Monday, March 3, 2014

Di Sản Tư Tưởng Chính Trị Hy Lạp-La Mã


Trần Thanh Hiệp, LS
March 1, 2014
2013 0CT 16 CROP 300 LOGO COQUILLAGENhững Cuộc Tranh Luận Về Một Thành Quốc Và Một Chế Độ Chính Trị Lý Tưởng.
Như đã được trình bày trong kỳ trước (15-02-2014), vào thời điểm thế kỷ thứ VI trước CN, với sự ra đời của Thành Quốc, Hy Lạp đã sáng chế ra cho nhân loại một tư tưởng chính trị mới, những kiến thức mới, những kỹ thuật tổ chức và quản trị xà hội mới, theo chiều hướng nhân bản. Những phát minh mới này đã được thể hiện rõ nét nhất qua hai, trong nhiều Thành Quốc là Athènes, dân chủ và Spartes, qúy tộc. Với những tổ chức xã hội mới và những quan hệ chính trị mới, Hy Lạp đã bước một bước tiến bộ mới, chấm dứt thời kỳ quân chủ chuyên quyền của Hy Lạp cổ đại, một tập hợp của nhiều cộng đồng riêng biệt, độc lập với nhau về các mặt chính trị, xã hội, quân sự, nhưng sống quy tụ bên bờ Địa Trung Hải.
Trật tự chính trị của Hy Lạp thời cổ đại này là kết quả của lối tổ chức tập quyền, do một cá nhân (Vua) hay một thiểu số (Qúy tộc) cầm đầu, trong sự pha trộn hỗn hợp của tôn giáo, huyền thoại và chính tri. Bước tiến từ cổ đại sang tân đại đã kéo dài trong 200 năm, từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ VI trước CN. Có thể nói sự xuất hiện của các Thành Quốc, được coi như sự khởi đầu của thời kỳ tân đại, trong đó tư tưởng của con người không còn phải chịu sự khống chế của tôn giáo và huyền thoại về các Thiên Thần hay Anh Hùng nữa. Óc phán đoán của con người từ nay được soi rọi bằng áng sáng của “lý trí” và “quan sát, thử nghiệm”. Từ góc độ nhìn mới này, con người tìm hiểu vũ trụ và xã hội. Một chuỗi phát minh mới đã theo sau sự thay đổi vê phẩm chất con người này, đó là “bình đẳng, công dân, tự do, luật học, pháp luật, công lý, sự tham dự chính trị, sự quân bình hóa quyền lực v.v…”. Con người thời kỳ tân đại đã biết và dám chia tay với thần quyền, thần thoại (tuy gọi là tôn giáo nhưng không có mặc khải, giáo điều, giáo hội v.v…mà chỉ có những sản phẩm của trí tưởng tượng, dưới hình thức ẩn dụ, được truyền tụng bằng văn thơ, âm nhạc, gói ghém trong nhũng bản Anh Hùng ca…).
Nói cách khác, con người Hy Lạp khi bươc vào thời tân đại không còn sống trong cái thế giới trong đó thần, với đẳng cấp quyền lực họp lại với người, cũng có đẳng cấp quyền lực, thành những cộng đồng nhỏ riêng rẽ, tự trị nhưng biết liên hệ mỗi khi có nhu cầu quân sự…
Vũ trụ quan, nhân sinh quan mới này đã dẫn tói một thứ tư tưởng “trừu tượng” dưới sự chỉ đạo của “lý tri”. Nhưng cần nói ngay rằng “lý trí” này không phải là thứ “lý trí hiện đạí”, phổ quát và khoa học của châu Âu các thế kỷ XVI-XVIII. Mà chỉ là Tư Tưởng Chính Trị chi phối những quan hệ giữa người với người, một thứ tư tưởng đã được giải thoát khỏi những nguyên lý tôn giáo huyền bí, mở đường cho một hình thức“: thế tục hóa” khởi đầu của các biểu tượng về xã hội của con người.
Và một khi phát minh mới này đi vào cuộc sống thực tế trong xã hội thì đương nhiên phải nảy sinh ra nhiều sáng kiến để tìm cách áp dụng nó cho tốt. Lịch sử Hy Lạp thời Thành Quốc đã ghi lại hai cuộc tranh luận nhằm tìm ra, một mặt, một Thành Quốc lý tưởng và, mặt khác, một chế độ chính trị lý tưởng.
Athènes hay Spartes?
