Wednesday, September 25, 2013

NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN TRONG PHẦN THỨ III NGHĨA VỤ DÂN SỰ VÀ HỢP ĐỒNG DÂN SỰ – BỘ LUẬT DÂN SỰ 2005

THS. CHẾ MỸ PHƯƠNG ĐĄI - Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Bộ luật Dân sự (BLDS) đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/10/1995, được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 9/11/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/1996. Việc ban hành BLDS được dư luận rộng rãi trong nước và ngoài nước đánh giá là một bước ngoặt lớn trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Nhiều báo chí trong và ngoài nước đánh giá việc ban hành BLDS là một trong mười sự kiện lớn của nước ta trong năm 1995.
BLDS 1995 được kết cấu bởi Lời nói đầu và 7 Phần với 838 Điều. Phần “Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự” được quy định tập trung trong Phần thứ III của Bộ luật. Phần này có 5 Chương, 394 Điều (từ Điều 285 đến Điều 633). Ngoài ra liên quan đến vấn đề hợp đồng còn nằm rải rác ở các phần khác: Từ Điều 699 đến Điều 737 quy định về hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp quyền sử dụng đất; từ Điều 767 đến Điều 772 về hợp đồng sử dụng tác phẩm; từ Điều 809 đến Điều 825 quy định về hợp đồng chuyển giao công nghệ; từ Điều 130 đến 147 quy định về giao dịch dân sự. Phần “Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự” có số Điều luật lớn nhất trong BLDS, quy định những khái niệm, căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, trách nhiệm dân sự, những quy định chung về hợp đồng dân sự và một số hợp đồng dân sự thông dụng trong đời sống thường ngày. Các quy định về nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự đã góp phần vào việc bảo đảm an toàn pháp lý cho người dân khi tham gia vào các hợp đồng dân sự, hướng dẫn cách xử sự cho các chủ thể khi tham gia vào quan hệ hợp đồng, tạo cơ sở pháp lý để xác định quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên, là căn cứ để Tòa án giải quyết các tranh chấp về hợp đồng, thúc đẩy giao lưu dân sự để đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu về vật chất và tinh thần của người dân.
Trong hệ thống pháp luật nước ta, sau Hiến pháp 1992, BLDS giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên qua gần 10 năm thực hiện, BLDS cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định như: phạm vi áp dụng BLDS, nhiều quy định đã lạc hậu so với sự phát triển kinh tế – xã hội hiện nay, nhiều quy định không rõ ràng, đầy đủ, nhiều Luật mới có mối liên hệ đến Luật Dân  sự đã được ban hành hoặc được sửa đổi, nhưng BLDS chưa kịp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Vì vậy việc sửa đổi, bổ sung BLDS là cần thiết và cấp bách. Ngày 14/6/2005 Quốc hội khóa XI, kỳ hợp thứ 7 đã thông qua BLDS sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực từ ngày 01/01/2006.
BLDS năm 2005 được kết cấu bởi Lời nói đầu và 7 Phần với 777 Điều. So với BLDS 1995, số Điều luật trong BLDS 2005 đã giảm, nhưng Phần thứ III “Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự” vẫn chiếm 351 Điều. Những vấn đề về nghĩa vụ và hợp đồng chiếm một số lượng điều khoản rất lớn trong BLDS. Điều đó đã khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của hợp đồng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường.
Do vị trí quan trọng của chế định hợp đồng trong BLDS nên việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chế định này đã được quan tâm đặc biệt với những quan điểm cơ bản sau đây:
- Quán triệt và kịp thời thể chế hóa các chủ trương phát triển kinh tế xã hội trong cương lĩnh phát triển kinh tế xã hội và các Nghị quyết của Đảng;
- Việc sửa đổi, bổ sung chế định nghĩa vụ và hợp đồng phải phù hợp với điều kiện kinh tế – văn hóa – xã hội của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và đáp ứng yêu cầu trong quá trình hội nhập quốc tế;
- Hạn chế sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào các quan hệ hợp đồng; tôn trọng và phát huy sự thỏa thuận, tự quyết định của các chủ thể; thủ tục đơn giản, dễ thực hiện nhưng vẫn đảm bảo các quyền và các lợi ích hợp pháp của các chủ thể;
- Chế định hợp đồng dân sự trong BLDS là nền tảng cho pháp luật về hợp đồng.
