Tuesday, September 24, 2013

NHÂN DỊP 200 NĂM BỘ LUẬT DÂN SỰ PHÁP

NGUYÊN LÂM
Hiện nay, ở nước ta đang tiến hành sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 1995 (Bài này được viết vào thời điểm năm 2004 – Civillawinfor). Trong bối cảnh như thế, giới luật không thể không nhắc đến một sự kiện lịch sử lớn diễn ra trong năm nay: 200 năm Bộ luật Dân sự Pháp, một trong 5 Bộ luật của Napoleon. Ra đời năm 1804, nơi thì bị áp đặt, nơi được tiếp nhận tự nguyện, dù ít hay nhiều, Bộ luật Dân sự Pháp hiện nay là cơ sở cho bộ luật dân sự ở hơn 70 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thoạt đầu có ý nghĩa làm biến đổi hệ thống pháp luật nước Pháp thế kỷ 19, sau đó tác động tới cả hệ thống dân luật (civil law) trên toàn thế giới. Đến nay, dù đã qua 200 năm với bao biến đổi về chính trị, kinh tế, khoa học – công nghệ, Bộ luật này vẫn tràn đầy sức sống. Phải chăng, để Bộ luật Dân sự Việt Nam cũng có được tuổi thọ như vậy, chúng ta  thử tìm hiểu xem, đằng sau các điều khoản, câu chữ của Bộ luật Dân sự Pháp ẩn giấu triết lý nào, chủ thuyết nào, tư tưởng nào, hay nói cách khác, tinh thần nào đã làm nên sức sống đó?    
Khi giải thích nguyên nhân tạo nên sức sống của Bộ luật Dân sự Pháp, các nhà nghiên cứu luật học có tiếng trên thế giới đều có chung nhận xét: tư duy của những nhà làm luật Pháp hồi đó xác định ngay từ đầu rằng, chức năng của nhà làm luật là “nén chặt” (compress) các nguyên tắc chung nhất, tránh quá sa vào chi tiết. Các nhà soạn thảo nhận thức rõ rằng, ngay cả một nhà làm luật nhìn xa trông rộng nhất cũng không thể thấy hết được mọi vấn đề nảy sinh trong thực tế, vì thế cần phải để một khoảng tự do cho thẩm phán trong quá trình áp dụng có thể làm cho luật phù hợp với cuộc sống, đáp ứng được những thay đổi trong cuộc sống. Mặt khác, thẩm phán cùng với nhà làm luật cùng phát triển, mở rộng các quy định của Bộ luật và đem lại những tư tưởng pháp lý mới cho Bộ luật.

