Wednesday, March 19, 2014

LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2003: NHỮNG BẤT CẬP CẦN SỬA ĐỔI

Hàng loạt bất cập của Luật Đất đai hiện hành đã được mổ xẻ tại cuộc hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức tại TPHCM vào ngày 7-3.
Đây là cuộc hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp, chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai sau gần bốn năm thực thi đạo luật này.
Quy hoạch: trùng lắp, lãng phí
Một trong những bất cập là vấn đề quy hoạch sử dụng đất. Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương phản ánh tình trạng chưa có quy hoạch vẫn tùy tiện giao đất, cho thuê đất, dẫn đến việc san lấp, xây dựng bừa bãi. Ông đề nghị cần phải có quy hoạch mới cho phép thực hiện việc giao đất, cho thuê đất và so sánh: “Ở nước ngoài, người ta làm quy hoạch, năm, bảy chục năm sau chỗ ấy trồng bông vẫn là trồng bông, chăn cừu vẫn là chăn cừu”.
Một đại diện Sở TN-MT Đồng Tháp thì bức xúc về sự thiếu “ăn rơ” giữa quy hoạch sử dụng đất và các loại quy hoạch ngành. Ông lấy ví dụ: Có xã diện tích hầu hết đất nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất không có con đường nào đi qua cả. Thế nhưng, đùng một cái trên đưa xuống kế hoạch năm 2008 làm đường cao tốc đi qua và yêu cầu thu hồi đất, khiến cho chính quyền trở tay không kịp. Ông đặt vấn đề: “Muốn làm đường phải có đất, muốn có đất phải có quy hoạch. Mà quy hoạch không có thì lấy đất đâu thu hồi?”.
Vị đại diện này cũng đề nghị nên bỏ quy hoạch sử dụng đất chi tiết của xã, phường, thị trấn vì đã có quy hoạch sử dụng đất đô thị rồi. Về vấn đề này, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương góp ý thêm quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch sử dụng đất đô thị có sự trùng lắp, nếu tách ra làm hai như hiện nay là rất tốn kém, lãng phí.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT thừa nhận có tình trạng xung đột giữa quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng.
Không có chỗ ngủ vì hạn mức đất ở
Theo đại diện Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp, các quy định về hạn điền vẫn còn rất mù mờ: “Ví dụ, tôi đã có 200 mét vuông đất ở Đồng Tháp. Vậy tôi có được lên thành phố mua nữa không? Không rõ”.
Ông Lê Hoàng Châu, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, khẳng định ngay tại TPHCM cũng từng tồn tại nhiều loại hạn điền đất ở. Chẳng hạn, trước đây quy định ở nội thành hạn mức cho mỗi hộ gia đình là 200 mét vuông, Nhà Bè 300 mét vuông và sau này khi tách ra quận 7 thì hạn mức còn lại 200 mét vuông… Hạn mức đã không lấy làm gì cao mà mới đây, để chống đầu cơ đất đai, Bộ Xây dựng lại còn đưa ra phương án giảm hạn mức đất ở xuống còn 100 mét vuông hoặc có vị đề nghị chỉ cho 30 mét vuông/người.
“Với hạn mức như vậy, một gia đình bốn người gồm hai vợ chồng và hai đứa con chỉ được ở căn hộ 120 mét vuông. Nếu căn hộ có hai phòng mà ông bà nội ngoại ở quê lên chơi chắc không có chỗ ngủ”, ông Châu nhận xét.
Khó cho doanh nghiệp
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Đặng Hùng Võ cho rằng thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai vẫn là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Đào Văn Hải, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Tiền Giang, mặc dù Luật Đất đai có đề cập đến đối tượng “người đầu tư lâu dài” nhưng cho đến nay vẫn chưa quy định cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận việc đầu tư lâu dài. Từ đó, không có cơ sở để giao đất, cho thuê đất hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây ách tắc cho nhà đầu tư.
Luật Đất đai quy định thời hạn cho thuê đất, giao đất cho tổ chức kinh tế sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối là 70 năm và khi hết thời hạn đó, nếu có nhu cầu thì người sử dụng đất phải làm thủ tục gia hạn. Tuy nhiên, luật lại không quy định thời hạn được gia hạn là bao lâu, dẫn đến lúng túng cho cơ quan thực thi.
Theo ông Hải, có một số quy định của pháp luật vẫn thể hiện sự bất bình đẳng về quyền lợi giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Ông dẫn chứng: doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện dự án được lựa chọn trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê đất hàng năm. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước chỉ được phép chọn hình thức trả tiền thuê đất hàng năm, không được phép trả tiền thuê đất một lần.
“Rõ ràng trong bối cảnh giá đất tăng cao như hiện nay thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ được lợi hơn vì hình thức trả tiền một lần tạo sự ổn định và dễ tính toán. Cách đối xử phân biệt như vậy là không phù hợp khi chúng ta đã gia nhập WTO,” ông Hải khẳng định. Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code