THANH HẢI
Bệnh viện lẫn thân nhân
của “người chết” đều có lỗi nên mới dẫn đến cớ sự. Qua nhiều trở ngại,
cuối cùng cô P. cũng được xóa tên khỏi sổ khai tử và xin nhập hộ khẩu
trở lại. Hơn sáu năm nay, bà Nguyễn Thị G. (phường 25, quận Bình Thạnh,
TP.HCM) loay hoay chạy tới lui làm thủ tục xin nhập lại hộ khẩu cho con
gái của bà đã bị cắt hộ khẩu trước đây. Vướng mắc bắt nguồn từ khi con
gái của bà bị khai tử từ năm 1998 bất thình lình trở về nhà vào tháng
12-2002.
Nhận diện nhầm
Theo trình bày của bà G., con gái bà là HTNP (năm nay
47 tuổi) bị bệnh tâm thần, đi lạc từ năm 1997. Đến tháng 1-1998, bà G.
nhận được tin báo tại Bệnh viện An Bình có phụ nữ vô danh chết. Do xác
của người này đã bị thiêu nên bà không trực tiếp nhận diện con được mà
chỉ nhận diện qua ảnh chụp xác chết. Thấy giống cô P. nên gia đình đã
nhận giấy báo tử của Bệnh viện An Bình và làm thủ tục khai tử cho cô P.
tại UBND phường 25 (quận Bình Thạnh).
Tháng 12-2002, bà G. bất ngờ nhận được tin báo của
Bệnh viện Tâm thần tỉnh Dăk Lăk đề nghị bà liên hệ với bệnh viện để nhận
cô P. về. Gia đình bà khấp khởi mừng thầm đến nhận con nhưng lần này bà
đã cẩn thận đề nghị bệnh viện cung cấp các giấy tờ chứng minh con mình
đã được điều trị nhiều năm tại đây. Sau khi xác định đúng là cô P., bà
G. đưa con về nhà chăm sóc đến nay. Tuy nhiên, từ khi trở về, cô P.
không có giấy tờ tùy thân và sống tại địa phương với hồ sơ pháp lý là đã
chết. Gia đình bà G. nhiều lần làm đơn gửi công an quận xin nhập lại hộ
khẩu cho cô P. nhưng đều bị từ chối với lý do cô P. đã được khai tử từ
năm 1998.
Quên kiểm tra dấu vân tay
Phòng Tư pháp quận Bình Thạnh lúng túng trước trường
hợp của cô P. Do đó, Phòng Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp TP.HCM hướng dẫn
về trình tự, thủ tục, thẩm quyền hủy bỏ giấy khai tử cấp sai trước đây
đối với trường hợp “người chết trở về” khá hy hữu này.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Điều 81 Bộ luật Dân sự
quy định trường hợp thân nhân có thể yêu cầu tòa án tuyên bố một người
là đã chết khi người đó mất tích lâu năm. Nếu người được tuyên bố là đã
chết trở về thì họ có quyền yêu cầu tòa hủy quyết định tuyên bố đã chết
(Điều 83). Tuy nhiên, trường hợp cô P. không thuộc diện tuyên bố đương
sự đã chết mà là do báo tử nhầm, dẫn đến khai tử nhầm theo. Hiện pháp
luật chưa có quy định cụ thể về trường hợp này. Tuy nhiên, có thể áp
dụng điều khoản tương tự để hủy giấy chứng tử và cho đương sự nhập hộ
khẩu trở lại.
Luật sư Hậu cho rằng ở đây, Bệnh viện An Bình đã bỏ
qua một thủ tục khá quan trọng đối với trường hợp người chết vô danh là
trước khi thiêu, chôn cất… bệnh viện phải báo để công an lấy dấu vân tay
người chết lưu lại hồ sơ. Khi đối chiếu với kho tàng thư chứng minh
nhân dân của Công an TP sẽ biết ngay đó có phải là cô P. hay không. Thực
tế ai là người đã chết và được thiêu lần đó thì không thể xác định
được.
Xóa tên người sống khỏi sổ khai tử
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó phòng Hộ tịch-Lý lịch tư
pháp-Quốc tịch (Sở Tư pháp TP), cho biết Sở phải đề nghị Công an TP kiểm
tra lại dấu vân tay của người trở về. Sau khi mời cô P. đến lấy dấu vân
tay, đối chiếu với tàng thư, Công an TP đã có văn bản xác nhận hai dấu
vân tay là của cùng một người. Do đó, Sở Tư pháp đề nghị Phòng Tư pháp
quận Bình Thạnh hướng dẫn UBND phường 25 ra quyết định thu hồi bản chính
lẫn bản sao giấy chứng tử của cô P., đồng thời xóa tên cô P. khỏi sổ
khai tử năm 1998, tạo điều kiện cho cô P. làm thủ tục nhập hộ khẩu trở
lại.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment