc xác định cha, mẹ, con. Khi nghiên cứu lồng ghép vấn đề giới trong trường hợp này người học còn hiểu được những quy định của pháp luật về xác định cha, mẹ, con còn thấm đẫm tình người, mang đậm nét nhân văn sâu sắc.
Ở mỗi nội dung trên có thể lồng ghép những kiến thức về giới và khai thác triệt để dưới góc độ giới. Làm được điều này sẽ tạo nên một bức tranh sinh động về vấn đề giới trong các quan hệ hôn nhân và gia đình, giúp cho người học nhận thức một cách sâu sắc các vấn đề về hôn nhân và gia đình, từ đó tìm ra những vấn đề còn hạn chế thiếu cơ sở về giới và có hướng hoàn thiện mới. Nên chăng trong chương trình nghiên cứu và giảng dạy môn học luật hôn nhân và gia đình cần có thêm một chuyên đề “Pháp luật hôn nhân và gia đình với vấn đề giới”.
Mặt khác, để sinh viên hiểu một cách toàn diện hơn vấn đề hôn nhân và gia đình dưới góc độ giới, khi Luật về bình đẳng giới được Quốc hội thông qua, bộ môn luật hôn nhân và gia đình nên có thêm một môn giảng mới về Luật bình đẳng giới. Đây là môn học tiên quyết trước khi sinh viên bước vào nghiên cứu luật hôn nhân và gia đình và các chuyên đề chuyên sâu.
Như chúng ta đã biết, sự nhận thức về giới, về quyền và nghĩa vụ của mỗi chủ thể trong gia đình ở các vùng, miền là khác nhau. Trong thực tế tình trạng bất bình đẳng giới xảy ra phổ biến ở khắp nơi, đặc biệt là ở miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân chủ yếu là do sự hạn chế về trình độ nhận thức, cộng thêm vào đó là những phong tục, tập quán lạc hậu tồn tại như là một thuộc tính cố hữu trong các mối quan hệ ở làng xã Việt Nam. Một thực tế minh chứng cho sự bất bình đẳng về giới nữa là bạo lực trong gia đình và một trong những hậu quả của nó là dẫn tới gia đình tan vỡ. Theo con số thống kê các vụ việc về hôn nhân và gia đình trong 5 năm trở lại đây thì li hôn chiếm tỉ lệ cao nhất.
Dưới đây là số liệu thống kê giải quyết các vụ việc li hôn theo thủ tục sơ thẩm:
Nguyên nhân ly hôn 2000 2001 2002 2003 2004 2005
Mâu thuẫn gia đình, bị đánh đập, ngược đãi 29280*92** 29120*134** 17408*1288** 31317*1331** 37254*** 39730***
Ngoại tình 2590*24** 2954*28** 3672*127** 2997*138** 3660*** 4188***
Bệnh tật, không có con 658*2** 2** 200*103** 516*42** 876*** 805***
Do nghiện ma tuý, rượu chè, cờ bạc 1039*** 2930***
Một bên ở nước ngoài 1216** 2307** 554** 1*1232** 1476*** 1294***
Một bên là người nước ngoài đã về nước 13*108** 191*57** 2*13** 41*77**
Một bên bị mất tích 1184*13** 1339*229** 3108*152** 1500*23** 1439*** 868***
Mâu thuẫn về kinh tế 1318*4** 1355*3** 3129*41** 2118*6** 2661*** 3134***
Sắc tài, địa vị, tuổi tác 2** 269*1** 2** 286* 16931***
Một bên bị xử lí hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự 27** 706*8** 1571*7** 392*19**
Có vợ lẽ 116*5** 654*3** 2349*51** 615*33**
Tảo hôn 251*4** 101*2** 9* 57*2**
Cưỡng bức kết hôn 58* 4*6** 1* 18*
Các nguyên nhân khác 12031*924** 14245*116** 19471*440** 15410*537** 12638***
Tổng 47699*2421** 50938*2896** 50920*2778** 57786*3430** 65336*** 65587***
(Nguồn: Toà án nhân dân tối cao)
