Monday, September 23, 2013

GÓP Ý VỀ DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ: BỎ QUA CÁI GỐC, QUAN TÂM CÁI NGỌN

(Bài được tác giả viết để góp ý cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung BLDS năm 1995. Tuy nhiên, một số ý kiến có thể còn giá trị tham khảo cho việc sửa đổi, bổ sung BLDS năm 2005)
NGUYÊN LÂM
Tại các thành phố lớn ở nước ta, mỗi buổi sáng có hàng chục vạn, thậm chí hàng triệu hợp đồng được giao kết: ăn sáng, mua đồ, mua thực phẩm, đi xe buýt… Thế nhưng, phần lớn người giao kết hợp đồng đều không đọc Bộ luật Dân sự cũng như Luật Thương mại, hay một văn bản pháp luật liên quan nào đó… Ví dụ này cho thấy, việc dân sự vẫn diễn ra rất nhiều mà không cần đến luật, và một Bộ luật dù đồ sộ đến mấy cũng không thể ôm hết được. Bởi lẽ, trong lĩnh vực luật tư, cuộc sống vô cùng phong phú, pháp luật chỉ là cái hỗ trợ, cái bổ sung. Vì vậy, không cần bận tâm với câu hỏi: Bộ luật Dân sự đã điều chỉnh hết các quan hệ dân sự chưa; mà nên đặt vấn đề: điều chỉnh như thế nào?
Vậy thì pháp luật dân sự ở ta đang điều chỉnh các quan hệ dân sự như thế nào? Để trả lời, có thể lấy lĩnh vực hợp đồng làm ví dụ. Có lẽ ai trong giới luật cũng biết, bản chất của giao dịch dân sự là quyền tự định đoạt của các chủ thể khi giao kết hợp đồng, dù đó là bằng miệng hay văn bản, quyền tự do hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay lại cho thấy, các quy định trong Bộ luật Dân sự hầu như chưa thể hiện được điều này, nhìn chung là còn gò bó, cản trở việc thực hiện quyền tự do khế ước ở nước ta.
Chẳng hạn, điều kiện vô hiệu của hợp đồng được quy định trong Bộ luật Dân sự hiện hành là quá rộng (như trong điều 131, 139), là cơ hội “tốt” để tòa án có thể ra quyết định tuyên bố vô hiệu rất nhiều hợp đồng, mặc dù những vi phạm đối với hợp đồng là hoàn toàn không đáng kể, do đó đã tạo cơ hội cho các cơ quan công quyền can thiệp một cách quá mức cần thiết vào việc hình thành, tồn tại của các quan hệ hợp đồng. 
Không những thế, điều kiện để hợp đồng được coi là đã được hình thành được quy định quá chặt chẽ, gây khó khăn cho việc hình thành các quan hệ hợp đồng, không tạo điều kiện cho các giao dịch dân sự phát triển (điều 401). Việc công chứng, chứng thực như những hình thức can thiệp của các cơ quan công quyền vào quá trình ký kết hợp đồng là quá lớn, ảnh hưởng xấu đến sự hình thành các quan hệ hợp đồng (điều 400). Theo các chuyên gia, việc công chứng, chứng thực, đăng ký chỉ nên coi là điều kiện để công khai hoá quyền, nghĩa vụ của các bên hoặc được lấy làm thời điểm chuyển dịch quyền mà không nên lấy làm điều kiện để hợp đồng có hiệu lực.
Tiếp đó, trong Bộ luật Dân sự hiện hành còn có nhiều quy định hạn chế quyền tự quyết của các bên trong hợp đồng, nhất là quyền của bên bị vi phạm. Ví dụ, theo điều 419, khoản 1, nếu không có thỏa thuận thì không được hủy hợp đồng mặc dù bên kia đã có hành vi vi phạm hợp đồng một cách nghiêm trọng. Đây là một quy định hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn Việt Nam cũng như thông lệ chung của pháp luật quốc tế về hợp đồng, nhưng Dự thảo Bộ luật Dân sự lần này lại không sửa đổi.
