BÙI THỊ LÝ
Cuộc khủng hoảng kinh
tế tài chính gây nên những tổn thất to lớn trên thế giới hiện nay đang
thu hút sự quan tâm không chỉ của chính phủ các nước mà còn của giới
nghiên cứu trên toàn thế giới. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã được mổ xẻ,
phân tích từ nhiều góc độ khác nhau. Trong đó, phân tích về nguyên nhân
và hậu quả của cuộc khủng hoảng chẳng những giúp chính phủ các nước có
cơ sở khoa học đúng đắn cho những giải pháp ngăn chặn, khắc phục khủng
hoảng, ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai, mà
còn dự báo đúng xu hướng vận động, phát triển của kinh tế thế giới để có
định hướng đúng cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng
Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay được đánh giá là
cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất, nặng nề nhất trên thế giới trong hơn
60 năm qua từ sau Đại khủng hoảng kinh tế Thế giới 1929-1933. Nguyên
nhân cuộc khủng hoảng được xác định là bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài
chính ở Mỹ. Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ lại được xác định có nguyên
nhân từ việc các ngân hàng thương mại (NHTM) cho vay mua nhà “dưới
chuẩn” với một quy mô lớn. Việc một số lượng lớn người dân đổ xô vào vay
tiền ngân hàng (trả lãi và vốn trong một thời gian dài) là do tình
trạng lãi suất và dễ vay mượn ở Mỹ mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) thực
hiện để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng, cứu nền kinh tế Mỹ khỏi suy
thoái sau cuộc khủng hoảng năm 2000-2001 (chỉ từ tháng 5/2001 đến tháng
12/2002, FED đã 11 lần giảm lãi suất cho vay từ 6,5% xuống còn
1,75%/năm). Còn các NHTM có thể cho người dân vay mua nhà “dưới chuẩn”
đầy rủi ro với một quy mô lớn là do được các công ty tài chính và ngân
hàng đầu tư, trong đó đặc biệt là hai công ty Fanie Mae và Freddie Mac
được Chính phủ Mỹ bảo trợ, “cấp vốn” bằng cách mua lại các khoản cho vay
của các NHTM, biến chúng thành loại chứng từ được bảo đảm bằng các
khoản vay thế chấp để bán lại cho các công ty, các ngân hàng đầu tư lớn
khác như: Bear Stearms, Merrill Lynch…
Các công ty tài chính, ngân hàng đầu tư này lại
phát hành trái phiếu trên cơ sở các chứng từ cho vay thế chấp đó để bán
cho các ngân hàng Mỹ khác và ngân hàng nhiều nước trên thế giới làm tài
sản tích trữ do uy tín của các ngân hàng phát hành. Việc “chứng khoán
hoá” các khoản vay thế chấp đã vượt khỏi sự kiểm soát của nhà nước.
Chuỗi hoạt động kinh doanh mang tính chất đầu cơ đã làm thị trường nhà
đất nóng lên, giá nhà đất bị đẩy lên cao, trở thành “bong bóng”. “Bong
bóng” nổ là không thể tránh khỏi.
Những diễn biến trên là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến
khủng hoảng tài chính, nhưng sâu xa hơn, cuộc khủng hoảng tài chính có
nguyên nhân từ cơ cấu và cơ chế vận hành nền kinh tế Mỹ. Sau cuộc khủng
hoảng kinh tế Thế giới 1929-1933, các học thuyết kinh tế đề cao vai trò
tự điều tiết của thị trường, điều tiết của “bàn tay vô hình” bị phê
phán, học thuyết kinh tế của Keynes đề cao vai trò điều tiết của nhà
nước trong nền kinh tế thị trường đã ra đời. Cơ chế phối hợp giữa điều
tiết của thị trường và điều tiết của nhà nước đã giúp nền kinh tế thị
trường thế giới phát triển tương đối ổn định trong suốt hơn 60 năm qua
(khắc phục, giảm bớt được quy mô, tính tàn phá của các cuộc khủng hoảng
kinh tế chu kỳ). Nhưng vào những năm 80 của thế kỷ trước, các trường
phái kinh tế Tân tự do (Tân cổ điển) lại được đề cao.
Trong bối cảnh thực hiện các chính sách tự do hoá
kinh tế, Chính phủ Mỹ còn thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ trong
một thời gian dài. Để phục hồi nền kinh tế Mỹ sau cuộc suy thoái kinh tế
năm 2001, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã liên tiếp giảm lãi suất liên
ngân hàng (từ 6,5% xuống còn 1,75%), theo đó, lãi suất cho vay của tín
dụng thứ cấp cũng giảm xuống thấp. Chính sách nới lỏng tiền tệ (chính
sách đồng đô la rẻ) đã kích thích người dân vay tiền mua nhà và các tổ
chức tín dụng thì sẵn sàng cho vay, đầu tư mạo hiểm. Tóm lại, sự buông
lỏng quản lý nhà nước và những sai lầm trong chính sách kinh tế của nhà
nước là nguyên nhân sâu xa hơn của cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ vừa
qua. Kinh tế thị trường Mỹ dựa chủ yếu trên sở hữu tư nhân, lợi nhuận là
động cơ mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp năng động, nhưng cũng là
nguyên nhân thúc đẩy các doanh nghiệp đầu cơ, thậm chí sẵn sàng vi phạm
pháp luật, vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội, phá vỡ những cân đối
duy trì sự phát triển ổn định của nền kinh tế, dẫn tới khủng hoảng.
Bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính trở thành cuộc
khủng hoảng kinh tế ở Mỹ sau đó nhanh chóng lan rộng, làm suy giảm kinh
tế toàn cầu, có nguyên nhân từ vai trò của kinh tế Mỹ trong nền kinh tế
thế giới. Từ sau Đại chiến Thế giới lần thứ II đến nay, Mỹ là cường quốc
kinh tế, cường quốc khoa học công nghệ đứng đầu thế giới. Giá trị tổng
sản phẩm (GNP) của nước Mỹ chiếm gần một phần tư giá trị tổng sản phẩm
của thế giới, nên suy giảm kinh tế Mỹ đã ảnh hưởng lớn đến quan hệ tài
chính, thương mại và đầu tư quốc tế, do đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh
tế của nhiều nước. Cũng do sức mạnh to lớn của nền kinh tế Mỹ mà đồng đô
la Mỹ được sử dụng làm đồng tiền thanh toán và dự trữ quốc tế. Chính
phủ, các ngân hàng, công ty của các nước trên thế giới đều sẵn sàng mua
trái phiếu của Chính phủ Mỹ, của các công ty và ngân hàng Mỹ làm tài sản
dự trữ của mình. Điều này tạo cho Chính phủ, các công ty và ngân hàng
Mỹ những lợi thế to lớn. Chính phủ Mỹ có thể phát hành trái phiếu ra thị
trường quốc tế để huy động tiền bù đắp cho sự thiếu hụt ngân sách của
mình. Ngân hàng và các công ty Mỹ có thể phát hành trái phiếu để huy
động vốn, mở rộng các hoạt động kinh doanh của mình, kể cả các hoạt động
mạng tính chất đầu cơ. Nhưng khi đồng đô la Mỹ mất giá, thì giá cả,
thương mại, tài chính quốc tế, giá trị tài sản dự trữ bằng đồng đô la Mỹ
và trái phiếu Mỹ của Chính phủ, các ngân hàng, công ty các nước đều bị
ảnh hưởng. Sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ kéo theo sự phá sản của hàng loạt
ngân hàng các nước trên thế giới; khủng hoảng của kinh tế Mỹ gây ra
khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới. Trong hệ thống tài chính thế
giới với vai trò chi phối của Mỹ hiện nay, nước Mỹ đã buộc cả thế giới
phải chia sẻ, cũng trả giá cho những sai lầm, bất ổn của kinh tế Mỹ. Bởi
vậy, để ngăn chặn và khắc phục khủng hoảng kinh tế thế giới, trong khi
nước Mỹ kêu gọi các nước đổ tiền ra để cứu hệ thống ngân hàng, thì nhiều
nước, nhất là những nước lớn và kinh tế phát triển như Đức, Pháp, Trung
Quốc, Nga,… lại kêu gọi trước hết phải cải tổ lại hệ thống tài chính
toàn cầu.
Hậu quả của cuộc khủng hoảng
Hậu quả lớn và nặng nề nhất là phá huỷ lực lượng sản
xuất, đẩy lùi sự phát triển của kinh tế thế giới. Trước hết là đối với
nước Mỹ. ở Mỹ, cuộc khủng hoảng tài chính biến thành cuộc khủng hoảng
kinh tế, sản xuất suy thoái, thất nghiệp tăng lên, do đó được xem là
cuộc khủng hoảng “3 trong 1”. Cuộc khủng hoảng làm phá sản hàng loạt
ngân hàng và công ty tài chính, kể cả những ngân hàng, công ty tài chính
hàng đầu nước Mỹ. Bear Stearn – một trong những tập đoàn môi giới chứng
khoán và ngân hàng đầu tư hàng đầu phố Wall, đã có bề dày hoạt động 85
năm trên thị trường tài chính Mỹ, bị thua lỗ nặng nề khi thị trường nhà
đất sụt giá, ngày 16/3/2008 đã tuyên bố phá sản, bị Morgan Chase mua lại
với giá 2 USD một cổ phiếu. Lehman Brather, ngân hàng đầu tư đứng hàng
thứ tư ở phố Wall có 158 năm hoạt động, ngày 15/9/2008 đã phải nộp đơn
xin bảo hộ phá sản do thua lỗ, tổng số nợ lên đến 768 tỷ USD. Thua lỗ
phá sản còn diễn ra với hàng loạt ngân hàng, công ty tài chính lớn khác
như: Indy Mac Bancorp Inc, Freddie Mac và Fannie Mae, Merrill Lynch
& Co, City Group, National Bank of Commerce, Bank of Clark Country…
Thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo, nhiều cổ phiếu
rớt giá thế thảm. Trước khi phá sản, cổ phiếu của ngân hàng Lehman
Brother giảm 94%, cổ phiếu của Freddie và Fannie giảm 90%; từ đầu năm
2008 đến tháng 3/2009, cổ phiếu của AIG giảm 79%; cổ phiếu của City
Group, Bank of America, Goldman Sachs giảm hơn 60%,…Cả bốn chỉ số quan
trọng của thị trường chứng khoán Mỹ là các chỉ số DowJone, S&P 500,
Nasdaq và FTSE đều sụt giảm nghiêm trọng, một sự sụt giảm mạnh nhất từ
những năm 1930 trở lại đây.
Sản xuất và tiêu dùng ở Mỹ cũng rơi vào tình trạng
hết sức khó khăn. Ngành sản xuất ô tô, một trong những ngành sản xuất
quan trọng nhất của kinh tế Mỹ, doanh thu giảm nghiêm trọng. Ba hãng sản
xuất ô tô hàng đầu nước Mỹ là General Motor, Ford, Chrysler đều thua lỗ
nặng nề. Tháng 1/2008, Nortel Networks Corp, một trong những tập đoàn
thiết bị viễn thông lớn nhất của Mỹ, tháng 2/2008, Lyondell Chemical,
một trong những nhà sản xuất hoá chất lớn nhất nước Mỹ, đã phải nộp đơn
xin bảo lãnh phá sản… Kinh tế suy thoái, tiêu dùng suy giảm nghiêm trọng
làm hàng loạt các công ty bán lẻ lớn của Mỹ như Circuit City Store Inc,
Sharper Image Corp, Steve & Barry’s LLC, Macy Inc, Ann Taylor
Stores Inc,… buộc phải phá sản hoặc xin bảo hộ phá sản. Sản xuất đình
đốn, sa thải lao động làm thất nghiệp của Mỹ tăng lên từng tháng và đạt
mức cao nhất trong 25 năm qua, từ 2,59 triệu người năm 2007 lên 3,84
triệu năm 2008 và 4,61 triệu người vào tháng 2/2009.
Từ Mỹ, cuộc khủng hoảng làm chao đảo thị trường tài
chính, thị trường chứng khoán, làm phá sản nhiều ngân hàng, công ty tài
chính, nhiều tập đoàn kinh tế lớn ở nhiều nước trên thế giới, gây suy
giảm nghiêm trọng các quan hệ thương mại, tài chính, đầu tư quốc tế và
kinh tế thế giới nói chung. Các Ngân hàng Royal Bank (Scotland),
Kaupthing, Landsbanki, Glitnir (Iceland), Ngân hàng Northern Bank, công
ty cho vay thế chấp Brandford & Binglay (Anh), các Ngân hàng IKB, DZ
Bank, Deutsche Bank, Sachsen LB (Đức), Tập đoàn Bảo hiểm Yamato Life
Insurance Co (Nhật Bản) ….và nhiều ngân hàng khác là những nạn nhân của
cuộc khủng tài chính Mỹ, buộc phải xin trợ giúp của chính phủ hoặc bị
chính phủ quốc hữu hoá.
