Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về Một số nhiệm
vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số
49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp
đến năm 2020 đều khẳng định cần “mở rộng tranh tụng tại phiên tòa”, coi
đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Ngoài việc xác định rõ các
đặc điểm đặc trưng hiện thời của tố tụng hình sự tại Việt Nam để có
những bước đi tiếp theo chắc chắn và đúng đắn, thì cần thiết phải nghiên
cứu, đánh giá và đặc biệt là sự chọn lọc những nội dung phù hợp của các
mô hình tố tụng hình sự trên thế giới để áp dụng vào thực tiễn Việt
Nam. Trong mối liên hệ đó, bài viết giới thiệu một số nội dung cơ bản
của tố tụng tranh tụng và tố tụng thẩm vấn trong tư pháp hình sự trên
thế giới để cùng tham khảo.
1. Tố tụng tranh tụng
Sự “cởi mở” và tự do tranh luận giữa các bên
Mô hình tố tụng tranh tụng có nguồn gốc từ mô hình tố tụng tố cáo và
phát triển mạnh mẽ ở các nước theo hệ thống luật án lệ như Anh và Mỹ. Tố
tụng tranh tụng cho rằng: sự thật sẽ được mở ra qua sự tranh luận tự do
và cởi mở giữa những người có dữ liệu chính xác.
Hình thức tố
tụng này dựa trên quan điểm cho rằng, tố tụng là một cuộc tranh đấu tại
Tòa án giữa một bên là Nhà nước (thông qua đại diện) và một bên là công
dân bị nghi thực hiện tội phạm; mà đã là cuộc tranh đấu thì hai bên đều
được sử dụng các quyền và nghĩa vụ pháp lý như nhau trong việc thu thập,
kiểm tra và đánh giá chứng cứ, phân tích và đưa ra các kết luận đối với
những việc cụ thể. Ngôn ngữ được sử dụng trong quá trình tố tụng đòi
hỏi phải rất chính xác và tố tụng có vai trò đặc biệt quan trọng đến mức
nhiều người cho rằng, tố tụng tranh tụng là hệ thống coi trọng luật tố
tụng hơn luật nội dung.
Tố tụng tranh tụng cũng không buộc các
bên phải khách quan, công khai trong quá trình thu thập chứng cứ. Họ có
thể tiến hành theo nhiều cách để đạt được mục đích buộc tội hay gỡ tội,
miễn sao khi tranh tụng trước Toà, bên buộc tội phải đưa ra các chứng cứ
nhằm chứng minh tính có lỗi của hành vi phạm tội và xác định rõ nguyên
nhân, hậu quả của tội phạm phải được nằm trong mối quan hệ nhân quả.
Hành vi có lỗi đó đã vi phạm pháp luật và gây ra hậu quả nhất định cho
người bị hại. Còn bên gỡ tội, họ phải chứng minh được hành vi đó không
có lỗi, không vi phạm luật hoặc chưa tới mức phải chịu trách nhiệm hình
sự hay có căn cứ để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong quá trình xét
xử, Toà án (mà cụ thể là thẩm phán chủ toạ phiên toà) đóng vai trò là
người “trọng tài lạnh lùng”, quan sát các bên tranh tụng và cùng với kết
luận của bồi thẩm đoàn sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng là bên nào chiến
thắng.
Việc xem xét, đánh giá chứng cứ mà các bên đưa ra tại
cuộc tranh tụng sẽ dựa trên những tiêu chí hợp lệ của chứng cứ mà pháp
luật đã quy định và phụ thuộc vào niềm tin nội tâm của người thẩm phán.
Nhằm bảo đảm cho quá trình tranh tụng được diễn ra bình đẳng, dân chủ, khách quan, người ta có đưa ra hai điều kiện sau đây:
- Thứ nhất, bảo đảm sử dụng việc kiểm tra chéo, đối chất để xác định
tính chính xác, có căn cứ của chứng cứ. Các bên (buộc tội và gỡ tội) đều
có quyền thẩm vấn các nhân chứng để kiểm tra tính trung thực trong lời
khai của họ, kiểm tra tính xác thực, lô gíc và có căn cứ về những chứng
cứ mà họ đã khai, nhằm bảo đảm rằng lời khai của nhân chứng là cái họ đã
nhìn thấy, chứng kiến cụ thể chứ không phải do họ suy diễn hoặc họ nghĩ
rằng sẽ diễn ra như vậy.
