Wednesday, March 19, 2014

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT: HỢP ĐỒNG TAY LẠI “MẠNH” HƠN “GIẤY ĐỎ”

VĂN ĐOÀN
Theo viện kiểm sát, tòa sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Chuyện nghe có vẻ trái tai trên đang xảy ra với ông R., ngụ phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.
Tranh chấp 35 m2 đất ngoài hợp đồng
Gửi thư đến Báo Pháp Luật TP.HCM, ông R. cho biết: Tháng 3-1999, ông R. có mua của ông Đ. (ngụ cùng địa phương) một miếng đất ở có diện tích gần 150 m2. Để né bớt tiền thuế, hai bên thỏa thuận không đưa 35 m2 đất phía trước nhà vào hợp đồng mua bán.
Tuy chưa đi công chứng và chưa làm thủ tục sang tên nhưng vì đã giao đủ tiền nên ông R. vẫn được ông Đ. giao đất. Sau đó, ông R. đã cải tạo lại nhà, xây tường xung quanh mà không bị gia đình ông Đ. phản đối. Năm 2000, khi nghe nói quy định thuế đã thay đổi, hai bên làm lại hợp đồng mua bán mới và lần này hai bên chỉ ghi diện tích nhà, không ghi diện tích khuôn viên đất. Đến tháng 12-2000, ông R. được UBND TP Đà Nẵng cấp “giấy đỏ” với gần 150 m2 đất.
Về phía ông Đ., sau khi bán bớt một phần đất thì ông còn lại 175 m2 đất. Năm 2007, ông Đ. và vợ là bà T. được UBND quận Thanh Khê cấp “giấy đỏ” cho phần đất này. Vụ việc tưởng êm xuôi cho đến khi ông Đ. qua đời vào đầu năm 2008. Bấy giờ, bà T. và các con đã dùng hợp đồng tay năm 1999 để khởi kiện ông R. đòi lại 35 m2 đất mà theo họ ông Đ. đã nhận dư.
Ngày 9-1-2009, TAND quận Thanh Khê mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án. Cho rằng hai bên đã mua bán không đầy đủ diện tích, TAND quận này xử buộc ông R. thanh toán cho bà T. 224 triệu đồng là giá trị của 35 m2 đất. Không đồng ý với cách xét xử nói trên, ông R. đã kháng cáo.
Sai hình thức lẫn nội dung
Ngày 12-2, VKSND TP Đà Nẵng cũng đã có văn bản kháng nghị bản án sơ thẩm với lý do TAND quận Thanh Khê có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng.
Theo VKSND TP Đà Nẵng, việc các con bà T. viết giấy ủy quyền cho bà T. khởi kiện ông R. nhưng lại không cung cấp giấy báo tử của ông Đ. là không đúng quy định. Chưa hết, án sơ thẩm của TAND quận Thanh Khê còn xác định không rõ ràng tư cách tham gia tố tụng của tám người con của bà T. khi không nêu rõ họ là đồng nguyên đơn.
Đáng nói hơn nữa, bản án sơ thẩm đã căn cứ vào hợp đồng mua bán nhà năm 1999 để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T. là không có cơ sở. Bởi lẽ hợp đồng đó không có giá trị pháp lý vì không được công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền. Hợp đồng chỉ có chữ ký của ông Đ. (đại diện bên bán) và ông R. (đại diện bên mua) mà không có chữ ký của vợ ông Đ. và vợ ông R. Ngoài ra, hợp đồng còn vi phạm quy định về hình thức khi chỉ ghi năm mà không ghi ngày, tháng.
Lại nữa, án sơ thẩm còn bỏ quên một nội dung rất quan trọng, đó là UBND TP Đà Nẵng đã cấp “giấy đỏ” cho gia đình ông R. với diện tích gần 150 m2. Khi cấp “giấy đỏ” này, UBND TP Đà Nẵng đã dựa vào biên bản xác định hiện trạng ranh giới, mốc giới thửa đất được Sở Địa chính-Nhà đất lập năm 2000 thể hiện ông R. đang sử dụng gần 150 m2 đất và không bị tranh chấp. Mặt khác, hồ sơ xin cấp “giấy đỏ” của ông Đ. lập sau đó (năm 2006) cũng thể hiện ông Đ. chỉ còn lại 175 m2 đất và không hề có 35 m2 đất tranh chấp.
Từ các sai phạm nêu trên, VKSND TP Đà Nẵng đã đề nghị TAND TP Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, bác toàn bộ đơn khởi kiện của bà T.
Tại phiên xử phúc thẩm ngày 29-6, TAND TP Đà Nẵng cho rằng án sơ thẩm đã xử đúng. Bởi lẽ ông R. không xuất trình được chứng cứ thể hiện ông đã trả tiền cho 35 m2 đất nguyên thuộc quyền sử dụng của ông Đ. Tòa phúc thẩm đã bác kháng nghị của VKSND Đà Nẵng và giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.
Theo VKSND TP Đà Nẵng, án phúc thẩm xử không hợp lý. Vì không có căn cứ để buộc ông R. phải trả lại 35 m2đất khi gia đình ông Đ. đã từ bỏ quyền sử dụng số đất này kể từ khi ký tứ cận cho ông R. làm giấy đỏ.
VKSND TP Đà Nẵng đã gửi văn bản đề nghị VKSND tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để hủy cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm trên và đình chỉ giải quyết vụ án.
HỮU KHÁ
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

THÔNG TIN CẬP NHẬT:
Ngày 26/6/2009, TAND TP Đà Nẵng đã tiến hành xét xử phúc thẩm và đã  xử buộc ông R. thanh toán cho vợ con ông Đ. 224 triệu đồng là giá trị của 35 m2 đất. Lý do: ông R. không xuất trình được chứng cứ thể hiện ông đã trả tiền mua 35 m2 đất nguyên thuộc quyền sử dụng của ông Đ.
Ngày 11/9/2009, VKSND tối cao đã có văn bản kháng nghị bản án phúc thẩm trên theo trình tự giám đốc thẩm. Theo viện này, khi làm hồ sơ xin cấp giấy đỏ, vợ chồng ông Đ. không kê khai phần đất tranh chấp. Điều này cho thấy ông Đ. đã bán số đất này cho ông R. Ông R. đã sử dụng ổn định, được cấp giấy đỏ nên việc tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm buộc ông R. trả lại cho vợ ông Đ. giá trị 35 m2 đất bằng tiền là chưa đủ căn cứ.
Ngoài ra, tòa phúc thẩm cũng đã vi phạm luật định khi không ra quyết định thành lập hội đồng định giá mà lại dùng kết quả định giá của một công ty bên ngoài với nguyên đơn để buộc ông R. thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho nguyên đơn.
HỮU KHÁ – BÁO PLTPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code