(Chinhphu.vn) - Điểm mới quan trọng nhất trong Luật Cán bộ, công chức là đổi mới chế độ công vụ mà trước hết là Luật này đã phân định rõ đối tượng cán bộ và công chức và tách biệt với đối tượng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ do bộ luật khác quy định (Luật Viên chức đang được xây dựng), trừ một số vị trí quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn là công chức.
Luật Cán bộ, Công chức ra đời nhằm xác định đúng vị trí và địa vị pháp lý của cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước trở thành "công bộc của dân" - Ảnh tính chất minh họa
Trước rất nhiều câu hỏi của bạn đọc Cổng TTĐT Chính phủ muốn tìm hiểu về các quy định mới liên quan đến chế độ công vụ, chính sách cũng như việc đổi mới phương thức quản lý đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay, Tiến sỹ Đỗ Phú Hải, Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ, trong cuộc trò chuyện với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ khẳng định, Luật Cán bộ, Công chức ra đời nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính hoàn thiện thể chế công vụ, xác định đúng vị trí và địa vị pháp lý của Cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước trở thành “công bộc của dân”.
Luật Cán bộ, Công chức được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2008 tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII
Cải cách lớn nhất trong lịch sử công vụ
Theo ông Hải, điểm mới quan trọng nhất trong Luật Cán bộ, Công chức là đổi mới chế độ công vụ, trước hết Luật này đã phân định rõ đối tượng cán bộ và công chức và tách biệt với đối tượng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ do bộ luật khác quy định (Luật Viên chức đang được xây dựng), trừ một số vị trí quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn là công chức. Đây là bước cải cách lớn nhất trong lịch sử nền công vụ ở Việt Nam, tách ra gần 1,5 triệu người làm việc trong khu vực sự nghiệp công lập, chiếm hơn 70% cán bộ công chức từ cấp trung ương đến cấp huyện trong hệ thống chính trị.
Cũng nhờ có việc phân định rõ các đối tượng này nên các chính sách đối với cán bộ công chức được rõ ràng, phù hợp với đặc thù vị trí việc làm của cán bộ, công chức, không lẫn lộn với các đối tượng làm việc trong lĩnh vực sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, sau khi Luật Cán bộ, Công chức ra đời, thay thế Pháp lệnh Cán bộ công chức, nhưng Luật Viên chức thì chưa ban hành đồng thời nên nhiều người làm việc trong các tổ chức sự nghiệp công lập băn khoăn về địa vị pháp lý của mình, lo ngại không được coi là “người Nhà nước” và các chế độ chính sách đối với họ không được duy trì như trước đây. "Vì vậy, để khẳng định chế độ, chính sách của Nhà nước đối với lực lượng lao động rất quan trọng này, Chính phủ, Quốc hội cần sớm xây dựng, ban hành Luật Viên chức", ông Hải trao đổi.
Từ xác định rõ nhiệm vụ phục vụ nhân dân, đòi hỏi tác phong làm việc của cán bộ công chức phải năng động, hiệu quả, chấp hành nghiêm túc kỷ luật trong giờ làm việc - Ảnh có tính chất minh họa
Luật hóa nguyên tắc quản lý cán bộ công chức
So với trước đây, Luật Cán bộ, Công chức có nhiều quy định mới về nguyên tắc quản lý mới cán bộ công chức phù hợp với năng lực, trình độ phát triển và thể chế hiện tại của Việt Nam, lần đầu tiên nguyên tắc quản lý cán bộ công chức kết hợp tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm được luật hóa.
"Đây là bước cải cách lớn nhất trong lịch sử nền công vụ ở Việt Nam, tách ra gần 1,5 triệu người làm việc trong khu vực sự nghiệp công lập, chiếm hơn 70% cán bộ công chức từ cấp trung ương đến cấp huyện trong hệ thống chính trị".
