Sunday, August 11, 2013

Chế định Bồi thẩm đoàn Hoa Kỳ



Hệ thống bồi thẩm đoàn tại Hoa Kỳ
Jury: Hệ Thống Phân Xử Của Luật Pháp Hoa Kỳ

***
Trần Quốc Sỹ

Hệ thống pháp luật tại Hoa Kỳ, áp dụng cho hầu hết các tội về hình luật (criminal) và dân luật (civil), được phân xử dựa trên căn bản phán quyết của bồi thẩm đoàn (jury), ngoại trừ một số nhỏ chỉ dựa trên phán quyết của người thẩm phán hoặc chánh án (judge). Nhiều người cho rằng, phân xử dựa trên phán quyết của bồi thẩm đoàn là không công bằng vì bị cáo bị kết tội hay được tha bổng bởi mười hai bồi thẩm viên (jurors), mà những người này hoàn toàn không có kiến thức căn bản về pháp luật.


Lẽ dĩ nhiên, không có một hệ thống pháp luật nào của bất cứ quốc gia nào trên thế giới được coi là toàn hảo, nhưng đối với tác giả, phân xử theo hệ thống bồi thẩm đoàn của luật pháp Hoa Kỳ là tốt nhất vì nó đảm bảo được sự công bằng của nền công lý. Với hệ thống bồi thẩm đoàn, người bị kết tội hình sự phải thực sự có tội vì phải được sự đồng thuận của toàn thể 12 người, không còn nghi ngờ gì nữa, dù chỉ một chút nghi ngờ (reasonable doubt).
Tha lầm còn hơn kết tội lầm căn bản của luật pháp Hoa Kỳ.
Để giúp những đọc giả chưa từng được toà án gọi, hoặc không hội đủ điều kiện làm bồi thẩm viên, hiểu rõ hơn về bồi thẩm đoàn của hệ thống pháp luật Hoa Kỳ, tác giả xin được trình bày tóm gọn như sau:
Điều kiện để được toà án gọi đi làm bổn phận bồi thẩm đoàn là bạn phải:

• Trên 18 tuổi

• Mang quốc tịch Hoa Kỳ

• Cư ngụ nơi quận hạt hiện tại ít nhất là một năm

• Nói và hiểu Anh Ngữ (trình độ Anh ngữ của bạn sẽ được thẩm định bởi người chánh án)

• Không khuyết tật về tinh thần hay thể xác

• Chưa từng bị kết tội đại hình


Những người sau đây được miễn thi hành bổn phận bồi thẩm đoàn:

• Quân nhân hiện dịch

• Lính cứu hoả

• Nhân viên cảnh sát

• Những nhân viên thuộc các cơ quan công lực liên bang, tiểu bang hay địa phương đang tòng sự toàn thời gian

Những người sau đây, nếu làm đơn xin, có thể được miễn thi hành bổn phận bồi thẩm đoàn:

• Những người trên 70 tuổi

• Đã là bồi thẩm viên cho toà án liên bang trong hai năm vừa qua

• Những tình nguyện viên làm nhân viên cứu hoả, nhân viên cấp cứu, tài xế xe cấp cứu

Quan toà cũng có thể miễn cho bạn bổn phận bồi thẩm đoàn nếu ông ta xét rằng điều kiện tài chánh của gia đình bạn eo hẹp và nếu bạn thi hành bổn phận bồi thẩm đoàn, gia đình bạn sẽ lâm vào hoàn cảnh túng quẫn. Số tiền toà án chi trả cho một bồi thẩm viên rất khiêm nhượng, thay đổi tuỳ theo toà, khoảng dưới 20 đô cho mỗi lần.

Nếu bạn là công dân Hoa Kỳ, khi bạn được cấp bằng lái xe, hoặc khi bạn ghi danh bầu cử, tên của bạn sẽ được cho vào computer của toà án. Một ngày đẹp trời nào đó, tên của bạn sẽ được computer chọn ra bằng cách chọn lựa không nhất định (randomly selected). Sau đó, bạn sẽ nhận được một phong thơ từ toà án gởi tới tận nhà bởi toà án quận hạt, tiểu bang hay liên bang nơi bạn cư ngụ. Mở ra, bên trong là một thơ báo cho bạn biết là bạn phải thi hành bổn phận công dân: làm bồi thẩm viên. Toà án cũng sẽ cho bạn biết ngày, giờ bạn phải trình diện tại toà án được chỉ định. Cách trình diện toà án sẽ thay đổi tuỳ theo toà án của quận hạt, tiểu bang hoặc liên bang. Nhiều toà án buộc bạn phải trình diện mỗi ngày liên tiếp trong một hay hai tuần lễ. Nhiều toà án cho phép bạn gọi vào sau năm giờ chiều mỗi ngày để xem bạn có phải trình diện ngày hôm sau hay không.

