Chưa
quy định rõ ràng, đầy đủ về các quyền của người không phải là chủ sở
hữu đối với tài sản là một trong những vấn đề bất cập của chế định Tài
sản và quyền sở hữu. Tất cả những vấn đề này, sẽ được nghiên cứu một
cách kỹ lưỡng trong quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự (BLDS).
Cần quy định rõ về vật quyền, trái quyền
Chế
định về “Tài sản và quyền sở hữu” được quy định ở phần thứ 2 của BLDS
và không được xây dựng theo cách chia các quyền tài sản thành 2 loại
quyền là vật quyền và trái quyền. Các quy định của BLDS đã tạo cơ sở
pháp lý để cá nhân, tổ chức thực hiện quyền sở hữu của mình, đồng thời
là căn cứ để Tòa án giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu. Thực tiễn
thi hành, BLDS đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: chưa quy định rõ
ràng, đầy đủ về các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài
sản nhưng vẫn có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản; chưa quy
định thứ tự ưu tiên giữa các quyền…
Cụ
thể, Điều 173 BLDS đã liệt kê các loại quyền của người không phải là
chủ sở hữu đối với tài sản. Song trên thực tế, trong quá trình triển
khai vẫn tồn tại những bất cập như chỉ quy định 2 loại vật quyền của
người không phải là sở hữu chủ gồm quyền sử dụng đất và quyền sử dụng
hạn chế bất động sản liền kề. Quy định như vậy, vẫn còn nhiều loại vật
quyền khác chưa quy định trong BLDS. Bên cạnh đó. vì không phân chia rõ
vật quyền và trái quyền nên Điều 173 đã tạo ra khả năng cho phép các bên
thỏa thuận tạo ra vật quyền. Đây là vấn đề cần phải xem xét lại. Mặt
khác, việc không phân chia rõ ràng vật quyền và trái quyền dẫn đến nhiều
bất cập trong công tác xây dựng pháp luật cũng như trong thực tiễn áp
dụng như hợp đồng về chuyển quyền sử dụng đất không đăng ký thì không có
hiệu lực, thi hành án dân sự.
Chuyên
viên Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp Hoàng Thị Thúy Hằng cho
rằng, quy định nói trên đã tạo nên sự không thống nhất trong hệ thống
pháp luật, nhất là Luật Đất đai và Luật Nhà ở. Theo quy định của Luật
Nhà ở, quyền sở hữu đối với nhà ở được chuyển kể từ thời điểm được công
chứng. Tuy nhiên, đối với đất đai thì quyền sử dụng đất lại được chuyển
kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất
đai. Như vậy, cùng một khối tài sản thống nhất là nhà và đất nhưng thời
điểm chuyển quyền giữa đất và nhà trên đất lại khác nhau.
Từ
thực tiễn áp dụng pháp luật, dự thảo BLDS (sửa đổi) được soạn thảo theo
hướng phân chia rõ ràng vật quyền và trái quyền. Cụ thể, vật quyền là
quyền chi phối trực tiếp đối với vật, không cần thông qua hành vi của
người khác; trái quyền là quyền yêu cầu người khác thực hiện một hành vi
nhất định. Phần “Vật quyền” được quy định tại phần thứ 2 của BLDS (sửa
đổi). Vật quyền có những đặc trưng như tính chất tuyệt đối, tức là các
loại quyền này là quyền dân sự tuyệt đối đối với quyền sở hữu tất cả các
chủ thể khác đều phải tôn trọng và không vi phạm quyền của chủ sở hữu
tài sản.
Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản
Điều
168 BLDS quy định, việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có
hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật
có quy định khác.
Theo quy định nêu
trên thì đối với bất động sản, đăng ký là điều kiện làm phát sinh hiệu
lực của sự chuyển quyền sở hữu. Tuy nhiên, nguyên tắc này bị phá vỡ do
có quy định: “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Cách quy định
như vậy của BLDS cũng như của một số văn bản pháp luật hiện hành đã gây
nên sự không thống nhất trong pháp luật, cụ thể là, Luật Đất đai và Luật
Nhà ở. Hiện nay, nhà ở là một trong các loại tài sản thuộc sự loại trừ
của Điều 168 BLDS, vì theo quy định của Luật Nhà ở, quyền sở hữu đối với
nhà ở được chuyển kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng (Điều 93.5
Luật Nhà ở). Tuy nhiên, đối với đất đai thì quyền sử dụng đất lại được
chuyển kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp
luật về đất đai (Điều 692 BLDS). Như vậy, cùng là một khối tài sản
thống nhất là nhà và đất nhưng thời điểm chuyển quyền giữa đất và nhà
trên đất lại khác nhau.
Khắc phục
tình trạng bất cập này, dự thảo sửa đổi, bổ sung BLDS quy định không chỉ
thời điểm chuyển quyền sở hữu mà cả thời điểm của việc xác lập, thay
đổi, chuyển dịch và chấm dứt vật quyền đối với bất động sản. Theo đó,
các nhà làm luật đã đưa 2 phương án lựa chọn thời điểm chuyển quyền sở
hữu. Phương án 1: thời điểm của việc xác lập, thay đổi, chuyển dịch và
chấm dứt vật quyền đối với bất động sản là thời điểm hợp đồng giữa các
bên được giao kết (hoặc là thời điểm hợp đồng giữa các bên được công
chứng); còn đăng ký là điều kiện để đối kháng với người thứ 3 (Điều
163.2 và Điều 163.4 dự thảo). Phương án 2: thời điểm của việc xác lập,
thay đổi, chuyển dịch và chấm dứt vật quyền đối với bất động sản là thời
điểm đăng ký vật quyền. Như vậy, đăng ký là điều kiện làm phát sinh
hiệu lực của việc xác lập, thay đổi, chuyển dịch và chấm dứt vật quyền
(Điều 163.2 dự thảo).
Từ thực tiễn áp
dụng pháp luật cho thấy, phương án 1 là phù hợp với điều điện KT- XH
của Việt Nam. Tuy nhiên, để phương án này có tính hiệu quả cao thiết
nghĩ cần bổ sung thêm các quy định nêu rõ tính độc lập của hiệu lực hợp
đồng và hiệu lực đăng ký theo hướng: hợp đồng về xác lập, thay đổi,
chuyển dịch và chấm dứt vật quyền đối với bất động sản có hiệu lực từ
thời điểm được giao kết, hoặc thời điểm hợp đồng được công chứng; nếu
vật quyền chưa được đăng ký thì hợp đồng vẫn có hiệu lực.
Phùng Hương
0 comments:
Post a Comment