Thursday, October 24, 2013

THÊM MỘT HÀNH LANG PHÁP LÝ CHO Y HỌC VIỆT NAM

Mục tiêu đến năm 2020, Việt nam có thể thực hiện được khoảng 1.000 ca ghép thận, 80 – 100 ca ghép gan, 20 – 30 ca ghép tim và 10-15 ca ghép phổi, 2.000 ca ghép giác mạc, phải cần nhiều mô, bộ phận cơ thể người hiến mang tính chất tự nguyện. Nếu chỉ chờ vào nguồn hiến bộ phận cơ thể người của người thân là không thể đủ, vì vậy, việc lấy mô, bộ phận cơ thể ở người hiến tự nguyện ngoài huyết thống và đặc biệt là ở người hiến sau khi chết là vô cùng cấp thiết.
Lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người: Quy định của các nước và Việt nam
Cách đây vài chục năm, việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã trở nên phổ biến trên thế giới. Để tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích nhân đạo cứu người, chữa bệnh cho nhân dân, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đa số các nước trên thế giới đều có đạo luật riêng về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người như Pháp, Mỹ, Canađa, Úc, Bỉ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan …[2]
Ở Pháp việc ghép thận lấy từ thận tử thi được thực hiện từ năm 1952, việc ghép tim và ghép gan lấy từ tử thi cũng đã triển khai từ năm 1967, 1968. Pháp luật của Pháp cho phép một số các bệnh viện do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định được phép tiến hành mổ tử thi và lấy các bộ phận cơ thể người nhằm mục đích điều trị, đồng thời quy định việc xác định chết não phải được 2 thầy thuốc xác nhận.[2]
Ở các nước châu Âu khác, các quy định pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã được triển khai sớm, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành phẫu thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người phát triển một cách mạnh mẽ vào những thập kỷ gần đây như ở: Vương quốc Anh năm 1961, Đan Mạch, Italia năm 1967, Na-uy năm 1973, Thuỵ Điển năm 1975; Hy Lạp năm 1983. [2]
Tại các nước Châu Á, từ năm 1959 đến nay, nhiều nước như Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Philippine, Singapore, Malaysia, Indonesia đã có các quy định của pháp luật về chết não và cho phép tiến hành lấy các mô, bộ phận cơ thể người ở tử thi để ghép. Số bệnh nhân được ghép mô, bộ phận cơ thể người ngày một nhiều và số các bệnh viện được tổ chức tiến hành ghép ở các nước này đã tăng lên nhanh chóng.[2]
Một trong những nguyên nguyên nhân giúp cho việc tiến hành ghép mô, bộ phận cơ thể người thành công ở một số nước trên thế giới là phải có các quy định pháp luật cho phép tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể ở người chết não nhằm góp phần thúc đẩy việc phát triển chương trình quốc gia về ghép mô, bộ phận cơ thể người.[2]
Các quy định pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người của các quốc gia trên thế giới đều theo nguyên tắc nhân đạo, không mang tính thương mại và nghiêm cấm việc mua, bán bộ phận cơ thể người.[2][3]
Ở Việt nam, theo số liệu thống kê, nhu cầu được hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta là rất lớn và ngày càng gia tăng. Cụ thể là,cả nước có khoảng 5.000 – 6.000 người suy thận mãn cần được ghép thận. Tại 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có gần 1.500 người được chỉ định ghép gan nhưng không có nguồn cho nên số bệnh nhân này đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Ước tính, do không có nguồn của người cho thận, cho gan, ở Việt Nam đã có hơn 200 người phải sang Trung Quốc và một số nước khác để ghép thận, ghép gan.[2]
Không chỉlà ghép thận, ghép gan, số bệnh nhân cần phải ghép giác mạc cũng ngày càng tăng. Đến nay có khoảng hơn 5.000 người bệnh đang chờ được ghép giác mạc. Riêng tại Viện Mắt Trung ương, mỗi năm nhu cầu ghép giác mạc từ 500 ca/năm trở lên. Từ năm 1985 đến nay, Viện mới chỉ ghép được 1.500 ca, riêng năm 2004 ghép được 103 ca, năm 2005 ghép được 150 ca. Số giác mạc được dùng để ghép chủ yếu lấy từ nguồn viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài (khoảng 50-100 giác mạc/năm), số còn lại được lấy từ bệnh nhân bị bỏ nhãn cầu do chấn thương và các nguyên nhân khác mà giác mạc có đủ tiêu chuẩn sử dụng. [2]