Vào dịp kỷ niệm 100 năm ra đời Bộ luật Dân sự Pháp, Chánh án Tòa thượng thẩm Pháp Ballo Bopre phát biểu rằng, thực tiễn xét xử của tòa án chuyển động không ngừng về phía trước “nhờ các bộ luật, nhưng xa hơn các bộ luật”. Ông kêu gọi: “Nếu trong văn bản luật có những điều không rõ ràng thì… quan tòa có thẩm quyền giải thích rộng lớn nhất. Ông ta không nên cứng nhắc làm rõ các tác giả của bộ luật đã chịu ảnh hưởng của những yếu tố gì 100 năm trước, khi thảo ra điều khoản nào đó. Tốt hơn hết hãy tự hỏi mình điều khoản ấy sẽ ra sao nếu tác giả hình thành nó hôm nay, hãy suy ngẫm xem, với những thay đổi qua 100 năm trong tư tưởng, đạo đức, thể chế, trong thực trạng kinh tế, xã hội, nước Pháp cần thích ứng một cách nhân bản và tự do nhất các văn bản luật với những yêu cầu của công lý, lý trí cuộc sống đương đại”.
Như vậy là ở đây, thẩm phán có quyền giải thích luật trong khi xét xử, và đó chính là nguyên nhân then chốt làm cho Bộ luật Dân sự Pháp được “cập nhật” thường xuyên, nên có sức sống bền lâu đến vậy. Nhìn sang đảo quốc Anh thì thẩm phán đã có quyền sáng tạo pháp luật ngay từ đầu, án lệ (phán xử của vụ án trước làm hình mẫu cho vụ tương tự sau này) đã trở thành nguyên tắc xét xử ở đó. Trong khi đó, thẩm phán Việt Nam vẫn có thói quen chỉ áp dụng văn bản thành văn và chờ hướng dẫn xét xử của tòa cấp trên (mà không có quyền sáng to pháp luật) nên không hiếm khi phán quyết của tòa án trở nên lạc lõng, xa lạ với đời thường. Ví dụ, như một chuyên gia pháp luật nhận xét, việc bán nhà đang trong quá trình quy hoạch hoặc xây dựng của các công ty kinh doanh nhà ở đã thành thông lệ phổ biến từ nhiều năm nay, vậy mà thẩm phán Việt Nam vẫn loay hoay quy chiếu việc “mua nhà trước khi xây” với khái niệm hàng hóa, và không hiếm khi tuyên bố hợp đồng vô hiệu, bất lợi cho khách mua nhà.
Khơi dòng lợi ích, các nguồn lực – đấy là nguyên nhân thiết yếu tiếp theo làm nên sức trường tồn của Bộ luật. Ra đời sau khi Cách mạng Pháp 1789 nổ ra, tư tưởng “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” ăn sâu trong xã hội, nên trong tâm tưởng, nhà soạn thảo Bộ luật Dân sự Pháp hướng tới tự do cá nhân, đặc biệt là tự do tiến hành các hoạt động kinh tế và quyền sở hữu tư nhân, đặc biệt là sở hữu đất đai. Tự do khế ước là nguyên tắc chủ đạo trong phần về nghĩa vụ dân sự của Bộ luật (tuy nhiên tự do hợp đồng cũng bị hạn chế chút ít bởi các quy tắc bắt buộc liên quan đến “lois d’ordre public” – quy luật trật tự công cộng).
Tinh thần tự do đó phù hợp với các giao dịch dân sự diễn ra rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày, khơi dòng cho nhiều nguồn lực trong xã hội. Rất tình cờ nhưng cũng rất hợp lý là theo nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, trên cái nền “Bình đẳng, Tự do, Bác ái” của cách mạng Pháp mà nước Pháp trở nên giàu có hơn. ở nước ta, các chuyên gia cũng khuyến cáo, pháp luật hợp đồng không chỉ là công cụ quản lý Nhà nước, mà trước hết phải bảo vệ tự do khế ước, tạo niềm tin cho tự do cạnh tranh.
Một nội dung cải cách quan trọng của pháp luật hợp đồng nước ta cần theo đuổi là thay đổi tư duy nền tảng làm luật: cần đặt nhiều niềm tin hơn nữa vào sức mạnh của tự do cạnh tranh, tự do khế ước. Khi đã khơi được dòng lợi ích, pháp luật ắt sẽ được xã hội, cộng đồng, người dân dùng đến một cách tự nhiên.
Trên đây có nói đến sở hữu tư nhân, nhưng quan trọng hơn, Bộ luật Dân sự Pháp cũng bảo hộ chặt chẽ quyền tài sản tư đó. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà có người gọi đây là “Bộ luật của những người hữu sản”. Pháp luật tài sản có một chức năng quan trọng làm rõ những quyền mà một chủ tài sản có thể có, (ví dụ với tư cách là người thuê đất của Nhà nước, A có những quyền gì). Người ta có thể gọi các quyền đó là những quyền mặc nhiên. Liên hệ với Việt Nam, có ý kiến bình luận, khái niệm “sở hữu toàn dân về đất đai”, trên thực tế, đã không ngăn cản quyền tài sản tư về đất, bởi vậy, cần tìm cách tăng quyền cho người sử dụng đất và giảm thiểu hoặc hạn chế can thiệp của công quyền vào tài sản tư của họ. Chỉ có như vậy, Luật Đất đai mới thực sự ghi nhận những quyền mang tính loại trừ của người sử dụng đất; các quyền đó càng rõ ràng, càng bất khả xâm phạm, thì người sử dụng đất mới yên tâm đầu tư, mới tự lo bảo vệ và sử dụng hiệu quả đất của mình. Có nghĩa là một lần nữa, pháp luật lại khơi được dòng lợi ích.
Pháp luật thành văn chỉ là một phần hiển hiện của nền văn hóa pháp lý, ví như phần nổi của một tảng băng chìm. Soạn thảo và ban hành các đạo luật cũng đã khó rồi, điều thực sự khó hơn là nắm được cái hồn, cái “tinh thần pháp luật” (theo cách nói của triết gia người Pháp Montesquieu) ẩn đằng sau những văn bản pháp luật đó là gì, cách nghĩ ra sao khi xây dựng một đạo luật và cả hệ thống pháp luật. Thiết nghĩ, 200 năm Bộ luật Dân sự Pháp là một dịp thích hợp để tìm hiểu, suy ngẫm và chuyển cái “tinh thần” đó vào ngữ cảnh Việt Nam phục vụ cho lợi ích của chính chúng ta.
Nhân đây, không thể không nhắc đến ngôn ngữ của Bộ luật – công cụ chuyển tải cái tinh thần nói trên. Trên phương diện này, các nhà nghiên cứu ca tụng: đấy là một “tuyệt tác”, “một trong những cuốn sách vĩ đại nhất của nền văn học Pháp”, được viết với phong cách tuyệt diệu, thứ ngôn ngữ súc tích, có sức nén, trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ, ăn sâu vào trí não. Thật là những lời nhận xét thú vị đối với các nhà soạn luật của nước ta.
SOURCE: TẠP CHÍ NHÀ QUẢN LÝ SỐ 17, THÁNG 11 NĂM 2004

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code