Khi đến trình diện, bạn sẽ được hướng dẫn tới phòng bồi thẩm đoàn (jury room), nơi đó bạn sẽ gặp hằng trăm người khác cũng được gọi làm bổn phận công dân như bạn. Nhân viên làm việc tại phòng bồi thẩm đoàn sẽ cho bạn biết các luật lệ, thủ tục liên quan đến việc tuyển chọn một bồi thầm viên. Sau đó bạn ngồi chờ họ gọi tên. Trong khi chờ đợi để được gọi tên, bạn có quyền đọc báo, xem tivi, ngủ, hoặc làm bất cứ việc gì ngoài việc ra khỏi phòng.

Khi phòng xử án cần bồi thẩm đoàn, họ sẽ gởi giấy yêu cầu xuống phòng đợi. Nhân viên trực tại đây sẽ gọi tên một nhóm chừng khoảng năm chục người để gởi đến phòng xử. Nếu bạn không được đọc tên, bạn tiếp tục chờ đến lần đọc tên kế, hoặc chờ cho đến hết ngày nếu vẫn không được chọn. Bạn có thể phải trình diện hoặc không phải trình diện ngày hôm sau tùy theo nhu cầu của toà án.

Nếu bạn có tên trong danh sách, bạn sẽ được hướng dẫn đến phòng xử án. Tại phòng xử án, cho một tội hình sự, luật sư bên nguyên cáo (plantiff) là những luật sư kết tội (prosecutor) thuộc văn phòng biện lý (District Attorney), đại diện cho công chúng (people), ngồi bên tay phải. Người bị kết tội được gọi là bị cáo (defendant) và luật sư của họ (defense lawyer) sẽ ngồi bên tay trái. Vị thẩm phán (judge) mặc áo đen sẽ ngồi ở giữa. Ngoài ra trong phòng xử còn có người thư ký (court clerk), người thư ký ghi chép những gì xảy ra (stenographer) và người cảnh sát giữ an ninh (bailiff).

Thủ tục và tiến trình chọn lựa bồi thẩm đoàn tại phòng xử án rất nhiêu khê và phức tạp. Chỉ cho một vụ án thật nhỏ, tiến trình này cũng mất cả một hay hai ngày. Cho những vụ án lớn, nghiêm trọng hoặc liên quan đến những người nổi danh, đôi khi phải mất cả tháng toà án mới chọn được một bồi thẩm đoàn, chính thức và dự khuyết.

Thông thường, một bồi thẩm đoàn sẽ gồm 14 người bồi thẩm viên (thường là 12 người chính thức và 2 người dự khuyết). Trong những những phiên xử nghiêm trọng, số bồi thẩm viên dự khuyết có thể nhiều hơn, nhưng số bồi thẩm viên chính thức vẫn là 12.

Đầu tiên, người thư ký sẽ dùng computer để chọn lựa không nhất định ra mười hai bồi thẩm viên chính thức và sáu người dự khuyết trong số người được gởi đến. Những người được chọn và được gọi tên sẽ lần lượt ngồi vào ghế của bồi thẩm viên đã được đánh số từ 1 đến 18. Những người còn lại không được chọn sẽ ngồi tại chỗ.

Sau khi mười tám người bồi thẩm viên dự bị được chọn ngồi vào ghế, quan toà sẽ nói lời chào mừng và cho họ biết về chi tiết và thủ tục chọn lựa bồi thẩm đoàn. Quan toà cũng sẽ cho những người bồi thẩm viên dự bị biết về cáo trạng của bị cáo trong phiên xử ngày hôm đó.