- Thứ hai, bảo đảm quyền tranh tụng
trước toà cho cả phía buộc tội (đại diện của Nhà nước) và phía gỡ tội
(các luật sư bào chữa) một cách bình đẳng, khách quan, không bên nào
được lấn át hay áp đặt nhận thức đối với bên kia về quan điểm mà mình
đưa ra. Thẩm phán giữ vai trò trọng tài, điều khiển cuộc tranh tụng, bảo
đảm cho các bên có đầy đủ các điều kiện và quyền hạn tranh tụng như
nhau, buộc bên bị phản đối phải chấm dứt việc đưa ra các quan điểm suy
diễn, áp đặt nếu sự phản đối của bên kia là có căn cứ (phản đối hữu
hiệu), đồng thời, ngăn chặn những phản đối không có căn cứ (phản đối vô
hiệu).
Đề cao tính trung lập của tòa án
Trong mô hình
tố tụng tranh tụng, một đặc điểm nổi bật là thẩm phán và bồi thẩm đoàn
bị động và trung lập. Mô hình tranh tụng dựa trên vai trò trung lập và
thụ động của thẩm phán /bồi thẩm đoàn để giải quyết các tranh chấp giữa
các bên qua các thủ tục đối kháng. Thẩm phán /bồi thẩm đoàn chỉ đưa ra
kết luận cuối cùng và đứng ngoài mọi tranh luận và họ cũng bị cấm tham
gia vào các thủ tục thu thập chứng cứ hay thuyết phục các bên có các
thao tác hoà giải với nhau.
Trách nhiệm trình bày chứng cứ
thuộc về các bên. Lý luận của mô hình tranh tụng đòi hỏi rằng các bên
phải có trách nhiệm đưa ra chứng cứ trước Toà. Nguyên tắc này bảo đảm
cho Toà án thoát khỏi mọi ảnh hưởng hay định kiến - nếu tham gia vào
việc thu thập chứng cứ. Điều đó cũng khuyến khích các bên phải tận dụng
hết mọi cơ hội hay khả năng để tìm tòi, đưa ra những chứng cứ thuyết
phục nhất và qua đó thẩm phán có điều hiện để suy xét, đưa ra phán quyết
thích hợp nhất. Do sự phức tạp của pháp luật và những quy tắc tố tụng,
các bên nói chung không có đủ khả năng thực hiện các quyền, nghĩa vụ của
họ và tố tụng tranh tụng phải dựa vào một đội ngũ chuyên nghiệp là luật
sư để họ có thể tập hợp, thu thập bằng chứng và trình bày trước Toà.
Một thủ tục phức tạp, đạt trình độ cao
Một đặc điểm nữa của tố tụng tranh tụng là thủ tục phức tạp và đạt
trình độ cao. Có 3 quy tắc cơ bản định hình cho mọi thủ tục trong mô
hình tranh tụng: giai đoạn trước và sau khi xét xử là quy tắc tố tụng
(Rule of procedure), giai đoạn xét xử (tại Toà án) là quy tắc về chứng
cứ (Rule of Evidence) và cuối cùng là quy tắc điều chỉnh đạo đức luật sư
(Rule of ethics).
- Quy tắc tố tụng gồm một loạt các quy định
giúp các bên chuẩn bị chứng cứ trước khi bước vào xét xử chính thức và
là một thủ tục tư pháp hành chính để Toà án xem xét các chứng cứ đã đủ
cho một phiên toà chính thức chưa nhằm tránh những thủ tục điều tra có
thể diễn ra không cần thiết tại Toà.
- Quy tắc về chứng cứ bảo
đảm sự thống nhất của các yếu tố trong hệ tranh tụng. Nó ngăn chặn việc
sử dụng những chứng cứ không đáng tin cậy có thể làm Toà án đưa ra phán
quyết dựa trên những thông tin sai lệch. Nó cũng nghiêm cấm sử dụng
chứng cứ có thể gây ra những định kiến không công bằng cho một trong các
bên tham gia tố tụng. Quy tắc về chứng cứ cũng tạo điều kiện ràng buộc
luật sư để họ biết được những chứng cứ nào sẽ được chấp thuận tại Toà
sau này; đồng thời là cơ sở để xác định thẩm quyền của thẩm phán chủ toạ
phải điều hành diễn biến, thủ tục phiên toà: ông ta không có quyền chọn
chứng cứ mà ông ta thấy thích hợp nhất mà phải tuân theo các quy tắc
chứng cứ đã được xác định trước.
- Quy tắc điều chỉnh đạo đức
luật sư: Mô hình tranh tụng sử dụng một loạt các quy tắc về đạo đức nghề
nghiệp để kiểm soát đội ngũ luật sư của cả hai bên. Những thủ đoạn đe
doạ hay che giấu, làm sai lệch thông tin có thể làm cho Toà án có định
kiến bị cấm và loại trừ. Hơn nữa, quy tắc về đạo đức cũng đòi hỏi luật
sư phải hành sự và trung thành vô điều kiện với quyền lợi của thân chủ
của các bên như chính quyền lợi của họ.
Trong mô hình tố tụng
này, chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật được giao cho Tòa án.
Với vị trí trung tâm của hệ thống tư pháp, của hoạt động tố tụng, Tòa án
có quyền và có trách nhiệm bảo đảm cho các bên nghiêm chỉnh chấp hành
các quy định của pháp luật. Điều này khác với những nước có tổ chức Viện
kiểm sát như Nga, Trung Quốc, Việt Nam…
Một số nhược điểm của tố tụng tranh tụng
- Tố tụng tranh tụng bị phê phán là xa rời thực tế, “việc con người bị
phán xét như thế nào dường như quan trọng hơn việc xem họ đã làm gì trên
thực tế”. Một số ý kiến chỉ trích cho rằng, trong mô hình tố tụng tranh
tụng, bên nào có nhiều tiền để thuê luật sư thì sẽ có nhiều khả năng
giành thắng lợi hơn. Một số tác giả thậm chí còn kết luận rằng, tố tụng
xét hỏi cho phép tìm ra sự thật, trong khi đó tố tụng tranh tụng chỉ cho
phép tìm ra một phần sự thật mà thôi.
- Nhược điểm thứ hai là
thủ tục tố tụng rất phức tạp. Mọi vấn đề lẽ ra phải được thực hiện trong
cả một quá trình điều tra lại chỉ được trình bày trong phiên xét xử và
khi phiên toà xét xử diễn ra thì chưa có gì thực sự được khẳng định chắc
chắn cả.
- Ngoài ra, tố tụng tranh tụng cũng có nhược điểm là
chi phí mở phiên toà cao, thời gian xét xử thường kéo dài, thành viên
bồi thẩm đoàn có thể bị ảnh hưởng quá mức bởi thông tin đại chúng liên
quan đến vụ việc và khó có thể ước định ngay thiệt hại cũng như phân
tích những chứng cứ phức tạp tại phiên toà; bồi thẩm đoàn không có trách
nhiệm đưa ra lý do đối với các quyết định của họ ...
2. Tố tụng thẩm vấn (tố tụng xét hỏi)
Vai trò chủ động của thẩm phán
Mô hình tố tụng thẩm vấn xuất hiện vào thời kỳ chiếm hữu nô lệ, trong
các Tòa án tôn giáo và dần dần thâm nhập vào Tòa án thường. Tố tụng thẩm
vấn được sử dụng hầu hết ở các quốc gia trước đây không phải là thuộc
địa của Anh. Bao gồm cả các nước châu Âu lục địa, các nước Mỹ La tinh,
các nước châu á và châu Phi không thuộc khối Thịnh vượng chung.
Nét đặc trưng nhất của mô hình tố tụng thẩm vấn là nó đề cao vai trò
chủ động của thẩm phán (trong tiếng Pháp là juge d’instruction, thường
được dịch là investigating magistrate - thẩm phán điều tra hoặc judge -
thẩm phán). Thẩm phán là người đưa ra quyết định điều tra khi xảy ra một
vụ án nào đó. Thẩm phán cũng là người có trách nhiệm tìm ra sự thật
trên cơ sở các sự việc, chứng cứ. Cũng chính thẩm phán là người chỉ đạo
toàn bộ quá trình tố tụng, kể cả giai đoạn điều tra. Trong quá trình
điều tra, thẩm phán cũng góp phần tích cực trong việc tìm ra sự thật và
phục vụ với tư cách là người thẩm tra. Như vậy, vai trò của thẩm phán
trong tố tụng thẩm vấn khác xa so với vai trò của thẩm phán - trọng tài
trong tố tụng tranh tụng. ở đây, thẩm phán là trung tâm của quá trình
thu thập dữ kiện trong hệ thống thẩm vấn. Thẩm phán không chỉ thực hiện
chức năng xét xử, mà còn thực hiện cả chức năng điều tra, chức năng buộc
tội và một phần nào đó của chức năng bào chữa.
