PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Trong khối tài
liệu đóng góp ý kiến công chúng về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Tạp
chí NCLP trích giới thiệu nội dung thư của Phòng Thương mại và Công
nghiệp Việt Nam gửi Chủ tịch Quốc hội trình bày kiến nghị về quan hệ
giữa Bộ luật Dân sự (luật chung) và các luật chuyên ngành (luật riêng).
NCLP trân trọng cảm ơn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã cho
phép giới thiệu tài liệu này, được tập hợp trên cơ sở ý kiến của cộng
đồng các doanh nghiệp Việt Nam đóng góp vào quá trình xây dựng luật.
Thực trạng mối quan hệ luật chung – luật riêng trong pháp luật dân sự Việt Nam
Pháp luật dân sự có ý nghĩa quan trọng trong sự vận
hành của xã hội dân sự. Để xã hội dân sự phát triển một cách ổn định và
an toàn đòi hỏi hệ thống pháp luật dân sự phải hài hoà, ổn định và đầy
đủ đến mức có thể.
Pháp luật dân sự ở nước ta hiện nay chưa đáp ứng được
yêu cầu này do còn thiếu tính hệ thống, với nhiều quy định chồng chéo,
thậm chí mâu thuẫn nhau. Điều này có thể thấy khá rõ trong hệ thống các
quy định về hợp đồng – chế định được xem như xương sống của xã hội dân
sự nói chung .
Với hệ thống rất nhiều tầng nấc, chồng chéo này, các
chủ thể dân sự gặp rất nhiều khó khăn trong hiểu và áp dụng đúng pháp
luật, ít nhất là bởi các lý do sau đây:
(1) Pháp luật chưa quy định một cách minh thị nguyên tắc và thứ tự ưu tiên áp dụng giữa các văn bản này;
(2) Trong nhiều trường hợp các thẩm phán đã áp dụng
một cách cứng nhắc các quy định pháp luật theo hướng phân lập tuyệt đối
từng nhánh pháp luật (dân sự, thương mại, lao động…) dẫn tới sự thiếu
hụt nhiều quy phạm pháp luật cần thiết cho việc điều chỉnh quan hệ cũng
như xử lý tranh chấp;
(3) Giữa các văn bản có những quy định trái ngược nhau gây lúng túng trong quá trình áp dụng.
Do đó, khả năng áp dụng và tính có thể dự đoán trước của các quy phạm pháp luật dân sự đã không đạt được.
Ngoài ra, trong quá trình hội nhập quốc tế (đặc biệt
là về thương mại) như hiện nay, hệ thống pháp luật dân sự chồng chéo,
thiếu mâu thuẫn này rõ ràng sẽ là một cản trở về pháp lý đối với các chủ
thể dân sự Việt Nam cũng như nước ngoài, làm tăng các thủ tục, chậm trễ
thời gian thực hiện, kéo dài thời gian xét xử. Vì vậy, mục tiêu phát
triển kinh tế bền vững và hội nhập cũng có thể bị ảnh hưởng.
Thực trạng này chỉ có thể được giải quyết nếu nguyên tắc cơ bản về áp dụng pháp luật được làm rõ và tuân thủ nghiêm túc.
Luật chung: Pháp luật dân
sự cần được hiểu là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối
quan hệ xã hội mà ở đó các chủ thể có vị thế bình đẳng, được quyền tự do
thoả thuận. Bộ luật Dân sự, với tính chất là văn bản điều chỉnh các
quan hệ dân sự nói chung, do đó, là luật chung của cả hệ thống pháp luật
dân sự này.
Luật riêng: Các văn bản
pháp luật điều chỉnh một hoặc một nhóm các quan hệ dân sự có những điểm
đặc thù giống nhau (quan hệ thương mại, lao động, hôn nhân gia đình…)
cần được xem như các luật riêng (luật chuyên ngành) trong hệ thống pháp
luật dân sự.
