Monday, September 23, 2013

TỔNG QUAN MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐƯỢC ĐỊNH HƯỚNG TRONG PHẦN NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI) [1]

NGUYỄN HỒNG HẢI – Vụ pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp
1. Định hướng chung
1.1. Mục tiêu
Có ba mục tiêu cơ bản trong kết cấu và xây dựng phần Những quy định chung của Bộ luật dân sự (sửa đổi):
(1) Nó là phần quy định những nguyên lý cơ bản nhất của hệ thống luật tư – luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được thiết lập trên nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ thể;
(2) Các quy định của Phần này là điều khoản chung về chủ thể, giao dịch, đối tượng, đại diện, thời hạn, thời hiệu cho các phần, chế định còn lại của Bộ luật dân sự và là điều khoản mang tính nguyên tắc cho các văn bản pháp luật thuộc hệ thống luật tư của Việt Nam. Trong trường hợp các văn bản luật tư không quy định hoặc quy định không cụ thể về giải quyết một quan hệ tư thì những quy định của phần Những quy định chung phải đảm bảo được vai trò là căn cứ để Tòa án công nhận và bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể;
(3) Đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn giao lưu dân sự và hoàn thiện hệ thống pháp luật tư.
1.2. Quan điểm
Để thực hiện mục tiêu trên, những quan điểm cơ bản sau đây cần được đặt ra:
- Thứ nhất, đảm bảo Bộ luật dân sự là luật của quan hệ thị trường, ghi nhận một cách nhất quán, triệt để nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bên yếu thế; hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập các quan hệ dân sự;

-Thứ hai, đảm bảo tính thống nhất, tính khái quát và tính dự báo của hệ thống pháp luật, để vừa bảo đảm tính ổn định của Bộ luật dân sự, vừa đáp ứng được sự phát triển thường xuyên, liên tục của các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật và các văn bản pháp luật khác thuộc lĩnh vực tư;
- Thứ ba, quy định dựa trên những luận cứ khoa học, học thuyết pháp lý đã được khẳng định cả về lý luận và thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế – văn hóa – xã hội của Việt Nam. Kế thừa những thành tựu và kinh nghiệm trong kết cấu, nội dung của các Bộ luật dân sự trước đây và hiện hành của Việt Nam[2]. Đồng thời, tham khảo kinh nghiệm về kết cấu, nội dung Bộ luật dân sự của các nước có truyền thống về pháp luật dân sự (Đức, Pháp, Nhật…) và của các nước có điều kiện kinh tế – văn hóa – xã hội tương đồng với Việt Nam (Trung Quốc, Thái Lan, Cam – Phu – Chia, Philippines…);
- Thứ tư, những vấn đề pháp lý không ổn định, thường phụ thuộc vào sự biến động của kinh tế – xã hội không quy định vào trong Bộ luật dân sự nói chung, phần Những quy định chung nói riêng mà nên quy định ở các văn bản pháp luật riêng để đảm bảo sự ổn định của các quy định trong Bộ luật dân sự, cũng như chính sách nhất quán của Nhà nước đối với các quan hệ tư và trong điều chỉnh quan hệ tư.
Đồng thời, rà soát để không quy định trùng lặp giữa phần Những quy định chung với các phần còn lại của Bộ luật dân sự và các văn bản luật chuyên ngành thuộc hệ thống luật tư. Những quy định thuộc điều khoản chung trong lĩnh vực luật tư thì cần kết cấu thống nhất trong phần Những quy định chung, không quy định lại hoặc bổ sung trong các phần còn lại của Bộ luật dân sự và trong các văn bản luật chuyên ngành;
- Thứ năm, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm tính tương thích với pháp luật quốc tế (thông lệ quốc tế và điều ước quốc tế) trong lĩnh vực dân sự.
