Wednesday, March 19, 2014

NÊN GIAO ĐẤT VĨNH VIỄN CHO NGƯỜI DÂN

NGỌC HÀ
Ngày 7-3, tại TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường (NTMT) đã tổ chức lấy ý kiến về những nội dung sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003 của các tỉnh, thành phố phía Nam. Nhiều ý bàn bạc sôi nổi về các vấn đề sát sườn với đời sống người dân khi sửa đổi luật này.
Giải tỏa, bồi thường: Nên quy về một mối
Vấn đề thu hồi đất, giá cả bồi thường được nhiều đại biểu góp ý nhất. Ông Lê Hoàng Châu – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng nhà nước bồi thường giá thấp, trong khi “bán” lại giá đất cao ngất ngưởng. Giá trị lợi nhuận gia tăng là do nhà nước bỏ tiền làm cơ sở hạ tầng lại rơi vào tay doanh nghiệp và người đầu cơ nên người dân mới khiếu nại. Nhà nước cần tính toán điều chỉnh quyền lợi của các bên trong quan hệ sử dụng đất để việc bồi thường giải phóng mặt bằng tốt hơn.

Nhiều đại biểu kiến nghị luật sửa đổi phải cụ thể hóa vai trò của trung tâm phát triển quỹ đất. Hầu hết các trung tâm này hoạt động ít hiệu quả vì bị cơ chế ràng buộc. Việc giải phóng mặt bằng cũng bị chia thành nhiều mối. Quy hoạch chưa có dự án thì trung tâm phát triển quỹ đất thu hồi, quy hoạch đã có dự án thì do ban bồi thường giải phóng mặt bằng thu hồi. Nên quy tất cả về cho trung tâm và phát triển trung tâm thành một công ty dịch vụ công ích.
Quản lý đất theo chủ đất: Rối!
Liên quan đến nội dung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều đại biểu đồng ý nhất thiết phải thống nhất một loại giấy cho cả nhà và đất. Ông Đào Anh Kiệt – Quyền Giám đốc Sở TNMT TP.HCM cho rằng nhà nước chỉ nên quản lý đất chứ không nên quản lý người sử dụng đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không cần thiết phải để tên của người sử dụng đất ở trang một. Bên trong giấy phải cập nhật những biến động trên đất qua các thời kỳ. Theo ông Kiệt, mẫu bằng khoán điền thổ là hợp nhất, vì biết được nó đang sử dụng vào mục đích gì, đang được thế chấp ở đâu. Còn chi tiết ai đang sử dụng nó thì chỉ là yếu tố phụ được cập nhật chi tiết ở trang trong. Người có quyền sử dụng đất, có giấy phép xây dựng và trước bạ của nhà nước thì xem như đã đương nhiên được công nhận sở hữu nhà, không cần thêm giấy chứng nhận sở hữu nhà nữa.
Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương kiến nghị cần quy định rõ hạn mức đất cho từng hộ gia đình cá nhân là trên phạm vi nào. Nhiều người đã có đất ở TP.HCM nhưng đến Bình Dương mua đất thêm thì có được hưởng những ưu đãi tiền thuế đất trong hạn mức hay không? Ông Kiệt kiến nghị nên bổ sung quy định rõ, nhà nước phải xét xem doanh nghiệp đó có đủ năng lực tài chính và khả năng thực hiện dự án rồi mới quyết định giao đất.
Thời hạn giao đất bao nhiêu thì vừa?
Theo ông Mai Ái Trực – nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong quá trình làm luật trước đây, có những vấn đề mà Bộ TNMT nhìn chưa ra hoặc thấy chưa cần thiết đưa vào luật. Nay thực tế đòi hỏi phải sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Vấn đề là sửa như thế nào để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất nhiều hơn. Trước khi nghỉ hưu, ông đã có tờ trình với Chính phủ về việc giao đất không thời hạn cho người dân. Lần sửa đổi này cũng cần tính đến quyền của người nước ngoài thuê đất của các hộ gia đình, cá nhân tại Việt Nam và vấn đề thế chấp bất động sản tại ngân hàng nước ngoài để vay vốn.
Sở TNMT tỉnh Đồng Tháp cũng kiến nghị nên bãi bỏ thời hạn sử dụng đất. Tốt nhất là giao đất vĩnh viễn cho người sử dụng đất. Nguyên thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ cho biết ở một số nước như Singapore, nhà nước cũng chỉ giao đất 990 năm chứ không giao vĩnh viễn. Các nhà làm luật nên nghiên cứu kỹ vấn đề này.
Quy hoạch chồng chéo, kém hiệu quả
Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho rằng cách làm quy hoạch của ta hiện nay rất chồng chéo. Ngành xây dựng có quy hoạch xây dựng, ngành tài nguyên có quy hoạch sử dụng đất. Hai ngành này hiện nay làm riêng lẻ, tốn kém chi phí và thời gian nhưng không đạt hiệu quả cao. Ông Đào Anh Kiệt cho biết vẫn có nhiều lĩnh vực lại bỏ trống. Tại TP.HCM, người dân đang rất muốn biết nhà mình được xây dựng mấy tầng, đất nhà mình có bị quy hoạch hay không thì cả hai quy hoạch trên đều không trả lời được.
Trong tháng 3, Bộ TNMT sẽ tổ chức thêm hai hội thảo góp ý tại Hà Nội và Khánh Hòa cho các lãnh đạo cấp tỉnh. Dự kiến luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai sẽ được trình Quốc hội vào cuối năm nay.
SOURCE: Báo Pháp luật TP HCM số ngày 07/3/2008

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code