ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
"Con
người mới Việt Nam: Vừa cách mạng vừa khoa học" – Đó là phẩm chất, đồng
thời cũng là năng lực cần phát huy. Để thực hiện được mục tiêu xây dựng
đất nước giàu mạnh, chúng ta phải kế thừa những truyền thống tốt đẹp
của dân tộc, thường xuyên đổi mới tư duy, nâng cao trình độ khoa học và
công nghệ. Với nội dung chủ đạo này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – nguyên
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước, đã có bài viết với tựa đề "Đẩy nhanh
việc ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật" đăng
trên Tạp chí Hoạt động Khoa học số 10/1986. Tạp chí xin trân trọng giới
thiệu phần III của bài viết đã đăng gần 20 năm trước, song vẫn mang tính
lý luận sâu sắc, tính thời sự và thuyết phục.
Tôi muốn nhấn mạnh: Trong những nhân tố tạo nên sức
mạnh tổng hợp để đưa đất nước tiến lên, con người là nhân tố quan trọng
bậc nhất, là nhân tố quyết định.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Muốn xây dựng chủ nghĩa
xã hội (CNXH) trước hết phải có con người XHCN". Chúng ta sẽ tiến lên,
sẽ chiến thắng trong cuộc thách thức mới của thời đại, chủ yếu là bằng
sức mạnh sáng tạo của con người Việt Nam XHCN.
Bởi vì, đối tượng của sự thách thức chính là con
người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, và người đứng ra gánh vác nhiệm vụ
phải giành thắng lợi trong cuộc thách thức ấy cũng không phải là ai
khác, mà chính là con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Con người luôn
đứng ở trung tâm của mọi quá trình lịch sử, trên đất nước ta đã như vậy,
ở các nước khác trên thế giới và trong toàn bộ lịch sử loài người cũng
như vậy.
Con người Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã sáng tạo ra
lịch sử của dân tộc, làm nên những sự tích phi thường, xây dựng nên
truyền thống vẻ vang trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Con người ấy
sớm có tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nước nồng nàn, chí khí đấu
tranh bất khuất, dũng cảm và thông minh trong chiến đấu, cần cù và sáng
tạo trong lao động.
Thời đại ngày nay đòi hỏi con người Việt Nam mới
phải là con người vừa cách mạng vừa khoa học, vừa có tinh thần làm chủ,
vừa có năng lực làm chủ. Con người ấy kế thừa và không ngừng nâng cao
những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của Đảng, phải thường xuyên
đổi mới kiến thức văn hoá, nâng cao trình độ kỹ thuật và công nghệ, có
thể lực mạnh khoẻ, tâm hồn trong sáng, trí tuệ và tài năng ngày càng
được phát huy, có tầm hiểu biết rộng lớn về chính trị, tư tưởng, về kinh
tế và xã hội.
Song ở đây cần phải nhìn thẳng vào sự thật. Bên cạnh
bản chất tốt đẹp và những tiến bộ lớn về nhiều mặt, con người Việt Nam
hiện nay vẫn còn có những hạn chế và thói quen do nền sản xuất nhỏ lâu
đời để lại, những ảnh hưởng của cách làm ăn tản mạn, bảo thủ trì trệ,
thiếu đầu óc tổ chức. Trong những năm gần đây, các nhân tố tiêu cực
trong xã hội đang làm xói mòn phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam
mà Đảng đã dầy công vun đắp. Trong một bộ phận thế hệ thanh niên ngày
nay, đang xuất hiện những hiện tượng thoái hoá về tinh thần và thể lực
rất đáng lo ngại.
Một nhiệm vụ cực kỳ to lớn và nặng nề của Đảng và Nhà
nước là phải chăm lo giáo dục và đào tạo con người Việt Nam, làm cho
mỗi người đều trở nên những con người mới XHCN có đầy đủ phẩm chất và
tài năng để đảm nhận công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Bởi vì, chất
lượng toàn diện của con người Việt Nam XHCN là nhân tố quyết định vận
mệnh của đất nước, tương lai của dân tộc.
Bằng chính sách xã hội và bằng công tác giáo dục và đào tạo, chúng ta phải ra sức phấn đấu để không ngừng nâng cao chất lượng của con người mới Việt Nam trên hai phương diện: Với tư cách là người làm chủ tập thể XHCN, đồng thời với tư cách là lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội nước ta, là "lực lượng sản xuất vĩ đại nhất" như Mác đã từng khẳng định.
