Wednesday, March 19, 2014

TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU GIỮA CHA MẸ VÀ CON: BỐ MẸ KIỆN CON BẤT HIẾU RA TÒA

BÙI NGỌC
Khi ngôi nhà chưa chuyển cho con trai sở hữu, vợ chồng ông Th. cho người khác thuê một phần, mỗi tháng trên 2 triệu đồng. Nhưng khi tin tưởng và cho con, nguồn tiền cho thuê không còn, đặc biệt là khi con trai cắt nguồn “trợ cấp” thì vợ chồng ông khó khăn, túng thiếu. Bức xúc, vợ chồng ông Th. đã khởi đơn kiện đòi lại nhà và đất của mình.
Hiếm khi chúng tôi tham dự phiên tòa dân sự bởi nó đụng chạm đến những vấn đề về đời tư của các gia đình bị đơn cũng như nguyên đơn. Thế nhưng, phiên tòa dân sự mà TAND quận Thanh Khê đưa ra xét xử vào giữa tháng 5/2009 đã gây cho tôi nhiều tò mò. Bởi đây là một sự hy hữu, hiếm có xưa nay ở TP Đà Nẵng vì nó là câu chuyện: Bố mẹ đẻ kiện con trai…
Nguyên đơn là ông Nguyễn Ngọc Th. (77 tuổi) và bà Ngô Thị C. (77 tuổi); bị đơn là anh Nguyễn Ngọc L. (47 tuổi ) và chị Vũ Thị Đ. (45 tuổi) cùng trú phường Tân Chính, quận Thanh khê.
Được biết, vợ chồng ông Th. có 9 người con cả trai lẫn gái, trong đó, Nguyễn Ngọc L. là con thứ 7 được ông bà tin tưởng, thương yêu. Do đó, khi tuổi già sức yếu, vợ chồng ông Th. quyết định trao tài sản cho vợ chồng đứa con trai mà ông bà cảm thấy tin tưởng, yêu quý này.
Để thực hiện ước nguyện cuối cùng của cuộc đời mình, ngày 7/3/2002, ông Th. và bà C. đã đến Phòng công chứng số 1 TP Đà Nẵng làm hợp đồng chuyển dịch cho nhà và đất ở của mình tại đường Lê Duẩn (mảnh đất được UBND thành phố cấp ngày 15/6/2001) cho vợ chồng anh L. và chị Đ. với nội dung hợp đồng là “cho nhận”.
Đổi lại, vợ chồng anh L. phải phụng dưỡng vợ chồng ông Th. và bà C., đồng thời chăm lo mồ mả, hương khói tổ tiên. Sau khi nhận nhà, vợ chồng anh L. đã đập nhà cũ làm nhà mới 4 tầng để buôn bán, làm ăn. Công việc hiếu nghĩa ban đầu được vợ chồng anh L. làm rất tốt. Ngoài việc chăm sóc hằng ngày, vợ chồng anh L. còn “trợ cấp” cho cha mẹ mỗi tháng 500 nghìn đồng để tiêu vặt và lo tiền xe cộ mỗi khi vợ chồng ông Th. về quê (Quảng Bình). Nhưng đến năm 2006, việc hiếu nghĩa của anh L. không còn như trước, thay vào đó là sự mâu thuẫn, cãi cọ giữa 4 người. Kéo theo đó, nguồn “trợ cấp” hằng tháng cũng không còn.
Ông Th. cho biết, trước đây, khi ngôi nhà chưa chuyển cho con trai sở hữu, ông Th. đã cho người khác thuê một phần, mỗi tháng trên 2 triệu đồng nên cũng có tiền rủng rỉnh hằng ngày. Nhưng khi tin tưởng và cho con, nguồn tiền cho thuê không còn, đặc biệt là khi con trai cắt nguồn “trợ cấp” thì vợ chồng ông khó khăn, túng thiếu. Bức xúc, vợ chồng ông Th. đã khởi đơn kiện đòi lại nhà và đất của mình.
Để làm êm ấm gia đình này, trong những năm qua, TAND quận Thanh Khê đã cử người đến tận nhà khuyên giải nhưng vẫn không thành. Họ cũng cho biết, đây là vụ án ly kỳ nhất từ trước đến nay. Một vụ án tình máu mủ. Do đó khi xét xử phải hết sức bình tĩnh, công minh và theo đạo lý mà làm.
Xem xét từ lời khai 2 phía, TAND xét thấy, đất thì có thể chia nhưng giá trị ngôi nhà đã được vợ chồng anh L. xây dựng mới nên đó là sở hữu của họ. Vì vậy, để công bằng và hợp tình hợp lý, TAND quận Thanh Khê quyết định buộc bị đơn (là vợ chồng anh L., con trai và con dâu của nguyên đơn) phải trả số giá trị quyền sử dụng đất cho nguyên đơn (là vợ chồng ông Th., cha đẻ của bị đơn) trị giá số tiền đã định giá mảnh đất là 1,010 tỷ đồng…
Đất thì có thể trả nhưng điều đáng buồn là tình cha con sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Phiên tòa kết thúc, để lại cho người tham dự phiên tòa cũng như người xét xử những nỗi buồn sâu thẳm. Đạo lý cha con của ông Th. cũng như nhiều gia đình “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong xã hội bị rạn vỡ chỉ vì chữ hiếu không được làm tròn…
SOURCE: BÁO CÔNG AN NHÂN DÂN

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code