TS. Đỗ Phú Hải - Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước
Theo phân tích của ông Hải, nguyên tắc kết hợp này giúp xóa bỏ dần cơ chế “xin - cho” và hạn chế tiêu cực nhờ việc chuẩn hoá các vị trí tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng cán bộ công chức. Đây cũng là căn cứ để xác định biên chế để tuyển dụng, thi nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm. Biên chế cán bộ công chức được xác định dựa trên cơ sở khoa học là nhu cầu công việc, nhiệm vụ chức năng, mục tiêu, tầm nhìn của tổ chức bộ máy nhà nước trong từng bối cảnh cụ thể.
Nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh chọn người giỏi hơn
Về thể chế quản lý cán bộ, công chức, thống nhất quản lý cán bộ công chức trong mọi tổ chức Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các tổ chức chính trị - xã hội, nghĩa là Chính phủ thống nhất áp dụng chung các quy định về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, nâng ngạch, bổ nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật, lương, đãi ngộ, thôi việc, nghỉ hưu trong tất cả các tổ chức Đảng, Nhà nước, Quốc hội.
Ông Hải khẳng định, nguyên tắc đánh giá, phân loại cán bộ công chức thực tài là dựa trên phẩm chất đạo đức, chính trị và năng lực thi hành công vụ của cán bộ công chức. Gắn với nguyên tắc này là việc quy định chính sách phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng với người có tài năng. Việc tuyển dụng ưu tiên không chỉ đối tượng chính sách người có công, dân tộc thiểu số mà còn theo hướng ưu tiên người có tài năng.
Vấn đề đạo đức, văn hóa giao tiếp cũng được luật hóa để người cán bộ công chức xứng đáng là người "đầy tớ của nhân dân".
Các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và huyện, tổ chức chính trị xã hội thực hiện quản lý nhà nước theo phân cấp. Thẩm quyền tuyển dụng được phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương nhằm tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của những người được luật trao thẩm quyền quyết định việc tuyển dụng. Luật còn quy định trách nhiệm tuyển dụng công chức cho các cơ quan thuộc quyền quản lý nhằm gắn kết giữa tuyển dụng và sử dụng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Việc nâng ngạch phải qua kỳ thi theo nguyên tắc cạnh tranh nhằm chọn người giỏi hơn, không hạn chế số đăng ký, không quy định thâm niên giữ ngạch và hệ số lương. Chỉ tiêu dự thi căn cứ vào số vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức.
Trong rất nhiều nội dung đáng chú ý xung quanh cuộc trao đổi về Luật Cán bộ, Công chức, ông Hải cũng nhấn mạnh đến đạo đức và văn hóa giao tiếp của người cán bộ công chức. Ông nói, "ngay cả vấn đề đạo đức và văn hóa giao tiếp cũng như những việc cán bộ công chức không được làm đều đã được luật hoá nhằm nhấn mạnh yêu cầu cán bộ, công chức xứng đáng là người “đầy tớ của nhân dân”. Luật đã quy định rõ những việc cán bộ công chức được làm và không được làm trong khi thi hành công vụ cũng như sau khi nghỉ hưu, thôi việc đối với một số ngành nghề, công việc nhất định".
Minh HằngLuật và nghị định hướng dẫn thi hành Luật cán bộ công chức.
Luật Cán bộ, công chức (CB-CC) có hiệu lực từ ngày 01/01/2010. Nếu chiếu theo những quy định của luật này, thì làm một người CB-CC sẽ không hề đơn giản. Bởi nếu lỡ quên mà quen thói hách dịch, cửa quyền với dân sẽ bị kỷ luật, hoặc dù hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực kém thì vẫn sẽ bị bố trí công tác khác...