Từ lập luận này, có thể thấy việc biệt lập hoá tuyệt
đối các nhánh pháp luật dân sự, thương mại, lao động, hôn nhân gia đình…
(coi như các ngành luật hoàn toàn độc lập nhau) là bất hợp lý bởi điều
này làm mất đi sự tồn tại của cái chung vốn có giữa các quan hệ “tư“,cũng
có nghĩa là làm giảm vai trò của BLDS c – luật chung. Ngược lại, BLDS
với tính chất là luật điều chỉnh chung các quan hệ dân sự không thể và
cũng không nên bao quát hết các đặc trưng riêng của từng loại quan hệ
bởi chúng không thể hiện cái chung đồng thời cũng khó có thể đi sâu vào
từng chi tiết. Ngoài ra, việc quy định những vấn đề đặc thù, vốn thường
xuyên thay đổi sẽ khiến BLDS mất tính ổn định. Sự tồn tại của các luật
riêng sẽ giải quyết vấn đề này.
Hiện tại, đồng thời với quá trình sửa đổi BLDS – luật
chung, một loạt các luật riêng khác trong lĩnh vực dân sự cũng đang
được xây dựng mới hoặc sửa đổi tổng thể, trong đó có những luật lớn như
Luật Thương mại, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng, Luật Du
lịch… Đây là lúc thích hợp nhất và cũng là cần thiết nhất để chúng ta hệ
thống lại pháp luật dân sự trên cơ sở lý thuyết về quan hệ giữa luật
chung – luật riêng.
Những kiến nghị
1. Phạm vi điều chỉnh của BLDS và các văn bản pháp luật chuyên ngành
Với quan điểm về luật chung và luật riêng như trình
bày ở trên, một số điểm sau đây về BLDS và các văn bản pháp luật dân sự
chuyên ngành cần được các cơ quan soạn thảo đặc biệt lưu ý:
Thứ nhất, BLDS, với tính chất là luật chung trong hệ thống pháp luật dân sự cần có phạm vi điều chỉnh đáp ứng các điều kiện:
(1) Thuần tuý dân sự:
BLDS chỉ điều chỉnh các quan hệ dân sự, tránh quy định những nội dung
khác (ví dụ không nên quy định về các quan hệ hộ tịch hành chính…);
(2) Chung:
BLDS chỉ quy định những nội dung chung nhất, ổn định nhất, có khả năng
áp dụng cho hầu hết các quan hệ xã hội (ví dụ các quy định về nguyên tắc
dân sự, về quyền nhân thân, tài sản và các quyền tài sản, sở hữu, giao
dịch, các nghĩa vụ…);
(3) ổn định:
BLDS chỉ giới hạn ở những quan hệ xã hội ổn định nhất, tránh đi vào
những chi tiết của các quan hệ xã hội đang trong quá trình phát triển
hoặc có khả năng thay đổi nhanh (ví dụ các vấn đề về quyền sở hữu trí
tuệ, chuyển giao công nghệ…).
Với các đặc trưng như vậy, BLDS không nên có phần
riêng quy định về những chế định rất đặc thù và phức tạp như quyền sở
hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, đất đai. Về những nội dung này, BLDS
chỉ nên quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, thu hút vào các quy
định về tài sản, quyền tài sản và giao dịch nói chung.
Ngoài ra, trong BLDS cần có điều khoản xác định rõ
nguyên tắc: BLDS chỉ áp dụng trong những trường hợp không có luật chuyên
ngành điều chỉnh hoặc khi việc áp dụng luật chuyên ngành không đủ.
Thứ hai, các luật chuyên ngành với tính chất là luật riêng trong hệ thống pháp luật dân sự cần được soạn thảo theo hướng:
(1) Không vượt ra ngoài các nguyên tắc chung: Quy định trong luật riêng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự nêu trong BLDS;
(2) Mang đặc trưng riêng:
Các luật riêng không nên nhắc lại các quy định đã có trong BLDS (điều
này có thể giúp tránh những chồng chéo, lặp lại không cần thiết);
(3) Cụ thể, chi tiết:
Các luật riêng cần có quy định chi tiết về loại quan hệ xã hội đặc thù
mà mình điều chỉnh, phù hợp với các đặc trưng của loại quan hệ đó và các
quy định này sẽ được ưu tiên áp dụng so với BLDS.
