Tuesday, September 24, 2013

LUẬT TỤC TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

PHẠM VĂN CHUNG
Đảng và Nhà nước ta xác định "Nhà nước quản lý xã hội chủ yếu bằng pháp luật". Mặc dù vậy, trong cộng đồng các buôn làng của người dân tộc thiểu số bản địa ở Kon Tum, việc quản lý xã hội buôn làng lại chủ yếu là sử dụng luật tục. Với diện tích tự nhiên khoảng 9.614.000 km2 nhưng dân số chỉ có khoảng gần 400.000 người thuộc nhiều dân tộc anh em cùng chung sống như Kinh, Ja Rai, Jẻ Triêng, Xê Đăng, Ba Na, Brâu, Rơ Mâm… và một số dân tộc khác thuộc các tỉnh phía Bắc mới di cư vào như: Mường, Thái, Tày, Nùng… trong đó các dân tộc thiểu số bản địa chiếm khoảng 54% dân số tự nhiên của tỉnh nên việc sử dụng luật tục trong đời sống xã hội có nhiều nét đặc sắc, phong phú và riêng biệt.
Luật tục với các quan hệ hôn nhân và gia đình
Quan hệ hôn nhân của các dân tộc bản địa ở Kon Tum hầu như được xác lập vững chắc bởi chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Trường hợp vợ chồng mà ly hôn thì theo lệ của làng bị phạt rất nặng, chẳng hạn như dân tộc Xê – Đăng cư trú tại huyện Ngọc Hồi nếu khi vợ chồng ly hôn thì cả 2 người đều bị phạt và nếu người chồng mà bỏ vợ dẫn đến vợ chồng ly hôn thì sau 6 năm người chồng đó mới được lấy vợ khác hoặc khi vợ hoặc chồng có người chết trước thì người còn lại sau 3 năm mới được kết hôn. Nếu vi phạm các quy định này cũng bị phạt. Cũng như hầu hết các dân tộc khác, các dân tộc thiểu số ở Kon Tum đều kiêng cấm người đã có vợ, có chồng ngoại tình. Ai vi phạm vào điều cấm này sẽ bị phạt vạ, tuỳ từng dân tộc mà mức phạt vạ là khác nhau, ví dụ như phạt heo và rượu để cả làng cùng uống… Luật tục trong hôn nhân nghiêm cấm những người trong cùng dòng họ lấy nhau, đặc biệt đối với người Jẻ -Triêng đây là điều cấm kỵ, một vài dân tộc khác thì phải cách nhau vài thế hệ, chẳng hạn như với người Gia -Rai phải trải qua 4 đời, người Xê -Đăng là 3 đời… Để tiến đến hôn nhân, cả nam và nữ đều có quyền tự do tìm hiểu yêu đương.
Cũng như nhiều nơi ở Tây Nguyên, mô hình gia đình phổ biến của các dân tộc bản địa ở Kon Tum là đại gia đình bao gồm nhiều thế hệ cùng sống trong ngôi một nhà. Về thiết chế của gia đình, tuỳ theo tính chất hôn nhân của từng dân tộc mà mang tính mẫu hệ, phụ hệ hay song hệ. Người Ba -Na theo chế độ phụ hệ; người Brâu, JaRai theo chế độ mẫu hệ, gia đình Xê -Đăng và Jẻ -Triêng theo chế độ song hệ. Đối với gia đình theo chế độ mẫu hệ thì con sinh ra lấy họ mẹ, người phụ nữ lấy chồng và có quyền lực cao hơn chồng. Đối với gia đình phụ hệ thì ngược lại so với gia đình mẫu hệ, còn gia đình song hệ thì con sinh ra có thể lấy họ cha hoặc họ mẹ việc cư trú sau hôn nhân có sự lưu trú từ 2 phía. Mọi mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong nội bộ gia đình thì gia đình tự thu xếp giải quyết. Nếu gia đình không tự giải quyết được thì đều được phân xử trước bản làng. Trong gia đình, các vấn đề quan trọng như việc mua bán các tài sản có giá trị thì đều có sự bàn bạc trước giữa vợ và chồng. Luật tục của các dân tộc bản địa ở Kon Tum còn phản ánh mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, trong đó cha mẹ phải có trách nhiệm giáo dục con cái, con cái phải phụng dưỡng cha mẹ khi về già, người nào vi phạm đều bị phạt.
Luật tục với các vấn đề trật tự cộng đồng buôn làng
Trong mỗi buôn làng thì mỗi thành viên đều chịu sự chỉ đạo chung của Già làng và đều phải tuân theo luật tục của buôn làng. Trong cuộc sống hằng ngày mỗi người đều lấy luật tục làm chỉ dẫn cho hành động của mình, mọi người căn cứ vào luật tục để giám sát lẫn nhau. Thành viên nào vi phạm luật tục gây mất trật tự buôn làng thì đều bị chính luật tục trừng trị. Người Xê -Đăng ở một số nơi có hình thức phạt gà, heo và rượu cho làng uống đối với 2 người có hành vi đánh lộn gây mất trật tự buôn làng hoặc phạt bồi thường 2 con gà cộng thêm heo rượu để làng uống đối với hành vi ăn cắp 1 con gà… Bên cạnh đó, các thành viên của buôn làng đều được quyền bình đẳng như nhau trên cơ sở tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau.