Bằng chính sách xã hội và bằng công tác giáo dục và đào tạo, chúng ta phải ra sức phấn đấu để không ngừng nâng cao chất lượng của con người mới Việt Nam trên hai phương diện: Với tư cách là người làm chủ tập thể XHCN, đồng thời với tư cách là lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội nước ta, là "lực lượng sản xuất vĩ đại nhất" như Mác đã từng khẳng định.
Con người mới XHCN ở nước ta phải được rèn luyện và
đào tạo trong quá trình tổng hợp của ba cuộc cách mạng, trong đó cách
mạng khoa học – kỹ thuật là then chốt. Với những bước phát triển mới của
cách mạng khoa học – kỹ thuật, cuộc cách mạng giáo dục phải được coi là
một bộ phận hữu cơ không thể thiếu, phải mở rộng cửa của giáo dục cho
khoa học và kỹ thuật.
"Giáo dục toàn diện", "giáo dục thường xuyên", "giáo
dục liên tục". Giáo dục trong nhà trường, trong gia đình, trong xã hội,
trong các cơ sở sản xuất, trong lực lượng vũ trang, trong các đoàn thể
quần chúng. Nội dung của cuộc cách mạng giáo dục phải kết hợp chặt chẽ
khoa học – kỹ thuật với lao động sản xuất; "kết hợp lao động sản xuất
của tất cả mọi người với việc giáo dục cho tất cả mọi người"1 . Làm cho
con người mới Việt Nam, từ giai cấp công nhân, nông dân lao động, trí
thức XHCN, mọi công dân thuộc các tầng lớp, các dân tộc đều trở thành
những con người mới, vừa cách mạng, vừa khoa học. Với trình độ khác nhau
và ngày càng được nâng cao, mọi người đều tiếp cận với những kiến thức
về văn hoá và khoa học, những tri thức về kỹ thuật và công nghệ mà xã
hội cần đến trong những năm trước mắt, đồng thời có được những dự trữ về
kiến thức văn hoá và khoa học cao hơn, trình độ kỹ thuật và công nghệ
hiện đại hơn, đáp ứng yêu cầu sau này của sự nghiệp công nghiệp hoá nước
nhà. Ở đây, cần phải nói đến vai trò và vị trí quan trọng của trên 14
triệu học sinh đại học, phổ thông, tuy đang còn ở trên ghế nhà trường,
nhưng vẫn là tiềm lực hùng hậu của cách mạng khoa học – kỹ thuật, là
những người làm chủ tương lai của đất nước.
Bởi vậy, việc tiếp tục xây dựng và phát triển lực
lượng khoa học và kỹ thuật một cách cân đối, đồng bộ, có chất lượng và
cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển chung, với các hướng khoa học,
kỹ thuật và kinh tế ưu tiên trong từng giai đoạn là một nhiệm vụ có tầm
quan trọng lớn. Một mặt, phải tiếp tục đào tạo tốt đội ngũ cán bộ chuyên
môn và nghiên cứu khoa học, cán bộ đầu ngành và liên ngành (cả khoa học
xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật); đặc biệt chú trọng đào
tạo các kỹ sư thực hành, kỹ sư thiết kế, kỹ sư công nghệ có trình độ
cũng như các cán bộ quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý khoa học và
kỹ thuật có tài năng. Mặt khác phải đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo đội
ngũ công nhân kỹ thuật, công nhân lành nghề, đội ngũ nông dân lao động
tiên tiến và có kỹ thuật; có chính sách để sử dụng tốt hơn, chăm lo đầy
đủ hơn đến đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ này.
Khoa học là sự nghiệp của quần chúng. Vì vậy, tinh
thần chủ động và sức mạnh sáng tạo của quần chúng, tiềm lực tinh thần và
trí tuệ, trình độ làm chủ kỹ thuật và công nghệ, năng lực tổ chức và kỹ
năng thực hành của hàng triệu người – từ những người lãnh đạo và quản
lý cấp cao của Đảng và Nhà nước đến mỗi đảng viên, cán bộ, công nhân,
nông dân và trí thức XHCN là nền tảng, là động lực và là nguồn dự trữ
chủ yếu để thực hiện chiến lược ổn định và đẩy nhanh sự phát triển kinh
tế và xã hội, thực hiện công nghiệp hoá XHCN và xây dựng thành công CNXH
ở nước ta.
Sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta ngày càng phát
triển. Sự nghiệp ấy đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao đối với nhân dân
lao động, đối với mỗi con người Việt Nam. Vì vậy, con người Việt Nam mới
phải tích cực và chủ động vươn lên, cải tiến và phát triển không ngừng
lối suy nghĩ cũng như cách làm việc: Đổi mới tư duy, đôÃi mới phong cách
công tác, xây dựng nếp sống mới.