2. Kết cấu
Trên cơ sở kế thừa có sửa đổi, bổ sung kết cấu của phần Những quy định chung của Bộ luật dân sự năm 2005[3], phần Những quy định chung Bộ luật dân sự (sửa đổi) được kết cấu như sau:[4]
Chương 1. Hiệu lực của Bộ luật dân sự
Chương 2. Những nguyên tắc cơ bản
Chương 3. Cá nhân
Mục 1. Năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân
Mục 2. Quyền nhân thân
Mục 3. Nơi cư trú
Mục 4. Giám hộ
Mục 5. Thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, tuyên bố mất tích, tuyên bố chết
Tiểu mục 1. Thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú
Tiểu mục 2. Tuyên bố mất tích
Tiểu mục 3. Tuyên bố chết
Chương 4. Pháp nhân
Mục 1. Thành lập pháp nhân
Mục 2. Hoạt động của pháp nhân
Mục 3. Tổ chức lại pháp nhân và chấm dứt pháp nhân
Chương 5. Tài sản
Chương 6. Giao dịch (Hành vi pháp lý)
Chương 7. Đại diện
Chương 8. Thời hạn và thời hiệu
Mục 1. Thời hạn
Mục 2. Thời hiệu
Về chủ thể:
- Không quy định Hộ gia đình là chủ thể trong quan hệ dân sự, trong trường hợp hình thành hộ gia đình, tài sản của hộ gia đình, căn cứ xác lập, chấm dứt và thực hiện các quyền của các thành viên hộ gia đình đối với tài sản chung của hộ dựa trên nguyên tắc của sở hữu chung theo phần và hợp đồng.
Cần nghiên cứu ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đường lối giải quyết đối với hộ gia đình được hình thành trước khi việc quy định về hộ gia đình là chủ thể của quan hệ dân sự bị bãi bỏ trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
- Không quy định Tổ hợp tác là chủ thể trong quan hệ dân sự, trong trường hợp hình thành tổ hợp tác thì tài sản của tổ hợp tác, căn cứ xác lập, chấm dứt và thực hiện các quyền của các thành viên tổ hợp tác đối với tài sản chung dựa trên nguyên tắc hợp đồng.
Cần nghiên cứu xây dựng chế định hợp đồng hợp tác để quy định về thỏa thuận trong đó các bên lập nên một tổ chức không có tư cách pháp nhân để góp vốn cùng kinh doanh.
Về chế định tài sản:
Quy định chế định tài sản vào Phần Những quy định chung vì: Tài sản không chỉ là đối tượng và khách thể của quyền sở hữu mà còn là đối tượng phổ biến trong hầu hết các quan hệ tư và các giao dịch khác. Trên thực tế, các quy định về tài sản trong phần Tài sản và Quyền sở hữu không chỉ liên quan đến quyền sở hữu mà còn là điều khoản chung của hầu hết các phần còn lại của Bộ luật dân sự và văn bản luật chuyên ngành trong lĩnh vực luật tư.
3. Một số định hướng cụ thể
3.1. Về áp dụng tập quán[5]
Bên cạnh việc tiếp tục thừa nhận áp dụng tập quán khi không có quy định của pháp luật và các bên không có thỏa thuận (Điều 3 của Bộ luật dân sự năm 2005), Sơ thảo đưa ra nguyên tắc áp dụng tập quán trong trường hợp: Đã có quy định của pháp luật nhưng chủ thể tự nguyện lựa chọn áp dụng tập quán để thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của mình thì việc áp dụng tập quán được ưu tiên nếu tập quán được áp dụng không vi phạm điều cấm của pháp luật (Điều 3 Sơ thảo).
Hiện còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này, trong đó có ba quan điểm chính: (1) cần thừa nhận việc áp dụng tập quán trong quan hệ dân sự ngay cả khi có quy định của pháp luật, nhưng phải có điều chặt chẽ về vấn đề này; (2) Để đảm bảo nguyên tắc pháp chế, không thể áp dụng tập quán trong trường hợp đã có quy định của pháp luật; (3) Việc áp dụng tập quán trong trường hợp pháp luật đã có quy định có thể dẫn tới không công bằng về áp dụng pháp luật, vì tập quán chỉ có hiệu lực trong một cộng đồng, một địa phương, khu vực nhất định.