Sau đó những người bồi thẩm viên dự bị sẽ được quan toà hỏi những câu hỏi căn bản sau đây:

• Tên

• Nghề nghiệp

• Gia cảnh, có gia đình hay chưa? Nghề nghiệp của người phối ngẫu

• Con cái? Nghề nghiệp của những con trên 18 tuổi

• Thành phố nơi cư ngụ

• Đã từng làm bồi thẩm viên hay chưa? Nếu có, vụ án đã được xử như thế nào? Kết tội hay tha bổng?

Để cho việc xử án được công bằng và vô tư, quan toà cũng muốn biết người bồi thẩm viên dự bị có liên hệ gì với luật sư hai bên, bị cáo hay nguyên cáo hay không? Người bồi thẩm viên dự bị có thân nhân hay quen biết bất cứ một ai trong hệ thống pháp luật, như quan toà, luật sư, cảnh sát hay không? Một chi tiết nữa mà quan toàn sẽ hỏi người bồi thẩm viên dự bị là họ có bao giờ đã là nạn nhân, bị cáo hay liên quan đến bất cứ một vụ thưa kiện nào mà tội trạng giống như phiên toà sắp xử hay không? Những chi tiết này cũng được hai vị luật sư của nguyên cáo và bị cáo ghi chép và để ý.

Những người bồi thẩm viên lúc này cũng có cơ hội để thoái thác hay từ chối để trở thành một bồi thẩm viên bằng cách trình bày lý do với người thẩm phán. Những lý do được đưa ra thường là: điều kiện tài chánh eo hẹp, không đủ khả năng Anh ngữ, không thể vắng mặt tại sở làm, sức khoẻ yếu kém, vân ...vân ... Tuy nhiên, quyền quyết định để được miễn, không phải làm bồi thẩm viên sẽ thuộc về người chánh án. Thông thường, lý do tài chánh, không đủ khả năng Anh ngữ hay không thể vắng mặt tại sở làm sẽ không được người chánh án chấp thuận.

Sau khi 18 người bồi thẩm viên dự bị đã trả lời các câu hỏi, luật sư của hai bên sẽ lần lượt loại ra (excuse) những bồi thẩm viên mà họ nghĩ là sẽ không có lợi cho họ. Luật lệ loại bỏ bồi thẩm viên thay đổi tuỳ theo toà án. Thông thường, cho một phiên toà nhỏ, luật sư mỗi bên có thể loại bỏ 12 người đầu tiên mà không cần phải có lý do. Trên con số này, luật sư phải có lý do chính đáng và phải được quan toà đồng ý.

Sau mỗi bồi thẩm viên bị loại bởi luật sư hai bên, người thư ký sẽ chọn ra một người trong số người còn lại để thay thế cho người bị loại. Những người lên thay thế cũng sẽ được hỏi những câu hỏi tương tự như những người trước. Luật sư hai bên dựa trên những câu trả lời để quyết định nên giữ hay nên loại họ. Tiến trình chọn lựa này sẽ được lập lại cho đến khi hai vị luật sư của đôi bên đều đồng ý và chọn được một bồi thẩm đoàn gồm 12 người chính thức và 2 người dự khuyết, hoặc nhiều hơn tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của phiên xử.

Trần Quốc Sỹ

BÀI VIẾT TƯƠNG TỰ:
Giật mình vì đoạn sạt lở bên đê sông Hồng
Quốc lộ 1A đoạn qua Nghệ An bị tê liệt vì mưa lũ
BÀI VIẾT MỚI HƠN :
Những nội dung mới của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 - 22.12
Chủ nghĩa hợp hiến và sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam - 25.02
BÀI VIẾT TRƯỚC ĐÓ :
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ - 22.12
Chế định chủ tịch nước ở việt nam qua các bản hiến pháp - 29.11
Để thực thi quyền sáng kiến pháp luật của Đại biểu Quốc hội - 29.11
Mối quan hệ giữa chính phủ với quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật. - 29.11
Phân loại hiến pháp - Trịnh Thị Bích Diệp - 29.11

Bồi thẩm đoàn (jury) trong thủ tục tố tụng và hình sự Hoa Kỳ
Bài viết này nhằm giới thiệu cách sử dụng Jury trong hệ thống luật án lệ (hay Thông luật - Common Law) cho mục đích tham khảo, chưa chính xác hoặc cần bổ sung thêm hay sai sót là hiển nhiên.