Trong tố tụng
thẩm vấn, khi vai trò của thẩm phán được đề cao và nắm giữ vai trò quyết
định, thì các chức năng buộc tội và bào chữa tồn tại khá mờ nhạt. Vai
trò công tố viên buộc tội và luật sư bào chữa gần như thụ động. Sự thật
của vụ án chỉ có thể và tìm ra được trong quá trình thẩm vấn, điều tra.
Bởi vậy, việc xem xét đánh giá và ghi nhận tính có căn cứ, hợp lệ của
chứng cứ được coi là đặc trưng của hình thức tố tụng thẩm vấn. Khi đánh
giá chứng cứ, người ta dựa vào những tiêu chí hết sức khắt khe mà luật
tố tụng đã quy định để xác định tính hợp lệ của chúng. Phiên toà trong
tố tụng thẩm vấn không phải là cuộc tranh tụng giữa các bên buộc tội và
gỡ tội, mà thực chất vẫn là sự tiếp tục của việc điều tra, thẩm định
chứng cứ, tìm chứng cứ, làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Các bên có
trách nhiệm cung ứng tất cả các chứng cứ thích hợp, có liên quan đến vụ
án cho Toà án. Các thẩm phán sẽ thực hiện trực tiếp việc thẩm vấn các
nhân chứng một cách tích cực chứ không phải công tố viên và luật sư bào
chữa. Phiên toà cũng diễn ra trong thời gian ngắn hơn so với tố tụng
tranh tụng, bởi vì nó không bao gồm phần tranh tụng của các bên.
Trong tố tụng thẩm vấn, Viện công tố có những quyền hạn lớn hơn so với
trong tố tụng tranh tụng. Viện công tố có quyền chỉ đạo công tác điều
tra, ra quyết định khởi tố. Đối với các vụ án phức tạp thì sau giai đoạn
điều tra sơ bộ còn có giai đoạn thẩm cứu do một thẩm phán điều tra đảm
nhiệm. Đây là một thẩm phán độc lập, không tham gia vào giai đoạn điều
tra sơ bộ ban đầu và có nhiệm vụ xác định sự thật. Theo quy định của Bộ
luật Tố tụng hình sự, nhiệm vụ của thẩm phán điều tra là làm cho sự thật
được thể hiện rõ. Như vậy, mọi chứng cứ đều do một thẩm phán điều tra
độc lập và khách quan tập hợp, cho dù đó là chứng cứ cho phép kết tội bị
can hoặc cho phép chứng minh sự vô tội của bị can.
Đề cao vai trò của cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt ở giai đoạn điều tra
- Tố tụng thẩm vấn nhấn mạnh vào giai đoạn điều tra, thẩm tra của quá
trình tố tụng, bởi vậy việc điều tra, thẩm tra chứng cứ trong các vụ án
được yêu cầu khắt khe và kỹ lưỡng, bảo đảm sự chính xác, khách quan
trong việc xác định sự thật của vụ án và xác định chính xác kẻ phạm tội.
- Tố tụng thẩm vấn đề cao vai trò của thẩm phán trong suốt quá trình tố
tụng. Thẩm phán không chỉ thể hiện quyền năng tại phiên toà hay giai
đoạn xét xử mà còn có quyền và nghĩa vụ tham gia tích cực trong quá
trình điều tra, thẩm tra chứng cứ. Điều này khẳng định việc tham gia
trực tiếp của thẩm phán trong tố tụng thẩm vấn với ý nghĩa quan trọng,
tích cực, trái ngược với sự ảnh hưởng gián tiếp của thẩm phán trong quá
trình tố tụng ở mô hình tố tụng tranh tụng.
- Phiên toà trong
tố tụng thẩm vấn gồm hai thẩm phán: một là thẩm tra viên, một là thẩm
phán có quyền quyết định vụ việc. Phần lớn nhiệm vụ thẩm vấn để bổ sung,
làm rõ, đánh giá chứng cứ vụ án thuộc về thẩm phán. Các câu hỏi chủ yếu
đối với các nhân chứng và các bên liên quan là do thẩm phán đặt câu hỏi
và phát triển sự kiện theo hướng làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Các luật sư chủ yếu chỉ tranh luận để giải thích về các chứng cứ liên
quan đến vụ án mà có thể các chứng cứ này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến
việc đưa ra phán quyết của thẩm phán.