Trước nhu cầu cấp bách trên, ngay từ năm 1992, Nhà nước đã đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, cán bộ nên cho đến nay, Việt Nam đã có 10 bệnh viện có đủ khả năng và điều kiện ghép thận và đã tiến hành thí điểm việc ghép thận, gan. Tính đến 20/03/2006, các bệnh viện trên đã ghép thành công được 161 ca, trong đó có 158 ca ghép thận và 04 ca ghép gan. Tất cả các ca ghép này đều lấy thận, gan của người sống là cha, mẹ, anh, chị, em trong gia đình, cùng huyết thống, có các chỉ số sinh học tương đương, chưa có trường hợp nào lấy bộ phận cơ thể người hiến sau khi chết. Những thành tựu trên đã tạo nên những thành tích nổi bật của hệ thống khám, chữa bệnh, mang lại uy tín và niềm tự hào cho ngành y tế, phù hợp với xu thế hội nhập, giải quyết nhu cầu điều trị tại chỗ của nhân dân và giảm tốn kém cho người ghép phải ra nước ngoài điều trị.[2]
Mặt khác, nhu cầu về giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên xác chết rất lớn. Vào những thập kỷ 70 – 80 của thế kỷ trước, cứ 6 – 7 sinh viên có 1 xác chết để học tập, nghiên cứu giải phẫu, nhưng đến nay, cả khoá trên dưới 400 sinh viên mới chỉ có 1 xác chết, thậm chí phải dùng lại nhiều lần do không có xác (theo báo cáo của Trường Đại học y Hà Nội, cả Trường hiện có 22 xác chết; Trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh có 173 xác chết). [2]
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có thể thực hiện được khoảng 1.000 ca ghép thận, 80 – 100 ca ghép gan, 20 – 30 ca ghép tim và 10-15 ca ghép phổi, 2.000 ca ghép giác mạc, chúng ta phải cần nhiều mô, bộ phận cơ thể người hiến mang tính chất tự nguyện, nếu chỉ chờ vào nguồn hiến bộ phận cơ thể người của người thân là không thể đủ. Do đó, việc lấy mô, bộ phận cơ thể ở người hiến tự nguyện ngoài huyết thống và đặc biệt là ở người hiến sau khi chết là vô cùng cấp thiết. [2]
Về mặt pháp lý, việc lấy và ghép mô, bộ phận của cơ thể người đã được một số quy định của Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989 và Điều lệ Khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng năm 1991 đề cập đến. Tuy nhiên, các quy định này chỉ mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, chưa đầy đủ nên khó thực hiện trong thực tiễn.[2] [3]
Ngày 19/5/2005, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), theo đó, có 3 điều quy định về hiến bộ phận cơ thể người đã được ghi nhận: quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết và quyền nhận bộ phận cơ thể người. Đây là các quy định mới, mang tính nguyên tắc quy định việc cá nhân được quyền hiến bộ phận cơ thể của mình, hiến xác vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu khoa học; cá nhân có quyền nhận bộ phận cơ thể người khác để chữa bệnh cho mình… Ngoài ra, Bộ luật Dân sự cũng quy định quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người và quyền nhận bộ phận cơ thể người là những quyền nhân thân rất quan trọng của cá nhân nên cần phải được quy định trong một đạo luật chuyên ngành. [2] [3]
Về mặt pháp lý, mặc dù việc lấy và ghép mô, bộ phận của cơ thể người đã được một số quy định trong một số văn bản pháp luật. Tuy nhiên, các quy định này chỉ mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, chưa đầy đủ nên khó thực hiện trong thực tiễn. Từ yêu cầu của thực tiễn, việc Việt nam xây dựng và ban hành Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người là rất cần thiết và đã được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006.[3]
Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chính phủ đã thành lập Ban soạn thảo Dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng ban và các thành viên là đại diện của các Bộ, ngành có liên quan, các Ủy ban của Quốc hội khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. dự án Luật này đã được Chính phủ xem xét tại phiên họp thường kỳ tháng 12/2005. Chính phủ đã trình Dự án Luật này để Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI vừa qua.[2] [3]
Hành lang pháp lý: Rộng hay hẹp?
Mặc dù đã tham khảo một số đạo luật liên quan đến việc hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người của một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, để một đạo luật điều chỉnh lĩnh vực này đi vào cuộc sống, phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của Việt nam, nhiều quy địnhcủaDự luật hiện vẫn còn một số ýkiến khác nhau. Những nội dung nào được Luật này điều chỉnh sẽ là những chuẩn mực bắt buộc phải tuân theo, đặc biệt là đối với những ngươì hoạt động trong lĩnhvực ngành y tế.
+ Về độ tuổi hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống.