Nghiên cứu của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho
thấy, trong năm 2008, cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu đã làm tổn thất
50 nghìn tỷ USD trong tổng tài sản tài chính của thế giới, trong đó,
các nước đang phát triển châu Á là chịu thiệt hại nặng nề hơn cả với
tổng giá trị bị thiệt hại là 9,6 nghìn tỷ USD, cao hơn tổng giá trị GDP
trong một năm của những nước này. Mặc dù chỉ có hơn 20 nước chính thức
tuyên bố rơi vào suy thoái kinh tế, nhưng trên thực tế hầu hết các nước
trên thế giới đều bị ảnh hưởng, gặp khó khăn và suy giảm tốc độ tăng
trưởng ở các mức độ khác nhau. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB),
năm 2009, kinh tế thế giới tăng trưởng chỉ còn 0,9%, tốc độ tăng trưởng
của các nước OECD là -0,3% (trong đó, của Mỹ là -0,9%, khu vực đồng EURO
là – 0,6%), tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát
triển là chỉ là 4,5%… Các dự báo về kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ
quốc tế, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Citi Group hay
Reuters cũng cùng xu hướng suy giảm như vậy.
Một hệ quả khác của cuộc khủng hoảng tài chính và suy
thoái kinh tế toàn cầu hiện nay là sự phá sản của chính sách kinh tế tự
do hoá mà nước Mỹ thực hiện nhiều năm qua và muốn áp đặt cho cả thế
giới. Sau khủng hoảng, tại nước Mỹ và trên thế giới, chính sách kinh tế
của các chính phủ sẽ cân bằng hơn giữa điều tiết của thị trường và điều
tiết của nhà nước; sự can thiệp, điều tiết kinh tế của nhà nước đối với
nền kinh tế sẽ nhiều hơn; sự giám sát của nhà nước đối với các hoạt động
kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là đối với hệ thống tài chính, ngân
hàng, thị trường chứng khoán sẽ chặt chẽ hơn hiện nay. Cuộc khủng hoảng
cũng làm thay đổi tương quan giữa các nước, các nền kinh tế lớn trên thế
giới với sự suy giảm vai trò của một số nước (như Mỹ, Nhật,…) và sự nổi
lên của một số nước khác (như Trung Quốc, ấn Độ, Nga, Braxin,…). Do đó,
xuất hiện yêu cầu đòi hỏi phải thay đổi hệ thống kinh tế, tài chính thế
giới với vai trò chi phối, thống trị của Mỹ nhiều năm qua, thay đổi cơ
cấu và quy chế hoạt động của IMF, WB, WTO; tìm kiếm những đồng tiền khác
thay thế vai trò độc quyền của đồng Đô la Mỹ làm đồng tiền thanh toán
và dự trữ quốc tế. Quá trình thay đổi làm hình thành hệ thống kinh tế,
tài chính thế giới theo hướng dân chủ hơn, hợp lý hơn đang từng bước
được thực hiện. Tất nhiên đây còn là một quá trình lâu dài. Cuộc khủng
hoảng cũng tạo sức ép và cơ hội cho các nước đánh giá lại những mặt
mạnh, mặt yếu trong nền kinh tế của mình, xem xét việc đổi mới, hoàn
thiện thể chế kinh tế và cơ cấu kinh tế, đổi mới thiết bị công nghệ,
phát triển những nguồn năng lượng mới, công nghệ sản xuất mới tiêu tốn
ít năng lượng, nguyên liệu, ít gây ô nhiễm môi trường, sản xuất những
sản phẩm mới có hàm lượng khoa học công nghệ cao, có sức cạnh tranh và
giá trị gia tăng cao… nâng cao chất lượng, hiệu quả và sự phát triển bền
vững của nền kinh tế. Với xu hướng này, hy vọng rằng sau khủng hoảng,
kinh tế thế giới sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới cao hơn, hiệu quả
và bền vững hơn./.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á: Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế mới nổi: ảnh hưởng tiêu cực và tổn thất. Tháng 3/2009
2. Michel Beaud và Gilles Dostaler (2008), Tư tưởng kinh tế từ Keynes, NXB Trí Thức, Hà Nội.
3. Austin Murphy (2008), An Analyis of The Financial Crisis of 2008: Causes and Solution, Small Business Administration – SBS Publication, USD.
4.http://vietnamnet.vn/kinhte/2008/09/802693
1. Báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á: Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế mới nổi: ảnh hưởng tiêu cực và tổn thất. Tháng 3/2009
2. Michel Beaud và Gilles Dostaler (2008), Tư tưởng kinh tế từ Keynes, NXB Trí Thức, Hà Nội.
3. Austin Murphy (2008), An Analyis of The Financial Crisis of 2008: Causes and Solution, Small Business Administration – SBS Publication, USD.
4.http://vietnamnet.vn/kinhte/2008/09/802693
SOURCE: TẠP CHÍ KINH TẾ VÀ DỰ BÁO SỐ 13 (453) THÁNG 7 NĂM 2009
0 comments:
Post a Comment