Trong hơn nửa thế kỷ qua, trong thực tiễn chiến đấu
và xây dựng, Đảng ta đã từng bước nắm vững phương pháp tư duy của chủ
nghĩa Mác – Lênin. Ngày nay, trước tình hình mới, chúng ta cần phát
triển phương pháp tư duy ấy lên một trình độ mới. Tư duy ấy đòi hỏi phải
có nhận thức sâu sắc rằng: Khoa học là động lực thúc đẩy tiến lên và
cốt lõi của tư duy ấy không phải cái gì khác hơn là phải phát hiện ra
các hệ thống quy luật – từ những quy luật chung trong tình hình chung
đến quy luật cụ thể trong từng tình hình cụ thể. Sự vật luôn luôn đổi
mới đòi hỏi chúng ta phải phát hiện được những quy luật trong tình hình
mới.
Nói đến tư duy khoa học cũng tức là nói đến sự cần
thiết không những phải tìm hiểu thế giới mà còn phải cải tạo thế giới.
Cần thấm nhuần sâu sắc luận điểm rất cơ bản mà từ lâu Mác đã khẳng định:
Trình độ phát triển kinh tế – xã hội của một nước không phải tùy thuộc
trình độ hiểu biêÁt khoa học ở nước ấy mà bằng trình độ ứng dụng thành
tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Chúng ta đều
biết rằng, nước Mỹ thường dẫn đầu trong các phát minh của khoa học tự
nhiên, nhưng chính Nhật Bản lại là nước đã đi trước trong việc làm chủ
và vận dụng các phát minh ấy, tạo nên những tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật
và công nghệ. Nước ta là một nước đang phát triển, chúng ta càng phải
đặt lên hàng đầu vấn đề ứng dụng thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật
vào sản xuất và đời sống; bao gồm cả những thành tựu khoa học và tiến bộ
kỹ thuật đã kết luận ở nước ta cũng như ở các nước trên thế giới.
Nghiên cứu cơ bản cần phải được định hướng vào đối tượng cụ thể là con
người Việt Nam, điều kiện thiên nhiên nhiệt đới của nước ta và yêu cầu
tạo nên cơ sở để làm chủ các kỹ thuật và công nghệ mới.
Tư duy mới là phải nhạy bén với cái mới, biết tiếp
thu cái mới, cái tiên tiến, chống lại lối suy nghĩ cũ kỹ, lỗi thời. Muốn
đưa nền kinh tế – xã hội nước ta tiến lên, chúng ta không thể dừng lại ở
cái cũ, cái hiện nay, mà phải thấy trước những nhu cầu mới của cuộc
sống, phát hiện những quy luật mới, những khả năng mới của khoa học, kỹ
thuật và công nghệ. Từ đó, mà hướng mọi hoạt động khoa học vào những cái
mới, tạo điều kiện cho những mầm mống mới nảy sinh và phát triển. Cho
nên, những lề thói bảo thủ, an phận là kẻ thù của khoa học. Tư tưởng
tiến công thuộc về bản chất của tư duy khoa học.
Tri thức khoa học bao gồm những giá trị tri thức
không những của dân tộc ta mà của cả loài người tiến bộ. Hơn nữa, trong
điều kiện về khoa học cũng như về kỹ thuật và công nghệ, nước ta còn ở
trong tình trạng trì trệ và lạc hậu, thì chúng ta càng phải biết coi
trọng và tiếp thu những thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật của thế
giới. Cách mạng khoa học – kỹ thuật hiện đang phát triển với nhịp độ
cao. Tuy duy khoa học của chúng ta, phải nhìn lên phía trước, nhanh
chóng tiếp thu những phát minh của thời đại.
Tư duy mới, phong cách mới. Khi nói đến phong cách
công tác, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin thường nói đến
tinh thần cách mạng Nga và đầu óc thực tế Mỹ. Trải qua lịch sử lâu đời,
con người Việt Nam đã tự rèn luyện lấy một phong cách sống và làm việc
đầy tinh thần tiến thủ và chứa đựng khả năng hành động thực tiễn lớn.
Hiện nay, trong tình hình mới, để xây dựng xã hội mới, nền kinh tế mới,
con người mới Việt Nam cần có tiếp tục sự đổi mới về phong cách.