Trong hai thế kỷ, từ thứ VI đến thứ IV trước CN, có hai nguyên mẫu Thành Quốc, trái ngược nhau cả về lý thuyết lẫn thực tiễn là Athènes và Spartes. Giữa hai tập thể này là một cuộc tranh chấp thường xuyên về quyền lực và ảnh hưởng. Athènes, dân chủ, cũng như Spartes, quả đầu chế qúy tộc, đều lôi cuốn được nhiều đồng minh đi theo thể chế của mình.
Athènes là một nguyên mẫu về dân chủ. Solon, được coi như một người sáng lập của nền dân chủ Hy Lạp, đã lấy nhiều sáng kiến có mục đich gạt bỏ qúy tộc, dọn đường cho một nhân xã nhiều thành phần, kể cả quảng đại quần chúng, như bãi bỏ chế độ nô lệ, phân chia công dân thành nhiều hạng, trên nền tảng không phải bộ lạc như trước mà là theo tiêu chuẩn tài sản. Đồng thời Solon còn thiết lập nhiều cơ quan mang tính chất dân chủ (tiền thân của những Quốc hội, Thượng viện, Hạ viện hiện nay v.v…). Nhưng Quốc phụ của Thành Quốc dân chủ Athènes phải nói là Clistène, người đã soạn thảo ra cho Athènes một Hiến Pháp dân chủ trù liệu đủ từ định chế đến nhân sự và thủ tục sinh họat dân chủ, đặt dưới sự chi phối của ba nguyên tắc: bình đẳng trước pháp luật (isonomia), bình đẳng trước quyền ngôn luận (isegoria), bình đẳng trước các chức vụ (isokrateia).
Người dân Athènes đã coi chế độ dân chủ này là ưu việt hơn mọi chế độ khác. Có điều họ cho rằng đó là thành tích của tất cả mọi công dân của Athènes chứ không phải của bất cứ một lãnh tụ chính trị, tôn giáo nào. Họ chối bỏ sự hiện hữu của một lớp thượng lưu chính trị. Chính vì vậy mà dân chủ ngày càng biến chất, càng xuống cấp, để sau cùng chỉ còn là một đường lối cai trị mị dân. Sự tuột dốc này đã làm mờ nhạt vai trò của “lý trí” khiến cho sự phán đoán không còn sát với thực tế, không phản ảnh được sự thật, không mở đường được cho sự thât nữa.
Bởi thế, nền dân chủ ở Athènes đã biến chất thành quả đầu chế quý tộc hay bạo chúa, trước khi sụp đổ.
Sparte, trong khi đó, được coi là một Thành Quốc có đời sống thanh bình, ổn định hơn, so với Athènes. Sparte là một xã hội trong đó cuộc sống của các thành phần được điều hợp, quyền lợi tập thể được dung hòa với quyền lợi cá thể. Hiện tượng quân bình này được phân tích như là sự kết hợp của ba chế độ hàng đầu của thời cổ đại. Đó là quân chủ, quả đầu chế qúy tộc và dân chủ. Quân chủ, vì có Vua. Qúy tộc, vì có Hội Đồng Bô Lão (HĐBL), người già trên 60 tuổi (Gérousia), với nhiều thẩm quyền để soạn thảo dự án luật, dự án chính sách. Và khi những dự án này đã được quốc dân thông qua, HĐBL sẽ là cơ quan đứng ra áp dụng. HĐBL còn có quyền quyết định về chiến tranh hay hòa bình, quyền xét xử như một Tối Cao Pháp Viện. Dân chủ, vì quốc dân (thông qua Apella, một thứ quốc hội) cũng có không ít quyền hành, trong đó phải kể quyền thông qua các dự án do Hội Đồng Bô lão đề xuất, quyền quyết định về nội trị và ngoại giao, v.v…
Như vậy, dường như sinh hoạt chính trị tại Sparte có vẻ dân chủ hơn ở Athènes vì ở Sparte, người dân có nhiều quyền bình đẳng chẳng những về mặt chính trị (bầu cử, tài chính, quân sự…) mà cả về mặt xã hội: bất cứ ai cũng chỉ được quyền sở hữu những mảnh đất có giá trị ngang nhau v.v…Đó là nhờ Licurgue, người đã soạn thảo cho Sparte một bản Hiến Pháp (dân chủ), thiết lập cho Sparte một chế độ chính trị hỗn hợp..