Xuất phát từ mục đích nhân đạo và yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Trường hợp người cần được ghép thận hoặc ghép gan…, nhưng vì lý do khách quan không thể tìm được người hiến mô, bộ phận cơ thể người hoặc có người hiến nhưng không phù hợp với các chỉ số ghép, do đó, nếu để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng của người đó. Trong khi, con hoặc em hoặc anh hoặc chị hoặc con của người ghép từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có cùng chỉ số ghép và tình nguyện hiến để cứu sống cha hoặc mẹ hoặc anh hoặc chị hoặc em ruột hoặc con đẻ của mình, nếu không được pháp luật cho phép thì sẽ không cứu chữa được người đó. Để tránh sự lạm dụng quy định này làm phương hại đến sức khỏe của trẻ em, đi ngược lại với mục đích nhân đạo, Chính phủ đề nghị quy định cho phép hiến mô, bộ phận cơ thể người đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nhưng chỉ hạn chế trong phạm vi người thân trong gia đình (cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc anh hoặc chị hoặc em ruột của người hiến). [1] [2] [3]
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, không nên mở rộng đối tượng được hiến mô, bộ phận cơ thể người đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, vì rất có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tâm sinh lý của đối tượng này cả về thể chất lẫn tinh thần. Chẳng hạn như Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khi thẩm tra Dự án Luật do Chính phủ trình và nhất trí với loại ý kiến cho rằng chỉ nên quy định đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên vì theo Bộ luật Dân sự chỉ những người này mới có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhậnđịnh: Trẻ vị thành niên dù sao cũng chưa đủ “độ chín” cả về mặt thể chất lẫn tâm lý để tự quyết định đư­ợc, mà để người lớn quyết định thay thì khó tránh khỏi có những trường hợp bị lợi dụng. Việc lấy bộ phận cơ thể ở người sống, dù muốn, dù không cũng có tác động đến sức khoẻ và sự phát triển về thể chất cũng như tinh thần của người cho. Đối với các em còn cả cuộc sống lâu dài phía trước nên rất cần được bảo vệ để phát triển. Pháp luật của đa số các nước cũng không đặt ra vấn đề cho phép người dưới 18 tuổi hiến mô, bộ phận cơ thể… vì nhận thấy đây thực sự là một vấn đề hệ trọng, là một quyền nhân thân rất đặc biệt nên phải do chính người hiến quyết định chứ không ai có thể quyết thay họ được. Về mặt pháp lý, dù không phải là trẻ em nhưng người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vẫn là người chưa thành niên, chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Ngoài ra, việc quy định độ tuổi của người hiến phải từ đủ 18 tuổi trở lên là phù hợp với chuẩn mực pháp lý quốc tế. Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam tham gia thì trẻ em là người dưới 18 tuổi. Thực tế, cho thấy một số nước trước đây cho phép trẻ dưới 18 tuổi hiến bộ phận cơ thể thì nay cũng đã cấm. [1] [2] [3]
Ngoài những ý kiến trên đây, còn có ý kiến đề nghị giới hạn tuổi đối với người cao tuổi (chỉ nên đến 60 tuổi) vì sức khoẻ của họ không đảm bảo và các mô, bộ phận cơ thể của người cao tuổi đã bị thoái hoá, sẽ mất công ghép, tốn phí tiền và không hiệu quả. [3]
+ Về ngân hàng mô
Có ý kiến đề nghị chưa nên quy định cho phép ngân hàng mô tư nhân hoạt động, vì dễ phát sinh tiêu cực, mua bán mô, vi phạm nguyên tắc phi lợi nhuận trong hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phân cơ thể người.[3]
Về nội dung này, Chính phủ cho rằng việc cho phép tư nhân cũng như tổ chức phi chính phủ thành lập ngân hàng mô là phù hợp với chủ trương xã hội hóa của Chính phủ trong lĩnh vực y tế nhằm thu hút các nguồn lực rộng rãi của xã hội cho hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Hơn nữa, Dự án Luật này đã quy định nguyên tắc phi lợi nhuận cũng như nghiêm cấm việc mua, bán mô, bộ phận cơ thể người dưới bất kỳ hình thức nào, theo đó, ngân hàng mô do tư nhân hoặc các tổ chức ngoài Nhà nước thành lập khi đi vào hoạt động đương nhiên phải tuân thủ các quy định trên. [3]
Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khi thẩm tra Dự án Luật cũng có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đồng ý như quy định về tổ chức và hoạt động của ngân hàng mô trong dự thảo Luật nhằm thể hiện tinh thần xã hội hoá công tác y tế, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Loại ý kiến thứ hai cho rằng nếu để tư nhân tham gia thành lập ngân hàng mô tuy là cần thiết, nhưng đây là vấn đề rất mới, các cơ quan chính phủ hiện nay chưa có kinh nghiệm quản lý ngân hàng mô của nhà nước nói chi đến ngân hàng mô của tư nhân, do đó vào thời điểm hiện nay quy định như dự thảo là chưa phù hợp. Mặc dù Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhất trí với loại ý kiến cho rằng để tư nhân tham gia thành lập ngân hàng mô tuy là cần thiết, nhưng Uỷ ban này lại băn khoăn rằng đây là vấn đề rất mới, chưa có kinh nghiệm quản lý, do đó quy định cho phép ngân hàng mô tư nhân hoạt động vào thời điểm hiện nay là chưa phù hợp. Trước mắt chỉ nên cho phép các tổ chức của Nhà nước thành lập ngân hàng mô, chúng ta sẽ mở dần từng bước ở diện rộng hơn khi đã có một khung pháp lý hoàn chỉnh và trình độ quản lý cao hơn.[3]
Ngoài hai nội dung lớn trên đây, một số ý kiến đề cập đến những nội dungkhác, kháquan trọng và gắn liền với hoạt động y tế:
+ Về Phạm vi điều chỉnh của Luật, có ý kiến đề nghị mở rộng thêm đối với việc hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi…). [3]
+ Về việc hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống,có ý kiến cho rằng mô và bộ phận cơ thể là 2 vấn đề khác nhau, trong đó việc hiến, lấy mô cần thủ tục đơn giản hơn và ít gây hậu quả hơn nhiều so với hiến, lấy bộ phận cơ thể người mà đặc biệt là thận. Do vậy, cần quy định riêng một số điều về hiến, lấy bộ phận cơ thể, đặc biệt là thận cũng như các mô, bộ phận cơ thể không thể tái tạo được từ người sống để tránh sự lợi dụng mua bán thận như đang diễn ra ở một số nước và tránh hậu quả xấu về sức khỏe sau này của người cho.[1] [3]
+ Về trình tự, thủ tục hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể ng­ười:
Nhiều ý kiến cho rằng trong khi chúng ta đang kêu gọi tự nguyện hiến, khuyến khích sự hưởng ứng của mọi người dân… thì các quy định về trình tự, thủ tục lại chưa thể hiện được điều này. Thủ tục phải được đơn giản hoá tối đa và thuận lợi cho người tự nguyện hiến song vẫn đảm bảo chặt chẽ về tính pháp lý vì trong điều kiện chúng ta đang có rất nhiều rào cản cả về kỹ thuật lẫn tâm lý, xã hội thì thủ tục hành chính đơn giản và vừa đủ sẽ rất cần thiết và đây cũng phù hợp với xu thế cải cách hành chính cũng như xu thế thế giới.[1][3]
+ Về vấn đề chết não
Chết não là vấn đề khá nhạy cảm, vì nạn nhân tim còn đập và mặc dù rằng chắc chắn bệnh nhân không bao giờ sống lại được nhưng thân quyến thực sự khó chấp nhận cho cán bộ y tế ngừng mọi biện pháp hồi sức, thở máy, truyền dịch…. để mổ lấy phủ tạng. Vì vậy cóýkiếncho rằng cần có quy định pháp lý rõ ràng để tránh khiếu kiện về sau…[1][3]
Liên quan đến xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, liên quan đến phong tục, tập quán và ngăn chặn tình trạng thương mại hoá hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể ng­ười, nhiều ý kiến đòi hỏi Luật này phải có những quy định mang tính «đi trước». Chẳng hạn, thế giới đang có xu hướng phát triển kỹ thuật ghép mô từ nguồn nuôi cấy để thay thế nguồn mô, bộ phận cơ thể từ người sống ngày càng hạn chế. Do đó, việc ghép các mô, bộ phận cơ thể từ nguồn nuôi cấy sẽ được quy định như thế nào? Mặc dù hiện nay vấn đề này chưa có ở Việt Nam. Liên quan đến phong tục, tập quán, cùng với quy định về ng­ười cho và ngư­ời nhận, cũng quy định bảo vệ những cán bộ y tế thực hiện việc lấy, ghép nếu xảy ra rủi ro, lúc đó phản ứng của người dân là rất phức tạp. Cần nghiên cứu quy định trong trường hợp một người đã tự nguyện hiến, nhưng khi họ chết, thân nhân không cho phép thầy thuốc lấy mô, bộ phận cơ thể. Cần nghiên cứu bổ sung nguyên tắc tư vấn bắt buộc về sức khoẻ trước khi người tự nguyện hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể từ người sống để đảm bảo việc làm của họ là hoàn toàn tự nguyện. Cần có những quy định cụ thể để ngăn chặn hiện tượng bề ngoài là hiến tặng nhưng thực chất là mua, bán…[3]
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ, Dự án luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, ngày…tháng… năm 2006.
2. Chính phủ, Tờ trình về dự án luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, số 62/TTr-CP, Hà nội, ngày 5 tháng 5 năm 2006.
3. Uỷ ban về các vấn đề xã hội củaQuốc hội khoá XI, báo cáo thẩm tra dự án luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, số:132BC/UBXN11, Hà nội, ngày 19 tháng 5 năm 2006
SOURCE: Tạp chí Chính sách Y tế

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code