“Mạnh tay” với cán bộ, công chức kém đạo đức, văn hóa
Nếu như trước đây, vấn đề đạo đức và văn hóa giao tiếp của CB-CC chủ yếu được quy định dựa trên quy chế của cơ quan, đơn vị, thì với Luật CB-CC nhằm thực hiện chủ trương xây dựng và quản lý đội ngũ công chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ vấn đề đạo đức và văn hóa giao tiếp đã được đưa thẳng vào luật (Điều 15, 16,17 Luật CB-CC). Ví dụ như với nhân dân, theo Luật CB-CC phải gần gũi, có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc và tuyệt đối không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ. Trong tình trạng cán bộ công chức “đánh mất nụ cười” khi tiếp dân như hiện nay thì những quy định này có thể nói là tương đối cần thiết và sát thực.
Và tất nhiên, nếu CB-CC vi phạm các quy định này thì sẽ bị xử lý bằng pháp luật. Có thể nói, Luật đã khá “mạnh tay” xử lý CB-CC kém đạo đức, văn hóa thông qua việc phân định lại hình thức kỷ luật áp dụng cho từng đối tượng Bên cạnh những hình thức xử lý kỷ luật cũ như: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc, thì có bổ sung thêm hình thức giáng chức. Tuy nhiên, việc giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Mặt khác, luật có quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm (trước đây là 03 tháng). Với việc kéo dài thời hiệu như vậy, vấn đề xử lý kỷ luật CB-CC vi phạm sẽ được tiến hành triệt để và nghiêm minh hơn.
Năng lực công chức - yếu tố được xem trọng
Việc tuyển dụng CB-CC vào của nước ta hiện nay còn khá nhiều bất cập và kẽ hở vì nhiều lý do khách quan, chủ quan nên đã tạo ra ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của đội ngũ CB-CC. Có thế nói, không có một cơ quan, tổ chức nào hiện nay có may mắn sở hữu được một đội ngũ công chức vừa hồng lại vừa chuyên, và ở đâu đó vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải đánh giá công chức và quan trọng hơn là kết quả đánh giá phải được phục vụ cho chính công cuộc cải tổ đội ngũ công chức.
Theo Luật CB-CC, công chức được đánh giá 6 tiêu chí như: chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ... Ngoài ra, công chức lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá theo kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý; năng lực lãnh đạo, quản lý; năng lực tập hợp, đoàn kết công chức. Việc đánh giá công chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên quản lý trực tiếp thực hiện và nhất thiết phải được tiến hành hàng năm, trước khi bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc thời gian luân chuyển, biệt phái. Kết quả đánh giá công chức (xếp theo các mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực; không hoàn thành nhiệm vụ) được lưu vào hồ sơ công chức và thông báo đến công chức được đánh giá.
Đáng chú ý sẽ là yếu tố năng lực rất được xem trọng trong hoạt động đánh giá công chức. Vì vậy, từ kết quả đánh giá, nếu công chức có 2 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 2 năm liên tiếp, trong đó 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bố trí công tác khác. Còn công chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc.
Xuân Hoa
CB-CC được miễn trách nhiệm khi nào?
Theo Điều 77 của Luật, nếu CB-CC phải chấp hành quyết định trái pháp luật của cấp trên nhưng đã báo cáo người ra quyết định trước khi chấp hành; hoặc do bất khả kháng theo quy định của pháp luật thì sẽ được miễn trách nhiệm
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng: “Đạo đức và văn hoá giao tiếp của CB-CC là một trong các nghĩa vụ phải thực hiện để xứng đáng là “công bộc” và “đầy tớ” của nhân dân”
Luật Cán bộ, công chức có tất cả 12 Nghị định hướng dẫn thi hành luật. Trong đó, có hai Nghị định đặc biệt thu hút được sự chú ý của CB-CC cũng như dư luận xã hội xoay quanh vấn đề xác định những người là công chức và hoạt động thanh tra công vụ.
Đơn vị sự nghiệp công lập có công chức không?
Hiện nay dự thảo Nghị định quy định những người là công chức đang trong quá trình chấp bút, nhưng đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm vì đúng như tên gọi, Nghị định sẽ chỉ ra nhưng người sẽ được gọi là công chức trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, trong cơ quan, đơn vị thuộc QĐND (mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng), trong cơ quan, đơn vị thuộc CAND (mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp) và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp công lập).