3.2. Về vai trò của Tòa án trong công nhận, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự
Pháp luật tố tụng dân sự hiện hành quy định cụ thể thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết các vụ việc dân sự (Điều 25 – Điều 32a Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, được sửa đổi, bổ sung năm 2011). Thực tiễn thi hành các quy định này cho thấy, nhiều quan hệ phát sinh trong giao lưu dân sự nhưng thẩm quyền của Tòa án về giải quyết những quan hệ này lại chưa được quy định hoặc quy định không cụ thể. Trong giải quyết vụ việc vì thế đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập về xác định thẩm quyền, dẫn tới thời gian giải quyết bị kéo dài, bế tắc hoặc Tòa án “từ chối” giải quyết vụ việc.[6] Từ đó, quyền dân sự của chủ thể trong nhiều trường hợp không được công nhận, thực hiện và bảo vệ theo lẽ công bằng. Để giải quyết vấn đề này, Sơ thảo quy định bổ sung vai trò của Tòa án trong công nhận, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự theo nguyên tắc: “Giải quyết vụ việc dân sự phải theo lẽ công bằng. Tòa án không có quyền từ chối giải quyết yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự với lý do luật không quy định, quy định không rõ ràng hoặc không đầy đủ.” (Điều 3.2 Sơ thảo).
Cũng có quan điểm cho rằng, nguyên tắc này cần được quy định trong pháp luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên đây không phải là quy định về thủ tục mà cần được hiểu nó là quy định để bảo đảm quyền được Tòa án công nhận và bảo vệ các quyền cho các chủ thể dân sự.
Nguyên tắc không từ chối xét xử và xét xử theo lẽ công bằng cũng đã được quy định trong các Tập Dân luật Giản yếu Nam Kỳ, Bộ Dân luật Bắc Kỳ, Bộ Dân luật Trung Kỳ, Bộ luật dân sự năm 1972 của Cộng hòa miền Nam Việt Nam (trước đây); Điều 4, Bộ luật dân sự Pháp, Điều 4 Bộ luật dân sự Thụy Sĩ, Điều 9 Bộ luật dân sự Philipines…
3.3. Những nguyên tắc cơ bản
Quy định những nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật dân sự dựa trên luận điểm: (1) chỉ quy định các nguyên tắc phản ánh đặc trưng, nguyên lý của quan hệ tư và luật tư; (2) Nội dung của các nguyên tắc phải có tính khái quát hóa, trừu tượng hóa cao; (3) Không quy định lại những nguyên tắc đương nhiên của nhà nước pháp quyền trong Bộ luật dân sự.
Trên cơ sở đó, Sơ thảo dự kiến quy định năm nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật dân sự bao gồm[7]:
- Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận (Điều 4 Sơ thảo);
- Nguyên tắc bình đẳng (Điều 5 Sơ thảo);
- Nguyên tắc thiện chí, trung thực (Điều 6 Sơ thảo);
- Nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp (Điều 8 Sơ thảo);
- Nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự (Điều 9 Sơ thảo).
Không quy định lại các nguyên tắc thể hiện đặc điểm chung của nhà nước pháp quyền, nguyên tắc trong tố tụng giải quyết các vụ việc dân sự hoặc những nội dung không có tính nguyên tắc, bao gồm:
- Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự (Điều 7 BLDS 2005);[8]
- Nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác (Điều 10 BLDS 2005);[9]
- Nguyên tắc tuân thủ pháp luật (Điều 11 BLDS 2005)[10];
- Nguyên tắc hòa giải (Điều 12 BLDS 2005);[11]
- Căn cứ xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 13 BLDS 2005).[12]
3.4. Về cá nhân
* Về năng lực hành vi của cá nhân
- Đối với người chưa thành niên (Điều 20 Sơ thảo): không quy định về người không có năng lực hành vi dân sự (người dưới 6 tuổi) mà xác định chung người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên. Trong đó, quy định theo hai cấp độ (người dưới 6 tuổi và từ 6 tuổi đến 18 tuổi) để xác định năng lực trong tham gia các quan hệ dân sự. Trong trường hợp người chưa thành niên xác lập, thực hiện một giao dịch không phù hợp với năng lực hành vi dân sự và gây bất lợi cho chính họ thì người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu. Giao dịch có thể không vô hiệu trong trường hợp giao dịch đem lại lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên (khoản 4 Điều 20 và Điều 130 Sơ thảo). Quy định như vậy để bảo đảm không máy móc tuyên vô hiệu đối với giao dịch đã đem lại lợi ích cho chính người chưa thành niên. Qua đó quyền, lợi ích chính đáng của người thứ ba đã xác lập giao dịch với người chưa thành niên được bảo vệ;
- Đối với người đã thành niên: Sơ thảo dự kiến quy định về năng lực và việc đại diện trong giao dịch cho người do tuổi cao hoặc do tình trạng thể chất và tinh thần mà họ có sự hoang tưởng, thường xuyên không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình nhưng chưa ở mức mất năng lực hành vi dân sự (Điều 23.1 Sơ thảo – chưa có nội dung).