Những phân tích nói trên cho thấy, việc vô hiệu hợp đồng ở Việt Nam hiện nay chủ yếu đã được ấn định trước, mang tính hình thức và rất cứng nhắc. Hậu quả là, rất nhiều hợp đồng bị tuyên vô hiệu, mang tính tràn lan, gây ra nhiều hậu quả xấu không chỉ cho các bên ký kết hợp đồng mà còn cho cả các cơ quan Nhà nước, nhất là tòa án và cơ quan thi hành án. Vì vậy, nhiều chuyên gia trong ngành đề nghị, điều kiện để tuyên bố một hợp đồng vô hiệu cần phải thu hẹp lại một cách đáng kể theo hướng, hợp đồng chỉ vô hiệu khi có dấu hiệu bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị ép buộc hoặc được ký kết trong tình trạng không bình đẳng giữa các bên. Hiện nay, Bộ luật Dân sự đã có sự lưu ý nhất định đến vấn đề có tính nguyên tắc này. Tuy nhiên, cách quy định về lừa dối, đe dọa, nhầm lẫn được quy định trong Bộ luật Dân sự nhìn chung là còn quá chung chung, mang tính hình thức, do đó rất khó áp dụng trong thực tiễn.
Từ ví dụ về hợp đồng, có thể thấy, nguyên tắc tự định đoạt trong quan hệ dân sự trong nhiều trường hợp đang bị lấn át bởi sự can thiệp quá mức của công quyền. Do đó, pháp luật dân sự cần ghi nhận những nguyên tắc cơ bản làm nền tảng pháp lý cho việc thực hiện nguyên tắc tự do hợp đồng, trước hết là phải giảm thiểu đến mức tối đa sự can thiệp của các cơ quan công quyền vào quá trình ký kết, thực hiện, vô hiệu hoá hợp đồng, cũng như vào quan hệ dân sự nói chung.
Mặt khác, để Bộ luật Dân sự cũng như pháp luật dân sự nói chung và việc thực thi, áp dụng nó trong đời sống thể hiện đúng bn chất, thì cần xuất phát từ một xuất phát điểm có tính chủ thuyết: phải có sự phân biệt giữa luật công và luật tư. Luật tư mang tính triết lý sâu sắc bắt nguồn từ thực tiễn đời sống xã hội truyền thống, có sự ổn định cao và không bị ảnh hưởng nhiều bởi các trào lưu tư tưởng chính trị. Các yếu tố kinh tế, xã hội mới chỉ có tính chất bổ sung cho nó. Bằng chứng là các vấn đề pháp lý của luật tư hiện nay không có thay đổi gì nhiều so với các vấn đề  pháp lý có từ thời La mã cổ đại. Sự phân biệt này sẽ có tác dụng làm ổn định đời sống của dân từ việc tách bạch một cách tương đối các ý tưởng quản lý Nhà nước chưa được kiểm chứng. Hệ thống luật tư tác động thường ngày tới các quan hệ thị trường mang trong mình yếu tố bản chất “tự tổ chức, tự điều chỉnh”. Do vậy, việc phân biệt này có ý nghĩa rất lớn.
Cũng như nhiều quan hệ xã hội, quan hệ dân sự trong một số trường hợp cần có sự điều chỉnh của cả luật tư và luật công. Nhưng câu hỏi ở đây là: có nên xử lý các vấn đề của luật công trong Bộ luật Dân sự hay không? Nếu có, Bộ luật Dân sự sẽ không có tính ổn định cao vì công việc quản lý Nhà nước thường xuyên thay đổi. Bộ luật Dân sự và Bộ luật Thương mại Pháp, Bộ luật Dân sự và Bộ luật Thương mại Đức, Luật Thương mại thống nhất Hoa Kỳ đều đưa hầu hết những vấn đề của luật công ra khỏi phạm vi điều chỉnh nếu như có thể. Chính vì vậy đã làm cho các Bộ luật này có tính ổn định hàng trăm năm, ví dụ như Bộ luật Dân sự Pháp.
Hiện nay Bộ luật Dân sự đang được lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện trước khi đưa ra Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 7 sắp tới. Nhiều cuộc hội thảo được tổ chức; các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận về Bộ luật ở kỳ họp lần trước, rồi các Hội nghị đại biểu chuyên trách, trong các phiên họp của UBTVQH. Nhiều vấn đề được bàn  luận như phạm vi điều chỉnh, quyền hiến xác, quyền được chết… Nhưng ít nơi nào bàn cho thấu đáo, triết lý của Bộ luật này là gì? Phải chăng nó nằm trong câu nói “Việc dân sự cốt ở nơi dân”? Nếu đúng như vậy thì cái gốc đang có nguy cơ bị bỏ qua, mà phần ngọn đang được chú ý nhiều hơn.
SOURCE: TẠP CHÍ NHÀ QUẢN LÝ SỐ 23, THÁNG 5 NĂM 2005

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code