2.1. Nhà nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

2.1.1. Cơ sở hiến định

- Các chính sách và mục tiêu phát triển kinh tế được đưa vào nội dung Hiến pháp của nước ta từ Hiến pháp 1959 đến nay. Những chính sách và mục tiêu này thay đổi qua từng thời kỳ lịch sử, tương ứng với những lần thay đổi, chỉnh sửa Hiến pháp.

- Trong Hiến pháp 1992, chính sách phát triển kinh tế được quy định tại Điều 15 và Điều 16 như sau:
Điều 15: “Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng.”

Điều 16: “Mục đích chính sách kinh tế của Nhà nước là làm cho dân giàu nước mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân trên cơ sở giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế: kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức, thúc đẩy xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, mở rộng hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật và giao lưu với thị trường thế giới.”

- Đến năm 2001, Điều 15 và Điều 16 được sửa đổi, bổ sung như sau:
Điều 15: “Nhà nước xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng”.

Điều 16: “Mục đích chính sách kinh tế của Nhà nước là làm cho dân giàu nước mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân trên cơ sở phát huy mọi năng lực sản xuất, mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài dưới nhiều hình thức, thúc đẩy xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, mở rộng hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật và giao lưu với thị truờng thế giới.

- Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế được sản xuất, kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. - Nhà nước thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

- Theo Điều 15 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001), Nhà nước ta hiện nay đang theo đuổi 2 chính sách phát triển kinh tế. Một là “Nhà nước xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.”

Hai là “Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” Trong đó xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là chính sách mới.

2.1.2. Nền kinh tế độc lập tự chủ là nền kinh tế như thế nào?
- Nền kinh tế độc lập tự chủ là nền kinh tế không bị lệ thuộc, phụ thuộc vào nước khác hoặc vào một tổ chức kinh tế nào đó về đường lối, chính sách phát triển, không bị bất cứ ai dùng những điều kiện kinh tế, chính trị... để áp đặt, khống chế, làm tổn hại chủ quyền quốc gia và lợi ích cơ bản của dân tộc. Ví dụ: Khả năng đảm bảo an ninh lương thực.

- Nền kinh tế độc lập tự chủ là nền kinh tế trước những biến động của thị trường bên ngoài, trước sự khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới ở bên ngoài, nó vẫn có khả năng cơ bản duy tri sự ổn định và phát triển kinh tế tài chính quốc gia cũng như sự ổn định định hướng phát triển;

Ví dụ: Trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, tuy chịu ảnh hưởng rất lớn nhưng Việt Nam đã nhanh chóng khắc phục khó khăn và là một trong những quốc gia phục hồi sớm sau khủng hoảng.

- Nền kinh tế độc lập tự chủ là nền kinh tế đứng trước sự bao vây, cô lập và chống phá của các thế lực thù địch, nó vẫn có khả năng đứng vững, không bị sụp đổ, không bị rối loạn về kinh tế và chính trị.

Ví dụ: Cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam từ 1976 đến 1994; các vụ kiện chống bán phá giá giày dép, tôm cá…và gần đây là việc WFF đưa cá basa của Việt Nam vào danh sách đỏ trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản 2010 cho Châu Âu.

2.1.3. Vì sao phải bảo đảm độc lập tự chủ về kinh tế?

- Bảo đảm độc lập tự chủ về kinh tế gắn liền với độc lập tự chủ về chính trị và chủ quyền quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều là con nợ và chủ nợ của nhau, nhưng nếu nền kinh tế không đủ mạnh để đứng vững thì có nguy cơ sụp đổ về kinh tế, đất nước trở thành con rối bị giật dây trên chính trường thế giới và có nguy cơ mất cả lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.