Từ những quan điểm cơ bản này, trong BLDS 2005, Phần “Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự” có một số điểm mới so với BLDS 1995 như sau:
1. Phạm vi áp dụng các quy định về hợp đồng dân sự
Những quy định có tính chất chung của pháp luật hiện hành về hợp đồng được quy định trong 3 văn bản pháp luật: BLDS 1995, Luật Thương mại 1997 và Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 đã dẫn tới tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, không hệ thống, tạo ra không ít khó khăn khi áp dụng.
Từ thực tế trên, phạm vi áp dụng các quy định về hợp đồng dân sự trong BLDS 2005 đã được mở rộng, áp dụng chung cho các loại hợp đồng, không phân biệt hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại một cách tuyệt đối như hiện nay. Vì vậy cùng với việc ban hành BLDS 2005 và Luật Thương mại 2005 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006), Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc thi hành BLDS, trong Nghị quyết đã tuyên bố Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2006 và về cơ bản đã đưa các quy định chung về hợp đồng ra khỏi Luật Thương mại 2005.
2. Các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự
Theo quy định tại Điều 122 BLDS 2005, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ ba điều kiện sau đây:
- Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
- Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
- Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
Hình thức của giao dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.
2.1 Bảo vệ quyền tự do hợp đồng là định hướng quan trọng nhất trong việc sửa đổi các quy định về các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng
Trong BLDS 1995, nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng đã được ghi nhận, tuy nhiên trong một số quy định cụ thể nguyên tắc này chưa được thể hiện rõ. Để bảo vệ trật tự xã hội, Nhà nước vẫn cần can thiệp vào quan hệ hợp đồng nhưng cần hạn chế. Điều 131 BLDS 1995 quy định “mục đích và nội dung của giao dịch không trái pháp luật” đã được BLDS 2005 sửa đổi thành “mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật”. Như vậy quyền tự do hợp đồng của cá nhân, tổ chức được mở rộng miễn là không vi phạm điều mà pháp luật cấm.
2.2 Điều 128 BLDS 2005 đã giải thích khái niệm đạo đức xã hội
“Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”. Đây là sự giải thích chính thức, rất cần thiết để tạo điều kiện cho việc áp dụng pháp luật được nhất quán.
2.3 Nhà nước tôn trọng các hợp đồng hợp pháp của cá nhân, tổ chức và tạo điều kiện về mặt thủ tục để các hợp đồng được giao kết và thực hiện thuận lợi, dễ dàng, thủ tục đơn giản
Quan điểm hạn chế tối đa sự can thiệp của Nhà nước vào các quan hệ dân sự, tôn trọng sự thỏa thuận, tự quyết định được thể hiện rất rõ nét trong việc quy định về hình thức của hợp đồng. Quy định tại khoản 2 Điều 122: “hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định” và khoản 2 Điều 401: “hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” và chuyển thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu do vi phạm về hình thức là “vô thời hạn” (khoản 2 Điều 145 BLDS 1995) thành “2 năm” (khoản 1 Điều 136 BLDS 2005) là một bước tiến đáng kể. Quy định này đã đề cao nguyên tắc tự thỏa thuận, tự cam kết và các cam kết, thỏa thuận này có giá trị pháp lý ràng buộc các bên, không phụ thuộc vào hình thức của việc thể hiện ý chí, tránh việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong mọi trường hợp do vi phạm hình thức tạo ra “kẽ hở” về mặt pháp lý để một bên trong hợp đồng có thể lợi dụng để thu lợi cho mình gây thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng của bên kia.
3. Giao kết hợp đồng dân sự
Trình tự giao kết hợp đồng dân sự, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được sửa đổi, bổ sung thêm nhiều quy định mới:
- Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực do bên đề nghị ấn định, nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị giao kết hợp đồng (Điều 391 BLDS).
- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được tính kể từ khi bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết. Ngoài ra tương ứng với mỗi loại hình thức của hợp đồng do các bên lựa chọn, BLDS xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Quy định này góp phần bảo đảm quyền tự do thỏa thuận giao kết hợp đồng của các bên. Tuy nhiên, việc lựa chọn này bị loại trừ trong trường hợp pháp luật quy định một hình thức cụ thể, bắt buộc áp dụng cho hợp đồng đó (Điều 404, Điều 405);
- BLDS bổ sung một số quy định về việc thay đổi, rút lại, hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng, quy định hậu quả pháp lý trong các trường hợp bên đề nghị hoặc bên được đề nghị chết, mất năng lực hành vi dân sự trong quá trình giao kết hợp đồng (Điều 392, Điều 400).
