Nhu cầu với tư cách là
một hiện tượng tâm lý của con người, nó chi phối một cách mãnh liệt đến
đời sống tâm lý nói chung, đến hành vi của con người nói riêng. Nhu cầu
được nhiều ngành khoa học nghiên cứu và ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác
nhau trong cuộc sống: Trong quản lý, kinh doanh, giáo dục… Trong tâm lý
học nhu cầu được nhiều công trình nghiên cứu đề cập tới. Ở đây tôi xin
đề cập tới vấn đề nhu cầu trong mối quan hệ với việc điều khiển hành vi
của con người.
Tại sao con người lại có hành động này chứ không phải
là hành động khác trong một số hoàn cảnh? Hành động được hình thành như
thế nào? Yếu tố gì quyết định đến hành vi của con người?
Bất cứ một hoạt động nào của con người cũng là nhằm
thỏa mãn một nhu cầu nào đó của bản thân. Nhưng nhu cầu với tư cách là
một điều kiện bên trong, là trạng thái thiếu thốn của cơ thể – trạng
thái này tự nó không gây ra bất kỳ hoạt động nào có định hướng nhất
định. Chức năng của nó chỉ giới hạn trong việc phát động những chức năng
sinh lý tương ứng và kích thích chung đối với lĩnh vực vận dụng biểu
hiện thành những cử động tìm tòi không có phương hướng. Chỉ khi nào gặp
được vật (đối tượng ) đáp ứng thì khi đó nhu cầu mới trở thành có năng
lực hướng dẫn và điều chỉnh hoạt động. Sự việc nhu cầu gặp được đối
tượng là sự việc đặc biệt lúc đó như cầu được đối tượng hóa làm cho nhu
cầu chứa đầy nội dung rút ra từ thế giới xung quanh. Chính lúc này nhu
cầu có ý nghĩa hướng dẫn hành vi hoạt động của chủ thể:
Con người là chủ thể của hoạt động, của hành vi. Con
người thực hiện: hành vi nhằm thỏa mãn nhu cầu được ý thức và hành vi
này được thực hiện trên những khách thể nhất định. Muốn hướng con người
vào một hành vi nào đó phải nghiên cứu hệ thống nhu cầu của người đó,
giúp họ ý thức được nhu cầu, tạo điều kiện cho sự gặp gỡ giữa nhu cầu và
đối tượng hay nói cách khác là phải tìm cách đối tượng hóa nhu cầu của
chủ thể.
Nhu cầu của con người theo ông Nguyễn Khắc Viện có ba loại cơ bản: nhu cầu vật chất, nhu cầu xúc cảm và nhu cầu xã hội.
Các nhu cầu vật chất: có liên quan
mật thiết đến hoạt động của cơ thể và đôi khi được mô tả như là các xung
năng (drives) sơ cấp hoặc sinh lý. Chẳng hạn như xung năng tình dục, xu
năng đói. Đó là các nhu cầu bẩm sinh. Các nhu cầu vật chất thông thường
ở người là nhu cầu về thực phẩm, phương tiện sinh sống như nước, ô xy
và nhu cầu bài tiết, quần áo và nơi che chở để bảo vệ và giữ cơ thể ấm
áp. Nhu cầu được hoạt động, hoặc được kích thích cảm giác và vận động kể
cả khoái cảm, tình dục, luyện tập thân thể và nghỉ ngơi.
Nhu cầu về cảm xúc: loại nhu cầu này
cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra động lực cho hành vi
và khi cảm xúc bị hẫng hụt thì dẫn đến hậu quả gây ra các nhiễu loạn
trong hành vi (nên chú ý khi ta muốn đề đạt vấn đề gì muốn được chấp
nhận thì phải lựa lúc, lựa lời để tăng hiệu quả). Các nhu cầu chung về
cảm xúc là: Nhu cầu về tình thương yêu của con người, sự tán thành và
kính trọng, nhu cầu được thừa nhận, nhu cầu về sự xứng đáng, nhu cầu
được cần tới và được người khác mong muốn.
Các nhu cầu xã hội: các nhu cầu xã hội và các cách thỏa mãn các nhu – cầu đó nảy sinh lừ nền văn hóa hoặc bối cảnh xã hội mà con người là
một thành viên. Các nhu cầu xã hội đan xen với các nhu cầu vật chất và
nhu cầu cảm xúc. Những nhu cầu xã hội chung là nhu cầu đồng nhất hóa hay
nhu cầu được quy thuộc một nhóm, mộthạng người nào đó: Nhu cầu giáo
dục, nhu cầu theo tôn giáo, nhu cầu giải trí… Các nhu cầu xã hội cũng
như các nhu cầu khác được đáp ứng trong tác động qua lại với những người
gần gũi, các thành viên của cộng đồng, các nhóm xã hội cũng như gia
đình.