Ở các quốc gia tư bản như Hoa Kỳ, nhân dân có hai quyền mà Hiến Pháp công nhận trong một vụ xử:

(a) Trong một vụ dân sự nếu yêu cầu sẽ xử bằng Jury thay vì Quan tòa (Judge); hoặc

(b) Trong một vụ hình sự tội nghiêm trọng (gọi là felony hoặc indictable offenses) bắt buộc phải xử bằng Jury để cho công bằng với bị cáo.

Ở đây là phần mình nói đến thủ tục tố tụng bằng Bồi thẩm đoàn (Jury). Mỗi thành viên của Bồi thẩm đoàn là một công dân bình thường như mỗi chúng ta và người đó phải là người không hề có kiến thức hoặc sống bằng nghề liên quan tới luật pháp (ví dụ như luật sư). Sẽ có một cơ quan nhà nước lo về việc tuyển các jurors (bồi thẩm viên) này cho tòa án. Là công dân, nếu có yêu cầu, bạn phải hoàn thành nghĩa vụ jurors của mình và người thuê bạn sẽ phải trả lương full-time cho bạn khi bạn nghỉ làm để vào tòa án.


Mỗi thành viên của Bồi thẩm đoàn là một công dân bình thường như mỗi chúng ta và người đó phải là người không hề có kiến thức hoặc sống bằng nghề liên quan tới luật pháp (ví dụ như luật sư) - LikeLaw
Sau khi đã được mời vào tòa, trước khi phiên tòa bắt đầu, trợ lý quan tòa (judge's associate) sẽ bỏ tên của bạn (thông thường là 30 người được chọn) vào trong một cái hộp. Sau đó bốc thăm ra chọn ra 20 người. Bạn Grace nói rằng quan tòa (chánh án) sẽ phỏng vấn juror. Không phải như vậy, không có ai trong tòa phỏng vấn họ cả. 20 người được chọn sẽ đứng lên cho luật sư hai bên thấy mặt mũi rõ ràng.

Trong việc chọn ra 12-15 người (tại sao 15 bạn xem bên dưới) cho vụ kiện hình sự (luật gọi là jury empanelment) quan tòa không can dự vào chỉ ngồi đó xem để bảo đảm rằng thủ tục này làm đúng luật. Quan tòa không đụng đến jury cho đến khi họ đã được chọn ra và ngồi vào ghế bồi thẩm (jury box). Sau đó là phần peremptory challenge của hai bên bào chữa và công tố. Phần này nghĩa là luật sư mỗi bên, không quan tâm đến bất cứ vì lý do gì, có quyền gạch tên 3-4 người đã chọn ra. Lấy ví dụ, mình nhìn mặt một người (trong 20) thấy có vẻ nó không thích bị cáo lắm, mình gạch tên vô tư. Như vậy là còn lại 12 người. Lý do mà có thể chọn 15 người là vì trong vụ kiện kéo dài vài ngày ở tòa, lỡ có juror bị bệnh thì 15 có thể còn lại 12 nhưng không được dưới 10. Dưới 10 là phải hoãn phiên tòa chờ (adjournment). <- chưa biết chính xác hay không???

Sau khi xong và chọn ra một người đứng đầu Bồi thẩm đoàn (jury leader) rồi, quan tòa sẽ hướng dẫn tường tận cho các bồi thẩm viên biết phải làm gì (từng chút một). Không một ai được phép liên hệ với bồi thẩm viên, ngoài quan tòa - nếu không hiểu gì phải hỏi quan tòa. Bồi thẩm viên không được phép thảo luận với bất cứ ai ngoài các bạn bồi thẩm và không được phép đem giấy tờ ra khỏi phòng xử (court). Mình nghĩ là bạn Grace lầm là tưởng bồi thẩm viên đóng vai quan tòa. Không phải, Jury phải làm theo hướng dẫn của quan tòa và họ chỉ tự do có quyền phán quyết về các chứng cứ (facts) của một vụ án (gọi là judges of the fact) trong khi quan tòa là phán quyết về mặt pháp lý (judges of the law). Ví dụ, trong vụ hiếp dâm, công tố nói thằng này hiếp dâm nạn nhân, bên biện hộ nói không, bởi nạn nhân đồng ý. Hai bên cứ vô tư cãi nhau, đem hết bằng chứng cho bồi thẩm đoàn nghe. Xong Bồi thẩm đoàn sẽ quyết định là ai đúng ai sai (judges of the facts).