Nhưng trong thực tế, nhiều yếu tố khách quan đã khiến cho Sparte không duy trì được lâu dài chế độ mà bản Hiến Pháp Licurgue đã khai sinh. Nếp sinh hoạt nói là dân chủ này tại Sparte chỉ đẹp trên lý thuyết. Nhiều diễn bién khách quan đã làm cho nó biến chất. Số thành viên của Apella, lúc khởi đầu 7000 người, vào thế kỷ thứ IV đã giảm sút tới mức chỉ còn 400! Hiện tượng “mất máu” này đã khiến cho cơ quan đại diện quốc dân mất quyền cho HĐBL. Ngoài ra, vì chiến tranh viễn chinh kéo dài liên miên nên nhiều công dân của Sparte phải ra trận nên sống xa, ở ngoài Thành Quốc, đã ngày một nghèo đi. Trong khi đó, những người còn ở tại chỗ lại ngày càng giầu thêm. Bất bình đẳng về các mặt chính trị cũng như xã hội đã thay thế cho bình đẳng. Sparte dần dần mất đi thế quân bình của chế độ hỗn hợp. Để sau cùng trở về nếp sống của những quả đầu chế qúy tộc thời cổ đại.
Tranh Luận Để Tìm Được Một Chế Độ Ưu Việt Nhất
Đối với người Hy Lạp không còn sống thời cổ đại nữa thì cuộc sống chung dưới pháp luật nghiêm minh, trong một trật tự xã hội giầu có và ổn đinh là điều qúy hơn cả. Thành Quốc phải là những không gian nhân xã, trong đó cuộc sống tập thể dựa được trên một nền tảng pháp lý vững chắc. Vì thế, chế độ lý tưởng đó là mối quan tâm chính của những người Hy Lạp đương thời. Theo Hérodote, sử gia danh tiếng người Hy Lạp, cuối thé kỷ thứ V trước CN, thì một cuộc tranh luận sâu rộng đã diễn ra mà nội dung đã được Hérodote tóm lược thành một cuộc đối thoại giữa ba xu hướng: Xu hướng tán thành dân chủ, Xu hướng cổ võ cho qúy tộc và Xu hướng chủ trương quân chủ
Tưởng cần nói thêm rằng cuộc tranh luận này là một chỉ dấu cho thấy mô hình Thành Quốc bắt đầu phô bày những nhược điểm theo đó khuôn khổ Thành Quốc đã tỏ ra không còn thích hợp với cuộc sống mới với những phát triển ngày một rộng lớn về tư tưởng, kinh tế, chính trị xã hội v.v…Mặt khác, Hy Lạp đã bị phân chia thành nhiều Thành Quốc và các Thành Quốc lại không đủ khả năng thống nhất Hy Lạp.
Xu hướng dân chủ đã chỉ trích chủ trương quân chủ, cho rằng không nên khoán trắng việc quản trị cả quốc gia cho một người. Vì lẽ người đó dễ dàng lạm quyền, tự mình muốn làm gì thì làm, coi thường tục lệ của tiền nhân. Tình trạng này tất dẫn đến mất ổn định.
Xu hướng qúy tộc một mặt, tán đồng những lời chỉ trích quân chủ, coi đó là chế độ của những bạo chúa chuyên quyền, mặt khác, lại chê dân chủ vì tuy cả nhân dân, chứ không phải một cá nhân, làm chủ đất nước, nhưng nhân dân cũng vẫn có thể lạm quyền như một cá nhân. Chưa kể rằng bạo chúa chuyên quyền chắc chắn biết rõ mình đang làm gì. Trái lại, nhân dân thì không biết trước là sẽ làm gì. Thật là một cuộc phiêu lưu vô định. Đã vậy, hậu quả lại không thể lường trước được. Do đó, xu hướng qúy tộc chủ trí rằng chỉ những người có kiến thức, có phẩm hạnh mới đủ tư cách để cầm quyền.
Xu hướng quân chủ bác bỏ lập luận của cả hai xu hướng dân chủ cũng như qúy tộc và ca ngợi giá trị cao nhất của chế độ một người, nếu người đó là người có đủ tài đức. Xu hướng quân chủ cũng nhấn mạnh trên sự kiện theo đó những nhà qúy tộc khi cầm quyền thì ai cũng đều muốn chiếm phần hơn. Từ đó sẽ nẩy sinh ra lòng đố kỵ lẫn nhau, kéo theo những cuộc tranh chấp mà cần phải có một ông vua ra đời để tái lập trật tự cho xã hội.
Việc đối chiếu quan điểm mà Hérodote đã nhắc lại, đại thể như trên, đã không thuyết phục được đủ mọi ngườ, nên cuộc tranh luận chưa ngã ngũ. Và tình hình thực tế đã dẫn tới việc chế độ quân chủ chiếm ưu thế trong lòng dân để mang lại ổn định cho một nước Hy Lạp thống nhất.
LS Trần Thanh Hiệp

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code