Các nhu cầu đan xen nhau phụ thuộc lẫn nhau quan hệ
qua lại với nhau tới mức trong thực tế chúng không thể tách rời được
nhau, chúng như một dịch lỏng và luôn luôn thay đổi. Có cái khởi sự bằng
nhu cầu được thoả mãn bằng cách cùng chia sẻ món thức ăn đã trở thành
lễ nghi như là tượng trưng cho sự tôn trọng: Chẳng hạn việc đưa đồ giải
khát mời khách biểu thị lòng mến khách của người phương Nam, việc mời
trầu hay một món ăn nào đó biểu thị sự kính trọng của người phương
Đông.. Một số món ăn nào đấy, một số cách nấu nướng nào đấy, một cách
phục vụ nào đấy cả cách ngồi ăn, tập quán ăn uống được nhận biết cùng
với nền văn hóa.
Chúng ta có thể chia nhu cầu con người dựa theo các tiêu chuẩn khác nhau
Căn cứ vào đối tượng có hai loại nhu cầu: Nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần.
Nhu cầu vật chất là nhu cầu cơ bản bảo đảm
sự tồn tại của con người: Nhu cầu thức ăn thức uống, nhà cửa, quần áo…
Nhu cầu vật chất được phát triển cùng sự tiến bộ của xã hội,
Nhu cầu tinh thần được nảy sinh trên cơ sở
của nhu cầu vật chất và được nhu cầu vật chất nuôi dưỡng. Nhu cầu tinh
thần làm cho nhu cầu vật chất biến dạng cao thường phức tạp thêm lên.
Nhu cầu tinh thần cũng vô cùng đa dạng: Nhu cầu học tập, nhu cầu làm
khoa học nghệ thuật, chính trị, nhu cầu công bằng xã hội…
Nhu cầu tính thần phát triển không ngừng. Việc tìm cách thỏa mãn các nhu cầu ngây càng cao làm cho xã hội phát triển.
Xét về mức độ ta có thể chia nhu cầu trên ba mức độ:
Thứ nhất: Lòng mong muốn, ở mức độ này con người còn giữ được ý thức sáng suốt, động cơ còn trong sáng, nhân cách còn trọn vẹn.
Thứ hai: Tham, đến mức độ cả tham ý thức bắt đầu lệch lạc và thiếu sáng suốt cho nên con người hoạt động rất tích cực và. mang tính ích kỷ.
Thứ ba: Đam mê, ở mức độ
này nhân cách bị tha hóa hoàn toàn, mất hẳn ý thức, có nhiều hoạt động
thiếu sáng suốt đến mức mất hẳn tính người, hoạt động điên cuồng, rồ dại
và độc ác
Nhu cầu của con người không phải là cái bất di bất
dịch mà nó rất năng động, biến đổi thường xuyên song sự vận động và biến
đổi của nhu cầu cũng tuân theo một số quy luật nhất định.
Quá trình thỏa mãn nhu cầu của con người thông thường
trải qua ba giai đoạn hay ba trạng thái: Lúc chưa được thỏa mãn thì háo
hức, mong ước do đó thúc đẩy con người hoạt động tìm tòi để lấy cân
bằng. Muốn điều khiển hành vi của con người nên đánh vào những nhu cầu
đang ở giai đoạn này. Khi đang chiếm lĩnh đối tượng để thỏa mãn nhu cầu
thì con người có trạng thái khoan khoái dễ chịu, ngây ngất sung sướng.
Khi đã lấy được cân bằng, nhu cầu đã được thỏa mãn cực độ bão hòa thì có
tâm trạng chán chường. Lúc này đối tượng mất hết ý nghĩa. Nếu đánh vào
những nhu cầu ở giai đoạn này thì không có ý nghĩa gì. Nhưng nếu có đối
tượng mới sẽ kích thích nhu cầu mới và nhu cầu mới sẽ nổi lên, hoạt động
mới sẽ xuất hiện. Vì vậy nhu cầu con người là bất tận.
Nhu cầu với tư cách là trạng thái có thể có nhiều đối
tượng để thỏa mãn cũng như nhiều con đường để thỏa mãn song chủ thể sẽ
chọn đối tượng nào có thể đem lại lợi ích nhất và tạo nên khoái cảm
nhiều nhất cho chủ thể. Đây là một điểm rất đáng chú ý trong vấn đề điều
khiển hành vi con người.
Hầu hết mỗi người có một hệ thống nhu cầu.
Khi nhu cầu này được thỏa mãn thì nhu cầu khác trở nên bức thiết và cấp
bách hơn (trước đó có thể là thứ yếu). Con người không bao giờ thỏa mãn
được cùng một lúc mọi nhu cầu. Khi những điều mong ước trước đây đã
được giải quyết thì những điều mong lược mới sẽ phát sinh. Nhu cầu mong
ước của con người là vô tận. Muốn điều khiển hành vi của con người cần
xác định thời điểm đó nhu cầu nào đang nổi lên, đang trở nên cấp bách
nhất đối với con người đó để có những tác động thích hợp.
Mọi nhu cầu đều được cụ thể hóa thành xu hướng: Xu
hướng là khuynh hướng, là hệ thống nhu cầu được phản ánh vào hứng thú,
ước mơ, lý tưởng. Hệ thống nhu cầu này nó quy định xu hướng của con
người. Xu hướng thường được biểu hiện ra ở các mặt như hứng thú, ước mơ,
lý tưởng.
Hứng thú là sự xuất hiện cảm xúc
trong nhu cầu, là sự chú ý đặc biệt của con người đến một hay vài đối
tượng nào đó, là sự khát khao muốn tiếp cận để đi sâu tìm hiểu. Hứng thú
rất phong phú đa dạng và nó đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động
của con người. Trước tiên nó tạo ra khát vọng tìm hiểu đối tượng từ đó
mà điều chỉnh hành vi cử chỉ, ý nghĩa tình cảm của con người theo một
hướng xác định. Như thế thông qua hứng thú ta biết được những nhu cầu
nào đang nổi lên đang cấp thiết gắn với chủ thể. Và thông qua việc tác
động vào những nhu cầu đó tạo nên hứng thú. Ở con người điều khiển hành
vi cần con người.
Ước mơ: ước mơ là những nhu cầu đã
được con người ý thức và cụ thể hóa theo một khuynh hướng nhất định. Đó
là những mong ước được phản ánh thành những hình ảnh khá sinh động, tạo
thành động cơ thúc đẩy con người hoạt động mãnh liệt. ước mơ rất phong
phú đa dạng: ước mơ nhỏ bé như ước mơ có cái áo đẹp, ước mơ có nhà cao
cửa rộng. Ước mơ cao đẹp như ước mơ thành nhà bác học, phi công…
Lý tưởng là hình ảnh của hiện thực và là hệ thống biểu tượng về một cái gì đó mà con người và xã hội cần vươn tới.
Mọi hành vi, cử chỉ, ý nghĩ của con người bị điều
chỉnh bởi lý tưởng. Lý tưởng được hình thành và phát triển trên cơ sở
của niềm tin. Niềm tin là hệ thống nhận thức rõ các nhu cầu của con
người tạo thành nhân sinh quan, thế giới quan.
Khi nghiên cứu hệ thống nhu cầu ở mọt người hoặc một
nhóm, một tầng lớp cần phải nghiên cứu điều kiện xã hội, điều kiện kinh
tế, phong tục tập quán, đặc điểm tâm lý… của họ. Chính những điểm đó quy
định hệ thống nhu cầu của con người. Thường thì con người thực hiện một
hành vi nào đó là để thoả mãn một hệ thống nhu cầu.Trong hệ thống nhu
cầu đó có những nhu cầu cấp thiết hơn nó thúc đẩy mạnh mẽ con người tới
hành vi và ta gọi những nhu cầu đó là nhu cầu nổi trội.
Nhu cầu nổi trội hiện diện ngay trong hứng thú, ước
mơ và lý tưởng nhưng vẫn có lúc nó tiềm ẩn và nếu được đánh thức thì nó
lại tạo nên những hứng thú ước mơ và thôi thúc con người hành động. Nhu
cầu nổi trội, nó nổi lên trên cái nền là hệ thống các nhu cầu khác xin
chú ý là nhu cầu nổi trội đóng vai trò động. Không có nhu cầu nào luôn
luôn là nhu cầu nổi trội cả. Trong cùng một hệ thống nhu cầu sống ở hoàn
cảnh này nhu cầu này là nhu cầu nổi trội, ở hoàn cảnh khác nó lại trở
nên thứ yếu và nhường chỗ cho nhu cầu khác. Trong một loạt khách thể
tương đồng thì chủ thể hay chọn một khách thể nào đáp ứng một cách tốt
nhất nhu cầu nổi trội (tất nhiên khách thể đó phải đáp ứng cả hệ thống
nhu cầu). Muốn tác động vào con người để điều khiển hành vi của họ trong
một hoàn cảnh nào đó phải xác định hệ thống nhu cầu họ có thể có trong
hoàn cảnhđó và điều quan trọng nhất là xác định nhu cầu nổi trội để kế
hoạch tác động thích hợp.
Qua phân tích trên ta thấy việc nghiên cứu nhu cầu ở
con người với tư cách là một hiện tượng lâm lý có một ý nghĩa rất lớn
lao đối với việc điều khiển hành vi của con người nên trong công tác
tuyên truyền quảng cáo, trong công tác quản lý cần phải có những
kiếnthức về nhu cầu của con người phải biết phương pháp xác định và nắm
bắt nhu cầu của con người, phải biết được ý nghĩa của từng nhu cầu đối
với từng con người cụ thể trong những hoàn cảnh xác định.
SOURCE: TẠP CHÍ TÂM LÝ HỌC (SỐ PHÁT HÀNH CHƯA XÁC ĐỊNH)Trích dẫn từ: http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Con-Nguoi/Nhu_cau_va_dieu_khien_hanh_vi/2.viePortal
0 comments:
Post a Comment