Đối với vấn đề tang ma, tang ma của các dân tộc bản địa Kon Tum thể hiện sự phong phú về bản sắc nhưng có một điểm chung là: khi trong làng có người chết thì mọi người dân trong làng đều nghỉ làm việc và đến chia buồn với gia đình có người chết. Việc tang thông thường được tổ chức từ 1 đến 3 ngày sau đó mới đi chôn (địa táng). Trước đây, dân tộc Jẻ -Triêng cư trú ở huyện Ngọc Hồi còn có hình thức chôn cất thiên táng nhưng nay đã được xoá bỏ. Ngoài ra, một số dân tộc còn có điểm riêng, chẳng hạn như dân tộc Ja -Rai cư trú ở huyện Sa Thầy thì sau khi chôn cất người chết hằng ngày gia đình vẫn mang cơm, thức ăn và nước uống ra mộ để cúng và được kéo dài tới khi làm lễ bỏ mả…
Luật tục với vấn đề tài nguyên -môi trường
Qua khảo sát, nghiên cứu thấy rằng luật tục của các dân tộc bản địa ở Kon Tum đều có các quy định giống nhau trong vấn đề bảo vệ và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đối với rừng đầu nguồn (hay còn được gọi là rừng ma) đây là rừng dự trữ và cung cấp nguồn nước vào hồ chứa để lấy nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân buôn làng. Đối với rừng này mọi người không được chặt phá vì họ quan niệm rằng đây là rừng thiêng nên nếu chặt phá thì ma sẽ gây thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn cho buôn làng. Do vậy mà luật tục cấm mọi người không được làm gì ảnh hưởng đến sự phát triển của rừng ma, đối với hồ nước sinh hoạt của buôn làng thì cấm mọi người làm dơ bẩn nguồn nước. Nếu người nào vi phạm những điều cấm trên thì tuỳ theo tính chất, hoàn cảnh kinh tế giàu nghèo sẽ bị phạt: trâu, bò, heo, gà và rượu để cúng Thần (Giàng) xin tha tội, cá biệt có những trường hợp bị đuổi khỏi làng.
Luật tục với vấn đề sở hữu
Đời sống xã hội của các dân tộc bản địa Kon Tum hầu hết đều có mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa các thành viên với cộng đồng buôn làng, do vậy trong đời sống xã hội buôn làng tồn tại 2 hình thức sở hữu chủ yếu đó là sở hữu tập thể và sở hữu cá nhân. Sở hữu tập thể: Sở hữu tập thể được xác lập bao gồm tất cả những gì mang tính chất chung của cộng đồng buôn làng trên mọi lĩnh vực và ở mọi phương diện như đất đai, sông núi, nguồn nước…. Đó là quyền sở hữu về lãnh thổ giữa các buôn làng và được lấy các vật chuẩn tự nhiên (như dòng nước, ngọn núi con đường…) để làm mốc. Chủ sở hữu tập thể chính là cộng đồng dân cư cùng sống trong phạm vi buôn làng. Trong đó, Già làng là người đại diện quản lý về mọi mặt. Sở hữu cá nhân: Đối với sở hữu cá nhân thì trong phạm vi buôn làng mình có quyền tự do khai thác, canh tác và sử dụng các nguồn tài nguyên như đất đai, nguồn nước, rừng… để phục vụ nhu cầu sản suất cũng như trong sinh hoạt đời sống. Việc xác định quyền sở hữu đối với các dân tộc bản địa ở Kon Tum phổ biến chung là hiện tượng làm dấu, chẳng hạn đối với đất đai thì người ta chỉ cần làm một số cây nêu làm dấu ở các góc mảnh đất hoặc xếp đá xung quanh mảnh đất cũng như chỉ cần tước một đoạn vỏ ở gốc cây, rồi cài một mẩu que vào đó, cũng có thể buộc một vòng dây quanh gốc cây hoặc dùng 2 đoạn cây cắm bắt chéo gìm xuống thân cây gỗ đổ trên mặt đất… Có thể để lâu vật chiếm hữu mới được khai thác, nhưng kể từ khi có dấu hiệu như thế, chúng đã được xem là có chủ, người khác không được xâm phạm tới. Trong trường hợp ai đó muốn xâm canh, khai thác vào đất và các tài nguyên khác thuộc sở hữu của buôn làng, của cá nhân thì nhất thiết phải được buôn làng và cá nhân là chủ sở hữu chấp thuận, bằng không sẽ bị coi là vi phạm luật tục của làng và sẽ phải bồi thường do hành vi vi phạm gây ra và sẽ bị xử phạt theo luật làng. Khi xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu đất thì các bên tự giải quyết, nếu không giải quyết được thì Già làng sẽ hoà giải, trong trường hợp này mỗi bên đều bị phạt gà hoặc heo và rượu cho làng. Nếu Già làng hoà giải mà các bên vẫn không chấp nhận thì đất đó sẽ bị thu hồi làm đất của làng (đây là luật tục của dân tộc Xê -Đăng thuộc xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy).
Qua một số luật tục trên đây có thể thấy mấy điểm chung: Nhiều luật tục thể hiện sự lạc hậu, cổ hủ trong nhận thức đối với tự nhiên và xã hội của người đồng bào dân tộc thiểu số, thậm chí là phản khoa học, trái với luật pháp hiện hành của Nhà nước. Nhưng cũng không ít luật tục cho thấy có sự phù hợp với pháp luật hiện hành, mang tính kinh nghiệm sống cao, thể hiện bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Việc xây dựng hương ước, quy ước tại buôn, làng ở đây là yêu cầu rất cấp bách nhằm điều chỉnh, khắc phục những nhược điểm của luật tục, đồng thời góp phần bảo vệ và phát huy các điểm tiến bộ, đặc sắc của luật tục.
SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT
Trích dẫn từ:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code