Trong quy định về năng lực hành vi của cá nhân, hiện có hai cách tiếp cận khác nhau: (1) quy định các cấp độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân để xác định khi nào họ được phép tham gia giao dịch và giao dịch của họ được công nhận; (2) quy định các cấp độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân để xác định trong trường hợp nào loại trừ trách nhiệm của họ và người thứ ba trong tham gia giao dịch (tác giả theo hướng tiếp cận này).
* Về quyền nhân thân của cá nhân:
- Bộ luật dân sự năm 2005 quy định quyền nhân thân của cá nhân (từ Điều 24 đến Điều 51) theo hướng liệt kê quyền. Việc quy định như vậy tạo thuận lợi cho Tòa án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác áp dụng pháp luật, nhưng có thể là sự hạn chế quyền nhân thân của cá nhân vì không bao quát được hết các lợi ích nhân thân của cá nhân cần được pháp luật công nhận và bảo vệ. Để bảo đảm bao quát được các lợi ích về nhân thân của cá nhân cần được tôn trọng và bảo vệ, bổ sung quy định “Ngoài các quyền nhân thân được quy định ở Bộ luật này, các quyền con người khác về nhân thân trong lĩnh vực dân sự của cá nhân cũng được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.” (Điều 51.1 Sơ thảo).
- Không quy định lại các quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật về quốc tịch, cư trú, tôn giáo, tín ngưỡng, lao động, đầu tư… Ví dụ: quyền đối với quốc tịch (Điều 45 BLDS 2005), quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo (Điều 47 BLDS 2005), quyền lao động (Điều 49 BLDS 2005), quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo (Điều 51 BLDS 2005).
* Về giám hộ:
- Bổ sung quyền của người đã thành niên chỉ định người giám hộ cho mình: Trong trường hợp người thành niên khi đang ở tình trạng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đã chỉ định một người làm người giám hộ cho mình nếu rơi vào tình trạng mất năng lực hành vi dân sự mà người được chỉ định có đủ điều kiện là người giám hộ thì được công nhận là người giám hộ khi người chỉ định cần được giám hộ. Việc chỉ định người giám hộ quy định ở khoản này phải được lập thành văn bản (khoản 2 Điều 58 Sơ thảo);
- Sửa đổi, bổ sung chế định giám hộ đương nhiên: xác định người giám hộ theo thỏa thuận của những người thân thích, trong trường hợp không có thỏa thuận hoặc có tranh chấp thì xác định theo trình tự giám hộ luật định. Đồng thời mở rộng diện người thân thích làm giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự để nâng cao trách nhiệm của các thành viên gia đình; kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống; mở rộng cơ hội có người giám hộ cho người bị mất năng lực hành vi vi dân sự (Điều 61, 62 Sơ thảo);
- Sửa đổi quy định về thẩm quyền cử người giám hộ: Trong trường hợp có thỏa thuận về cử người giám hộ và không có tranh chấp thì việc cử người giám hộ được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ; trong trường hợp không có thỏa thuận hoc có tranh chấp về xác định người giám hộ hoặc không có người thân thích làm người giám hộ thì Tòa án cử người giám hộ hoặc một tổ chức đảm nhận việc giám hộ (Điều 61, 62, 63, 64 Sơ thảo).
- Nghiên cứu bổ sung chế định “trợ tá” trong đại diện cho người do tuổi cao hoặc do tình trạng thể chất và tinh thần mà họ có sự hoang tưởng, thường xuyên không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình nhưng chưa ở mức mất năng lực hành vi dân sự.