4. Thời hiệu trong hợp đồng dân sự
Sự ổn định trong các quan hệ dân sự là một trong những mục đích điều chỉnh của pháp luật dân sự. Chế định thời hiệu góp phần thực hiện mục đích đó. Nếu không quy định thời hiệu, mỗi chủ thể khi tham gia vào quan hệ dân sự luôn bị “đe dọa” bởi tranh chấp có thể xảy ra bất cứ lúc nào, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và cuộc sống của họ. Chế định thời hiệu khuyến khích các bên tích cực, chủ động thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Về mặt tố tụng, chế định thời hiệu tạo điều kiện bảo toàn chứng cứ để xác định sự thật trong các tranh chấp dân sự.
4.1 So với BLDS 1995, thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định trong BLDS 2005 có nhiều sửa đổi
Thời hiệu khởi kiện 2 năm, kể từ ngày giao dịch được xác lập áp dụng cho các trường hợp:
- Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;
- Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức;
Đối với các giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu không bị hạn chế.
4.2 Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự
Điều 427 BLDS quy định về thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là 02 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm (BLDS không quy định về thời hiệu này). Đây là thời hiệu áp dụng cho những hợp đồng có hiệu lực nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng phát sinh tranh chấp về quyền và nghĩa vụ. Các chủ thể chỉ được khởi kiện trong thời hạn do luật định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
5. Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
Với quan điểm tăng cường hơn nữa quyền tự chủ, tự do cam kết, thỏa thuận của các bên, nhưng không vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, kết hợp với nguyên tắc tự chịu trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng nên quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được sửa đổi nhiều nhất trong pháp luật về nghĩa vụ và hợp đồng.
5.1 Cầm cố và thế chấp tài sản
Một trong những thay đổi cơ bản các quy định về cầm cố và thế chấp đó là việc phân biệt cầm cố và thế chấp tài sản căn cứ vào một tiêu chí. Trong trường hợp cầm cố, bên cầm cố phải đưa tài sản cho bên nhận cầm cố giữ. Trong trường hợp thế chấp, bên thế chấp được giữ tài sản thế chấp. Hai biện pháp bảo đảm là cầm cố và thế chấp đã được phân biệt theo tiêu chí ai là người giữ tài sản. Quy định này nhằm tránh các khó khăn khi phân biệt cầm cố (đối tượng là động sản), thế chấp (đối tượng là bất động sản) theo quy định tại BLDS 1995, đơn giản hóa các quy định về cầm cố, thế chấp. Sự thay đổi này dẫn đến việc sửa đổi, hủy bỏ một số quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong những quan hệ này.
5.2 Tài sản trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
Quy định tại Điều 326 BLDS 1995 trên thực tế đã dẫn đến những khó khăn cho các chủ thể khi thiết lập các giao dịch bảo đảm, “vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự phải thuộc quyền sở hữu của người bảo đảm và được giao dịch”. Quy định như vậy dẫn đến tình trạng nhiều tài sản sẽ không được dùng vào việc bảo đảm cho các nghĩa vụ dân sự vì không phải là vật hiện có thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và pháp luật trong lĩnh vực Ngân hàng đã có những quy định việc sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ.
Vì vậy Điều 320 BLDS 2005, ngoài quy định vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là vật hiện có phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và được phép giao dịch, còn cho phép “vật dùng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự còn là vật được hình thành trong tương lai”. Vật hình thành trong tương lai là động sản, bất động sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết”.
5.3 Các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm, một tài sản dùng để thực hiện nhiều nghĩa
vụ dân sự, thứ tự ưu tiên thanh toán, phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tuy đã được quy định trong BLDS 1995 và các văn bản dưới luật (Nghị định 65/1999/NĐ-CP ngày 19/11/1999 về giao dịch bảo đảm) nhưng chưa thật đầy đủ và cụ thể, có nhiều hạn chế. BLDS 2005 mở rộng phạm vi bảo đảm, xác định rõ thứ tự ưu tiên thanh toán trong từng trường hợp cụ thể nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính, nâng cao năng lực tự chịu trách nhiệm của các bên.
5.4 Phạt vi phạm
Điều 318 BLDS 2005 không quy định phạt vi phạm là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như tại Điều 324 BLDS 1995. Việc loại bỏ phạt vi phạm ra khỏi các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự mà xác định phạt vi phạm như một chế tài được áp dụng theo sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng (Điều 422 BLDS 2005) là hoàn toàn phù hợp với lý luận về hợp đồng dân sự và trách nhiệm dân sự.