Sau khi nghe xong bồi thẩm đoàn sẽ họp quyết định (jury deliberation) để đưa ra phán quyết (jury's verdict). Trong hình sự bắt buộc nếu muốn phán có tội phải không có ai trong 12 người có nghi ngờ về các chứng cứ (facts), gọi là 'beyond reasonable doubt'. Nếu có nghi ngờ thì bị cáo sẽ vô tội. Nếu nhất trí thì bị cáo có tội. Từ đây Jury kết thúc nghỉ khỏe đến phiên quan tòa sẽ phán bị bị phạt tù ra sao. Trong lúc xử, quan tòa sẽ giải thích cho Jury hiểu (vì họ không có khả năng luật pháp) tội A có bao nhiêu thành tố (elements) và làm sao là có tội, làm sao là vô tội. Chính vì lý do này nên Grace nói là phải dân trí cao, không đúng. Không cần, bạn chỉ cần là người học bình thường hiểu viết bình thường (reasonable person with sound mind an knowledge) là bạn có thể làm bồi thẩm viên.

Nếu không sống và làm việc theo tinh thần pháp trị (the rule of law) thì không dùng hệ thống Bồi thẩm (jury system) được? Đó là vì nếu bạn không tôn trọng quyền của nhân dân được trao trong Hiến Pháp, bạn có thể bỏ tù bất cứ ai bạn muốn, nên bạn có thể gây sức ép lên Bồi thẩm đoàn, chẳng hạn khi bồi thẩm viên đi ra ngoài bạn sẽ bí mật bắt họ phải xử có tội nếu không bạn bỏ tù. Trong Tu Chính Án số 5 của Hoa Kỳ, không ai có quyền cướp đi quyền tự do của nhân dân mà không làm đúng theo trình tự luật pháp (deprive of liberty without due process of law). Bạn muốn bắt ai bỏ tù bạn phải đem họ ra tòa án xét xử và phải có bằng chứng họ phạm tội rõ ràng cho ghi thành luật (xem Entick kiện Carrington). Nếu bạn là bên công tố bạn ghét thằng bị cáo đó quá mà bạn không đủ bằng chứng bạn đi bắt ép jury, jury báo cáo lên tòa án họ còn bắt bạn vì vi phạm luật pháp ảnh hưởng đến xét xử công bằng (tội pervert the course of justice) chứ đừng nói là bạn bắt jury bỏ tù vì không làm đúng ý bạn.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao Bồi thẩm đoàn lại gồm 12 người, là số chẵn chứ không phải số lẻ. Lý do mà họ chọn số chẵn là vì sau khi nghe hai bên cãi nhau tóe lửa trước tòa, ban Bồi thẩm rút vào phòng riêng thảo luận với nhau cho ra phán quyết (verdict) trong thời gian tối đa là 6 tiếng. Đây là phòng kín trong tòa, không ai được phép nhảy ra nhảy vào để bảo đảm tuyệt đối không có "Anh Hai" nào dám ở đằng sau chỉ đạo Bồi thẩm đoàn. Trong một vụ án bạn rất có thể đã nghe luật sư nói qua hai từ này:

(a) "onus of proof" là nghĩa vụ phải chứng minh, phe công tố phải lãnh trách nhiệm chứng minh trước trước tòa - nếu không chứng minh được là bồi thẩm phán quyết vô tội, và

(b) "standard of proof" gồm có hai thứ là "beyond reasonable doubt" (BRD) cho hình sự, và "balance of probabilities" (BOP) cho dân sự (và dành cho bào chữa trong hình sự). BRD là bạn phải chứng minh cho jury (vì xử hình sự phải có jury) tin vào bằng chứng của công tố đến mức 12 bồi thẩm viên phải không hề có bất cứ nghi ngờ nào (phải tin 100%). Ngược lại, nếu bị cáo cần phải phản biện, thì chỉ cần tới mức BOP, nghĩa là hơn 50% bồi thẩm viên có thể tin được là OK. Bạn thấy xứ người chưa? Cần đủ cả 12 bồi thẩm viên, ai cũng phải tin rằng bị cáo này đúng là có tội thật, thì mới kết tội được bị cáo.