Nếu hệ thống pháp luật dân sự của nước ta được xây
dựng theo các nguyên tắc này, tình trạng chồng chéo sẽ được giải quyết
một cách triệt để, hệ thống pháp luật sẽ minh bạch hơn, có thể dự đoán
trước và do đó khả năng áp dụng cũng cao hơn.
2. Về kỹ thuật lập pháp
Để giải quyết triệt để vấn đề mối quan hệ giữa luật
chung – luật riêng trong hệ thống pháp luật dân sự, một loạt vấn đề sau
cần được lưu ý thực hiện đồng thời:
(a) Xác định rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật trong hệ thống pháp luật thông qua việc sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL
Hiện tại, Luật Ban hành VBQPPL mới chỉ quy định về
việc áp dụng pháp luật giữa văn bản trên – dưới; giữa văn bản ban hành
trước và văn bản ban hành sau mà chưa có nguyên tắc áp dụng giữa luật
chung và luật riêng.
Trong một số văn bản pháp luật cũng đã xuất hiện
những quy định cho phép ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành nếu luật
chuyên ngành có quy định khác. Tuy nhiên, cách giải quyết này không
triệt để bởi khái niệm pháp luật chuyên ngành chưa được làm rõ và không
phải tất cả các luật đều ghi nhận nguyên tắc này.
Cách thức tốt nhất là bổ sung thêm nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật riêng
trong quan hệ với luật chung vào Luật Ban hành VBQPPL bởi cách này cho
phép dùng một luật sửa đổi nhiều luật (thay vì phải sửa hoặc bổ sung
nguyên tắc này vào lần lượt từng luật hiện hành hoặc sẽ ban hành); đồng
thời cũng sẽ làm rõ một cách thống nhất cho toàn bộ hệ thống pháp luật
về khái niệm “luật chuyên ngành” (luật riêng).
(b) Về trình tự lập pháp và việc rà soát pháp luật dân sự
Pháp luật dân sự là một hệ thống đồ sộ trong đó các
luật có quan hệ mật thiết với nhau theo nguyên tắc về chung – riêng. Vì
vậy, việc soạn thảo các luật trong hệ thống này cần tương thích với mối
quan hệ này. Cụ thể:
Vì luật chung sẽ quy định về các vấn đề nền tảng cho
tất cả các quan hệ và luật riêng chỉ quy định những vấn đề khác hoặc
những nội dung chưa có trong luật chung, trình tự thông qua luật theo
đúng logic phải là thông qua luật chung (BLDS) trước rồi mới thông qua
các luật riêng (Luật Thương mại, Bộ luật Hàng hải,…) sau.
Vì BLDS quy định các vấn đề chung mang tính nguyên
tắc cho mọi quan hệ dân sự nên trong quy trình lập pháp này cần thiết
phải có một rà soát tổng thể pháp luật dân sự hiện hành với mục tiêu:
- Tìm các đặc điểm chung nhất của các quan hệ dân sự để đưa chúng vào BLDS;
- Tìm các quy định trong pháp luật chuyên ngành trái hoặc lặp lại các nguyên tắc cơ bản trong BLDS để huỷ bỏ đồng thời.
Cụ thể, nên chăng chúng ta cần thành lập một Uỷ ban
hỗn hợp (Ad-hoc), Uỷ ban này với đại diện là các đại biểu Quốc hội từ
các Uỷ ban liên quan, các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực pháp luật dân
sự để rà soát tổng thể hệ thống pháp luật dân sự theo
hai mục tiêu nói trên. Việc giao nhiệm vụ rà soát cho Uỷ ban hỗn hợp này
sẽ đảm bảo được việc xem xét một cách toàn diện từ nhiều góc độ, đảm
bảo tính khách quan trong quá trình rà soát, kiến nghị sửa đổi. Để đáp
ứng kịp thời quá trình soạn thảo các văn bản luật liên quan, Uỷ ban này
cần được thành lập và đi vào hoạt động ngay trong thời gian tới.