Cũng từ quy định của Nghị định, vấn đề “đơn vị sự nghiệp có công chức không” - vốn là vấn đề hiện nay đang có nhiều tranh luận từ các nhà làm luật cũng như từ chính những người đang làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập - sẽ được hóa giải. Theo đó, câu trả lời là có, nhưng chỉ giới hạn trong một số vị trí.
Bên cạnh, người đứng đầu, cấp phó các đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cấp ngân sách hoạt động và trực thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBTVQH, Chính phủ, Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán Nhà nước, Bộ, cơ quan ngang Bộ... là công chức, thì công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập được giao quản lý Nhà nước bao gồm người làm việc trong bộ máy lãnh đạo hoặc người giữ các vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Như vậy, có thể hiểu những người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp tự đảm bảo không phải là công chức, mà là viên chức quản lý được phân loại theo vị trí viên chức quản lý và viên chức thừa hành.
Thanh tra công vụ - “cảnh sát” của cán bộ, công chức
Có thể khẳng định ngay “thanh tra công vụ” là một cụm từ hoàn toàn mới và chưa hề có được nhắc đến trong hệ thống pháp luật Việt Nam kể cả Luật Thanh tra hiện hành. Phục vụ cho mục tiêu tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức và quản lý các hoạt động liên quan đến công vụ, công chức, xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, từng bước đổi mới cơ chế quản lý công chức phù hợp với thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, Điều 74, 75 Luật CB-CC đã đề cập tới vấn đề thanh tra công vụ. Tuy nhiên, do trong luật không định nghĩa về thanh tra công vụ nên trong dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thanh tra công vụ cũng hề không đả động thế nào là thanh tra công vụ.
Dự thảo Nghị định chỉ quy định thanh tra công vụ có nhiệm vụ thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CB-CC theo quy định của Luật CB-CC hoặc do cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền giao hoặc theo nội quy, quy chế làm việc của cơ quan tổ chức. Ngoài ra, thanh tra công vụ còn chịu trách nhiệm thanh tra cả việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, xử lý kỷ luật công chức, thực hiện đạo đức, văn hóa giao tiếp trong thi hành công vụ của công chức... Đối tượng của thanh tra công vụ là CB-CC thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND tỉnh, huyện, quận, thị xã, thành phố....
Người có thẩm quyền thực hiện thanh tra công vụ được chia thành các cấp như thanh tra Bộ, thanh tra Bộ Nội vụ, thanh tra Sở, thanh tra Sở Nội vụ, thanh tra tỉnh và thanh tra huyện. Thẩm quyền của thanh tra Bộ Nội vụ và thanh tra Sở Nội vụ được mở rộng hơn do thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, xử lý kỷ luật công chức...Hoạt động thanh tra công vụ tiến hành theo kế hoạch hoặc đột xuất vi phát hiện có vi phạm.
Như vậy, có thể nói “thanh tra công vụ” không chỉ là một hoạt động thanh tra hoàn toàn mới mà còn rất rộng và có thể hiểu nôm na đây chính là lực lượng “cảnh sát” giám sát các hoạt động của bản thân CB-CC cũng như liên quan tới CB-CC để đảm bảo đúng luật, kỷ cương công vụ. Vì thế, nên quá trình và hiệu quả thực hiện như thế nào vẫn chưa thể khẳng định, nhất là khi Luật Thanh tra hiện hành cũng bắt đầu được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Nhưng, theo ông Lê Trọng Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Nội vụ đây là hoạt động nhất thiết phải có xuất phát trên quan điểm thanh tra công vụ hết sức quan trọng nhằm bảo vệ và giữ gìn trật tự, kỷ cương của hoạt động công vụ.
Xuân Hoa
“Đơn vị sự nghiệp công lập nói tại Nghị định này là các tổ chức được cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội thành lập và quản lý theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể dụng thể thao, lao động - thương binh và xã hội, thông tin truyền thông và các lĩnh vực sự nghiệp khác được pháp luật quy định” (Khoản 3 Điều 6 Dự thảo Nghị định quy định những người là công chức)
(Chinhphu.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Theo quy định mới có hiệu lực thi hành từ 1/5/2010 này, thi tuyển công chức sẽ gồm 4 môn: Môn kiến thức chung, môn nghiệp vụ chuyên ngành, môn ngoại ngữ và môn tin học văn phòng.
Các kỳ thi tuyển công chức được tổ chức công khai, minh bạch nhằm tuyển chọn người tài cho đất nước
Nghị định nêu rõ, hàng năm, cơ quan sử dụng công chức xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức, báo cáo cơ quan quản lý công chức để phê duyệt và tổ chức tuyển dụng theo quy định tại Nghị định này.
Điều kiện miễn thi một số môn
Đối với vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn là ngoại ngữ hoặc tin học thì môn thi nghiệp vụ chuyên ngành là ngoại ngữ hoặc tin học. Trong trường hợp này, người dự tuyển không phải thi môn ngoại ngữ hoặc môn tin học như đã quy định trong 4 môn thi tuyển công chức.
Trường hợp môn nghiệp vụ chuyên ngành không phải là ngoại ngữ, người đăng ký dự tuyển công chức được miễn thi môn ngoại ngữ nếu có 1 trong 2 điều kiện: Có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học về ngoại ngữ; có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam.
Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển đối với 3 trường hợp: Người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 5 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Môn ngoại ngữ được tổ chức thi viết hoặc thi vấn đáp 1 bài, thi 1 trong 5 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định. Đối với vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc thiểu số thì việc thi môn ngoại ngữ được thay thế bằng tiếng dân tộc thiểu số.
Môn tin học văn phòng được miễn khi người dự tuyển công chức có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên.
Kết quả thi tuyển được lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp
Bài thi dự tuyển công chức được chấm theo thang điểm 100. Môn ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiểu số và môn tin học văn phòng được tính hệ số 1 và không tính vào tổng số điểm thi.
Điểm môn kiến thức chung tính hệ số 1; môn nghiệp vụ chuyên ngành phần bài thi viết tính hệ số 2 và phần bài thi trắc nghiệm tính hệ số 1.
Kết quả thi tuyển là tổng số điểm của các bài thi môn kiến thức chung và môn nghiệp vụ chuyên ngành cộng với điểm ưu tiên (nếu có).
Người trúng tuyển trong kỳ thi công chức phải có đủ các bài thi của các môn thi; có điểm của mỗi bài thi đạt từ 50 điểm trở lên và có kết quả thi tuyển cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí làm việc.
Phân loại công chức:
Loại A gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương;
Loại B gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương;
Loại C gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương;
Loại D gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân viên.
Trường hợp có 2 người trở lên có kết quả thi tuyển bằng nhau ở vị trí cần tuyển dụng, người có điểm bài thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành cao hơn là người trúng tuyển... Nghị định quy định, người không trúng tuyển trong kỳ thi xét tuyển công chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.
Chế độ tập sự của công chức
Nghị định này nêu rõ, người được tuyển dụng vào công chức phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng.
Người được tuyển dụng vào công chức loại C có thời gian tập sự là 12 tháng; công chức loại D là 6 tháng tập sự. Trong thời gian tập sự, công chức hưởng 85% mức lương bậc 1,2 hoặc 3 (tùy theo trình độ đào tạo) của ngạch tuyển dụng đó. Thời gian tập sự không được tính vào thời gian xét nâng bậc lương.
Người tập sự được hưởng 100% lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo trong trường hợp: làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; làm việc trong các ngành, nghề độc hại nguy hiểm hoặc là người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an nhân dân, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, đội viên thanh niên xung phong... từ đủ 12 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.
0 comments:
Post a Comment