Ví dụ: điển hình như sự kiện vỡ nợ của Hy Lạp trong năm 2010, Hy Lạp hiện mất trả năng trả nợ do nhiều nguyên nhân. Ngay lập tức báo chí Đức – một trong những chủ nợ của Hy Lạp lên tiếng gợi ý Hy Lạp bán bớt các hòn đảo hoang. Tiếp theo, báo chí Pháp – một con nợ khác của Châu Âu, cũng lên tiếng rằng, Hy Lạp còn có đảo hoang để bán, chứ Pháp sẽ bán gì khi bị vỡ nợ? EU đã gia hạn thời hạn trả nợ cho Hy Lạp thêm 3 năm. Như vậy án treo vẫn đang lơ lửng trên đầu Hy Lạp cho đến 2013.

- Bảo đảm độc lập tự chủ về kinh tế cũng có nghĩa là bảo đảm vững chắc định hướng xa hội chủ nghĩa và giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc trong công cuộc phát triển kinh tế, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Không phải chờ đến khi có trinh độ phát triển cao mới đặt vấn đề giữ vững độc lập tự chủ về kinh tế, mà ngay từ đầu, ngay bây giờ đó phải bảo đảm yêu cầu cơ bản về độc lập tự chủ, trước hết là về đường lối chính trị, các nguyên tắc cơ bản về phát triển kinh tế. Việc xây dựng kinh tế độc lập tự chủ là một quá trinh lâu dài, đi từ thấp đến cao, ngày càng hoàn chỉnh, ngày càng bền vững.

- Trong thời đại ngày nay, nói độc lập tự chủ về kinh tế không nên hiểu đó là một nền kinh tế khép kín, tự cung tự cấp, mà đặt trong mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ với chính sách mở cửa, hội nhập, xu hướng toàn cầu hóa chủ động tham gia sự giao lưu, hợp tác và cạnh tranh quốc tế trên cơ sở phát huy tốt nhất nội lực và lợi thế cạnh tranh so sánh của quốc gia, từng bước xây dựng một cơ cấu kinh tế đáp ứng được cơ bản nhu cầu thiết yếu về đời sống của nhân dân và có khả năng ở mức cần thiết cho nhu cầu phát triển kinh tế, củng cố quốc phong - an ninh.

2.1.4. Những yếu tố cơ bản để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ

- Để xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập với kinh tế quốc tế thì chúng ta phải cần có những yếu tố cơ bản sau đây: Một là, phải có đường lối chính sách kinh tế độc lập, tự chủ về phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, phải có thực lực và tiềm lực kinh tế đủ mạnh ở mức độ cần thiết.
Ba là, phải xây dựng được thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN vững mạnh và giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

- Độc lập tự chủ về kinh tế nhưng phải gắn với mở cửa và hội nhập thị trường bên ngoài, chủ động tham gia vào sự giao lưu, hợp tác với thị trường thế giới. Nhà nước thống nhất và mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại, phát triển các hình thức quan hệ kinh tế với mọi quốc gia, mọi tổ chức quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và cùng cố lợi ích, bảo vệ và thúc đẩy sản xuất trong nước.

- Chính sách phát triển của Nhà nước phải đưa nước ta từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu thành một nước công nghiệp hóa hiện đại hóa.

2.1.5 Định hướng xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ

- Phát huy nội lực: việc phát huy nội lực cũng là biện pháp tránh phụ thuộc vào bên ngoài.
Ví dụ: Việt Nam cần phát huy, khai thác tốt hơn nữa các nguồn nội lực như vị trí địa chính trị quan trọng, nguồn nhân lực trẻ, thời kì dân số vàng, tài nguyên dồi dào.

- Chủ động hội nhập kinh tế thế giới
Ví dụ: Việt Nam đã và đang chủ động trong việc phát triển các mối quan hệ song và đa phương như gia nhập WTO năm 2006 kí BTA với Nhật Bản, Hoa Kì, …

- Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: Cơ giới hóa các hoạt động sản xuất, đồng thời phải xây dựng một nền kinh tế hiện đại, đi tắt đón đầu những công nghệ mới, không chấp nhận những công nghệ lạc hậu