Bên cạnh nhiệm vụ rà soát pháp luật dân sự nói chung,
do tính chất quan trọng của chế định hợp đồng trong pháp luật dân sự và
thương mại (theo nghĩa rộng) nói riêng, Uỷ ban hỗn hợp này cần tập
trung rà soát các quy định pháp luật về hợp đồng, đặc biệt là
chế định hợp đồng trong các Dự thảo BLDS, Luật Thương mại (đảm bảo những
vấn đề chung về hợp đồng đều được quy định trong BLDS; pháp luật hợp
đồng chuyên ngành chỉ quy định những nội dung khác biệt, phù hợp với
tính chất của loại hợp đồng liên quan và không trái với các nguyên tắc
cơ bản về hợp đồng trong BLDS).
(c) Huỷ bỏ Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế
Pháp lệnh Hợp đồng Kinh tế ra đời năm 1989 cho đến
nay đã không còn phát huy tác dụng điều chỉnh các hợp đồng trong hoạt
động kinh tế thương mại ở nước ta. Với những quy định bất hợp lý hoặc
hạn chế không cần thiết liên quan đến chủ thể ký kết, nội dung hợp đồng,
các loại chế tài… Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế đang là một cản trở đối
với chủ thể trong hoạt động thương mại, khiến nhiều hợp đồng vô hiệu và
gây ra những khó khăn trong việc áp dụng pháp luật của toà án, trọng
tài.
Ngoài ra, hệ thống pháp luật dân sự hiện tại (với
BLDS – luật chung và các luật chuyên ngành – luật riêng) đã đủ để giải
quyết các vấn đề về hợp đồng có liên quan mà không cần thiết phải có một
văn bản “trung gian” về hợp đồng kinh tế như Pháp lệnh này. Vì vậy, trong thời gian sớm nhất, nên huỷ bỏ Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế.
3. Kiến nghị về hệ thống Toà án và phương pháp giải thích, áp dụng pháp luật
Pháp luật dân sự cần được hiểu là một chỉnh thể,
trong đó các quan hệ pháp luật dân sự chuyên biệt chịu sự điều chỉnh
đồng thời của pháp luật chuyên ngành và BLDS. Từ góc độ này, không thể
tuyệt đối hoá ranh giới giữa luật dân sự và luật thương mại hay các lĩnh
vực dân sự khác. Do đó, một số vấn đề sau cần được chú ý:
- Về cơ cấu trong hệ thống Toà án: Cần hợp nhất Toà Dân sự và Toà Thương mại thành một Toà duy nhất (Toà Dân sự) bởi các lý do:
· Hai toà này thực ra chỉ áp dụng một hệ thống pháp
luật duy nhất về nội dung (vì thương mại chỉ là một bộ phận của pháp
luật dân sự nói chung);
· Thủ tục tố tụng của hai toà này đã được thống nhất (Bộ luật Tố tụng Dân sự);
· Sự tồn tại của hai toà trên thực tế đã dẫn tới những phức tạp không cần thiết (trong việc phân định thẩm quyền giải quyết).
- Về việc áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp:
Thứ nhất, các Thẩm phán khi giải quyết tranh
chấp cần đứng trên quan điểm rõ ràng và chính xác về quan hệ giữa luật
chung – luật riêng để có cách áp dụng pháp luật linh hoạt đúng đắn và
phù hợp. Thậm chí, có thể quy định trường hợp Thẩm phán áp dụng sai
nguyên tắc về luật chung – riêng như một căn cứ cho phép giám đốc thẩm
các bản án liên quan.
Thứ hai, Thẩm phán cần được trao quyền giải thích pháp luật: Quan
hệ dân sự (đặc biệt là hợp đồng) được điều chỉnh đồng thời bởi nhiều
văn bản pháp luật khác nhau, đôi khi pháp luật không quy định hết, vì
vậy, khi áp dụng pháp luật dân sự cần có sự uyển chuyển, linh hoạt thông
qua các giải thích của Thẩm phán.
Thứ ba, các Toà án cần công khai các bản án, làm cơ sở để các chủ thể áp dụng tham khảo, áp dụng trong các quan hệ cụ thể của mình. /.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 52, THÁNG 5/2005
0 comments:
Post a Comment