Nhược điểm của mô hình tố tụng thẩm vấn
Mô hình tố tụng thẩm vấn thường bị chỉ trích là không tôn trọng đầy đủ
quyền của các bên đương sự bởi vì họ không có nghĩa vụ chứng minh chứng
cứ. Vì chứng cứ là do thẩm phán điều tra tập hợp nên người ta cho rằng
tố tụng thẩm vấn đi ngược lại nguyên tắc vô tư, khách quan và cho rằng
đôi khi thẩm phán đã có sẵn trong đầu quyết định xét xử trước khi diễn
ra giai đoạn xét xử. Xét dưới góc độ đó, việc tranh luận tại phiên toà
trở nên vô nghĩa. Người ta cũng chỉ trích rằng, thủ tục tố tụng thẩm vấn
thường kéo dài, làm mất nhiều thời gian vì có thêm giai đoạn điều tra.
3. Một số liên hệ với mô hình tố tụng hình sự tại Việt NamSự thực là hệ
thống tố tụng hình sự nào cũng gặp phải một mâu thuẫn hay một sức ép
giữa một bên là những yêu cầu về giải quyết nhanh chóng và kịp thời các
vụ án hình sự để bảo đảm sự ngăn ngừa các hành vi phạm tội, với một bên
là việc bảo đảm tính công bằng để bảo vệ các quyền lợi của công dân (khi
người này bị tình nghi là phạm tội). Bởi rằng, nếu chúng ta kích hoạt
các yếu tố nhấn mạnh sự ngăn ngừa tội phạm thì vô hình trung hay một tất
yếu xảy ra là những “rào chắn” bảo vệ quyền lợi của công dân sẽ bị xâm
hại; và ngược lại.
Chính sự nhấn mạnh việc cần thiết phải giải
quyết nhanh chóng và kịp thời các vụ án hình sự là một nguyên nhân mà hệ
thống tố tụng hình sự Việt Nam thời gian qua đã quá “coi trọng” các cơ
quan tố tụng tiến hành hoạt động tố tụng, và chưa coi trọng vai trò của
luật sư trong tố tụng.
Trước hết, chúng ta phải thừa nhận yếu
tố lịch sử đã tác động lớn đến phương thức hoạt động tố tụng hình sự của
Việt Nam. Từ năm 1945 đến năm 1975, nước ta luôn sống trong cảnh thời
chiến, luôn phải đối phó với các lực lượng phản động; “Một chế độ nào,
cho dẫu là theo hướng dân chủ mới, nhưng mới thành lập sau một cuộc cách
mạng, cũng cần phải dùng những phương sách bất thường để chống với
những lực lượng phản động”, bởi vậy, lực lượng công an có một quyền lực
tương đối lớn và độc lập được Nhà nước trao cho để đối phó mạnh mẽ với
tình hình thời điểm đó, với mục tiêu trên hết là An ninh quốc gia.
Sau năm 1975, các lực lượng thù địch vẫn luôn chống phá và trong nước
thì trải qua một giai đoạn bao cấp kéo dài, việc cải cách tư pháp chưa
được chú trọng. Do vậy, cách thức hoạt động phòng chống tội phạm vẫn
theo ý thức hệ cũ: Nhấn mạnh mặt đấu tranh với tội phạm mà chưa chú
trọng đến việc bảo đảm quyền công dân (khi những người này bị vướng vào
vòng tố tụng); tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tố tụng giải
quyết vụ án mà quên đi tính công bằng khi không tạo điều kiện đầy đủ cho
công dân được bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ.
Di sản lịch
sử tư pháp để lại là một hệ thống tố tụng hình sự chú ý nhiều đến trừng
trị kẻ phạm tội, hướng tới việc giải quyết nhanh chóng và kịp thời các
vụ án hình sự để bảo đảm sự ngăn ngừa các hành vi phạm tội, mà vô hình
trung đã quên đi việc bảo đảm tính công bằng để bảo vệ các quyền lợi của
công dân bị tình nghi phạm tội.