Chúng ta đã từng nói nhiều đến sự cần thiết phải đổi
mới phong cách làm việc, tác phong công tác. Nhưng cũng từ lâu đã tồn
tại dai dẳng một tác phong cực kỳ tiêu cực, đó là tác phong nói mà không
làm. Chúng ta thử điểm lại những nghị quyết hay quyết định từ hơn một
thập kỷ lại đây. Biết bao vấn đề chúng ta đã đề ra như là những yêu cầu
cấp bách, nghị quyết sau tiếp theo nghị quyết trước, mà cuối cùng, việc
tổ chức thực hiện vẫn không đưa lại hiệu quả gì hoặc chỉ đưa lại hiệu
quả không đáng kể. Nhiệm vụ đề ra càng cấp thiết thì tổ chức thực hiện
càng chậm chạp. Do vậy, nói đến tác phong công tác, thì trước hết, phải
nói đến phong cách lời nói đi đôi với việc làm, nói là làm, nói ít làm
nhiều. Cần lên án cái tác phong xấu xa nói mà không làm, phải bài xích
nó, xóa bỏ nó đi.
Trong nghiên cứu khoa học, phải xây dựng phong cách
học đi đôi với hành, lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Có học hàm học
vị để đánh giá trình độ của cán bộ là cần thiết. Nhưng cần phải đấu
tranh kiên quyết chống lại lối học "khoa cử", chỉ biết chạy theo và coi
trọng văn bằng học vị mà coi nhẹ thực hành, coi nhẹ kỹ thuật và công
nghệ. Bởi vì, nền kinh tế và xã hội của nước ta sẽ tiến lên nhanh hay chậm là tùy thuộc ở chỗ khoa học thông qua kỹ thuật và công nghệ, thông qua các hình thức và phương pháp quản lý đã tác động như thế nào vào
nền sản xuất, vào mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội. Hơn nữa, chỉ
có gắn liền với thực tiễn thì khoa học mới có thể phát triển được. Khoa
học phải trở thành "một chức năng của quá trình sản xuất", "nền sản
xuất, trở thành phạm vi ứng dụng của khoa học, thành một nền sản xuất
khoa học thực nghiệm sáng tạo ra của cải vật chất".2
Từ một nền sản xuất nhỏ lạc hậu, lao động phần lớn
mang tính chất thủ công, tiến thẳng lên CNXH, chúng ta không chỉ thiếu
một cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH – một nền công nghiệp sản xuất lớn
hiện đại, mà còn thiếu cả phong cách làm việc, tác phong công tác của
con người lao động trong nền sản xuất lớn. Bởi vậy, cần phải xây dựng
cho được phong cách làm việc khoa học, tác phong công tác của giai cấp
công nhân – tác phong công nghiệp. Ra quyết định thì phải có cơ sở khoa
học, dựa vào kết quả của điều tra nghiên cứu, tránh lề thói tùy tiện.
Thực hiện quyết định thì phải có tổ chức, có kế hoạch, có kỷ luật, có
kiểm tra. Phong cách công tác mới phải coi "kỷ luật lao động là then
chốt của toàn bộ công cuộc xây dựng kinh tế của CNXH".
Đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật của chúng ta
trong hoạt động của mình, phải cùng với nhân dân lao động xây dựng nên
nếp sống mới, một nếp sống mang đầy đủ tính ưu việt của CNXH và truyền
thống tốt đẹp của dân tộc. "Sống, học tập và làm việc theo gương Bác Hồ
vĩ đại". Sống giản dị, lành mạnh; cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư.
Khoa học là bản chất của sự vật. Ngay trong cuộc sống
hàng ngày, người cán bộ khoa học phải biết tôn trọng thực chất; tránh
ba hoa, hình thức, phô trương; phải cách mạng, khoa học, trung thực,
đoàn kết. Luôn luôn đoàn kết và hợp tác, tạo điều kiện cho mọi tài năng
phát triển, nhất là đối với các cán bộ khoa học trẻ. Biết tập hợp lực
lượng và hành động thống nhất vì sự nghiệp chung, vì lợi ích chung. Đồng
thời kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ
hội trong hoạt động khoa học và kỹ thuật. Tổ chức công việc một cách
khoa học, làm việc có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất và hiệu quả
cao. Hăng say học tập và nghiên cứu, hăng say ứng dụng và triển khai vào
thực tiễn cuộc sống. "Học, học nữa, học mãi !". Học để hiểu biết và
hiểu biết là để hành động. Hành động có lý tưởng và mục đích rõ ràng:
"Vì độc lập tự do, vì CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân".
SOURCE: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ 539, THÁNG 4 NĂM 2004
0 comments:
Post a Comment