Ghi chú: *. Cấp huyện
**. Cấp tỉnh
***. Cả cấp huyện và cấp tỉnh
Qua bảng số liệu trên có thể thấy rằng Các vụ việc li hôn ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong ba năm trở lại đây. Các nguyên nhân dẫn đến việc li hôn rất đa dạng và hầu hết các nguyên nhân đó đều liên quan tới vấn đề giới. Đặc biệt là một số nguyên nhân như ngược đãi, hành hạ, có vợ lẽ, ngoại tình, người nước ngoài đã bỏ về nước, nghiện ma tuý, rượu chè, cờ bạc. Trong đó nổi bật là li hôn do bị ngược đãi, hành hạ, chiếm tới khoảng 60% tổng số vụ việc li hôn trong từng năm. Điều đó nói lên vấn đề bất bình đẳng về giới trong gia đình vẫn còn rất phổ biến, sự bất bình đẳng đó không chỉ ảnh hưởng tới bản thân các chủ thể trong quan hệ vợ chồng mà còn cực kì nguy hiểm cho con trẻ, để lại những vết hằn khó phai mờ trong những tâm hồn non nớt của chúng, ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách của cả một thế hệ.
Hiện nay, môn học luật hôn nhân và gia đình là một trong những nội dung chính, mang tính chủ đạo trong các chương trình tuyên truyền kiến thức pháp luật về giới của một số các tổ chức phi chính phủ tới cộng đồng dân cư nhằm nâng cao sự hiểu biết về giới, xoá bỏ sự bất bình đẳng giới trong gia đình và cộng đồng, đặc biệt là bảo vệ quyền của phụ nữ.
Với những cơ sở lí luận và thực tiễn như trên, chúng tôi thiết nghĩ nên chăng xây dựng một khoá học ngắn hạn với chủ đề “Pháp luật hôn nhân và gia đình trên cơ sở bình đẳng giới” tới các đơn vị hành chính nhỏ nhất và đối tượng tham gia là đông đảo các thành phần xã hội, đặc biệt là nam giới, vì hiện nay nạn nhân chủ yếu của định kiến giới, bất bình đẳng giới là phụ nữ. Nếu thành phần tham gia những khoá học, những buổi tham luận, toạ đàm về giới hoặc liên quan đến giới mà thành phần chỉ toàn là phụ nữ hoặc chủ yếu là phụ nữ thì ngay trong khoá học, buổi tham luận đó đã thể hiện sự bất bình đẳng giới và hiệu quả chỉ còn là một nửa nếu không muốn nói là vô nghĩa.
Tóm lại, trong quá trình hội nhập quốc tế, vấn đề giới là vấn đề khá nhạy cảm đã và đang được sự quan tâm của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong lĩnh vực đào tạo luật nói chung và nghiên cứu, giảng dạy môn học luật hôn nhân và gia đình nói riêng cần được khai thác, mở rộng hướng nghiên cứu và giảng dạy mới từ góc độ giới. Đó chính là sự sáng tạo mới, một động thái tích cực không chỉ có tác động đến đối tượng người học mà còn làm cho cán bộ, giáo viên nâng cao hơn trách nhiệm của mình đối với chuyên môn và các công tác khác, chủ động, sáng tạo, tự tin để cống hiến cho sự nghiệp trồng người./.

([1]).Xem: Uỷ ban quốc gia về sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam – Dự án VIE 01-015-01 “Giới trong chính sách công” (2004), Hướng dẫn lồng ghép giới trong hoạch định và thực thi chính sách.
([2]).Xem: C. Mác – Ph. Ăngghen (tuyển tập VI) (1984), Nxb. Sự thật, H, tr. 95.
([3]).Xem: C.Mác – Ph. Ăngghen (tuyển tập VI) (1984), Nxb. Sự thật, H, tr. 106, 109.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code