THIÊN LONG
Bản án có vấn đề
Năm 1987, anh Hồ Văn Phước (SN 1962) kết hôn với chị
Trần Thị Tuyết Sương (SN 1966). Năm 2000, 2 vợ chồng có một con chung
tên là Hồ Phước Thắng. Năm 2001, hai vợ chồng vay mượn rất nhiều tiền để
mua một nhà máy xay lúa cũ với giá 70 triệu đồng và sắm sửa nhiều tài
sản. Quá trình chung sống, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn. Anh Phước đã bỏ
nhà ra đi trong một thời gian dài, sau đó lại về nhà. Đến tháng 10.2004
thì vợ chồng chính thức ly thân. Trong thời gian anh Phước bỏ đi sống ở
bên ngoài với người khác (lời chị Sương kể), chị Sương, một mình tần
tảo kinh doanh để trả khoản nợ chung của vợ chồng trên dưới 250 triệu
đồng. Đến khi mẹ con chị Sương ăn nên làm ra, mua sắm nhiều tài sản có
giá trị cũng là lúc anh Phước trở về nhà yêu cầu ly hôn và chia tài sản.
Quá trình xét xử, TAND tỉnh Kiên Giang xác định, tổng
giá trị tài sản chung của 2 vợ chồng là 1.015.000.000 đồng, bao gồm:
nhà máy xay lúa trị giá: 400 triệu đồng; Nhà ở, nhà kho, nhà xe: 200
triệu đồng; Đất thổ cư: 195,6 m2: 120 triệu đồng; 6030 m2 đất ruộng: 80
triệu đồng; 30.001 m2: 150 triệu đồng; đất vườn 750 m2 (hai bên thoả
thuận cho con nên không tính giá trị). Bản án số 27 ngày 28.9.2007
tuyên: anh Phước – chị Sương mỗi người được hưởng 482.500.000 đồng. Về
tổng số tiền nợ của hai người là 255 triệu đồng, mỗi người phải có trách
nhiệm trả một nửa; Buộc chị Sương thanh toán số nợ 230 triệu đồng cho
chủ nợ Kim Lê (150 triệu đồng và Minh Hội: 80 triệu đồng).
TANDTC ra quyết định kháng nghị
Dường như thấy bản án dân sự phúc thẩm số 27/HNPT
ngày 28.9.2007 của TAND tỉnh Kiến Giang có vấn đề, nên VKSND tỉnh Kiên
Giang đã làm đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm bản án này gửi lên
VKSNDTC. Theo đó, việc chia đôi giá trị tài sản cho anh Phước và chị
Sương như TAND tỉnh Kiên Giang là không xem xét cụ thể đến công sức đóng
góp của chị Sương trong việc nâng cấp, duy trì và phát triển khối tài
sản chung của anh chị. TAND tỉnh Kiên Giang khi xét xử chỉ xác định tổng
giá trị tài sản đã thoả thuận được để chia hai mà không xem xét quyền
lợi chính đáng của chị Sương là chưa thoả đáng. Mặt khác, trong các
khoản nợ được chị Sương khai thì có số nợ đất của ông Hội là 150 triệu
đồng trước đây anh Phước chỉ thừa nhận 70 triệu đồng là nợ chung, còn 80
triệu đồng chị Sương tự trả. Do số nợ này chị Sương đã vay nợ chỗ khác
khi mua đất, cho nên tại phiên toà phúc thẩm chính chủ toạ phiên toà đã
động viên và anh Phước thống nhất số nợ 80 triệu đồng còn lại sẽ cùng có
trách nhiệm trả. Nhưng bản án phúc thẩm khi tuyên chỉ chấp nhận 70
triệu đồng nợ ông Hội là của chung, còn 80 triệu đồng chị Sương phải
trả. Trong khi bút ký phiên toà (bút lục số 556) số tiền 150 triệu đồng
của ông Hội, anh Phước, chị Sương đồng ý mỗi bên trả 75 triệu đồng. Như
vậy, theo VKSND tỉnh Kiên Giang, bản án phúc thẩm số 27 của TAND tỉnh
Kiến Giang tuyên là hoàn toàn trái với diễn biến tại phiên toà ngày
28.9.2007.
Ngày 20.2.2009, TANDTC đã ra Quyết định kháng
nghị số 40 đối với bản án dân sự phúc thẩm số 27/2007/DSPT ngày
28.9.2007 của TAND tỉnh Kiên Giang. TANDTC xét thấy anh Phước chỉ yêu
cầu chia giá trị đất nền của nhà ở, nhà xe và nhà kho nhưng Toà án cấp
sơ thẩm và cấp phúc thẩm lại chia đôi toàn bộ nhà ở, nhà xe, nhà kho và
các tài sản khác là không đúng, gây thiệt hại đến quyền lợi của chị
Sương. Khoản nợ 150 triệu đồng chị Sương vay của bà Triệu Kiêm Lê, Toà
sơ thẩm, phúc thẩm xác định khoản nợ trên là nợ riêng, để buộc chị Sương
trả là không đủ căn cứ và không chính xác…, Do vậy, TANDTC quyết định
kháng nghị phần chia tài sản khi ly hôn tại bản án dân sự phúc thẩm số
27 của TAND tỉnh Kiên Giang, đề nghị toà Dân sự TANDTC xét xử giám đốc
thẩm huỷ phần chia tài sản khi ly hôn tại bản án dân sự sơ thẩm số
29/2007 ngày 2.7.2007 của TAND huyện Châu Thành và huỷ phần chia tài sản
khi ly hôn tại bản án dân sự phúc thẩm nên trên; giao hồ sơ vụ án cho
TAND huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm lại theo quy định
của pháp luật.
SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT
Trích dẫn từ:
0 comments:
Post a Comment