Vì lý do BRD mình nói ở trên cho nên không cần phải số lẻ (odd) mà jury phải cho ra phán quyết tuyệt đối (gọi là unanimous verdict) cho nên trong 6 giờ đó jurors muốn cãi nhau thế nào thì cãi, không ai can thiệp. Nếu không ra phán quyết tuyệt đối là vô tội (hay có tội) thì tới lượt quan tòa. Quan tòa lúc đó sẽ có toàn quyền quyết định, có thể ra phán quyết rằng sẽ giải thể bồi thẩm đoàn này để chọn bồi thẩm đoàn khác, hoặc cho thêm thời gian cho bồi thẩm đoàn này đi đến kết luận của mình. Quyền này thuộc về quan tòa xem xét trong từng hoàn cảnh một làm sao để mang lại công bằng cho phiên toà. Cũng vì lý do này bạn Grace sẽ thấy rằng jury không phải thay thế quan tòa hoàn toàn đâu cho nên không cần phải là xứ dân trí cao mới có.

----------------------

FNguyen viết:

Tui đã từng đi làm nhiệm vụ bồi thẩm (jury duty) một lần ở tòa dưới, ở địa phương nơi mình cư ngụ. Lần đó là ở California. Kinh nghiệm cho tui thấy là cứ mỗi lần ghi danh đi bầu là được (hay bị) kêu đi jury duty. Có nhiều cách tránh để không đi, vì đi thì tốn thời giờ và tiền bạc vì nhiều hãng xưởng họ không trả lương cho các ngày nghỉ đi làm chuyện này. Mà Nhà Nước trả thì rất bèo, chỉ vài chục bạc cho một ngày 8 tiếng ngồi tòa mà thôi. Có nhiều vụ xử kéo dài cả tháng. Nhiều lần trước tui đã từ chối, nhưng lần này tui muốn thử xem chuyện này nó ra sao nên đăng ký tham dự.
Có thể mỗi tòa của từng tiểu bang hoặc từng địa phương có cách tổ chức khác nhau, nhưng lần tui đi jury thì bên công tố và luật sư bên bị đều hỏi (phỏng vấn) các người có khả năng làm jury. Người ta chọn 14 người (bác likeLaw bảo rằng 15 nhưng lần đó của tui chỉ chọn 14) trong một căn phòng xử ở tòa khoảng hơn 50 người. Trong 14 người này chỉ có 12 người là chính thức, còn 2 người kia là dự bị phòng trường hợp có ai trong danh sách chính thức đang trong giai đoạn xử mà bị bệnh hay gặp phải sự cố nào không tiếp tục được thì người dự bị phải vào thay. Trước khi chọn thì ông tòa hỏi có ai muốn nêu thắc mắc hay hỏi gì hay không. Lúc này có người nào đổi ý không tham dự được thì lên tiếng trả lời. Nhiều người nêu lý do chính đáng là không tham gia được thì ông tòa cho ra về ngay tức khắc. Những người còn ngồi lại thì 14 người được chọn ngồi vào ghế của jury và 14 người này tuần tự được cả hai bên nguyên (ở đây là công tố viên của NN) lẫn bên bị (trường hợp của tui là luật sư cãi thí của Nhà Nước) lựa chọn. Ai được lựa thì ngồi nguyên tại chỗ đó cho tới khi 12 cái ghế và 2 ghế phụ được trám đầy. Ai không được lựa thì ra về, chờ lần khác.
Tui có nhận xét trong tiến trình lựa họ có hỏi một số người và cũng có người họ không hỏi (họ hỏi và jury chỉ có trả lời), bởi vì khi ghi danh là mình phải ghi nghề nghiệp là gì trong đó rồi. Nếu có người khai có background luật sư (hoặc dính líu tới luật) là bị từ chối hay loại liền. Hoặc là làm nhân viên cảnh sát, người làm bên hành pháp cũng dễ bị loại. Trước khi phỏng vấn họ cũng cho biết sơ vụ án này là gì, và họ không muốn chọn jury có thành kiến hoặc bị biased về vụ kiện. Ví dụ như xử băng đảng thì không lấy jury có thành tích về băng đảng (chẳng hạn nhìn jury có xâm hình trên người thì họ không chọn cho vụ xử băng đảng), không lấy jury có người nhà bị băng đảng làm hại hoặc sách nhiễu (cái này họ hỏi thẳng), không lấy jury làm cảnh sát hoặc làm luật sư v.v... Đa số họ chọn tư chức hoặc công nhân, sinh viên. Sau khi phỏng vấn thì người bên nguyên lẫn bên bị đồng ý chọn thì mới được lấy , bằng như chỉ có một bên chọn mà bên kia không đồng ý cũng không được chọn. Tui thì bị rơi vào danh sách một trong hai người dự bị. Làm dự bị thì cũng ngồi nghe suốt buổi như người chính thức vậy, nhưng nếu không có gì xảy ra cho 12 người chính thức, tức là vụ xử vẫn tiến hành trôi chảy, thì tới lúc jury nghị án để quyết định tội hay không tội thì mình phải đứng ngoài không được tham dự và vai trò của mình tới lúc đó coi như cũng chấm dứt luôn, có thể về ngay lúc đó hoặc ngồi. ở lại xem cho hết vụ án cũng được. Tui thì đi về ngay.
Nguồn: Internet cho mục đích tham khảo -> cần kiểm chứng chính thức.