Sự ra đời của hệ thống Viện
kiểm sát cũng chỉ đóng góp “nổi trội” với vai trò như một “móc xích” để
móc nối sự liền mạch của các giai đoạn tố tụng (điều tra, truy tố và xét
xử) bảo đảm cho một quy trình tố tụng hoạt động “trơn tru”, còn việc
kiểm sát hoạt động tố tụng để bảo đảm quyền công dân, đặc biệt trong
giai đoạn điều tra là hạn chế. Bởi vì, Viện kiểm sát không phải cơ quan
“trực tiếp” đứng ra bảo vệ quyền lợi cho công dân, mà chỉ thực hiện gián
tiếp thông qua kiểm sát các hoạt động tố tụng hình sự. Để rõ hơn, xin
trích dẫn nhận định của một chuyên gia pháp luật về vai trò của Viện
kiểm sát Việt Nam trong tố tụng hình sự tại Hội thảo Pháp luật về tổ
chức điều tra hình sự do Nhà Pháp luật Việt - Pháp tổ chức năm 2002:
“Vai trò của kiểm sát còn rất hạn chế, còn hình thức, chưa bảo đảm được
mức độ hiệu quả cần thiết. Đây là một thực tế. Đâu là nguyên nhân của
tình trạng này? Tôi lấy ví dụ, người ta chú ý nhiều đến vấn đề trừng trị
kẻ phạm tội. Nhưng để chấp hành các thủ tục về bắt giam, nếu có sai sót
chút ít, thì người ta vẫn chưa đặt vấn đề lớn đối với chuyện đó. Thành
ra những sai sót nhỏ, những cái sai về thủ tục, người ta chưa đặt vấn đề
đầy đủ để bảo đảm tránh sai sót. Người ta chỉ chú ý xác nhận cho đúng
kẻ phạm pháp. Chính tư tưởng như vậy, tôi nghĩ rằng nếu Cơ quan điều tra
có sai, thì Viện kiểm sát cũng không nghiêm khắc đối với những vấn đề
đó, không chú ý đến những vấn đề đó” (1).
Từ phân tích trên,
chúng ta thấy, hệ thống tố tụng hình sự Việt Nam quá chú trọng vào việc
trừng trị tội phạm, sự thuận lợi trong các hoạt động tố tụng luôn được
dành cho các cơ quan tố tụng, ngay cả sự ra đời của hệ thống Viện kiểm
sát cũng chỉ để bảo đảm một quy trình vận hành liền mạch và trơn tru. Đi
kèm với nội dung này là một “ý thức hệ” cho rằng: Việc vận hành “bộ
máy” tố tụng hình sự hiệu quả cơ bản chỉ cần ba cơ quan là Công an, Viện
kiểm sát và Toà án, lực lượng luật sư được đặt “ngoài rìa”, chỉ được
coi là lực lượng hỗ trợ và / hoặc phối hợp với các cơ quan tiến hành tố
tụng.
Chúng ta phải thừa nhận rằng suốt một thời gian dài, hệ
thống tố tụng hình sự kiểu “cũ” này đã phát huy hiệu quả bảo đảm an ninh
quốc gia và trật tự xã hội.Vì vậy, khoảng 10 năm trở lại đây, một nhu
cầu cấp thiết về cải cách tư pháp được đặt ra, trong đó có cải cách hệ
thống tố tụng hình sự. Việc Bộ Chính trị ban hành các Nghị quyết
08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp
trong thời gian tới và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến
lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã thể hiện được một tư tưởng hoàn
toàn “mới mẻ” (đối với Việt Nam); trong đó định hướng xây dựng một hệ
thống tố tụng hình sự coi trọng trước hết việc bảo đảm quyền lợi của
công dân, như: Tăng cường công tác kiểm sát việc bắt, giam, giữ, bảo đảm
đúng pháp luật; những trường hợp chưa cần bắt, tạm giữ, tạm giam thì
kiên quyết không phê chuẩn và xử lý kịp thời các trường hợp oan, sai
trong bắt, giữ; các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để luật
sư tham gia vào quá trình tố tụng: tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu
hồ sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại toà...
Rất đáng tiếc là trên thực tế, do cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan mà việc triển khai còn nhiều hạn chế.
(1) Kỷ yếu Hội thảo Pháp luật về tổ chức điều tra hình sự do Nhà Pháp luật Việt - Pháp tổ chức năm 2002, tr.23
(Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 148-thang-6-2009 ngày
10/06/2009) Ths Nguyễn Hải Ninh - Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật và cải cách
tư pháp, Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Hà Thanh - Vụ pháp luật và
cải cách tư pháp, Văn phòng Trung ương Đảng
---
Nguon: Nghien Cuu Lap Phap - Van Phong Quoc Hoi
Wednesday, September 18, 2013
Tố tụng tranh tụng và tố tụng thẩm vấn trong tư pháp hình sự thế giới
10:34 PM
Hoàng Phong Nhã
No comments
0 comments:
Post a Comment