Wednesday, March 19, 2014

TRANH CHẤP DO VI PHẠM LUẬT CẠNH TRANH: CÔNG TY CỔ PHẦN SINH HÓA MINH ĐỨC CẠNH TRANH THIẾU LÀNH MẠNH?

NGUYỄN MINH
Với mục tiêu hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, an toàn, bền vững, những năm gần đây, các ngành chức năng tích cực tuyên truyền nông dân hạn chế sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học trong trồng trọt. Lợi dụng điều này, một số doanh nghiệp đã sản xuất phân bón giả, kém chất lượng dưới nhãn mác phân hữu cơ sinh học, đánh lừa nông dân. Vụ việc mới xảy ra tại Công ty cổ phần Sinh hóa Minh Đức ở Phú Minh (Sóc Sơn – Hà Nội) là một ví dụ.
Biến phân vô cơ thành phân hữu cơ
Năm 2006, Công ty cổ phần Sinh hóa Minh Đức tung ra thị trường sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học K-Humat 18.000ppm loại 15ml và 10ml. Điều đáng nói là loại phân này không hề có trong Danh mục các loại phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành.
Tại văn bản ngày 27/11/2006 do ông Trương Hợp Tác, Trưởng phòng Sử dụng đất và phân bón (Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và PTNT) trả lời báo Nông nghiệp Việt Nam có ghi: “Phân hữu cơ sinh học K-Humat do Công ty Minh Đức sản xuất hiện nay chưa thấy có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành kèm theo Quyết định số 40 ngày 19/8/2004; Quyết định số 77 ngày 23/11/2005; Quyết định số 55 ngày 7/7/2006”.
Cũng tại văn bản số 942 do Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc ký ngày 5/8/2008 về việc xác nhận sản phẩm phân bón K-H của Công ty cổ phần Sinh hóa Minh Đức và Công ty cổ phần Thanh Hà cho Trung tâm Thông tin doanh nghiệp cho thấy: Sản phẩm K-Humat của Công ty Minh Đức không có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam. Trong danh mục này, chỉ có sản phẩm MĐ 101 và MĐ 201HT của Công ty Minh Đức, nhưng chúng nằm trong mục phân vô cơ chứ không phải hữu cơ sinh học.
Trong Công văn số 23/CV/MĐ-2008 của Công ty cổ phần Sinh hoá Minh Đức gửi các ban ngành, ông Nguyễn Thanh Đức, Giám đốc Công ty cho rằng: “Chúng tôi không có sản phẩm nào có tên thương mại là K-H… Việc quảng cáo thành phần K-Humat 18.000ppm tuân thủ theo đúng pháp luật”. Tuy nhiên, ông Đức không biết rằng, theo quy định về nhãn mác, tên thành phần bao giờ cũng phải ghi nhỏ hơn tên thương mại của sản phẩm. Một điều nữa là trong bản tự công bố sản phẩm của Công ty Minh Đức không hề có thành phần nào là hữu cơ sinh học K-Humat.

Trong đợt kiểm tra sản phẩm Minh Đức của Đội Quản lý thị trường Phú Lương (Chi cục Quản lý thị trường Thái Nguyên – Thái Nguyên), hoá đơn bán lẻ mà Công ty cổ phần Vật tư bảo vệ thực vật Thái Nguyên cũng ghi là “Tên hàng: K-Humat 10ml”. Vậy thực chất đâu là tên thương mại của những loại phân bón do Công ty Minh Đức sản xuất?
Đúng, sai… chờ Toà
Theo nội dung Công văn số 100/CV của Hiệp hội Phân bón Việt Nam gửi các ban ngành chức năng, Công ty cổ phần Sinh hoá Minh Đức đã cố tình lách luật để lừa dối nông dân. Bên trong là phân vô cơ, nhưng bên ngoài lại dán nhãn phân hữu cơ sinh học. Ngoài ra, chữ K-H lại được in màu đỏ giống nhãn mác, bao bì của Công ty cổ phần Thanh Hà. Theo văn bản số 54 ngày 9/1/2007 do ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ký gửi Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) ghi: “Công ty TNHH Minh Đức (nay là Công ty cổ phần Sinh hoá Minh Đức – PV) đã được cấp một số bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và đã nộp đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bao bì phân bón. Tuy nhiên, mẫu bao bì phân bón lá như quý cơ quan gửi đến (tức mẫu sản phẩm K-Humat – PV) không nằm trong số trên. Trong mẫu bao bì nêu trên chỉ có phần chữ Minh Đức Co.Ltd-MĐ1 và hình logo là đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-2002-04467 ngày 29/7/2002, nhưng đơn này chưa được cấp văn bằng bảo hộ”.
Xung quanh vấn đề chữ K-H của Công ty Minh Đức và Công ty Thanh Hà cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Tại Công văn 230/Ttra của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ gửi Công ty Sở hữu trí tuệ Invenco, ông Hoàng Minh Hiền, Phó chánh thanh tra cho rằng: “Do nhãn hiệu “K-H & Hình” được bảo hộ tổng thể nên việc Công ty Minh Đức sử dụng các dấu hiệu nêu trên là không trùng và chưa tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “K-H & Hình” theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá số 68723 của Công ty Thanh Hà. Vì vậy, Công ty Minh Đức không xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hoá “K-H & Hình” của Công ty Thanh Hà…”. Tuy nhiên, cũng trong văn bản này, ông Hiền lại khẳng định: “Phần chữ “K-H” màu đỏ được trình bày nổi bật giống với cách trình bày phần chữ “K-H” của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá 68723 nên thành phần này có dấu hiệu tương tự với thành phần tương ứng của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá này”. Rõ ràng nếu không phải những người có chuyên môn thì không ai có thể tránh khỏi sự nhầm lẫn giữa hai sản phẩm của hai công ty.
Nếu K-Humat 18.000ppm của Minh Đức là tên phân bón mới thì chiếu theo Quy định khảo nghiệm, công nhận và đặt tên phân bón mới số 37 ngày 24/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tên gọi đó không có tính pháp lý. Bởi khi đặt tên phân bón mới (trước đó Công ty Minh Đức chỉ có sản phẩm MĐ 101 và MĐ 201HT), doanh nghiệp sẽ phải làm đơn Đăng ký khảo nghiệm phân bón, Chứng nhận đăng ký khảo nghiệm phân bón, Hình thức khảo nghiệm, biên bản Hội đồng nghiệm thu đánh giá… Nhưng trong buổi làm việc với Ban Thời sự – VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam), bà Nguyễn Thị Đức Dương – đại diện của Công ty Minh Đức đã không thể có được những giấy tờ này.
Rõ ràng, sự việc của Công ty Minh Đức có nhiều điều cần làm rõ. Cũng trong buổi làm việc với Ban Thời sự – VTV1, bà Dương đã không lý giải được về dòng chữ “Nguyên liệu chính được nhập khẩu từ Mỹ” như đã ghi trên bao bì, bởi không cung cấp được tờ khai hải quan, giấy thông quan cũng như hóa đơn nộp thuế nhập khẩu. Sau đó bà Dương mới thừa nhận, Công ty Minh Đức mua nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, không nhập khẩu theo lô hàng lớn nên không có những giấy tờ trên.
SOURCE: BÁO KINH TẾ NÔNG NGHIỆP
Trích dẫn từ:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code