Ðề: Chế định Bồi thẩm đoàn Hoa Kỳ
WESTMINSTER - Nếu ai đã từng ngồi chờ ở hành lang một tòa án, và chờ cả ngày trời, để đợi bồi thẩm đoàn kết án người thân, mới hiểu được tâm trạng thân nhân bị cáo Nguyễn Lâm Sơn, 31 tuổi, bị buộc tội gây ra cái chết của mẹ vì bóp cổ bà sau một cuộc tranh cãi kịch liệt.

Từ sáng sớm hôm Thứ Năm, trước khi bồi thẩm đoàn bắt đầu khởi sự thảo luận việc kết án, một số thân nhân của bị cáo Sơn Nguyễn đã ngồi sẵn ở ngoài hành lang chờ đợi, dù họ biết rằng nhanh nhất là đến giờ trưa, bồi thẩm đoàn mới có thể có phán quyết, và dù là cả nhà đang vừa đợi kết quả phán quyết, vừa phải lo cho tang lễ của ông nội Sơn, qua đời trước đó một ngày.

Liệu Sơn Nguyễn sẽ bị kết tội “cố sát cấp 1” (murder first degree)?

“Cố sát cấp 2” (murder second degree)?

“Giết người trong cơn nóng giận” (voluntary manslaughter)?

hay “Ngộ sát” (involuntary manslaughter)?

Họ hết băn khoăn hỏi nhau, rồi lại xoay qua ôn lại những lời tranh luận của công tố viên và luật sư biện hộ.

“Phải công nhận ông công tố viên này tranh luận đanh thép và ác ôn quá!”

“Cũng tại Sơn thật thà quá, nó khai là đưa tay vào cổ mẹ, siết chặt lại.”

“Hôm trước lúc mới khai mạc phiên tòa, thì thấy hy vọng nhiều, nhưng hôm kết thúc phiên tòa, thì ông Harley cãi yếu quá, nên không biết làm sao!”

Ðó là những lời họ trao đổi với nhau.

Nỗi băn khoăn hằn rõ trên nét mặt của họ, đến nỗi một đại diện của biện lý cuộc đi ngang, phải đứng lại an ủi, “Dầu có kết quả thế nào đi chăng nữa, thì quý vị cũng còn quyền kháng án!”

Nhưng lời an ủi của ông có vẻ không có hiệu quả.

“Kháng án là việc tôi không dám nghĩ đến trong lúc này!” Chị Phúc, người bác ruột bên nội của Sơn nói với Người Việt.

“Tôi chỉ mong bồi thẩm đoàn hiểu được, là Sơn bị bệnh tâm thần và chỉ hành động vì nóng giận trong giây lát chứ không có ý giết mẹ. Không ai biết rằng cô Nương mẹ nó là cả thế giới của nó.”

“Không biết họ có hiểu cho hoàn cảnh của nó không cơ chứ? Ðó mới là vấn đề!” Chị Phúc lại băn khoăn.

Ðó là băn khoăn chung của họ. Nhưng mỗi người có một suy đoán riêng mà dường như họ ngần ngại không chia sẻ. Người bi quan không ai dám đưa ra một lời tiên đoán yếm thế. Còn người lạc quan hơn thì cũng không vững tin lắm vào lăng kính màu hồng của mình.

Chợt có tiếng mở cửa.

“Họ ra nghỉ rồi kìa!”