3.5. Về pháp nhân
Sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về pháp nhân để bảo đảm “hiện thực hóa” vai trò chủ thể của pháp nhân trong giao dịch, bảo đảm tính ổn định, công khai, minh bạch khi pháp nhân tham gia giao dịch và tố tụng. Theo đó, quy định về pháp nhân dự kiến có ba nội dung lớn:
* Thành lập pháp nhân với các quy định về:
- Đăng ký thành lập pháp nhân;
- Những nội dung cần đăng ký trong thành lập pháp nhân (Mục đích và phạm vi hoạt động; tên gọi; trụ sở; ngày có quyết định thành lập; thời hạn hoạt động (nếu có); tổng giá trị tài sản; phương thức đóng góp vốn (nếu có); tên đầy đủ và nơi thường trú của người đại diện theo pháp luật…)
- Điều kiện công nhận và thay đổi nội dung đăng ký trong thành lập pháp nhân;
- Sáng kiến thành lập pháp nhân;
- Sáng lập viên và thành viên pháp nhân;
- Góp vốn và tài sản của pháp nhân;
- Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân;
- Quyền, nghĩa vụ của pháp nhân;
- Trách nhiệm dân sự của pháp nhân;
- Tên gọi của pháp nhân;
- Điều lệ của pháp nhân;
- Trụ sở của pháp nhân;
- Văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân;
- Cơ quan điều hành của pháp nhân;
- Pháp nhân không có mục đích lợi nhuận;
- Pháp nhân có mục đích lợi nhuận;
- Pháp nhân là các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
- Pháp nhân nước ngoài.
* Hoạt động của pháp nhân với các quy định về:
- Hoạt động của pháp nhân;
- Điều hành hoạt động của pháp nhân;
- Đại diện theo pháp luật của pháp nhân;
- Quyền, nghĩa vụ của đại diện theo pháp luật của pháp nhân;
- Đại diện theo ủy quyền của pháp nhân;
- Quyền, nghĩa vụ của đại diện theo ủy quyền của pháp nhân;
- Trách nhiệm dân sự của đại diện của pháp nhân;
- Giám sát điều hành hoạt động của pháp nhân;
- Trách nhiệm dân sự của người giám sát điều hành hoạt động của pháp nhất;
- Đại hội thành viên của pháp nhân.
* Tổ chức lại pháp nhân và chấm dứt pháp nhân với các quy định của pháp luật về:
- Hợp nhất pháp nhân; 
- Sáp nhập pháp nhân; 
- Chia pháp nhân;
- Tách pháp nhân;
- Giải thể pháp nhân; 
- Chấm dứt pháp nhân; 
- Thời điểm chấm dứt pháp nhân;
- Thanh toán nghĩa vụ tài sản khi pháp nhân chấm dứt hoạt động;
- Thực hiện nghĩa vụ tài sản khi nhiều người có quyền yêu cầu đối với pháp nhân chấm dứt hoạt động;
- Thanh toán nghĩa vụ tài sản khi pháp nhân phá sản;
- Thanh lý tài sản của pháp nhân chấm dứt hoạt động;
- Thanh lý tài sản của pháp nhân phá sản;
- Đại diện của pháp nhân trong thanh lý tài sản;
- Quyền và nghĩa vụ của đại diện của pháp nhân trong thanh lý tài sản;
- Giám sát việc thanh toán nghĩa vụ tài sản và thanh lý tài sản của pháp nhân chấm dứt hoạt động.
Hiện cũng có quan điểm cho rằng, ngoài các nội dung nêu trên cần thiết quy định cả các sự kiện pháp lý, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan ở giai đoạn tiền pháp nhân (chuẩn bị, đang làm thủ tục thành lập pháp nhân) và các sự kiện pháp lý, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan ở giải đoạn hậu pháp nhân (sau khi pháp nhân chấm dứt).
3.6. Về đại diện
Kế thừa các quy định về đại diện trong Bộ luật dân sự năm 2005, đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định trong các trường hợp:
(1) Một cá nhân hoặc pháp nhân có nhiều người đại diện theo pháp luật hoặc ủy quyền;
(2) Một cá nhân hoặc pháp nhân làm người đại diện cho nhiều chủ thể khác nhau;
(3) Bảo vệ lợi ích của người thứ ba khi: người đại diện thực hiện hành vi vượt quá thẩm quyền của mình và người thứ ba có lý do chính đáng để tin rằng người đại diện có thẩm quyền để thực hiện hành vi đó; quyền của bên giao kết hợp đồng với một người không có thẩm quyền đại diện nhưng lại giao kết hợp đồng với tư cách là người đại diện của người khác và người bị cho là được đại diện tuyên bố hợp đồng không có giá trị pháp lý.
3.7. Về thời hiệu
Sơ thảo quy định hai loại thời hiệu: thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu hưởng quyền dân sự. Thời hiệu khởi kiện sẽ không quy định lại trong Bộ luật dân sự vì không đảm bảo lẽ công bằng trong giải quyết các vụ việc dân sự và là căn cứ để Tòa án từ chối giải quyết các vụ việc dân sự theo thời hiệu[13]. Gắn với vấn đề này, Sơ thảo cũng đã quy định: Giải quyết vụ việc dân sự phải theo lẽ công bằng. Tòa án không có quyền từ chối giải quyết yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự với lý do luật không quy định, quy định không rõ ràng hoặc không đầy đủ (Điều 3.2). Đây cũng là giải pháp được BLDS của nhiều nước quy định (Điều 4, Bộ luật dân sự Pháp, Điều 4 Bộ luật dân sự Thụy Sĩ, Điều 9 Bộ luật dân sự Philipines…).
Trong quy định về thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ, có một số nội dung đang được cân nhắc quy định cụ thể trong Sơ thảo:
- Thứ nhất, thời điểm bắt đầu thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ, dự kiến sửa đổi theo nguyên tắc: được tính từ ngày bên có quyền biết hoặc phải biết bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ.[14]
- Thứ hai, đối với thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu, Bộ luật cần quy định rõ về việc giao dịch được công nhận có hiệu lực khi hết thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu mà không có yêu cầu.
- Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các quy định về căn cứ hưởng quyền hoặc miễn trừ nghĩa vụ dân sự theo thời hiệu.

[1] Trong khuôn khổ hội thảo này, tham luận chỉ đề cập về kết cấu; áp dụng tập quán; vai trò của Tòa án trong công nhận, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự; nguyên tắc cơ bản; cá nhân; pháp nhân; đại diện; thời hiệu.
[2] Tập Dân luật Giản yếu Nam Kỳ 1883, Bộ Dân luật Bắc kỳ năm 1931, Bộ Dân luật Trung kỳ năm 1936, Bộ Dân luật năm 1972 của chế độ Sài Gòn cũ, Bộ luật dân sự năm 1995 và năm 2005 của Nhà nước ta..
[3] Về cơ bản, kết cấu phần Những quy định chung của Bộ luật dân sự năm 2005 tương đối hợp lý, những chế định trong Phần này đều mang tính chất là điều khoản chung cho toàn bộ hệ thống quy phạm trong lĩnh vực luật tư (hiệu lực của Bộ luật dân sự; những nguyên tắc cơ bản; cá nhân; pháp nhân; giao dịch dân sự; đại diện; thời hạn và thời hiệu).
[4] Về chủ thể:
- Không quy định Hộ gia đình là chủ thể trong quan hệ dân sự, trong trường hợp hình thành hộ gia đình, tài sản của hộ gia đình, căn cứ xác lập, chấm dứt và thực hiện các quyền của các thành viên hộ gia đình đối với tài sản chung của hộ dựa trên nguyên tắc của sở hữu chung theo phần và hợp đồng.
Cần nghiên cứu ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đường lối giải quyết đối với hộ gia đình được hình thành trước khi việc quy định về hộ gia đình là chủ thể của quan hệ dân sự bị bãi bỏ trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
- Không quy định Tổ hợp tác là chủ thể trong quan hệ dân sự, trong trường hợp hình thành tổ hợp tác thì tài sản của tổ hợp tác, căn cứ xác lập, chấm dứt và thực hiện các quyền của các thành viên tổ hợp tác đối với tài sản chung dựa trên nguyên tắc hợp đồng.
Cần nghiên cứu xây dựng chế định hợp đồng hợp tác để quy định về thỏa thuận trong đó các bên lập nên một tổ chức không có tư cách pháp nhân để góp vốn cùng kinh doanh.
Về chế định tài sản:
Quy định chế định tài sản vào Phần Những quy định chung vì: Tài sản không chỉ là đối tượng và khách thể của quyền sở hữu mà còn là đối tượng phổ biến trong hầu hết các quan hệ tư và các giao dịch khác. Trên thực tế, các quy định về tài sản trong phần Tài sản và Quyền sở hữu không chỉ liên quan đến quyền sở hữu mà còn là điều khoản chung của hầu hết các phần còn lại của Bộ luật dân sự và văn bản luật chuyên ngành trong lĩnh vực luật tư.
[5] Áp dụng tập quán không chỉ dừng lại ở việc áp dụng tập quán là các quy ước xử sự chung của một cộng đồng, một tộc người, một khu vực, địa phương mà còn có thể áp dụng tập quán thương mại, tập quán thương mại quốc tế…
[6] Có một số vụ việc liên quan đến xác định người giám hộ trong bối cảnh pháp luật chỉ quy định thẩm quyền của Ủy ban nhân dân mà không quy định về thẩm quyền của Tòa án dẫn tới nhiều vướng mắc trong giải quyết tranh chấp. Ví dụ: vụ việc giám hộ cho chị Lê Thị H, Quận 3 TPHCM, một số vụ việc giám hộ ở Hà Nội mà Bộ Tư pháp đã và đang tham gia giải quyết… Hay Tòa án từ chối giải quyết vụ việc vì cho rằng không thuộc thẩm quyền của Tòa án, ví dụ: Công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 21 tháng 09 năm 2011 của Tòa án nhân dân tối cao về thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản tại Mục 2 có hướng dẫn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở nhà ở, Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy, Giấy đăng ký xe ô tô… không phải là “giấy tờ có giá” quy định tại Điều 163 của Bộ luật dân sự năm 2005. Do đó, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại các giấy tờ này thì Tòa án không thụ lý giải quyết, trả lại đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ kiện dân sự.
[7] Nguyên tắc cơ bản (Điều 4 – Điều 13) Bộ luật dân sự năm 2005 hiện hành có một số quy định được thiết kế “ôm đồm” vượt quá yêu cầu của một nguyên tắc khi nội dung chứa đựng quy định của một chế định cụ thể (nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận được quy định tại Điều 4 là một ví dụ); Một số nguyên tắc được quy định có nội dung trùng lắp nhau, không phản ánh được tính độc lập của một nguyên tắc cơ bản (ví dụ, tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp được ghi nhận là một nguyên tắc cơ bản tại Điều 8, nhưng nội dung của nó cũng đã được quy định tại Điều 1 nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận được công nhận khi không trái đạo đức xã hội); Một số nguyên tắc là nguyên tắc đương nhiên của Nhà nước pháp quyền đã được ghi nhận trong Hiến pháp hoặc nó được áp dụng cho tất cả các quan hệ không chỉ có quan hệ tư, như các nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự (Điều 9), nguyên tắc tuân thủ pháp luật (Điều 11); có những nội dung không mang tính nguyên tắc, nhưng lại được quy định trong phần này, đó là quy định về căn cứ xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự tại Điều 13.
[8] Đây là nguyên tắc chung của nhà nước pháp quyền, mặt khác, nội dung cũng đã được thể hiện trong các chế định cụ thể của Bộ luật.
[9] Đây là nguyên tắc chung của nhà nước pháp quyền, đã thể hiện ở nội dung khoản 2 Điều 9; ngoài ra, cũng đã được quy định trong các chế định cụ thể của Bộ luật.
[10] Đây là nguyên tắc chung của nhà nước pháp quyền.
[11] Đây là nguyên tắc trong giải quyết các vụ việc dân sự đã được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự. Trong trường hợp các bên thực hiện quyền, nghĩa vụ thông qua thỏa thuận thì đã được thể hiện ở Điều 4. Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận.
[12] Nội dung này không có tính nguyên tắc cơ bản của Bộ luật, cần quy định trong các chế định cụ thể.
[13] Đọc thêm, Nguyễn Hồng Hải, “Một số vấn đề cần trao đổi về thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự”, chuyên đề Hội thảo về “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự”, Ủy ban Tư pháp Quốc hội. TP.HCM, ngày 27 – 28/12/2010.
[14] Ví dụ, Điều 136 của Sơ thảo về thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu quy định:
1. Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu được quy định tại các điều từ Điều 130 đến Điều 134 của Bộ luật này là hai năm kể từ ngày:
a) Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện giao dịch;
b) Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do nhầm lẫn, do bị lừa dối;
c) Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép.
2. Đối với các giao dịch được quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Bộ luật này thì:
Phương án 1. Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu không bị hạn chế.
Phương án 2. Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu là hai mươi năm kể từ thời điểm giao dịch được giao kết. không bị hạn chế.
SOURCE: HỘI THẢO BÌNH LUẬN VỀ ĐỊNH HƯỚNG VÀ NỘI DUNG SƠ THẢO PHẦN “NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG” – BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI). BỘ TƯ PHÁP VÀ QUỸ IRZ (CHLB ĐỨC) PHỐI HỢP TỔ CHỨC. HÀ NỘI, NGÀY 18-19/1/2013.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code