Thực tế cho thấy với mức phạt vi phạm như tại Điều 378 BLDS 1995 “mức cao nhất không quá 5%” đã hạn chế sự chủ động của các chủ thể khi áp dụng biện pháp này. Từ đó khoản 2 Điều 422 BLDS 2005 quy định “mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận”. Như vậy các bên hoàn toàn tự do căn cứ vào chính hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của hợp đồng để quyết định mức phạt.
6. Hợp đồng dân sự thông dụng
6.1 Hợp đồng mua bán tài sản
- Điều 432 BLDS 1995 quy định “quyền sở hữu đối với tài sản mua bán được chuyển cho bên mua, kể từ thời điểm bên mua nhận được tài sản, nếu không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác”; Điều 439 BLDS 2005 quy định “quyền sở hữu đối với tài sản mua bán được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm tài sản được chuyển giao, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác. BLDS 2005 cũng bổ sung quy định trong trường hợp tài sản mua bán chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên bán.
- Về hình thức của hợp đồng mua bán nhà ở: Thực tiễn cho thấy trong thời gian qua, các tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà ở ngày càng tăng, số lượng hợp đồng mà Tòa án tuyên bố vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Do giá nhà tăng cao nên bên bán lợi dụng vào tình hình hợp đồng mua bán nhà bằng “giấy tay” để trì hoãn việc hoàn tất thủ tục về hình thức của hợp đồng và khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Để khắc phục tình trạng này, Điều 450 BLDS 2005 quy định “hợp đồng mua bán nhà ở phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
6.2 Hợp đồng vay tài sản
- Điều 476 BLDS 2005 đã thay đổi quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng” (Điều 473 BLDS 1995 quy định không được vượt quá 50%) và để phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật Ngân hàng nên quy định “lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định” được sửa đổi thành “lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố”.
- Về vấn đề hụi, họ, biêu, phường được quy định tại Điều 479 BLDS 2005. Đây là một vấn đề mới được bổ sung vào BLDS 2005 nhằm điều chỉnh các quan hệ thực tế đang diễn ra trong đời sống dân sự mà lâu nay Tòa án không có cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp. Hình thức họ được quy định trong BLDS chỉ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân nên nghiêm cấm việc tổ chức họ với hình thức cho vay nặng lãi.
6.3 Hợp đồng thuê nhà ở
- Phù hợp với việc sửa đổi hình thức hợp đồng dân sự, Điều 492 BLDS 2005 quy định về hình thức của hợp đồng thuê nhà ở như sau: “hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ 06 tháng trở lên thì phải có công chứng, hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
- Trên cơ sở nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, BLDS 2005 xóa bỏ một số “đặc quyền” của bên thuê tồn tại trong một thời gian dài: quyền lưu cư (Điều 499 BLDS 1995), quyền ưu tiên mua nhà đang thuê khi bên cho thuê bán nhà (Điều 446 BLDS 1995), quyền ưu tiên ký hợp đồng thuê tiếp, nếu hết thời hạn thuê mà nhà vẫn dùng để cho thuê (khoản 5 Điều 494 BLDS 1995).
7. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
7.1 Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
BLDS 1995 không quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Từ đó, dẫn đến tình trạng thiệt hại đã xảy ra từ lâu mà người thiệt hại vẫn yêu cầu bồi thường thiệt hại, làm cho việc thu thập chứng cứ khó khăn, kéo dài sự tranh chấp, không ổn định các quan hệ có liên quan. Do vậy, Điều 607 BLDS 2005 quy định như sau: “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 02 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm”.
7.2 Cụ thể hóa bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần
Các quy định để tính tổn thất về tinh thần khi sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm tại các Điều 613, 614 và 615 BLDS 1995 không rõ ràng nên việc áp dụng gặp khó khăn và thiếu sự thống nhất. Mãi đến ngày 28/4/2004, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mới có Nghị quyết số 01/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn. Các quy định về bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần trong Nghị quyết được pháp điển hóa trong BLDS 2005.
Cụ thể như sau:
- Trong trường hợp sức khoẻ bị xâm phạm, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định;
- Trong trường hợp tính mạng bị xâm phạm, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định;
- Trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định;
7.3 Bổ sung thêm một số trường hợp phát sinh tránh nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
- Bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể (Điều 628);
- Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả (Điều 629).
Những bổ sung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong những trường hợp này rất phù hợp và cần thiết với thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội, góp phần bảo vệ những giá trị truyền thống, đáp ứng những nhu cầu của thực tiễn xét xử.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code