Người ta chăm chú nhìn nét mặt của các bồi thẩm viên vừa ra khỏi phòng thảo luận, cố dựa trên những khuôn mặt tương đối thoải mái, thư giãn của những nữ bồi thẩm viên, tương phản với nét đăm chiêu của các người nam, để mà suy đoán tình hình.

Họ nhìn nhau, rồi một người lắc đầu.

“Chịu!

Không thể nào đoán được.”

Ngồi cạnh tôi từ nãy giờ, chị Phúc hỏi... phóng viên Người Việt,

“Theo em quan sát thì kết quả sẽ ra sao?”

“Khó biết được lắm chị. Chắc em không đoán được. Nếu bồi thẩm đoàn bảo thủ thì có lẽ họ sẽ rất khe khắt. Còn nếu họ cho rằng Sơn đã bị cơn bệnh ảnh hưởng đến hành động của mình lúc đó, thì sẽ kết tội nhẹ hơn.”

Mọi người ngồi như thế cho đến giờ nghỉ trưa. Một số thân nhân phải trở về nhà để lo việc tang chế cho người vừa nằm xuống.

“Hy vọng ông ra đi ngay trong lúc này sẽ phù hộ cho nó!”

“Cả nhà giấu cụ đấy, cụ không biết gì đâu. Nhưng bây giờ thì cụ biết hết mọi việc rồi.” Chị Phúc tâm sự.

“Vâng, em nghĩ cả mẹ Sơn cũng đang phù hộ cho Sơn nữa.” Tôi an ủi chị.

Sau giờ trưa, chúng tôi chán ngồi ở ngoài hành lang, kéo nhau hết vào trong phòng xử, dù chỉ để nhìn cánh cửa đóng im ỉm của phòng bồi thẩm đoàn đang thảo luận, và nhìn các cảnh sát, thư ký tòa án, và tốc ký viên ngồi vừa đợi chờ vừa tán gẫu.

Chị Oanh, một người bạn của gia đình Sơn chia sẻ,

“Hai tuần nay đi tham dự phiên tòa này chị hiểu thêm rất nhiều về diễn tiến của một phiên xử ở đây.”

“Trước kia chị cứ tưởng quan tòa quyết định hết tất cả mọi việc, hóa ra bồi thẩm đoàn mới là những người quyết định.”

“Ðây mới đúng là tòa án nhân dân đấy, còn tòa án nhân dân ở Việt Nam thì...” Một người nói.

Chợt có tiếng chuông bấm từ phòng bồi thẩm đoàn.

“Họ sẵn sàng rồi!”

Mọi người nhốn nháo.

Tôi nhìn đồng hồ: 2 giờ 30 chiều.

Những nét căn thẳng hiện rõ trên khuôn mặt từng thân nhân.

“Hồi hộp quá!”

Có người thì thào.

Viên cảnh sát tòa án bước vào phòng họp của bồi thẩm đoàn. Một phút sau ông bước ra trao một miếng giây trắng cho thư ký tòa án.

Mọi người nín thở. Người ta đã định đoạt xong số mệnh của Sơn rồi sao?

“Họ cần thêm bản sao chỉ thị cho bồi thẩm đoàn (jury instructions).” Thư ký tòa án nói.

Mọi người thở phào.

Mọi người tiếp tục chờ đợi. Khoảng một tiếng sau, bồi thẩm đoàn lại yêu cầu bản sao của bản chép phiên tòa (court transcript).

“Như thế có nghĩa là họ đang bàn thảo căng lắm, và phải đọc kỹ lại phiên xử xem nhân chứng nào nói gì!” Một người nói nhỏ.

“Hình như ông luật sư nói hễ họ bàn thảo lâu thì tốt hơn phải không?” Người khác hỏi như níu lấy hy vọng.

“Ừ, nhưng cũng chưa chắc là kết quả thế nào đâu!” Có tiếng khác cất lên.

Một ngày chờ đợi dài thế nào rồi cuối cùng cũng qua đi. Thư ký tòa án báo là cuộc thảo luận của bồi thẩm đoàn sẽ được tiếp tục vào 9 giờ sáng Thứ Hai.

Mọi người ra về trong nỗi khắc khoải, lo lắng. Có lẽ điều an tâm duy nhất của họ là diễn tiến của tòa án có vẻ công bình.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code